âm nhạc và đời sống
Danh mục
Âm nhạc và đời sống
NỘI DUNG

    Qrtv giới thiệu: Mùa Xuân sắp tràn về khắp muôn nơi, Mùa xuân mang đến cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ  những xúc cảm trào dâng một mạch nguồn nhựa sống. Những rung động ấy là động lực khơi gợi sức sáng tạo để các nhạc sĩ dâng tặng cho đời những tác phẩm tươi mới về mùa xuân đất nước.

Với chủ đề “ GÕ CỬA MÙA XUÂN”, kính mời quý vị cùng lắng lại lòng mình để thưởng thức câu chuyện về tình yêu và mùa xuân qua các nhạc phẩm được xếp vào ca khúc tân nhạc  nổi tiếng đã đi cùng năm tháng. Chương trình được phát sóng vào lúc 16 h 30 ngày chủ nhật 26/12/2022 và phát lại vào những ngày tiếp theo.

 

         

            CHƯƠNG TRÌNH ÂM NHẠC VÀ ĐỜI SỐNG

                   ( 26/12/2022)- Chủ đề “ Gõ cửa mùa xuân”               

                                      Lời xướng + Nhạc hiệu chương trình

Kính chào quý vị và các bạn, quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình “Âm nhạc và đời sống” phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị vào ngày chủ nhật hàng tuần.

MC: Kính thưa quý vị và các bạn. Trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, thì mùa Xuân khởi nguồn của sự sống, là kết tinh của những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất được khai mở trong một năm mới. Và đó cũng là mạch nguồn khơi gợi cảm xúc sáng tạo của các văn nghệ sĩ, trong đó có các nhạc sĩ sáng tác. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ: ““Mùa Xuân đến thì ai cũng thấy tâm hồn rạo rực. Bao giờ Mùa Xuân cũng mang đến cho con người một niềm hy vọng, một sự vui vẻ, ấm áp và chính vì thế, ca khúc về mùa xuân rất nhiều và nhiều bài hay”

MC: Vâng, Mùa Xuân sắp tràn về khắp muôn nơi, Mùa xuân mang đến cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ  những xúc cảm trào dâng một mạch nguồn nhựa sống. Những rung động ấy là động lực khơi gợi sức sáng tạo để các nhạc sĩ dâng tặng cho đời những tác phẩm tươi mới về mùa xuân đất nước, về tình yêu giữa con người với con người và là tiếng nói kết nối thế giới, cùng nhau hướng tới sự phát triển phồn thịnh.

Với chủ đề “ GÕ CỬA MÙA XUÂN” trong chương trình hôm nay, kính mời quý vị cùng lắng lại lòng mình để thưởng thức câu chuyện về tình yêu và mùa xuân qua các nhạc phẩm được xếp vào ca khúc tân nhạc  nổi tiếng đã đi cùng năm tháng.

 Nhạc cắt + Lời xướng mục “ Thanh âm của yêu thương

1/ Kỹ thuật mở bài hát “ Xuân họp mặt ” của Nhạc sỹ Văn Phụng do ca sỹ Lê uyên  thể hiện

MC: Kính thưa quý vị và các bạn. Những khuôn mặt tiêu biểu trong dòng tân nhạc Việt Nam bấy giờ như Văn Cao, Văn Phụng, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Thương, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn- Từ Linh, Nhật Bằng trong nhiều sáng tác của mình đều để lại dấu ấn trong ca khúc về xuân.

MC: Vâng, Nhạc sĩ Văn Phụng, tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội. Ông là tác giả của những bài hát trữ tình nổi tiếng thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam. Ca khúc “ Xuân họp mặt” của ông đã chinh phục được số đông người nghe nhạc và trở thành cái tên đáng chú ý trong giới yêu nhạc. Ca khúc này gắn liền với tên tuổi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Thái Thanh, Ánh Tuyết. Ca sỹ nữ Lê Uyên là một trong những ca sỹ sau này thể hiện rất tốt tác phẩm, mà chúng ta đã vừa nghe.

MC: Vâng Mùa xuân trong Xuân họp mặt đó là sự ấm cúng đoàn tụ và sự chia tay, ngóng đợi. Tất cả như là sự tất yếu. Bởi vậy giai điệu cuốc sống là một sự da diết

Mời quý vị và các bạn quay lại chủ đề thụy du trong mùa xuân qua những ca khúc tiêp ngay sau đây.

1/ Kỹ thuật mở bài hát “ Khúc nhạc ngày xuân” của Nhật Bằng, Hồng Nhung thể hiện.

MC:Thưa quý vị và các bạn, quý vị và các bạn vừa nghe xong một ca khúc hay của nhạc sỹ tân nhạc Nhật Bằng về mùa xuân, Hồng Nhung là một giọng ca chắc nhiều người hâm mộ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đều biết.

MC: Vâng, Tác phẩm Khúc Nhạc Ngày Xuân, một sáng tác nổi tiếng về mùa xuân của nhạc sĩ Nhật Bằng. Vào năm 1950, Nhật Bằng một mình từ Thanh Hóa trốn gia đình về Hà Nội và tiếp tục theo học tại trường Hàn Thuyên. Năm sau, ông cùng với các em thành lập ban hợp ca Hạc Thành, hoạt động với tính cách tài tử cho đến 3 năm sau mới trình diễn chính thức trên sân khấu và trên đài phát thanh trong chương trình do ông phụ trách. Trong thời gian ở Hà Nội, Nhật Bằng đã tung ra khá nhiều nhạc phẩm và bài hát Khúc Nhạc Ngày Xuân cũng ra đời từ đó.

MC: Vâng, Hạ đã qua với những tia nắng cuối cùngkhông còn đậm vị, mùa này Ô Thước bắc cầu, mùa này Ngưu Chức gặp nhau nên cái hanh hao bỗng dưng nặng trĩu khi con ngõ thân quen lấm tấm những hạt mưa ngâu réo rắt. Những giọt nước mắt hạnh phúc, những giọt nước mắt tái ngộ của một tình yêu bất diệt bỗng dưng khơi gợi lên chút ghen hờn cợt đùa những kẻ cô đơn.

MC: Vâng Mùa này nỗi nhớ phiêu linh, lòng người như có gió lùa trôi không hạn định. Nắng lang thang hoang hoải lạc đường tìm riêng hạnh phúc, để lại con phố bơ vơ, để lại phố vắng thẫn thờ với cái tiết trời mây đan kín lối, lạnh run run gõ nhịp ân tình, người lặng thinh mơ về một ngày nắng ấm trời xanh.

Tiếp ngày sau đây mời quý vị và các bạn tiếp tục đến với một thanh âm của mùa xuân qua ca khúc “ Gửi người em gái “của nhạc sỹ Đoàn Chuẩn- Từ Linh qua tiếng hát của nam ca sỹ Quang Dũng.

2, Kỹ thuật mở ca khúc “ Gửi Người em gái “của Đoàn chuẩn- Từ Linh, ca sỹ Quang Dũng. ( lưu ý phát 1 lần, không phát hát lại lần 2)

MC: Có những khúc xuân ca, khi hát lên, chúng ta lại nôn nao nhớ về kỷ niệm của  ngày Tết xưa cũ. Thế nhưng, "Gửi người em gái " lại đem đến cho chúng ta một giai điệu hoàn toàn khác, nỗi nhớ xa xăm, bâng khuâng, đầy hoài niệm khi bóng xuân đã về đến bên thềm. Được biết rằng đây là tình khúc duy nhất về mùa xuân của “nhạc sĩ mùa thu” - Đoàn Chuẩn - khiến không ít người nao lòng mỗi dịp Tết đến, xuân về.

MC: Vâng, Không rộn ràng, hân hoan như các ca khúc về mùa xuân thông thường vốn thế, Gửi người em gái của cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sau nhiều năm qua đi, vẫn khiến chúng ta nao lòng trong khoảnh khắc Tết đến, xuân về.

                     Nhạc cắt + Lời xướng mục “ Tác giả và Tác phẩm”

(  Kỷ thuật viên phát bài hát “ Tháng ba Tây nguyên” nhạc Văn Thắng, ca sỹ Lan Anh – Đăng Dương thể hiện, ( lưu ý phát 1 lần, không phát hát lại lần 2)

MC:  Kính thưa quý vị. Quý vị vưa nghe ca sĩ Lan Anh và Đăng Dương thể hiện ca khúc Tháng ba Tây Nguyên của nhạc sĩ Văn Thắng. Thưa quý vị. Chính thiên nhiên định ra cái tháng Ba ấy và con người theo đó mà để tình cảm mình nảy nở, công việc và lễ hội cứ thế diễn ra. Hẳn không có tháng Ba Tây Nguyên đó nếu không có những con ong đi lấy mật, con voi xuống sông hút nước, có những dấu chân rùa dẫn mẹ tìm nấm mối, con hổ báo để cha dạy con trai phóng lao bảo vệ cuộc sống của mình.

MC: Thiên nhiên sinh sôi nảy nở trù phú và con người có anh có em, có mẹ có cha và con cái. Thoạt nghe bài hát này ta ngạc nhiên lại có bài hát hay và đẹp cả nhạc lẫn lời lại đồng điệu với Tây Nguyên. Có lẽ đất nước mình còn có nhiều những vẽ đẹp nguyên sơ như thế mà mình phải tường tận.

 Trích đoạn nhạc “ Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước. Mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy cài chông.

Tháng ba sớm sớm mẹ ra rừng theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối. Chiều chiều cha chọn một góc vườn dạy con trai phóng lao trị hổ báo”

MC: Vẫn biết Tây Nguyên giàu có những lễ hội nhưng lễ hội giữa một rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ, chim muông cất cánh rợp trời, sông từng đàn cá lội bơi... ấy là một cảnh tượng hoàn toàn khác. Người ta không thể không lâng lâng trong một khung cảnh như vậy. Và khi vui người ta ca hát nhảy múa và sống trong lễ hội... Tháng ba, tháng khởi điểm của mùa xuân - mùa trời đất giao hòa, mùa lộc non hé mở, mùa ăn chơi, mùa lễ hội của con người…

MC: Vâng Và mỗi lần nghe câu hát ấy, trong tôi luôn vang những tiếng chiêng, trống hào hùng, rộn ràng của lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ đâm trâu… với những tiếng trống, nhịp chiêng ché rượu say nghiêng ngả cả đất trời.Những hình ảnh nhà dài, nhà rông, nhà mồ đặc trưng luôn khát khao vẫy gọi khách phương xa hãy một lần đặt chân tới, tự mình chiêm ngưỡng và cảm nhận.

Trích đoạn nhạc: “ Tháng ba rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ, làng buôn vang tiếng chiêng múa hát, bầy chim muông cất cánh rợp trời, sông từng đàn con cá lội bơi.

Tháng ba tay em dệt khăn hồng theo cánh chim trời cho người em mến. Chiều chiều anh dựng lại nếp nhà phòng khi qua những đêm ngày giông bão.

MC: Nhắc đến Tây Nguyên là nhắc đến một vùng đất cao nguyên đầy nắng gió, đầy cỏ dại. Khi mùa hoa rừng nở bạt ngàn trên dãy Trường Sơn, cũng là mùa con ong đi tìm hoa làm mật, mùa phát nương làm rẫy, khi lúa bắp bắt đầu cựa mình nảy mầm, cũng là mùa bắt cá, soi ếch, đi săn của người Tây Nguyên. Và nhà thơ Thân Như Thơ, nhạc sỹ Văn Thắng những chiến sỹ gắn bó với mảnh đất Tây nguyên đã thây được miền sâu thẳm không gian ấy,mà tạo nên một tác phẩm để đời.

MC: Vâng, Đến Tây Nguyên, để được đắm mình trong không gian sử thi hào hùng, gợi nhớ tới một chàng tù trưởng Đăm San mạnh mẽ, phóng khoáng và can đảm, dám vượt đại ngàn để tìm bắt nữ thần Mặt Trời về làm vợ, tượng trưng cho khát khao sức mạnh và sự tự do của con người nơi đây. Có thể chính trường ca Đăm San là cảm hứng cho những lời hát phóng khoáng, đắm say:

Trích đoạn nhạc: Tháng ba người tây nguyên chan chứa tình, con tim xao xuyến đôi môi hé cười, tháng ba mùa núi rừng sôi sục, tháng ba mùa hạnh phúc Tây Nguyên, ôi tháng ba tô thắm cuộc đời.

MC: Tháng 2 âm lịch, hoa vông hoa gạo còn ủ lửa trong những cành khô già nua xù xì để đúng hẹn cháy hết mình cùng tháng ba... Tháng ba Tây Nguyên. Tháng ba hoa cà phê nở trắng. Tháng ba ngày nắng đêm lạnh giá hơi sương. Tháng ba nhức nhối màu đất đỏ bazan và màu đỏ như những trái tim hồng cháy bỏng của hoa gạo, hay được gọi bằng một cái tên gọi kiêu sa khác: Mộc miên...

MC: Vẫn là thế, mỗi lần nghe Tháng ba Tây Nguyên, ta lại cháy bỏng ước mơ một lần được đến mảnh đất thân thương ấy. Và dù tháng ba Tây Nguyên đã ngập tràn nắng ấm, không còn cái lạnh giá của mùa đông, tôi vẫn mơ cho Tây Nguyên có được cái rét nàng Bân diệu kỳ, để mảnh đất này thêm phần thi vị. Tháng ba rồi, người sẽ là vạt nắng cuối cùng của mùa xuân, hay người sẽ gửi những niềm riêng chưa từng thổ lộ qua cái rét nàng bân sắt se đương còn ngập ngừng ngoài ấy!? Không biết nữa, có lẽ phải đợi ngày lên…

(  Kỷ thuật viên phát bài hát “ Tháng ba Tây nguyên” nhạc Văn Thắng, ca sỹ Lan Anh – Đăng Dương thể hiện   

                         Xướng và nhạc cắt mục “ Câu chuyện âm nhạc”

          ( Kỷ thuật viên phát bài hát “ Bến xuân” nhạc Văn Cao, ca sỹ Đức Tuấn thể hiện MP3) 

(Kỷ thuật lưu ý chèn ghép nhạc nhẹ nhàng với giọng đọc 2 PTV)

MC: Bài hát Bến Xuân là một trong những nhạc phẩm hay nhất trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao và của nền tân nhạc Việt Nam.  Ca khúc được sang tác vào năm 1942 , Ra đời đã hơn 70 năm, cho đến hôm nay, ca khúc này vẫn không hề cũ mà vẫn vẹn nguyên chất lãng mạn, thơ mộng, mới mẻ qua giọng hát của nhiều thế hệ nghệ sĩ.

MC: Vâng, Người con gái trong Bến Xuân ấy chính là nữ ca sĩ Hoàng Oanh, hoa khôi đất cảng Hải Phòng những năm đầu thập niên 1940. Trái ngược với hoàn cảnh nghèo khó, lay lắt của gia đình Văn Cao, cô tiểu thư Hoàng Oanh sinh ra một trong gia đình quyền quý, giàu có; vừa xinh đẹp lại vừa có giọng hát ngọt ngào khiến bao chàng trai si mê, đeo đuổi.

MC: Trong những người theo đuổi, si mê Hoàng Oanh thời điểm bấy giờ có cả hai người bạn âm nhạc thân thiết của Văn Cao khi đó là nhạc sĩ Hoàng Quý và ca sĩ Kim Tiêu. Vốn tính cách nhút nhát, lại bị kẹt trong thế là cố vấn tình yêu cho hai người bạn thân, vốn đã nhiều lần nhờ Văn Cao làm thơ để tặng cho Hoàng Oanh, chàng nhạc sĩ Văn Cao dù cũng đã trúng phải tình yêu sét đánh với người đẹp ngay từ lần đầu gặp gỡ đầu tiên, vẫn chưa một lần dám hé lộ lòng mình. Tuy nhiên, là một người yêu âm nhạc, Hoàng Oanh từ chỗ yêu thích, say sưa với các sáng tác của chàng nhạc sĩ trẻ đã dần trở nên cảm mến và dành cho Văn Cao một tình cảm đặc biệt.

MC: Một lần nọ, người bạn của Văn Cao ngỏ ý tính chuyện lâu dài với Hoàng Oanh. Vốn sẵn có tình cảm với Văn Cao, lại biết Văn Cao cũng thầm để ý mình nhưng nhút nhát không dám tỏ ý, Hoàng Oanh trốn gia đình, một mình tìm đến nhà Văn Cao để xác nhận tình cảm của chàng nhạc sĩ.

MC: Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không khí ngượng ngùng, bẽn lẽn, cô gái xấu hổ không dám đề cập gì, chỉ trông chờ chàng nhạc sĩ ngỏ ý nhưng chàng nhạc sĩ cũng chỉ dám đáp lại bằng vẻ thẹn thùng, rụt rè vốn có. Con trai trưởng nhạc sĩ Văn Cao sau này tiết lộ: “Bên cạnh sự nhút nhát. Lúc đó gia đình ông bà nội đang nghèo, bố tôi lại chưa có điều kiện kinh tế để lấy vợ, lại là đến với con gái một nhà giàu có nên có thể ông sợ”.

MC: Những cảm xúc tơ vương đẹp đẽ ấy ùa vào âm nhạc, tạo nên những giai điệu tình tự, nhẹ nhàng, lãng mạn, mỹ miều bậc nhất trong âm nhạc Việt – ca khúc Bến Xuân có lẽ là bức tranh mùa xuân đẹp nhất, “tiên cảnh” nhất, dịu dàng, lãng mạn nhất trong âm nhạc Việt, dù là trong cảnh sắc reo vui, tươi thắm khi nàng xuân tới hay trong cảnh sắc tiêu điều, sầu muộn, nhớ thương thì vẫn đẹp, vẫn cuốn hút một cách lạ lùng.

MC: Mối duyên tình giữa Văn Cao và Hoàng Oanh dù chẳng thể đi đến đâu, dù chưa từng ngỏ lời ngỏ ý vẫn luôn là một giai thoại đẹp, lấp lánh, trinh nguyên trong lòng người hâm mộ qua nhạc phẩm Bến xuân, một nhạc phẩm bất hủ của tân nhạc Việt.

Nhạc phẩm Bến xuân từ khi ra đời được rất nhiều giọng ca nổi tiếng chọn lựa thể hiện, nổi bật nhất phải kể đến tiếng hát của nữ ca sĩ Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thanh, sau này có giọng ca nam trẻ Đức Tuấn,

Chương trình “ Âm nhạc và đời sống’ của Đài PTTH Quảng Trị đến đây kết thúc, chương trình do Việt Hà biên tập. Đỗ Hằng và ……… xin kính chào quý vị và trước khi chia tay xin kính mời quý vị nghe lại ca khúc “ Bến xuân” sáng tác Cố nhạc sỹ Văn Cao, qua giọng hát của ca sỹ Đức Tuấn.

          ( Kỷ thuật viên phát bài hát “ Bến xuân” nhạc Văn Cao, ca sỹ Đức Tuấn thể hiện) 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 23/12/2022 14:39 Lê Vĩnh Nhiên 23/12/2022 14:59
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà