Tạp chí DTMN số 1 tháng 10
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí DTMN ngày 1.10.2023

Dẫn 1: Kính chào đồng bào và các bạn! Cảm ơn đồng bào và các bạn đang theo dõi chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin chuyển đến quý vị và các bạn những nội dung đáng chú ý sau:

-        Chú trọng công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động thanh niên miền núi ở quảng Trị

-        Xóa đói giảm nghèo cho các xã miền núi huyện Vĩnh Linh

-        Nói không với túi ni lon trong trường học

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình, kính mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi.

CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ VÀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CHO THANH NIÊN MIỀN NÚI Ở QUẢNG TRỊ

Thưa đồng bào và các bạn! Miền núi Quảng Trị có nhiều tiềm năng đất đai và lao động. Tuy nhiên, những năm qua, lao động vùng núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thiếu việc làm và tiềm năng đất đai vẫn chưa được khai thác tốt. Vấn đề này bắt nguồn từ việc đồng bào dân tộc thiểu số trình độ dân trí, trình độ lao động thấp, không tổ chức được sản xuất hoặc có tổ chức sản xuất thì hiệu quả cũng thấp. Để tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, khai thác tốt tiềm năng đất đai, những năm qua, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã có nhiều chính sách đào tạo nghề và xuất khẩu lao động cho người dân vùng núi, đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nếu như trước đây, người dân khu vực nông thôn, miền núi thường lựa chọn những lớp dạy nghề truyền thống như học may, học nấu ăn, trồng trọt, chăn nuôi…thì hiện người dân lại lựa chọn các ngành nghề theo nhu cầu của thực tế, những nghề thị trường lao động đang cần, vì vậy các trung tâm GDNN-GDTX phải cập nhật, đào tạo thêm nhiều nghề mới cho người lao động . Tại bản Chùa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, gần 20 học viên được tham gia khai giảng  lớp kỹ thuật xây dựng do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cam Lộ tổ chức. Đây là nghề mới gắn với nhu cầu của thị trường nên hầu hết các học viên đều mong muốn học xong sẽ sớm có việc làm, có thu nhập để ổn định cuộc sống cũng như lo cho gia đình.

Anh Hồ Văn Mường

Bản Chùa, xã Cam Tuyền, Cam Lộ,  Quảng Trị

( Trên địa bàn của mình, hiện tại lao động chủ yếu là đi bóc vỏ tràm, nay được sự quan tâm của xã phối hợp với trung tâm GDNN – GDTX mở lớp kỹ thuật xây dựng thợ nề tôi rất là vui vì đây là đây là nghề mới nhằm nâng cao nhận thức , mở rộng thêm cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động)

Công tác đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và miền núi là một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Tại xã Cam Tuyền, thời gian gần đây khi cây dược liệu được quy hoach, tập trung phát triển thì chính quyền địa phương cũng đã tăng cường các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân nắm bắt các quy trình về trồng, chăm sóc, thu hoạch để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, nhà xưởng. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Chị Hồ Thị Hiền

Xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị

Ông Nguyễn Anh Tuân

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, Cam Lộ, Quảng Trị

Tỉnh Quảng Trị có hai tộc người thiểu số là Vân Kiều và Pa Cô với gần 57.000 người, tập trung chủ yếu ở hai huyện Hướng Hóa, Đakrông và một số xã, thuộc huyện Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh có đất đai rộng lớn, màu mỡ, điều kiện khí hậu tương đối ôn hòa, có nguồn lao động khá dồi dào, thuận lợi để phát triển đa ngành, đa nghề. Tuy nhiên, bao đời nay, người dân tộc thiểu số ở Quảng Trị sống chủ yếu dựa vào nương rẫy canh tác lạc hậu, cùng với địa hình miền núi rộng nhưng giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố không đều, đời sống người dân còn thiếu thốn, giáo dục, y tế chậm phát triển, phương tiện thông tin đại chúng chưa đầy đủ nên hiểu biết của người dân còn hạn chế, nhất là kiến thức về phát triển sản xuất. Do đó, tình trạng lao động thiếu việc làm, thất nghiệp, đói nghèo dẫn đến các tệ nạn xã hội xảy ra nhiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh Hồ Văn Hùng

Thôn A Rồng Dưới, xã A Ngo, Đakrông, Quảng Trị

 (Do không có nghề ổn định nên tôi cũng như nhiều thanh niên ở xã thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn. Có gia đình thiếu việc làm, thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Đáng buồn hơn là tình trạng thanh niên rảnh rỗi, tụ tập uống rượu, điều khiển xe máy chở vượt số người quy định, gây mất trật tự, nguy hiểm đến tính mạng... Tôi mong muốn có nghề nghiệp để có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững)

Xác định đào tạo nghề lao động nông thôn, trong đó ưu tiên hàng đầu cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế xã hội ở vùng núi, những năm qua, các huyện miền núi của tỉnh tích cực khắc phục những khó khăn, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề. Để tăng hiệu quả công tác đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, Huyện ủy, UBND các địa phương ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển ngành nghề cho người lao động. Đồng thời, thay đổi tư duy đào tạo nghề cho đồng bào. Ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề thì huyện còn chú trọng hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nông dân sản xuất giỏi, các nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao để việc học nghề có thể tự nhân rộng.

Bên cạnh đào tạo nghề, công tác xuất khẩu lao động cũng được các địa phương quan tâm, hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, vì vậy các địa phương đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thanh niên, chuẩn bị tốt các điều kiện để xuất khẩu lao động. Đã nhiều năm nay gia đình bà Hồ Thị Hòa, thôn Cợp, xã A Bung cứ luẩn quẩn trong nghèo khó, năm 2022 con trai bà hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương và đã đăng kí tham gia xuất khẩu lao động. Hiện tại con trai bà đã có việc làm ổn định và gửi tiền về cho gia đình. Từ việc người con trai đầu đi xuất khẩu lao động hiệu quả, bà đã vận động, khuyến khích con trai thứ 2 đi xuất khẩu lao động theo anh. Với bà, đó là con đường duy nhất giúp gia đình thoát nghèo.

Bà Hồ Thị Hòa

Thôn Cợp, A Bung, Đakrông, Quảng Trị

( Trước đây các con ở nhà đi làm không có gì, giờ có cháu đi làm ở nước ngoài cũng ổn rồi, 2 tháng gửi về 15 triệu, cứ gửi về đều như vậy. Cháu thứ 2 cũng đã đăng ký để học tiếng chuẩn bị xuất khẩu lao động như anh. Gia đình muốn các cháu có công việc và thu nhập ổn định để thoát nghèo)

Theo kế hoạch trong năm 2023 huyện miền núi Đakrông đẩy mạnh xuất khẩu lao động, phấn đấu đưa 60 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung chủ yếu ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong đó, ưu tiên các đối tượng lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu đặt ra đã đạt và vượt, điều này cũng đã cho thấy sự thay đổi rất lớn trong hướng lựa chọn nghề nghiệp của người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Đăng Sơn

Phó Chủ tịch UBDN huyện Đakrông, Quảng Trị

Thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”; Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2010 - 2020 và Chỉ thị 04 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 - 2021, hai huyện Đakrông và Hướng Hóa đều đã xây dựng và triển khai thực hiện các đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; hằng năm 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông ban hành nghị quyết phát triển kinh tế xã hội, trong đó có chỉ tiêu cụ thể về đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Trong 5 năm qua, toàn huyện Hướng Hóa đã có hơn 400 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm một bộ phận khá đông.  Với lực lượng lao động dồi dào, có sức khỏe nhưng thiếu vốn, thiếu nghề, cộng với trình độ văn hóa thấp, nhận thức về hướng đi cho tương lai chưa rõ ràng... dẫn đến nhiều thanh niên rơi vào tình trạng thất nghiệp, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, khiến họ không thể thoát khỏi cuộc sống nghèo khó. Vì thế, xuất khẩu lao động chính là cơ hội để lao động, thanh niên nông thôn, miền núi có việc làm ổn định và cần có chính sách ưu tiên để xuất khẩu lao động đạt chất lượng.

 Anh Nguyễn Mười Năm

Trưởng thôn Thuận 4, Xã Thuận, Hướng Hóa, Quảng Trị

Ông Hồ Văn Vinh

PBT TT Huyện ủy Hướng Hóa, Quảng Trị

 Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi trong thời gian tới hiệu quả hơn, các địa phương tiếp tục thực hiện một số giải pháp chủ yếu: đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả, đào tạo nghề theo nhu cầu người học, nhu cầu của thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Chú trọng dạy nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ. Tập trung dạy nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu lao động của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, xuất khẩu lao động và chuyển nghề; tổ chức dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Có thể khẳng định, công tác đào tạo nghề cho lao động tỉnh Quảng Trị những năm qua đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, chất lượng lao động ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Xóa đói giảm nghèo cho các xã miền núi huyện Vĩnh Linh

Thưa đồng bào và các bạn! Trong tiến trình thực hiện Nghị quyết số 26/NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2012, huyện Vĩnh Linh đã ban hành Đề án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho các bản có tỉ lệ hộ nghèo cao ở xã Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê giai đoạn 2012-2015 (Đề án 1695). Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Trị ban hành đề án xóa đói, giảm nghèo nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững cho các xã miền núi trên địa bàn.

Cuối tháng 6/2022, xã Vĩnh Hà đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng bởi Vĩnh Hà là 1 trong 3 xã miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Vĩnh Linh và là địa phương đầu tiên trong Đề án 1695 về đích nông thôn mới. Hiện GRDP bình quân đầu người toàn xã đạt 37,1 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%; dân cư 5/5 thôn đã xây dựng được nhà kiên cố và bán kiên cố. Không những xóa được nhà tạm bợ mà nhờ đời sống đi lên, người dân biết quan tâm đến việc chỉnh trang khuôn viên nhà ở, xây dựng cổng, tường rào, mái che; xây dựng đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. So với thời điểm khi bắt tay xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 1/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới quốc gia thì kết quả trên là sự đổi thay vượt bậc.

Ông Hồ Vót

Xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh, Quảng Trị

Thực hiện Đề án 1695, địa phương đã lồng ghép, huy động được nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân. Các mô hình hỗ trợ về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật của huyện đã tiếp thêm động lực cho các hộ gia đình vươn lên phát triển kinh tế. Những năm gần đây, trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định.

Ông Hồ Văn Van

Vĩnh Hà, Vĩnh Linh, Quảng Trị

Ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Vĩnh Linh đã xác định hướng đi rất rõ ràng, lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá từ đó làm nền tảng cho việc thực hiện các tiêu chí khác. Theo đó, các địa phương đã ưu tiên phát triển ngành nghề, các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương ….Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung vào công tác quy hoạch, chú trọng dồn điền đổi thửa. Huy động sức dân để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đóng góp công xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi….

Phát huy thế mạnh của địa phương vùng núi, những năm trở lại đây, mô hình phát triển kinh tế ở xã Vĩnh Khê đa dạng hơn qua việc đầu tư tăng diện tích trồng rừng, chăn nuôi trồng trọt, người dân cũng đã biết làm ăn kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình. Xác định người dân đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, do đó công tác tuyên truyền để cho đồng bào dân tộc nơi đây hiểu được chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng chính là vấn đề quan trọng. Từ đó người dân ở vùng núi có ý thức hơn trong việc tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tham gia các phong trào văn hóa, tạo điều kiện để con cái học hành là những tiêu chí cần sự nỗ lực của chính mỗi một người dân.

Ông Hồ Văn Toàn

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Bốn tiêu chí còn lại mà chưa đạt trong đó có tiêu chí về hộ nghèo thì hiện nay hộ nghèo ở xã Vĩnh Khê còn 32 hộ, hộ cận nghèo còn 26 hộ, trong năm chúng tôi cũng sẽ phấn đấu để đạt được tiêu chí này, còn về tiêu chí nhà ở thì xã Vĩnh Khê còn tồn tại 14 hộ nhà ở tạm bợ và gần 30 hộ nhà ở đã xuống cấp. Để giúp Vĩnh Khê về đích nông thôn mới đúng tiến độ, quá trình phấn đấu cũng như chủ trương đầu tư của cấp trên chúng tôi tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân sẽ đầu tư thêm hỗ trợ cho 14 hộ nhà ở tạm bợ hiện tại)

Trong các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh thì xã Vĩnh Ô là địa phương có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nhất, địa hình đồi núi dốc, chia cắt, đời sống của đồng bào Vân Kiều nơi đây gặp nhiều khó khăn thiếu thốn. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã Vĩnh Ô đã kiên trì, vượt khó để phấn đấu đạt các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2024. Qua rà soát theo bộ tiêu chí và hướng dẫn của cấp trên. Đến nay xã Vĩnh Ô đã đạt 13/19 tiêu chí. Một số tiêu chí còn lại hiện nay đang tập trung chỉ đạo thực hiện, phấn đấu năm 2023 và cuối năm 2024 sẽ hoàn thành đó là: Tổ chức sản xuất; trường học; môi trường. Đặc biệt, một số chỉ tiêu xóa nhà ở tạm bợ dột nát, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo sẽ được địa phương quan tâm lồng ghép các chương trình dự án như chương trình mục tiêu Quốc gia vùng đồng bàodân tộc thiểu số; Nghị quyết của HĐND tỉnh; Đề án phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện Vĩnh Linh giai đoạn 2021- 2025. Vì hiện tại Vĩnh Ô còn 71 nhà ở đột nát cần phải hỗ trợ xây dựng. Thu nhập bình quân vẫn còn hạn chế.

Ông Hồ Văn Đàn

Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô, Vĩnh Linh, Quảng Trị

( UBND xã đã triển khai đồng bộ, giao từng cơ sở, thôn bản để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ cấu các giống cây trồng vật nuôi, đảm bảo đời sống của bà con nhân dân. Về cơ sở vật chất xây dựng nhà ở đảm bảo cho bà con, đây là mục tiêu của xã  Vĩnh Ô để đến cuối năm 2024 về đích nông thôn mới)

Từ đầu năm 2022 đến nay, từ các nguồn huy động, huyện Vĩnh Linh đã hỗ trợ xây mới, nâng cấp, xóa được 65 nhà ở tạm bợ cho hộ nghèo thuộc vùng dân tộc thiểu số 3 xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với tổng kinh phí 4,55 tỉ đồng. Vĩnh Linh phấn đấu năm 2023 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn trợ giúp, xóa thêm 30% số lượng nhà ở tạm bợ còn lại. Từ đó, góp phần cải thiện điều kiện sinh sống cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa thu nhập thấp không có khả năng xây mới, sửa chữa nhà ở.

Ông Hồ Văn Khon

Bản 6, Vĩnh Ô, Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà ở, gia đình tôi rất vui mừng phấn khởi. Bây giờ về mùa mưa không lo đột ướt, thật sự an toàn rồi. Tôi rất vui, xin cám ơn)

Tổng nguồn lực đầu tư cho 3 xã miền núi của huyện Vĩnh Linh trong việc thực hiện đề án phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững qua 3 giai đoạn tính đến năm 2022 gần 97 tỉ đồng (giai đoạn 2012-2015 trên 29 tỉ đồng; giai đoạn 2016-2020 trên 47,5 tỉ đồng; kế hoạch thực hiện năm 2022 gần 20 tỉ đồng). Số hộ nghèo của 3 xã được hỗ trợ mô hình kinh tế từ đề án là 970 hộ, trong đó, giai đoạn 2012-2015 là 370 hộ; giai đoạn 2016-2020 là 556 hộ; năm 2022 là 44 hộ. Từ năm 2012 đến 2020 các hộ được hỗ trợ chia thành nhiều lượt.

Tuy tỉ lệ hộ nghèo ở các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh hàng năm giảm, diện mạo nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc nhưng đây vẫn là “vùng trũng” của địa phương. Để hoàn thành thắng lợi những mục tiêu đặt ra trong đề án phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra. Đây là bài toán khó, đòi hỏi địa phương cần có những quyết sách đúng đắn và hành động quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Hương

PBT Huyện ủy Vĩnh Linh, Quảng Trị

Huyện Vĩnh Linh đề ra mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2024. Vậy nên giai đoạn 2021-2025 được coi là giai đoạn nước rút để các xã miền núi về đích, hòa vào hành trình xây dựng NTM của huyện. Trong thời gian tới, các xã miền núi của huyện Vĩnh Linh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm cao nhận thức, tính tự giác chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân. Đồng thời tập trung xây dựng các sản phẩm thế mạnh của địa phương và tổ chức thành lập hợp tác xã để bà con có cơ hội hợp tác, tạo ra những sản phẩm mang tính hàng hóa, bán ra thị trường, nâng cao thu nhập. Vĩnh Linh đang tập trung, huy động nguồn lực của toàn xã hội để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững cho các xã miền núi trên địa bàn, phấn đấu đạt được mục tiêu mà đề án đã đề ra.

Trường học miền núi nói không với túi nilon

Thưa đồng bào và các bạn! Thực hiện Kế hoạch của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa về triển khai hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường và quy trình xử lý rác thải trong các cơ sở giáo dục mầm non giai đoạn 2023 – 2026, năm học mới 2023 – 2024, trường Mầm non Xy đã tích cực thực hiện với phong trào “Trường học nói không với túi nilon”.

Năm học mới này, chị Hồ Thị Vên ở thôn Troan La Reo, xã Xy, huyện Hướng Hóa đã dần quen với việc bỏ những đồ dùng hằng ngày của con em mình vào những chiếc túi xách bằng vải do Trường Mầm non Xy tặng. Những chiếc túi xách được thiết kế nhỏ gọn, tiện lợi, trang trí bắt mắt, đang dần trở thành những vật dụng thay thế cho những chiếc túi nilon.

Chị Hồ Thị Vên

Thôn Troan La Reo, Xã Xy, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Trước đây, tôi thường bỏ đồ dùng của con vào những chiếc túi nilon. Từ khi được nhà trường tuyên truyền và tặng túi xách bằng vải này, tôi đã sử dụng nó từ đầu năm học này. Tôi thấy việc làm này rất thiết thực, góp phần bảo vệ môi trường)

Để thực hiện tốt phong trào “Trường học nói không với túi nilon”, trước thềm năm học mới, Trường Mầm non Xy đã kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ vải thổ cẩm, huy động ngày công của phụ huynh và giáo viên nhà trường may túi xách tặng trẻ. Bước vào năm học 2023 – 2024, trường đã trang bị cho gần 100 trẻ lớp lớn 5,6 tuổi với gần 100 túi xách bằng vải. Bên cạnh đó, nhằm hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, nhà trường đã trang bị các thùng rác có màu sắc khác nhau kèm hướng dẫn, ký hiệu để trẻ làm quen với việc phân loại rác thải… Đây là những hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa của nhà trường để không chỉ xây dựng ý thức, thói quen tích cực cho trẻ mà còn góp phần chung tay với cộng đồng để bảo vệ môi trường.

Bà Đỗ Uyên Thiên Minh

Hiệu trưởng Trường Mầm non Xy, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Thực hiện phong trào “Nói không với túi nilon”, nhà trường đã triển khai đến tận cán bộ, giáo viên, nhân viên và tuyên truyền đến từng phụ huynh tất cả các điểm trường trong nhà trường. Đến thời điểm này, nhà trường đã kêu gọi các mạnh thường quân, tổ chức may túi vải cho 73 cháu lớp lớn của 3 điểm trường. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục nhân rộng mô hình bằng việc triển khai các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm trong cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và vận động các nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ. Qua đó, làm cho phong trào phát huy hiệu quả và tạo môi trường ngày càng an toàn, lành mạnh cho trẻ).

“Nói không với túi nilon” thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường đang được Trường Mầm non Xy tích cực thực hiện. Hành động nhỏ nhưng giá trị lớn, phong trào đã không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà được nhà trường thông qua bằng những việc làm thiết thực trong lớp học. Để thực hiện phong trào một cách có hiệu quả, Trường Mầm non Xy đã và đang tăng cường tổ chức đa dạng hóa các hoạt động bằng những hành động cụ thể, để “Nói không với túi nilon” sẽ trở thành thói quen của mỗi học sinh, phụ huynh, lan tỏa trong cả cộng đồng và thực sự có tác động tích cực tới đời sống con người.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 27/09/2023 11:19 Đỗ Hoài Đức 27/09/2023 11:19
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà