Phát thanh Tạp chí Dân tộc và Miền núi số 16
Danh mục
Khác
NỘI DUNG

PHÁT THANH TẠP CHÍ DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI 13/6

QRTV giới thiệu: Chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị được phát sóng vào lúc 17h, ngày 13/6/2023 và được phát lại vào lúc 10h30 ngày 14/6/2023 sẽ gửi đến đồng bào và quý vị các bạn những nội dung sau:

Ghi nhận từ sự kiện truyền thông và giao lưu sáng kiến các Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi (CoC).

Nhân rộng các mô hình nông, lâm nghiệp có hiệu quả ở huyện miền núi Hướng Hóa.

Người thanh niên Vân Kiều khởi nghiệp thành công từ nghề mộc.

Kính mời đồng bào và các bạn cùng quan tâm đón nghe.

2MC xen kẽ:

MC: Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang nghe Tạp chí dân tộc và miền núi được phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình ngày hôm nay, chúng tôi xin chuyển đến đồng bào và các bạn những nội dung sau:

Ghi nhận từ sự kiện truyền thông và giao lưu sáng kiến các Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi (CoC).

Nhân rộng các mô hình nông, lâm nghiệp có hiệu quả ở huyện miền núi Hướng Hóa.

Người thanh niên Vân Kiều khởi nghiệp thành công từ nghề mộc.

Sau đây là nội dung chi tiết của chương trình. Mời đồng bào và các bạn cùng đón nghe.

Nhạc cắt

(Ghi nhận từ sự kiện truyền thông và giao lưu sáng kiến các Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi)

 

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Nằm trong khuôn khổ Dự án “Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại Quảng Trị”, vừa qua Hội LHPN tỉnh Quảng Trị phối hợp với Plan International tại Quảng Trị tổ chức “Sự kiện truyền thông và giao lưu sáng kiến truyền thông của câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi (CoC)” cấp tỉnh cho gần 300 học sinh từ 11-18 tuổi, đến từ các câu lạc bộ (CLB) CoC ở 5 xã gồm xã Thuận, Thanh, Húc, A Dơi, Xy của huyện miền núi Hướng Hóa. Hoạt động nhằm giúp các bạn học sinh, thanh thiếu niên tự tin và trang bị đầy đủ kiến thức về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và xoá bỏ tảo hôn, giảm thiểu tình trạng học sinh đặc biệt là học sinh nữ bỏ học. Đây cũng là dịp để khuyến khích các bạn thể hiện những mong muốn, suy nghĩ của bản thân, thông qua các sáng kiến truyền thông về các chủ đề xóa bỏ tảo hôn, phòng chống bạo lực nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến cộng đồng các nội dung liên quan đến bình đẳng giới cũng như nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái miền núi.

Sau đây là một số ghi nhận của phóng viên Quách Long, mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe.

    MC:  CoC hay còn gọi là Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là một trong những nội dung sinh hoạt nhằm thúc đẩy sự tham gia chủ động, có ý nghĩa của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 11 – 18. Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được thành lập nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ chính quyền cùng các ban, ngành địa phương, Nhà trường và cha mẹ thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bên cạnh đó, giúp các em biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi trong cách nghĩ, cách học, cách làm trong cuộc sống; dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu không còn phù hợp trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Các thành viên câu lạc bộ sẽ là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, mạnh dạn lên tiếng dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu, có hại trong đời sống. Nằm trong khuôn khổ hoạt động của các CLB, những ngày này, các nhóm truyền thông của các CLB đang tất bật chuẩn bị nội dung cho sự kiện truyền thông và giao lưu sáng kiến truyền thông của CLB CoC, được tổ chức tại xã Thuận, huyện Hướng Hóa.

     Ngày từ sáng sớm, các nhóm truyền thông của các CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi (CoC) ở các xã Xy, A Dơi, Húc, Thanh, Thuận đã có mặt đông đủ tại sân trường THCS xã Thuận. Ngoài các thành viên của CLB còn có đông đảo chị em phụ nữ, thanh niên địa phương và các bạn học sinh. Để chuẩn bị cho sư kiện truyền thông này, các em đã đầu tư rất kỹ các nội dung từ các tiết mục văn nghệ chào mừng đến những nội dung thuyết trình, hình ảnh minh họa, hình thức trình bày và thông điệp muốn truyền tải. Đây là các sáng kiến truyền thông về vấn đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và xoá bỏ tảo hôn, được trình bày bằng tranh vẻ, các bài viết, video clip kết hợp với thuyết trình. Tại đây, các em đã chia sẻ, trình bày những mong muốn, quan điểm của bản thân, trưng bày các sản phẩm truyền thông về vấn đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và xóa bỏ tảo hôn, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh các chủ đề của buổi giao lưu, được đại diện các cơ quan chức năng giải đáp thỏa đáng. Các sản phẩm truyền thông sau khi được trình bày ở đây sẽ tiếp tục được sử dụng, truyền thông rộng rãi tại các hoạt động của các CLB CoC nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về vấn đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và xoá bỏ tảo hôn trong học sinh và cộng đồng, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm.

     Nhiệm vụ của CLB là xác định các vấn đề liên quan đến bạo lực giới còn tồn tại trong trường học và trong cộng đồng; truyền lửa, khuyến khích, động viên học sinh và người dân ở cộng đồng tích cực tham gia phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và vấn đề tảo hôn; thảo luận và xây dựng các sáng kiến truyền thông và khuyến khích các trẻ em khác cùng đưa ra sáng kiến truyền thông. Buổi giao lưu được dẫn dắt hoàn toàn bởi học sinh của các trường học trên địa bàn, qua đó bồi dưỡng thêm sự tự tin, hiểu biết cho các em về những vấn đề xã hội đang diễn ra.

Em Hồ Thị Thí

CLB CoC trường TH&THCS bán trú Húc, Hướng Hóa chia sẻ.  (Băng PV)

Em Hồ Thị Hương

CLB CoC trường THCS Thuận, Hướng Hóa chia sẻ thêm. (Băng PV)

 

     Với mục tiêu hỗ trợ trẻ em, thanh niên và đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên được sinh ra, lớn lên khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần, giúp các em có thể chủ động quyết định tương lai của chính bản thân, tổ chức Plan đã đồng hành cùng với Hội LHPN tỉnh Quảng Trị và các sở ban ngành, chính quyền địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của người dân miền núi, các hoạt động đã góp phần thay đổi về nhận thức, hành vi của người dân cải thiện về kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện nội dung hợp tác giữa Hội LHPN tỉnh Quảng Trị với tổ chức Plan Quốc tế Bỉ và Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam; hướng tới mục tiêu trẻ vị thành niên và thanh niên, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 11-24, được nâng cao vị thế kinh tế và xã hội để học tập và phát triển trong một môi trường bảo vệ và các em không còn phải chịu bất kỳ hình thức bạo lực nào trong cuộc sống, trong trường học và tại cộng đồng; Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Plan Quảng Trị triển khai Chương trình “Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Trị”, tại địa bàn 5 xã: A Dơi, Xy, Thanh, Thuận, Húc huyện Hướng Hóa từ năm 2022-2026. Nằm trong khuôn khổ của chương trình, “Sự kiện truyền thông và giao lưu sáng kiến truyền thông của CLB CoC” cấp tỉnh tại xã Thuận, huyện Hướng Hóa. Hoạt động nhằm giúp các bạn học sinh, thanh thiếu niên tự tin và trang bị đầy đủ kiến thức về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và xoá bỏ tảo hôn, giảm thiểu tình trạng học sinh đặc biệt là học sinh nữ bỏ học. Đây cũng là dịp để khuyến khích các bạn thể hiện những mong muốn, suy nghĩ của các bản thân, thông qua các sáng kiến truyền thông thể hiện ở báo ảnh, video... về các chủ đề xóa bỏ tảo hôn, phòng chống bạo lực nhằm tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến toàn bộ học sinh, thanh thiếu niên, phụ huynh, cộng đồng về ý nghĩa hoạt động.

 

Chị Lê Hồng Giang

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa cho biết. (Băng PV)

 

     Sự kiện truyền thông và giao lưu sáng kiến truyền thông của CLB CoC là một sân chơi lí thú cho các bạn học sinh, mở đầu một mùa hè vui tươi, bổ ích. Thông qua hoạt động của chương trình, các sản phẩm truyển thông về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và xoá bỏ tảo hôn, các bậc phụ huynh, các em học sinh, thanh thiếu niên sẽ tiếp cận một cách hiệu quả nhất các kiến thức, kỹ năng về ứng phó, phòng tránh bạo lực, xóa bỏ rào cản, định kiến giới; các em học sinh sẽ chủ động trong dẫn dắt buổi truyền thông, làm tiền đề cho việc các em chủ động tổ chức các hoạt động trong thời gian tới. Bên cạnh đó thông qua sự kiện này, giúp các em học sinh trong CLB có thêm sự tự tin, kiến thức, trải nghiệm và tích cực đóng góp ý kiến xây dựng CLB, từ đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh và người dân trên địa bàn các xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa về vấn đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và xóa bỏ tảo hôn, từng bước giảm thiểu tình trạng học sinh, đặc biệt là học sinh nữ bỏ học. Đồng thời góp phần cùng Hội LHPN các cấp và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát trên tần số 92,5 mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

(Nhân rộng các mô hình nông, lâm nghiệp có hiệu quả ở huyện miền núi Hướng Hóa)

 

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Trong những năm qua, Từ nguồn vốn các Chương trình, dự án và sự đóng góp của người dân, huyện Hướng Hóa đã tập trung triển khai một số mô hình nông, lâm nghiệp hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi cây trồng, con nuôi có giá trị cao. Thay đổi tập quán canh tác theo lối truyền thống sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, giống mới. Gắn sản xuất với thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Phóng viên Quách Long có một số ghi nhận cụ thể trong phóng sự sau. Mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe.

    MC: Từ 12ha chanh leo đầu tiên năm 2018 do Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Công ty Nafoods Tây Bắc triển khai. Đến nay diện tích trồng chanh leo toàn huyện đã đạt gần 100 ha, trong đó có 17 ha theo hình thức liên kết với Công ty Nafoods Tây Bắc. Nhìn chung cây sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Năng suất bình quân đạt từ 15 – 18 tấn/ha. Theo đánh giá, mô hình đã mang lại hiệu quả khá cao so với các loại cây trồng khác. Với giá bán trung bình từ 15.000 đồng/kg, ước tính một ha trồng chanh leo cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí người trồng có lãi từ 70 – 100 triệu đồng/ha.

Bà Dương Thị Thanh

Thôn Phùng Lâm, Hướng Phùng, Hướng Hóa chia sẻ. (Băng PV)

     Tương tự, nhằm phục hồi một số cây dược liệu dưới tán rừng, từ năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện Hướng Hóa đã triển khai mô hình trồng cây sa nhân tím với diện tích 10 ha tại thôn Ruộng, xã Hướng Tân và thôn Tân Pun, xã Hướng Phùng. Qua theo dõi, cây sa nhân tím sinh trưởng tốt, tỉ lệ sống đạt khoảng 92%, chiều cao xấp xỉ 70 cm, mật độ đạt 8 cây/bụi. Từ kết quả ban đầu cho thấy mô hình trồng sa nhân tím dưới tán rừng phục hồi đã đem lại hiệu quả về sử dụng đất, tận dụng được đất trống trong rừng. Ngoài hiệu quả kinh tế cho các hộ thực hiện mô hình sau này khi thu hoạch quả, trước mặt mô hình đã góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng, hạn chế rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

     Đối với cây cà phê, cây công nghiệp chủ lực của huyện, nhằm cải tạo, thay thế diện tích cà phê già cỗi, cho năng suất thấp. Trong những năm qua, từ nguồn ngân sách Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các hội đoàn thể với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,5 tỉ đồng, nông dân trên địa bàn huyện đã tái canh bằng phương pháp thâm canh trồng mới được trên 600 ha. Tập trung chủ yếu ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Hướng Sơn, thị trấn Khe Sanh… Theo đánh giá, các vườn tái canh cho năng suất cao hơn so với các vườn kinh doanh năm thứ 10 – 15 từ 1,2 – 1,5 lần. Bên cạnh đó, hiện tại, nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện như Công ty TNHH Pun Coffee, HTX Nông sản Khe Sanh… đang thực hiện liên kết với người dân để phát triển cà phê theo hướng hữu cơ, đặc sản. Xây dựng mô hình sản xuất cà phê được cấp chứng nhận 4C. Triển khai xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam với diện tích khoảng 160 ha. Ngoài ra, còn có một số mô hình mang lại hiệu quả cao như: Mô hình trồng và chăm sóc cây chuối Mật mốc theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm; mô hình nuôi bò sinh sản bán thâm canh, vỗ béo; mô hình chăn nuôi hươu khai thác nhung. Một số mô hình khác như trồng hoa, cây cảnh, mô hình trồng cây dược liệu, mô hình trồng cây mắc ca… bước đầu đánh giá đã đem lại một số hiệu quả nhất định.

 

Ông Hà Ngọc Dương

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, Hướng Hóa cho biết. (Băng PV)

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các mô hình nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, việc thay đổi tập quán sản xuất của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa yếu tố con người và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng, phương thức sản xuất. Trong điều kiện khó khăn hiện tại của địa phương việc quy hoạch triển khai quy mô lớn đang gặp nhiều thách thức. Một số mô hình mặc dù mang lại giá trị gia tăng, song quy mô diện tích nhỏ nên giá trị thu nhập chưa đủ lớn để kích thích người dân tham gia trên diện rộng. Cần phải có giải pháp đột phá, quyết liệt trong công tác dồn điền, đổi thửa, thuê đất để tăng quy mô diện tích sản xuất thích hợp. Các mô hình chỉ mang tính chất trình diễn nên nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng mô hình ít, dàn trãi, phân tán. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước của một bộ phận người dân vẫn tồn tại đã làm giảm tính năng động, sáng tạo trong thực hiện các nội dung mô hình. Ngoài ra, còn có thể kể đến tác động của diễn biến khí hậu cực đoan, thất thường do biến đổi khí hậu tác động lớn đến sản xuất; sản phẩm đầu ra gặp khó khăn, giá cả thị trường biến động; diện tích liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ổn định còn ít làm ảnh hưởng đến tâm lý người nông dân…trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Hướng Hóa sẽ tiếp tục phát triển, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả, gắn phát triển sản xuất với áp dụng khoa học kỹ thuật, đảm bảo môi trường sinh thái, an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương tái canh và phát triển bền vững cây cà phê. Chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như cây bơ, mít thái, sầu riêng, cây dược liệu. Chuyển đổi các diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây cao su, cây ăn quả… đối với các xã vùng Lìa với diện tích khoản 300 ha. Nhân rộng mô hình trồng cây chanh leo gắn với liên doanh, liên kết theo hướng xuất khẩu tại các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập. Xây dựng mô hình trồng rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao.

Ông Hồ A Dược

Bí thư Đảng ủy xã Lìa, Hướng Hóa cho biết. (Băng PV)

     Về chăn nuôi, tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cỏ nuôi bò bán thâm canh, mô hình nuôi bò vỗ béo tại các xã Tân Long, Tân Thành, Hướng Tân, Hướng Linh. Mời gọi, khuyến khích xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, công nghệ cao quy mô lớn. Nhân rộng mô hình nuôi hươu lấy nhung, nuôi bò 3B tại các xã có điều kiện khí hậu phù hợp. Đồng thời, xây dựng, nhân rộng một số mô hình trồng cây lâm nghiệp bản địa như cây trẩu, cây lõi thọ. Phát triển trồng rừng gỗ lớn. Nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu như ba kích, cà gai leo, đinh ăn, đàn hương… với quy mô 50 ha gắn với việc bảo tồn, phát triển các giống, nguồn gen dược liệu trên địa bàn. “Để phát triển các mô hình nông, lâm nghiệp đạt hiệu quả và bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận thuận tiện, hiệu quả. Xây dựng các mô hình phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn. Đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Chuyển dần từ hình thức hỗ trợ không điều kiện sang hình thức hỗ trợ có điều kiện và có thu hồi vốn hỗ trợ để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Thuận cho biết thêm.

Nhạc cắt

MC: Đồng bào và quý khán thính giả đang nghe chương trình “Tạp chí Dân tộc và Miền núi” được phát sóng vào lúc 17h, ngày thứ 3 và  phát lại vào lúc 10h30 ngày thứ 4 hàng tuần trên tần số 92,5mhz sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

(Khởi nghiệp thành công từ nghề mộc)

MC: Thưa đồng bào và các bạn. Nắm bắt nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gỗ tại địa phương khá lớn, những năm qua, anh Hồ Văn Hiền ở thôn Ra Lu, xã Hướng Hiệp, Huyện Đakrông đã quyết tâm xây dựng thành công xưởng mộc. Sau một thời gian khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, đến nay anh đã tạo dựng được niềm tin đối với nhiều khách hàng. Với ý chí vượt khó, mạnh dạn làm ăn có hiệu quả, anh được đánh giá là tấm gương thanh niên điển hình trong lập thân, lập nghiệp ở vùng khó.

Phần cuối chương trình tạp chí dân tộc và miền núi ngày hôm nay mời đồng bào và các bạn cùng lắng nghe một số ghi nhận của phóng viên Quách Long.

 

    MC:  10 năm về trước, thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện cho con theo học các lớp đại học, cao đẳng nên học hết THPT anh Hiền quyết định xin phép bố mẹ về một xưởng mộc tại huyện Cam Lộ để học nghề. Vốn yêu thích nghề mộc, là người chăm chỉ, chịu khó học tập nên trong 3 năm học nghề anh nhanh chóng nắm bắt các kỹ thuật cơ bản để làm ra các sản phẩm đúng theo yêu cầu của khách, đảm bảo tính thẩm mỹ.

Anh Hồ Văn Hiên

Thôn Ra Lu, Hướng Hiệp, Đakrông chia sẻ. (Băng PV)

     Thời gian đầu mới ra nghề, anh gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm và vốn đầu tư máy móc, thiết bị. Bằng sự cần cù, chịu khó tìm hiểu cách nâng cao tay nghề, tạo uy tín nên anh nhận được đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Tiếng lành đồn xa về người thợ mộc trẻ giỏi, anh được nhiều người dân trong xã và các địa phương lân cận tin tưởng, lựa chọn giao làm các sản phẩm. Từ một thợ mộc chuyên làm các sản phẩm theo cách thủ công, anh Hiền dần học thêm về mẫu mã và quyết định vay vốn đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại hơn với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng để phục vụ một số công đoạn sản xuất như: Cắt, xẻ, tạo hoa văn...cho sản phẩm đẹp mắt, nhanh hơn và tiết kiệm thời gian, công lao động.

Hồ Chí Đông

Bí thư Chi đoàn thôn Ra Lu, Hướng Hiệp, Đakrông cho biết. (Băng PV)

     Nhờ sự cố găng chăm chỉ sản xuất quân mỗi năm, gia đình anh Hiền thu nhập từ xưởng mộc trên 120 triệu đồng, đây là khoản thu nhập khá ở một xã vùng khó. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập bình quân 8 – 9 triệu đồng/người/tháng. Hiện đã là thợ mộc lành nghề nhưng anh Hiền vẫn thường xuyên tham khảo những mẫu mã đẹp ở trên mạng internet, youtobe và của những thợ mộc khác trong huyện để về áp dụng trau dồi kiến thức, tay nghề. Hiện nay có ngày càng nhiều những thanh niên trong xã đến xưởng xin học nghề hoặc làm thợ tại xưởng, anh sẵn sàng truyền nghề và tạo điều kiện để họ có việc làm, thu nhập ổn định.

 

          Đến đây, thời lượng 30 phút của chương trình Tạp chí dân tộc và miền núi trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị xin được kết thúc. Những người thực hiện chương trình BTV Hồ Thới cùng các PTV Đỗ Hằng, PTV Nguyên Hương, KTV Khắc Nam xin cảm ơn đồng bào và quý khán thính giả đã quan tâm lắng nghe. Xin chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.

                                                                                 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Hồ Thới 11/06/2023 15:00 Hồ Thới 11/06/2023 15:00
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà