Đất và Người Quảng Trị - Bài Đất nghệ nhân
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : a

 

Đất và Người Quảng Trị

Xin kính chào quý thính giả đã đến với 15 phút chuyên mục phát thanh Đất và Người QT. Thưa quý vị thính giả, trong 15p ngày hôm nay, mở đầu mời quý vị thính giả cùng chúng tôi nghe bài viết “Đất nghệ nhân” của Phóng viên Mỹ Nhị. Tiếp đó, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết Bản Kỳ Rỹ giữa đại ngàn của PV Mỹ Nhị. Cuối cùng, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Làng dầu tràm Tân Minh” của CTV Thảo Nguyên. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

Bài 1: MC: Thưa quý vị thính giả. Đất “nghệ nhân” cũng chính là bài viết đầu tiên trong chuyên mục ngày hôm nay. Bài do PV Mỹ Nhị viết, mời quý vị thính giả cùng nghe.

Chẳng biết từ bao giờ cái tên “Đất nghệ nhân” lại gắn bó máu thịt với Khóm 6 (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị). Nơi đây, tiếng hát, tiếng đàn dường như chưa bao giờ tắt.

 “Ơi! Bản làng ta ơi! Núi rừng ta ơi!/ Ta hát mừng hôm nay/ Đất nước đã hoà bình/ Đất nước đã về ta/ Ta làm chủ cuộc đời/ Xây dựng cuộc đời ta/ Lời Bác dạy vang khắp núi sông”

Tiếng hát, tiếng đàn vọng từ những nếp nhà sàn bạc phếch màu thời gian như gọi mời lữ khách. “Đất nghệ nhân” để lại ấn tượng ban đầu trong tim chúng tôi là hình ảnh: những bà lão tóc bạc phơ tỉ mỉ dạy con trẻ hát dân ca; nam thanh, nữ tú hoà mình vào điệu múa hay say sưa chế tác nhạc cụ…

Thực ra, “Đất nghệ nhân” là cái tên người dân thị trấn Khe Sanh âu yếm dành tặng khóm 6. Danh xưng ấy có lẽ bắt nguồn từ tình yêu âm nhạc thấm sâu trong trong lòng đồng bào. Đối với những người con của mảnh đất này, nhạc khúc dân tộc cũng quan trọng như cơm ăn, nước uống. Ông Hồ Văn Xang (một nghệ nhân lớn tuổi) cho biết: Đọc dịch “Người dân quê mình tuy nghèo nhưng đời sống tinh thần thì dư dả lắm. Ở bản, hầu như nhà nào cũng giữ một, hai nhạc cụ dân tộc làm của riêng. Trẻ con lớn lên cũng say âm nhạc dân tộc như người già”.

“Tình yêu âm nhạc của người dân khóm 6 bắt nguồn từ đâu?” - Đến giờ, già bản vẫn cười móm mén khi ai đó tò mò hỏi. Ông Hồ Văn Tùng tâm sự: “Từ khi còn nhỏ, bố đã thấy cha mẹ và trai gái trong bản say âm nhạc dân tộc rồi. Bố nghĩ: nó có từ trong máu”. Ông Hồ Tu La trả lời có vẻ “sát đáng” hơn: “Cuộc sống người Vân Kiều còn khó khăn lắm. Từ xưa, lớp người đi trước đã biết cách lấy sự giàu có của tinh thần để bù đắp thiếu thốn vật chất. Đến giờ, nếp sống ấy vẫn được gìn giữ”.

Trải qua sóng gió, tình yêu âm nhạc dân tộc trong lòng người dân khóm 6 càng được tôi luyện. Khi đất nước oằn mình gánh bom đạn, các chàng trai, cô gái mang tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa ra trận. Họ vừa tham gia, vừa cổ vũ chiến đấu góp hoa chiến thắng quân thù. Hoà bình trở về, âm nhạc dân tộc lại theo chân người Vân Kiều sống ở khóm 6 lên nương làm kinh tế. Dẫu cuộc sống còn vất vả, “lớp đầu bạc” lẫn “tóc xanh” vẫn gắn bó với “những nét tinh tuý cha ông để lại”.

Hiện tại, khóm 6 có 157 nóc nhà với 788 khẩu. Khá đông người Vân Kiều sống trên mảnh đất này là nghệ nhân âm nhạc. Các nghệ nhân luống tuổi có tài chế tác nhạc cụ như ông Hồ Văn Xang, Hồ Văn Tên… Anh Hồ Văn Hồi, Hồ Văn Hương, Hồ Văn Láo… đại diện lớp trẻ có khả năng sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Trong bản, khá đông cô gái, chàng trai như: chị Hồ Văn Hương, Hồ Thị Thới, anh Hồ A Dỗ… có thể chuyển tải tâm sự thầm kín qua điệu múa, lời hát.

Khi các làn sóng âm nhạc mới dồn dập đánh vào bản làng, lòng say mê của người dân khóm 6 là thành trì vững chắc chống lại sự mai một của nhạc khúc dân tộc. Việc bảo vệ “nét thuần hậu phong thuỷ” của người dân nơi đây diễn ra tự nhiên trong mỗi nếp nhà. Ông bà, cha mẹ chính là người truyền dạy con cháu học hát dân ca, chế tác và sử dụng nhạc cụ… Chị Hồ Thị Lương cho biết: Băng: đọc dịch: “Trẻ em ở bản mình tiếp xúc âm nhạc dân tộc ngay từ trong nôi. Lớn một chút, con trai sẽ được bố dạy cách sử dụng và chế tác nhạc cụ; con gái được mẹ hướng dẫn hát, múa”.

Năm 1997, đội Nghệ nhân khóm 6 ra đời với 22 thành viên. Hoạt động của đội góp phần đưa âm nhạc dân tộc Vân Kiều đơm hoa, kết trái. Mỗi thành viên có một năng khiếu nhất định: người giỏi chế tác, sử dụng nhạc cụ, người có tài hát nhiều làn điệu dân ca… Dân khóm 6 giờ đây tập luyện văn nghệ không chỉ để gìn giữ bản sắc, mà còn biểu diễn nhân dịp “Mừng Đảng, mừng xuân” hàng năm, chào đón đoàn đại biểu các nước, kỷ niệm ngày giải phóng Khe Sanh, ngày sinh của đồng chí Lê Duẩn…

Trời ngả bóng chiều, tiếng đàn, tiếng hát như giục giã, gọi mời lữ khách nhanh chân về đón hội. Anh Hồ Văn Hồi mĩm cười, bảo: “Mỗi ngày ở bản mình là một ngày hội. Hy vọng lần sau nhà báo tới thăm, CLB đã nghệ nhân thành lập. Khóm 6 sẽ đúng là “Đất nghệ nhân” như cái tên người dân vẫn thường gọi”.

Nhạc cắt

Bài 2: Nhắc đến phía Tây tỉnh Quảng Trị chúng ta thường liên tưởng ngay đến một mảnh đất đầy nắng và gió với những con người chân chất, mộc mạc. Nằm yên bình giữa núi rừng trùng điệp, bản Kỳ Rỹ, xã A Xing, huyện Hướng Hóa có nhiều điều đặc biệt, đáng yêu, đáng nhớ mà ai cũng phải trầm trồ khi đặt chân đến. Đây cũng là nội dung bài viết “Bản Kỳ Rỹ giữa đại ngàn” của PV Mỹ Nhị.

Vừa “nếm” cái lạnh se se ở thị thành, qua những vòng cua tay áo, chúng tôi đã được “thưởng thức” không khí đầy nắng và gió của vùng cao. Dừng chân tại xã A Xing, trống ngực ai nấy dường như gõ nhanh hơn. Mảnh đất ở miền rừng này yên bình đến lạ. Lũ trẻ hướng ánh mắt tò mò, rón rén nhìn khách lạ qua những “lỗ thông gió” trên vách nhà sàn. Vài em mạnh dạn hơn cười rõ tươi, sẵn sàng chỉ dẫn đường cho khách phương xa. Chuyến đi lần này, chúng tôi muốn tìm hiểu một bản làng rất đặc biệt, lạ ngay từ cái tên – Bản Kỳ Rỹ.

Khác với những cổng làng được xây dựng, sơn quét cầu ở các miền quê đồng bằng, cổng làng Kỳ Rỹ giản dị như chính những con người nơi đây. Sau chiếc cổng làng là những ngôi nhà sàn quần tụ với nhau, như đàn gà con quần tụ dưới đôi cánh mẹ. Xưa kia, người dân bản Kỳ Rỹ nghèo lắm. Quanh năm lao động quần quật nhưng cái ăn, cái mặc vẫn là nỗi âu lo thường trực của bà con. Đã thế, dân bản còn phải đối diện với thiên tai, thú dữ, bệnh tật… Trong gian khó, người dân bản Kỳ Rỹ hiểu rằng, nếu tách nhau, sống đơn độc thì họ không thể nào tồn tại, phát triển được. Thành ra, gian khó đã tôi rèn, dạy cho bà con bài học đầu tiên là biết kết đoàn. Hiện nay, toàn bản Kỳ Rỹ có … hộ với … nhân khẩu. Từ ngày chọn đất, lập làng đến nay, bà con luôn gắn bó keo sơn với nhau. Họ cùng nhau san chia những buồn vui trong cuộc sống, để rồi cùng nở nụ cười mãn nguyện khi thấy bảng làng dần bước sang trang mới, ấm no, hạnh phúc hơn.

Lâu nay, đến miền quê nào, điều mà người ta đều muốn tìm hiểu đầu tiên chính là tên đất, tên làng. Vì thế, với một cái tên đặc biệt như “Kỳ Rỹ”, chúng tôi tò mò hơn. Thật may mắn, già làng Ăm Nhởi đã giúp mọi người có câu trả lời.

Phỏng vấn già làng Ăm Nhởi: Bản Kỳ Rỹ có tên như vậy là vì trước đây có loại cây Kỳ Rỹ , loại cây này sống mãi nên người dân bản đặt tên là Kỳ Rỹ, một phần là mong muốn bản mình...

Tiếng khèn bè 20s rồi mới đến lời bình.

Tấm lưng ông Ăm Nhởi đã còng xuống vì tuổi già thế nhưng vị già làng này vẫn minh mẫn, tinh anh đến lạ. Ông có thể ngồi xuyên ngày, xuyên đêm để kể những câu chuyện về nơi mà mình gắn bó cả cuộc đời. Trong những câu chuyện bàng bạc màu sử thi mà ông Ăm Ngởi kể, chúng tôi đặc biệt chú ý đến câu chuyện về những vật dụng làm nên cuộc sống tươi vui của người dân địa phương. Lúc mới lập làng, cuộc sống người dân sống trong bóng tối một cách đúng nghĩa. Bà con không có ánh sáng văn minh của đèn điện. Trong khi đó, cái đói, cái nghèo, bệnh tật… đeo bám dân bản từ ngày này sang ngày khác. Một ngày xuân ấm áp, có một người đàn ông tóc phơ phơ bạc đến, đưa cho già làng một chiếc khèn bè cùng cây xập xoàng (hay gọi là chiếc lạp nhỏ). Trước khi vội bước vào rừng sâu, ông trìu mến bảo: “Khi về đêm, hãy thổi chiếc khèn bè này lên, kết hợp với xập xoàng, ánh sáng sẽ về với bà con”. Từ đó, chiếc khèn bè và chiếc xập xoàng luôn hiện hữu trong cuộc sống của dân bản Kỳ Rỹ. Nhờ nó mà đời sống tinh thần của bà con ngày càng nâng cao. Mọi người vui vẻ, đoàn kết lao động sản xuất để rồi có những vụ mùa bội thu. Ánh sáng văn minh cũng mau chóng đến với bản.

Phỏng vấn ông Hồ Cu Chảnh: Đọc dịch: Khi tôi sinh ra thì khèn bè cũng như tù và, xoàng đã có rồi. Trước đây bố của tôi thổi rất hay với nhiều bản nhạc khác nhau. Bà con chúng tôi thường sử dụng khi có dịp lễ, như lễ mừng lúa mới, lễ tế đất trời hoặ những dịp quan trọng khác. Trong các loại nhạc cụ thì người chơi khèn bè và tù và được cho là khó nhất vì phải những người có hơi tốt mới thổi hay và sáng được. Còn người chơi xoàng thì chú ý đến tư thế, điệu lắc vai, cổ…Chúng tôi cũng truyền dạy cho con cháu đời sau để giữ gìn nét bản sắc của dân tộc mình.

Cứ thế, qua đôi môi của các nghệ nhân của bản Kỳ Rỹ, thanh âm của tiếng khèn bè vang lên réo rắt, trầm bổng, thổi mát tâm hồn của dân bản vào những buổi trưa nắng rát hay đêm đông giá lạnh. Âm thanh ấy đã đẩy lùi bóng tối, mở ra con đường sáng cho bà con.

 

Nhạc cắt

Bài 3: MC: Phần cuối của chuyên mục, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Làng dầu tràm Tân Minh của CTV Thảo Nguyên.

Nằm ở phía đông huyện Gio Linh, thôn Tân Minh, xã Gio Thành từ bao đời này là thôn thuần nông nghiệp đến nay lại trở thành trở thành một trong những làng nghề nổi tiếng tại Quảng Trị hiện nay. Từ trước chỉ quen với ruộng đồng, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rau, cuộc sống người dân gặp khá nhiều khó khăn nhưng từ lúc có một người con trong làng đem công nghệ nấu dầu tràm về thôn để mở lò sản xuất, thấy lợi ích kinh tế khá lớn, trong làng có sẵn rất nhiều cây tràm đất, nguyên liệu chính của nấu dầu tràm, dân dần nhiều hộ trong thôn lam theo. Nghề nấu dầu tràm hình thành ở Tân Minh từ đó, tận bây giờ đã 6 năm hoạt động, thương hiệu dầu tràm Tân Minh nay đã đến đi khắp nơi trên cả nước và các nước lân cận.

 

Dầu tràm vốn là loại dầu rất quen thuộc với người dân Việt Nam ta, được xem là “thần dược” của người nghèo bởi những tác dụng có ích của nó đối với sức khỏe con người, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và phụ nữ sau khi sinh xong vì vậy thị trường tiêu thụ khá lớn. Tận dụng điều kiện thuận lợi về tự nhiên và nguyên liệu, người Tân Minh bắt tay vào sản xuất dầu tràm. Thuở ban đầu, với số vốn ít ỏi, người trong làng chỉ nấu thử dầu trong một lò nhỏ, sau đó đưa dầu vào các cơ sở sản xuất dầu tràm Phú Lộc, Thừa Thiên Huế để đánh giá chất lượng, dầu tràm của người làng Tân Minh sản xuất được đánh giá rất cao và đặt hàng ngay lập tức. Thành công bước đầu đã giúp người làng tiếp tục mở rộng quy mô lò nấu và truyền nghề lại cho những bà con trong thôn có ý định sản xuất.

 

Anh Nguyễn Hồng Sơn, chủ lò sản xuất dầu tràm Hồng Sơn tại thôn Tân Minh,, xã Gio Thành, Gio Linh cho biết về: Làm 5 6 năm rồi, chủ yếu bán nhỏ lẻ, bây giờ làm lớn hơn nhưng nguyên liệu khó khăn hơn, đầu vô cũng khó mà đầu ra cũng khó, càng ngày càng có nhiều người làm, mua vô giá quá cao, bán ra giá bấp bênh. Giờ mua vào 1kg lá tràm tươi giá dao động 1500/kg, một nồi khoảng 450 đến 500 kg nấu một nồi, cho ra khoảng 1,4 1.5 lít dầu. Dầu bán giá cỡ 7 đến 8 nghìn trên một lít, một ngày như vậy thu nhập khoảng từ 300 – 500 nghìn đồng.

Từ lúc chỉ sản xuất được nửa lít dầu đến khi mở rộng quy mô nay người làng có thể bán sĩ mỗi tháng từ 30 đến 50 lít dầu tràm, 1 lít dầu tràm nguyên chất như vậy được bán với giá 300 nghìn đồng, mỗi ngày nấu được 3 lít, trừ tất cả các chi phí thu nhập từ 9 triệu đến 12 triệu đồng mỗi tháng cho mỗi hộ nầu dầu tràm.

 

Cứ vào mỗi sáng sớm, các lò dầu tràm trong thôn lại đỏ lửa. Người nấu dầu, người lên đồi hái lá tràm đất, lá chổi rành. Không khí bận rộn của người dân Tân Minh cứ như mỗi mùa lúa về. Từ khi nghề sản xuất dầu tràm xuất hiện đã góp phần tạo thêm việc làm cho bà con ở thôn. Những học sinh cũng có điều kiện phụ giúp bố mẹ vào các ngày nghỉ học. Mỗi mùa hè về, các em rủ nhau lên đồi hái lá tràm đất, lá chổi rành về bán cho các lò dầu để kiếm tiền mua sắm áo quần, sách vở cho năm học mới. Sau khi khai thác cây tràm đất và cây chổi rành, bà con Tân Minh có thể bán cho các lò nấu dầu, riêng thân cây chổi rành thì phơi khô bó thành chổi bán cho thương lái hoặc bán cho các chợ phụ cận. Mặc dù khá vất vả, nhưng bình quân mỗi lao động ở thôn cũng kiếm được 50-60 nghìn đồng/ngày để trang trải sinh hoạt trong gia đình. Dầu tràm Tân Minh ngày càng được nhiều người biết đến, người ta tin tưởng dùng dầu tràm của thôn không chỉ vì sản phẩm chất lượng cao, nguyên chất đến từng giọt mà còn bởi sự cần cù, chăm chỉ và thật thà của con người nơi đây, người ta tin rằng chính tâm huyết trong từng công đoạn sẽ đem đến một sản phẩm tốt nhất.

 

Anh Nguyễn Hồng Sơn, chủ lò sản xuất dầu tràm Hồng Sơn tại thôn Tân Minh xã Gio Thành, Gio Linh cho biết về định hướng trong tương lai của mình: Định hướng trong tương lai cứ tiếp tục làm, nguyên liệu đi đến đâu mình nấu đến đó. Truyền thống làng nghề truyền thống phải giữ gìn, dù thu nhập có thấp cũng phải làm. Cả làng dầu tràm Tân Minh, nấu rất nhiều trên dưới chục hộ, sản phẩm dầu tràm Tân Minh giờ ra tới Hà Nội, vô tới thành phố Hồ Chí Minh, qua Lào qua Thái, đi các nước rồi đó. Nguyện vọng của tôi là mong chính quyền và nhà nước có chính sách ưu đãi và ủng hộ vay vốn cho gia đình và cả làng nghề phát triển để có uy mô lớn hơn, đi xa hơn, trong nước và các nước lân cận.


Với nguồn nguyên liệu dồi dào, nếu được quan tâm, đầu tư mở rộng thì có thể giúp người dân Tân Minh phát triển thành một làng nghề sản xuất dầu tràm bền vững, lâu dài. Hiện sản xuất dầu tràm ở Tân Minh chỉ mới hoạt động được 6 năm, cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ không đảm bảo mặc dù có xuất khẩu sáng Lào. Tuy nhiên, năm nay mẫu sản phẩm dầu tràm của thôn Tân Minh đã được lãnh đạo địa phương quan tâm, gửi đi kiểm định và đang chờ chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng quốc gia từ các ngành chức năng, tiến hành đăng kí thương hiêu cho dầu tràm Tân Minh, và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân đẩy mạnh sản xuất dầu tràm. Đó chính là tín hiệu đáng mừng cho một nghề sản xuất vừa mới ra đời của người làng Tân Minh khi cuộc sống còn khá nhiều khó khăn.

Chào cuối

 


File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 22/03/2018 13:55 Võ Nguyên Thủy 24/03/2018 06:59
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà