Đất và Người Quảng Trị - Bài Đi lên từ lòng đất
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : a

 

Đất và Người QT

Phát sóng ngày 20/4.

MC Như Quỳnh và Như Hòa xin kính chào quý thính giả đang nghe Đài. Bây giờ là thời lượng 15p của chuyên mục phát thanh Đất và Người QT. Chuyên mục đang được phát trên tần số 92,5mkz. Kính thưa quý vị thính giả. Trong 15p của chuyên mục Phát thanh ngày hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý vị thính giả các bài viết sau: Bài “Đi lên từ lòng đất” của Phóng viên Mỹ Nhị. Tiếp đó là bài viết “Người truyền chất men thổ cẩm” của Phóng viên Mỹ Nhị. Cuối cùng, mời quý vị thính giả cùng nghe bài “Ánh sáng của sách” của tác giả Bội Nhiên. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

Bài 1: MC: Thưa quý vị thính giả, mở đầu trong chương trình ngày hôm nay, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết “Đi lên từ lòng đất” của Phóng viên Mỹ Nhị.

Đường vào trung tâm xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh ngút tầm mắt với những vườn cao su, hồ tiêu xanh tốt. Khách phương xa bảo người dân nơi đây may mắn bởi sinh sống trên vùng thổ nhưỡng phì nhiêu, dễ “bén duyên” cây trái. Song, họ không biết rằng, Vĩnh Thạch từng là mảnh đất chết trong chiến tranh. Đổ bao mồ hôi, xương máu, người dân nơi đây mới làm nên điều kỳ diệu cho đất và cho chính cuộc sống của mình.

Là một trong những người từng “đứng ở đầu sóng, ngọn gió” chèo chống con thuyền xã Vĩnh Thạch buổi đầu gian khó, ông Nguyễn Tri Phương thấm thía nỗi vất vả mà người dân địa phương gánh chịu trong và sau chiến tranh. Nằm trên Vĩ tuyến 17, Vĩnh Thạch là địa bàn trọng điểm, chịu sự đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Với quyết tâm “Một tâc không đi, một ly không rời”, người dân nơi đây quyết tâm bám trụ bảo vệ quê hương. Giặc đốt phá xóm làng, bà con tìm đường xuống lòng đất sinh sống và chiến đấu. Họ đã kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo mà địa đạo Vịnh Mốc là minh chứng sinh động nhất.

Sau ngày giải phóng, người dân xã Vĩnh Thạch thực sự “bước ra từ lòng đất”. Trải qua hai cuộc kháng chiến, toàn xã có 19 mẹ Việt Nam anh hùng, 225 liệt sĩ. Nén nỗi mất mát vào lòng, người dân nơi đây bắt tay vào hành trình tìm lại màu xanh cho đất.

Ông Nguyễn Tri Phương chia sẻ: “Bấy giờ, hơn 60% gia đình trong xã là hộ nghèo, đời sống bà con rất khó khăn. Thế nhưng, niềm tin về ngày mai đổi mới luôn sục sôi trong lòng mọi người. Ai cũng tâm niệm, giặc Mỹ hung tàn mà mình còn đánh thắng thì giặc đói, giặc dốt chẳng có gì đáng quan ngại”. Với suy nghĩ ấy, người dân xã Vĩnh Thạch nhanh chóng bắt tay san lấp hố bom, trồng khoai sắn, xây dựng nhà cửa... Từ mảnh đất chi chít hố bom, “đào đâu gặp địa đạo đó”, những vườn lạc, rau màu, cao su, hồ tiêu mọc lên xanh tốt. Nhờ thế, người dân nơi đây không còn lâm vào cảnh chạy gạo từng bữa, mặc áo vá chằng vá đụp như xưa.

Dấu mốc đáng nhớ nhất trên con đường đi lên của chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Thạch là địa phương vinh dự được Chủ tịch nước nhận hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thế nên, dẫu đối diện với hàng loạt khó khăn như: xuất phải điểm thấp; sản xuất, kinh doanh kém phát triển; cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chính quyền và nhân dân xã vẫn không nao núng. Ngay sau khi nhận được chủ trương chung, UBND xã Vĩnh Thạch đã thành lập ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã và ban phát triển đến tận thôn. Lãnh đạo địa phương cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện phong trào một cách sâu rộng. Kết quả là 100% hộ gia đình trong xã đã hưởng ứng, ký cam kết chung sức xây dựng nông thôn mới. Qua đó, bà con càng nhận thức sâu sắc vị trí chủ thể của mình. Không ai bảo ai, người dân xã Vĩnh Thạch đã tích cực tham gia góp ý vào quy hoạch nông thôn mới; tập trung phát triển sản xuất; chỉnh trang bộ mặt nông thôn... Qua 2 năm triển khai, bà con đã tự nguyện hiến 40.000m2 đất, hơn 2.600 cây lưu niên, giải tỏa tưởng rào cùng nhiều công trình phụ khác. Tổng giá trị đất, cây trái và các công trình người dân hiến, giải tỏa lên đến trên 2 tỷ đồng.

Đến nay, xã Vĩnh Thạch đã đạt 11/19 tiêu chí với 24/39 tiêu chí mang tính bền vững. Riêng trong năm 2012, xã đạt mới 4 tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, nhà dân cư, tổ chức sản xuất.

Ông Nguyễn Viết Sinh – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạch cho biết: “Vượt mọi khó khăn, đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn … Thu nhập bình quân đầu người đạt 20,5 triệu đồng. Năm qua, toàn xã trồng mới 10 ha cao su; 9,5 ha hồ tiêu; khai thác thủy hải sản đạt 175 tấn/năm, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 73 tấn/năm...”

Trước và sau chiến tranh, người dân xã Vĩnh Thạch đã vượt mọi khó khăn để “đi lên từ lòng đất”. Hôm nay, nếu đồng tâm, hiệp lực, bà con hoàn toàn có thể gặt hái thành công trong mọi phong trào. Kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa khẳng định niềm tin tưởng về sự khởi sắc của xã Vĩnh Thạch. Khăp hội trường, tiếng vỗ tay, nói cười vang lên rộn rã. Dường như ánh mắt ai cũng ngập tràn niềm tin.

Nhạc cắt

Bài 2: MC: Chèn nhạc nhẹ Tây Bắc: Yêu nghề dệt thổ cẩm từ tấm bé, chị Hồ Thị Ngà chạnh lòng khi thấy lớp trẻ không mấy mặn mà với đường tơ, sợi chỉ như xưa. Người phụ nữ Pa Kô đã bươn bả tìm đường sống cho nghề với quyết tâm giữ mãi "chất men thổ cẩm".  Đây cũng chính là nội dung bài viết “Người truyền chất men thổ cẩm” của Phóng viên Mỹ Nhị.

Tiếng khung cửi vẫn kẽo kẹt dẫu vệt nắng cuối ngày vội vàng phủ xuống Trường Sơn đại ngàn. Sau giờ bươn bả rẫy nương, phụ nữ xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) lại trở về bên khung cửi. Ít ai biết chừng 20 năm trước, người Vân Kiều, Pa Kô đã xếp khung cửi lên chái bếp, ngậm ngùi quay lưng với nghề. Thế mà, giờ đây, tiếng khung cửi lại lách cách rộn ràng như dàn đồng ca báo hiệu sự hồi sinh. Người góp sức đưa nét văn hóa dân tộc này trở về là chị Hồ Thị Ngà (SN 1947).

Tuổi thơ chị Ngà sớm gắn bó với đường tơ, sợi chỉ. Thuở còn nằm trong nôi, tiếng "nhạc khung cửi", lúc kẽo kẹt thỏ thẻ, khi lách cách reo vui đưa chị đến giấc mơ cổ tích. Chừng 10 tuổi, cô bé người Pa Kô đã được bà và mẹ tỉ mỉ dạy cách dệt thổ cẩm. Chị Ngà nhớ như in lời mẹ dạy vào buổi đầu truyền lại nghề: "Học dệt thổ cẩm chính là học làm người. Nghề đòi hỏi ta phải chăm chỉ, kiên trì. Hơn nữa, chỉ ai có cái đầu ưa học hỏi, tâm hồn trong sáng, đôi mắt tinh anh, bàn tay khéo léo mới dệt nên tấm thổ cẩm đẹp. Mẹ muốn con yêu nghề như yêu chính dòng máu mình vậy".

Tình yêu nghề theo chị Hồ Thị Ngà lớn từng ngày. Cô gái vùng cao chạnh lòng khi thấy số người bám trụ nghề dệt thổ cẩm rơi rụng dần. Lớp bạn bằng vai, bằng lứa cũng chẳng mặn mà với trang phục thổ cẩm cầu kỳ nữa. Việc thiếu nữ tỉ mỉ ngồi kéo sợi, dệt vải bị đánh đồng là lạc hậu. Dẫu vậy, chị Ngà không hề nghĩ đến chuyện bỏ rơi khung cửi, ngược lại cô gái người Pa Kô còn tích cực trau dồi vốn nghề. Chị đến nhà già làng, trưởng bản mượn những “tấm thổ cẩm vàng mười” về nghiên cứu; lặn lội khắp các bản làng gần xa để “tầm sư, học đạo”. Buổi đầu, nhiều người sợ chị Ngà đánh cắp bí quyết nghề nên chẳng chia sẻ. Chị tâm sự: Đọc dịch: "Nghề dệt thổ cẩm thường bó khung trong mỗi gia đình, dòng tộc. Ít ai vượt qua hũ tục để truyền nghề ra ngoài lắm. Mình phải được xem như con cháu mới có cơ may học nghề". Trải không ít thử thách, lòng yêu nghề của chị Ngà cuối cùng cũng chinh phục các nghệ nhân lão làng. 

Không dừng ở việc thu nhận bí quyết, chị Ngà còn chăm chỉ tham gia các lớp học nghề, tiếp xúc với nghệ nhân nhiều vùng miền. Nhờ đó, "tư duy thổ cẩm" của cô gái vùng cao nâng lên rõ rệt. Chị mau chóng nắm được cách "thổi hồn" vào tấm thổ cẩm với chất liệu, hoa văn, kiểu dáng vừa đậm đà chất dân tộc vừa mang nét độc đáo riêng. Chị Ngà luôn tâm niệm: "Thổ cẩm của người Pa Kô kết tinh văn hóa hàng trăm năm. Phải biết gạn đục, khơi trong để học hỏi. Không thể biến thổ cẩm của dân tộc mình thành thổ cẩm của người Thái, người Mường".

"Mình học và thu nhặt bí quyết dệt thổ cẩm với mục đích duy nhất là để truyền lại cho con cháu". Với quyết tâm ấy, chị Hồ Thị Ngà luôn cố gắng khơi gợi tình yêu nghề trong lòng lớp trẻ. Chị bền bỉ động viên con cái, họ hàng, rồi người dân ở các thôn bản gần xa đến nhà mình để học nghề dệt thổ cẩm.  

Cũng từ đó, tiếng khung cửi của chị Ngà như reo vui hơn. Con em ở các bản làng thuộc huyện Đakrông, Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế)... xin theo học ngày càng nhiều. Năm 1996, chị Ngà bắt đầu mở lớp truyền nghề cho hơn 50 học viên. Lớp này kết thúc, lớp học khác lại ra đời trong niềm vui khôn xiết của chị. Cái tên "Cô Ngà thổ cẩm" cũng từ đây mà xuất hiện.

Trước một khóa học, cô giáo Hồ Thị Ngà luôn nhớ truyền dạy "đạo nghề" - đó cũng chính là điều bà, mẹ, các nghệ nhân đi trước từng căn dặn chị.

Em Hồ Thị Minh thỏ thẻ chia sẻ: Đọc dịch: “Cô dặn chúng em ba điều. Thứ nhất là phải có tâm với nghề, quyết tâm giữ nghề bằng mọi giá. Thứ hai là phải biết đưa cái hồn dân tộc Pa Kô vào từng sản phẩm. Thứ ba là cần chia sẻ nghề với mọi người. Em sẽ ghi tạc ba lời dạy này suốt đời”.

Đến xã A Bung bây giờ, nhiều sẽ nhầm tưởng tiếng kẽo kẹt, lách cách của khung cửi với âm thanh nhạc cụ. "Bản đồng ca" của hàng chục chiếc khung cửi làm việc suốt ngày đêm như thanh âm rộn ràng ngợi ca sự đổi mới. Để ngày vui ấy đến với bản làng, "cô giáo thổ cẩm" Hồ Thị Ngà đã đi xa hơn một ngọn núi.

Nhạc cắt

Bài 3: Cuối cùng mời quý vị thính giả cùng nghe bài “Ánh sáng của sách” của tác giả Bội Nhiên. Chèn nhạc nhẹ.

Những tia nắng cuối cùng của ngày rụt rè chia tay thành phố trong tiếng còi xe dồn dập, thảng thốt ở các ngả đường. Trước mái hiên của chiếc quán nhỏ bên ngã ba liên tục chấp chới ánh đèn xanh đèn đỏ, cả nhóm bảy đứa ngồi với nhau trong hơi bia mỗi lúc mỗi thêm nồng đượm để giải nhiệt sau một ngày loay hoay việc nọ việc kia vì cuộc sống. Điện thoại di động chốc chốc lại đổ chuông trong túi áo hoặc rung trên mặt bàn khiến sự bận rộn của mỗi đứa vẫn chưa ngưng lại ở thời điểm cuối ngày với những chút việc cần được thực hiện như "Anh đón con để em còn kịp đi chợ", "Chú tới tiệm ông Hai Hiền lấy giùm anh chiếc Vespa gửi sửa hôm trước, anh đang chuẩn bị một hợp đồng mới ở ngoài thành", "Má bảo em đưa đi thăm dì Ba trong bệnh viện nhưng em đang tiếp đối tác của công ty. Anh về đi với má được không?", "Ba ơi, mấy bạn trong lớp của con về hết rồi. Con muốn đi siêu thị ăn kem"...

Thật chậm, ông già cúi xuống trang đầu tiên của cuốn sách mới tinh vừa được ông mở ra trên mặt yên sau của chiếc xe máy và hí húi đặt bút viết dòng chữ nào đó lên trang sách. Bên mái đầu như mây trắng và trang sách, chữ viết của ông là dáng người nghiêm trang và gương mặt vui mừng nhưng vẫn lộ rõ vẻ thành kính của cô gái. Lướt qua hình ảnh lạ lùng ấy là muôn vàn âm thanh không ngưng nghỉ cùng muôn vàn nhịp chuyển động bất tận trên đường phố. Bảy anh chàng lại nâng ly, lần này không vì một lý do nào. Đặt ly xuống, ai đó trong bàn nói nhanh, giọng ra chiều vừa như tán thưởng vừa như mai mỉa điều mà mình không làm được: -"Thời buổi này mà còn có người tặng sách, lại còn cảnh ông già đứng giữa đường mà viết vào sách"... Sau cái cúi đầu cảm ơn của cô gái, ông già được bạn đồng hành chở đi về phía trước, mang theo cái nhìn rất đỗi trìu mến mà cô gái dùng để tiễn người bạn vong niên đáng kính của mình.

***

Đám cưới lắng dần từng mảng âm thanh hân hoan của nó. Từng người, từng nhóm khách tạm biệt cô dâu chú rể, tạm biệt nhau rồi ra về với những bâng khuâng. Lấy xe xong đã hơn mười lăm phút vẫn không thấy người bạn đi cùng ra, nữ họa sĩ trẻ quay vào chỗ ngồi dự tiệc của cả nhóm lúc nãy. Giữa những bàn ghế ngổn ngang chén đĩa, ly và vỏ chai bia, vỏ lon nước ngọt cùng khăn giấy, người bạn của cô đang loay hoay tìm kiếm thứ gì đó ra chiều ít hy vọng lắm. - "Sách!", cô bạn thân và là cô gái duy nhất không điểm trang son phấn ở tiệc cưới này khiến nữ họa sĩ ngỡ ngàng, -"cuốn sách mình cầm để giữ yên phong bì mừng đám cưới. Lúc nãy trao quà mừng xong, mình đặt tạm cuốn sách ở góc bàn này...".

Những cố gắng của cả nhóm rồi cũng không tìm ra cuốn sách. Để sẻ chia nỗi buồn mất sách của bạn, cả nhóm vào một quán càphê đầy gió bên bờ sông chảy ngang qua thành phố bao đời nay đang đổi sắc dưới sương chiều. Nữ họa sĩ hỏi tên của cuốn sách và ngỏ ý sẽ tìm mua giúp. Cô bạn lắc đầu, -"Sách đó là quà của một người bạn ở miền Bắc gửi cho mình với lời đề tặng thân thương trong dịp sinh nhật của mình".

***

Mấy ngày sau, trên mục Góc ảnh đẹp của một số báo cuối tuần, hình ảnh ông già tóc trắng tặng sách cô gái được đăng một cách trang trọng. Nhóm bảy đứa nâng những ly bia và im lặng với nhau khi nhận ra trên nền tấm ảnh ấy có dáng dấp nhạt nhòa của mình sau ánh sáng của trang sách được tặng. Và, trước khoảnh khắc lạ lẫm đã được ngưng đọng thành nghệ thuật nhiếp ảnh ấy, giọng nói của cô bạn thân truyền tới nữ họa sĩ ánh sáng của niềm vui trong tâm hồn của những người yêu và quý sách, -"Mất sách, mình rất buồn nhưng chợt nghĩ bây giờ mà còn có người để ý đến sách và muốn đọc sách như vậy là rất đáng mừng, bạn nhỉ...".

Chợt hiểu, người đọc sách có ánh sáng của sách và từ sách.

Nhạc cắt

Chào cuối.

 

 

 

         

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 12/04/2018 14:51 Võ Nguyên Thủy 28/04/2018 08:25
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà