Khoa học công nghệ
Danh mục
Khoa học và Công nghệ
NỘI DUNG

 KỊCH BẢN CHUYÊN MỤC KH&CN THÁNG 6.2021

Thời lượng: 10 phút.

Phát sóng: Thứ 5, ngày 17 tháng 6 năm 2021

PTV: Rất vui khi được đồng hành cùng quý vị và các bạn trong chuyên mục KHCN kỳ này. Trong chương trình hôm nay sau phần tin mời QV & các bạn theo dõi phóng sự ghi nhận về việc thúc đẩy hoạt động Ứng dụng và nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ tại tỉnh Quảng Trị. Sau đây là phần nội dung chi tiết.

Nhạc cắt

I.Phần Tin tức

Tin 1: Thưa QV&CB! Từ kết quả của nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được triển khai từ năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN tiếp tục triển khai nghiên cứu trồng 2600 cây cà chua cherry siêu ngọt tại vùng Bắc Hướng Hóa.

          Trên diện tích nhà màng 1.000 m2 trung tâm đã tiến hành trồng 03 giống cà chua cherry: Giống vàng của hãng Takii (Nhật), giống đỏ của hãng Sakata (Nhật) và giống socola của hãng Nova (Mỹ). Sau 3 tháng trồng, cà chua bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch từ 6-7 tháng. Dự kiến tổng sản lượng thu hoạch của vườn khoảng 6 tấn sản phẩm. Từ cuối tháng 5 đến nay, Trung tâm đã thu hoạch đợt đầu được khoảng 1,6 tấn cà chua Cherry. Bước đầu thương mại hóa và được thị trường tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm để khẳng định tính thích nghi của loài cây trồng mới này trên vùng Bắc Hướng Hóa, bổ sung vào tập đoàn cây trồng cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Tin 2: Hội đồng KH&CN vừa tiến hành Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước.

           “Nghiên cứu quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản và đa dạng hóa các sản phẩm từ cây Cà Gai Leo ở vùng gò đồi huyện Cam Lộ, thích ứng với biến đổi khí hậu, theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn GACP và hình thành chuỗi giá trị” do Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân triển khai thực hiện trên địa bàn xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ từ tháng 12/2016 đến nay. Nhiệm vụ hướng đến mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu Cà gai leo trên địa bàn huyện Cam Lộ góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho bà con. Đồng thời tiếp tục nâng cấp nhà xưởng, xây dựng các phòng chuyên dụng đạt chuẩn, dần hướng đến xây dựng nhà máy đạt chuẩn GMP để sản xuất đa dạng hóa các loại sản phẩm từ  Cà gai leo và các loại dược liệu khác. Các thành viên Hội đồng nhất trí cao thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN của Công ty An Xuân. 

Tin 3: Sở KHCN vừa tiến hành Kiểm tra tiến độ thực hiện  dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi tại huyện Cam Lộ “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất lạc năng suất cao và sản xuất lạc an toàn theo VietGAP tại tỉnh Quảng Trị” do Công ty TNHH MTV Từ Phong chủ trì.

Đến nay, Công ty đã Tổ chức đào tạo chuyển giao 5 quy trình công nghệ: Quy trình sản xuất giống  lạc xác nhận; quy trình kỹ thuật thâm canh lạc; quy trình kỹ thuật thâm canh lạc an toàn theo VietGAP; quy trình kỹ thuật sấy, chế biến, bảo quản lạc khô thương phẩm; quy trình chế biến lạc sau thu hoạch thành dầu lạc, bơ lạc. Tiếp nhận và ứng dụng 4 mô hình: thâm canh lạc vụ Đông Xuân 2020, quy mô 20 ha; Mô hình sấy, sàng, bảo quản 62 tấn lạc thương phẩm; lắp đặt  máy móc thiết bị chế biến lạc sau thu hoạch. Hoàn thành công tác đào tạo kỹ thuật viên và  tập huấn cho 200 người dân tham gia,... Qua kiểm tra, Hội đồng đánh giá kết quả thực hiện đầy đủ, đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời, lưu ý về các giải pháp tiếp cận thị trường có hiệu quả các sản phẩm từ dự án.

II. Phóng sự:

DCT: Thưa QV&CB! Việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã được Ngành KH&CN chú trọng. Cùng với sự nỗ lực của toàn Ngành KHCN, Nghị quyết 31 về chính sách hỗ trợ ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2025 của HĐND tỉnh đã từng bước đi vào đời sống và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Với những chính sách hỗ trợ khá toàn diện, bài bản trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của địa phương đã góp phần tạo ra những bước đột phá trong ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN của tỉnh. Ghi nhận về vấn đề này mời QV&CB theo dõi phóng sự:

Hỗ trợ ứng dụng KHCN tạo sức bật mới trong sản xuất ở Quảng Trị

          Dự án “Ứng dụng vi sinh vật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ tại thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh”  do hộ gia đình ông Nguyễn Đăng Vương thực hiện. Mô hình nuôi 2000 con gà ri lai vàng rơm, 1000 con gà sao, 1000 vịt Grimaud, 1000 vịt trời với phương thức nuôi bán chăn thả, 100 con heo siêu nạc. Gia cầm được nuôi trong chuồng, xung quanh có rào che chắn hoặc vây lưới. Dự án đã ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN như: Nuôi gà ri lai vàng rơm theo hướng an toàn sinh học; tiếp nhận công nghệ về quy trình nuôi ruồi lính đen trong vi sinh hỗn hợp chất lỏng; nhân giống vi sinh vật, ủ chế phẩm từ các phế phụ phẩm như cá, nội tạng động vật, ruồi lính đen; sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi…Thức ăn sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu từ đậu tương, cám gạo, bột ngô, rau xanh, đạm ruồi lính đen, men vi sinh,…Phương thức nuôi gia cầm theo hình thức bán chăn thả, hệ thống chuồng trại có mái che, nền lót trấu dùng đệm lót sinh học. Bên cạnh đó, trang trại Chăn nuôi heo thịt siêu nạc bằng men ủ vi sinh trên nền đệm lót sinh học cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh. Không chỉ là mô hình chăn nuôi điển hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cách chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ; quảng bá, marketing sản phẩm thông qua kênh Youtube vừa góp phần lan tỏa nông nghiệp sạch, lại phù hợp với xu thế thị trường, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương. Dự tính gia cầm xuất bán đạt từ 1,3 – 3.4kg/con, heo siêu nạc đạt trung bình 115kg/con.

 

Phỏng vấn anh Nguyễn Đăng Vương, thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh

(Nội dung: Ý tưởng thực hiện mô hình và hiệu quả mang lại)

          Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Lê Ngọc Khánh, 33 tuổi đã nghiên cứu tìm tòi để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình vườn – ao – chuồng (VAC) trên diện tích 3200 m2 tại phường 5, Tp. Đông Hà bước đầu thu nhập mang lại khả quan. Khởi nghiệp với vốn đầu tư hơn 1 tỉ đồng từ cuối năm 2018, mô hình VAC của anh Khánh bao gồm các bể xi măng có mái che để nuôi cá chình, cá lóc, và ươm cá giống với 20 vạn con giống cá lóc từ 1 ngày đến 3 tháng tuổi. Xây dựng mô hình nuôi cá chình và cá lóc trong bể xi măng có mai che với tổng diện tích 352m2 (4 bể), 1 hệ thống ươm cá con diện tích 80m2 (8 bể), 1 hệ thống lọc nước gồm 2 bể diện tích 3.75m2 và 4m2, 1 hồ tự nhiên diện tích gần 1200m2 nuôi cá trê và cá rô phi cung cấp thức ăn cho cá chình thương phẩm. Đơn vị thực hiện nghiêm túc các khâu từ xử lý các bể, chọn giống, nuôi dưỡng, xử lý phòng bệnh, khẩu phần ăn,…Với 2 vạn cá lóc nuôi trong 2 bể xi măng, thời gian thu hoạch sau 6 tháng, trọng lượng ước tính 0.8kg/con. 1300 con cá chình đang phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, dự kiến thu hoạch sau 14 tháng.

Phỏng vấn anh Lê Ngọc Khánh, phường 5, Tp. Đông Hà

(Nội dung: Từ thành công đạt được, định hướng trong thời gian tới như thế nào để dự án có thể ứng dụng vào thực tiễn; hiệu quả kinh tế mang lại; nội dung đề nghị hỗ trợ...)

          Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, ứng dụng nhân rộng các kết quả Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2017- 2025 được ban hành với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân trong việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh; từng bước tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.  Triển khai thực hiện Nghị quyết 31, đến nay, Đã tiến hành hỗ trợ cho 48 đối tượng/dự án với tổng kinh phí 1.587,160 triệu đồng. Hiện tại đang hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho 08 dự án đủ điều kiện đưa vào hỗ trợ đợt 1 (năm 2021). Nhìn chung, hoạt động khoa học và công nghệ nói chung và chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN nói riêng tại Quảng Trị đã có những chuyển động đáng ghi nhận, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước thể hiện được vai trò động lực của KH&CN đối với phát triển KT-XH của địa phương.

+Phỏng vấn: - Bà Thái Thị Nga - Trưởng phòng Quản lý Công nghệ

(Nội dung: Đánh giá hiệu quả bước đầu của các dự án đã mang lại; việc hỗ trợ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ thời gian tới)

         Ý thức được việc ứng dụng các kết quả KH&CN vào cuộc sống, xem đó là một trong những chìa khóa quan trọng cho việc mở ra con đường thúc đẩy kinh tế phát triển, ngành KH&CN Quảng Trị luôn nỗ lực đưa những kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ triển khai vào thực tế sản xuất, đời sống, từng bước nâng cao giá trị đóng góp của KH&CN trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Các kết quả đạt được đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất. Những năm gần đây, số lượng các đề tài, dự án nghiên cứu thành công được ứng dụng, nhân rộng phục vụ sản xuất và đời sống ngày càng tăng. Trong đó, có nhiều dự án được hỗ trợ kinh phí từ Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2025. Hỗ trợ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ cao gồm cả ứng dụng các kết quả đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước đã được hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước, tạo ngành nghề mới, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Điều này cho thấy  hoạt động KH&CN Quảng Trị đang ngày càng khẳng định được tính ứng dụng vào thực tiễn của đời sống góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của  tỉnh nhà.Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng KH&CN được nghiệm thu đánh giá từng bước đáp ứng được yêu cầu; ứng dụng KHCN hình thành chuỗi sản phẩm, phát huy lợi thế của sản phẩm đặc sản, các cây con có giá trị ở các địa phương trở thành sản phẩm hàng hóa được người tiêu dùng đón nhận./.

Chào cuối. Chuyên mục KH&CN kỳ này xin được kết thúc tại đây, cám ơn QV&CB đã quan tâm theo dõi. Xin chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau!

Đón xem:

Việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã được Ngành KH&CN chú trọng. Với những chính sách hỗ trợ khá toàn diện, bài bản trên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ bằng nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của địa phương đã góp phần tạo ra những bước đột phá trong ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN của tỉnh. Mời QV & các bạn đón xem chuyên mục khoa học và công nghệ được phát sóng vào 20h15 thứ 5 ngày 17/6 trên sóng truyền hình của Đài PTTH Quảng Trị.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 15/06/2021 08:58 Phạm Như Quỳnh 15/06/2021 08:58
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà