Chương trình Tạp chí Tuổi hoa 24.7- Truyền hình
Danh mục
Tạp chí tuổi hoa
NỘI DUNG

Tạp chí Tuổi hoa 24.7.2021

Xin chào các bạn nhỏ của Tạp chí Tuổi hoa! Các bạn và các em thân mến!

Hè là khoảng thời gian chúng ta được nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn để lấy lại tinh thần chuẩn bị cho một năm học mới. Trong những ngày nghỉ hè ở nhà cùng với các hoạt động học mà chơi, chơi mà học, tham gia các sân chơi lành mạnh, bổ ích….các bạn và các em hãy luôn là người bạn đồng hành cùng Tạp chí Tuổi hoa với những chia sẽ ý nghĩa và lý thú các em nhé. Trong chương trình tuần này, tạp chí Tuổi hoa sẽ giới thiệu cùng các bạn và các em “Trò chơi nước” với nguyên vật liệu tái chế của các bạn nhỏ Trường mầm non Ismile. Tiểu mục Khéo tay sẽ hướng dẫn các bạn và các em cách trang trí những bông hoa từ nắp chai nhựa. Phần cuối chương trình, mời các bạn và các em đến với tác phẩm “Chiến binh cầu vồng” của tác giả  người Indonesia- Andrea Hirata. Còn trước tiên, chúng ta hãy cùng điểm lại một vài thông tin đáng chú ý sau đây.

Nhạc cắt

I.                  Tin tức

1.TẬP HUẤN KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC VÀ TAI NẠN THƯƠNG TÍCH CHO TRẺ EM

Mùa hè là thời điểm tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước ở học sinh, gia tăng. Để chủ động phòng tránh, hạn chế tối đa hậu quả do đuối nước gây ra, vừa qua Nhà thiếu nhi tỉnh phối hợp với Hội chữ thập đỏ tổ chức hoạt động phòng, chống thương đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em.

Tại lớp tập huấn, các em đã được hướng dẫn, trang bị những kiến thức cơ bản về phương pháp bơi an toàn cho trẻ em, cách xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm dưới nước, các phương pháp cứu đuối nước và sơ cấp cứu người bị nạn...

Thông qua lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn do đuối nước cho thiếu nhi. Tăng cường và đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng thực hành xã hội cho thiếu nhi, giúp các em nâng cao sức khỏe, thể chất, hoàn thiện kỹ năng thực hành xã hội để tự bảo vệ mình và phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước; đặc biệt là trong thời gian nghỉ hè và mùa mưa lũ để tránh xảy ra những tai nạn thương tâm do đuối nước.

2. MÔ HÌNH TRÒ CHƠI DÂN GIAN TRƯỜNG HỌC

Các em thân mến! Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, các em học sinh hầu hết bị lôi cuốn với những trò chơi điện tử hay các hoạt động giải trí trên mạng Internet.  Đặc biệt là trẻ em thành phố với môi trường sống đô thị hóa mạnh mẽ không được làm quen và chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi thuở trước; thời gian gần đây trong những giờ học ngoại khóa; Liên đội Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành- TP Đông Hà đã xâu dựng mô hình trò chơi dân gian trong trường học thu hút đông đảo các em học sinh tham gia.

Mô hình trò chơi dân gian được triển khai tại trường tiểu học Nguyễn Tất Thành chủ yếu là những trò đơn giản, dễ chơi như nhảy lò cò, nhảy dây, chơi ô ăn quan với những nguyên vật liệu dễ kiếm, dễ làm… giúp các em học sinh dễ hòa nhập với cuộc chơi. Bên cạnh giúp các em rèn luyện sức khỏe, khả năng, kỹ năng ứng xử hợp lí với các tình huống trong cuộc sống, các trò chơi dân gian còn giúp học sinh rèn khả năng ứng xử văn hóa, không sa vào các trò chơi trực tuyến trên mạng Internet; giúp các em giao lưu, kết bạn, giúp đỡ nhau trong cả học tập lẫn cuộc sống hàng ngày.

 Đây là một trong những hoạt động ngoại khóa bổ ích và lý thú vừa giúp các bạn nhỏ vận động sau mỗi giờ lên lớp lại có ý nghĩa giúp các em hiểu hơn về cội nguồn văn hóa của cha ông; góp phần tích cực trong việc triển khai phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

3.MÔ HÌNH SÂN CHƠI CHO EM

Với mục đích giúp cho các em thiếu nhi trên địa bàn có không gian vui chơi, giải trí; thời gian qua Chi đoàn Khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động hướng đến các em thiếu niên, nhi đồng tại địa phương; trong đó có mô hình “sân chơi cho em”, giúp các em tránh xa trò chơi điện tử, tệ nạn xã hội, được các bậc phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình.

Cứ mỗi buổi tối hằng tuần, các em thiếu nhi ở Khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương tại tụ họp về nhà văn hóa Khu phố Vĩnh Phước để cùng nhau vui chơi, giải trí. Xuất phát từ thực tế trẻ em tại địa phương không có sân chơi cũng như điều kiện để vui chơi, Chi đoàn Khu phố Vĩnh Phước đã quyên góp, huy động các nguồn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân và ngày công của đoàn viên, thanh niên tại địa phương để xây dựng mô hình sân chơi cho em với các trò chơi an toàn, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi nên các em  rất thích thú, các bậc phụ huynh cũng phấn khởi vì con em mình đã có một sân vui chơi an toàn, lành mạnh.

Trong điều kiện hiện nay, khuyến khích thiếu nhi tham gia hoạt động ngoài trời là điều cần thiết giúp các em giảm bớt căng thẳng sau những giờ học tại trường, hạn chế tiếp xúc với các thiết bị giải trí điện tử, tăng cường vậng động, sống hòa nhập với thiên nhiên, tạo không gian văn hóa vui chơi, giải trí, rèn luyện thể chất bổ ích cho trẻ em, để các em được hưởng đầy đủ những quyền lợi của mình.

Nhạc cắt

II.Phóng sự

PTV: Các bạn và các em thân mến! Thời gian qua, các mô hình, phong trào tái chế, biến rác thải thành những vật dụng hữu ích đã lan rộng khắp nơi. Xuất phát từ ý tưởng đó, cô và trò trường Mầm non Ismile- TP Đông Hà đã sử dụng các ống nhựa, vỏ chai nhựa tái chế tạo nên trò chơi nước nhằm mang lại trải nghiệm thú vị cho các em. Trong chương trình Tạp chí Tuổi hoa tuần này, chúng ta hãy cùng đến thăm các bạn nhỏ ở đây để cùng hòa mình vào trò chơi lý thú này các em nhé.

TRÒ CHƠI NƯỚC VỚI NGUYÊN VẬT LIỆU TÁI CHẾ

Đây là một buổi hoạt động ngoại khóa của cô và trò Trường Mầm non Ismile- TP Đông Hà với trò chơi nước. Để chuẩn bị cho trò chơi này, việc đầu tiên cô và trò cùng nhau sử dụng nguyên vật liệu là các ống nhựa, vỏ chai nhựa được góp nhặt, xử lý, làm sạch, đảm bảo vệ sinh và không gây độc hại cho các cháu. .Ý tưởng thực hiện trò chơi nước từ nguyên vật liệu tái chế bắt nguồn từ mong muốn của nhà trường về một không gian vui chơi mang tính mở, nhằm thu hút các em đến với những hoạt động bổ ích, năng động hơn. Với sự cần mẫn, bàn tay khéo léo và sáng tạo của các cô giáo đã tạo ra các mô hình với hình dáng, màu sắc bắt mắt, hấp dẫn…phục vụ cho trò chơi nước phù hợp với độ tuổi của các em, nội dung bài dạy, với tình huống giáo dục trong các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.

Pv: Cô giáo Phan Thị Bảo Yến- Trường Mầm non Ismile- TP Đông Hà

Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non, thông qua các hoạt động vui chơi giúp trẻ được thao tác, được hoạt động và trải nghiệm. Với trò chơi nước từ nguyên vật liệu tái chế của Trường Mầm non Ismile sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng vận động, hòa nhập với thiên nhiên, cảnh quan môi trường sống, đồng thời giúp con trẻ có những hiểu biết khoa học lý thú và bổ ích.

Pv: Cô giáo Phan Thị Bảo Yến- Trường Mầm non Ismile- TP Đông Hà- Quảng Trị

Bằng những vật liệu đơn giản, thêm một chút thời gian và sự khéo léo, khả năng sáng tạo, thông qua hoạt động trò chơi này, các em vô cùng hứng thú, vừa phát huy được tính tư duy và sáng tạo, phát huy được tính hứng thú của trẻ, giúp trẻ có được ý thức bảo vệ môi trường sống của mình, phát triển một cách toàn diện về thể chất và tinh thần.

P/v: Bạn Nguyễn Đình Dũng-Trường Mầm non Ismile- TP Đông Hà- Quảng Trị

(Câu cuối)

Trò chơi vận động với nước từ nguyên vật liệu tái chế của cô và trò trường Mầm non Ismilelà một hoạt động rất có ý nghĩa, bước đầu giúp các em tăng cường vận động về thể chất, đồng thời sẽ có những tác động đến ý thức bảo vệ môi trường cho các em ngay từ khi còn ở lứa tuổi mầm non.

III. Khéo tay

PTV: Các bạn và các em thân mến! Với mục đích bảo vệ môi trường, ngày nay việc tận dụng các đồ vật không sử dụng nữa để làm đồ chơi, đồ trang trí không còn xa lạ.  Tạp chí Tuổi hoa tuần này sẽ hướng dẫn các bạn và các em cách trang trí những bông hoa từ nắp chai nhựa vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí mà không kém phần độc đáo. Chúc các bạn và các em sẽ áp dụng thành công trong những ngày nghỉ hè ở nhà nhé.

Hướng dẫn: Cô giáo Lê Thị Hà Phương- Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP Đông Hà, Quảng Trị

IV. Giới thiệu sách

PTV: Các bạn và các em thân mến! “Chiến binh cầu vồng” của tác giả  người Indonesia- Andrea Hirata dựa trên câu chuyện có thực về thời thơ ấu của chính nhà văn. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên năm 2005, cuốn sách về ước mơ và cuộc đấu tranh bền bỉ của thầy trò trường Muhammadiyah để gìn giữ quyền giáo dục cho chính mình đã giành thành công vang dội. Xuyên suốt tác phẩm, chúng ta thấy được sự nghèo khó đến tột cùng của các cô, cậu bé. Nhưng chính vì đó, ta lại càng cảm phục về nghị lực và sự ham học của các em. Phần cuối chương trình, các em hãy cùng Tạp chí Tuổi hoa đến với tác phẩm “Chiến binh cầu vồng” để hiểu hơn về ý nghĩa của cuốn sách này các em nhé.

CHIẾN BINH CẦU VỒNG

Chiến binh cầu vồng là câu chuyện có thật ở vùng quê nghèo Indonesia, nơi 10 đứa trẻ phải vật lộn với cuộc sống để được đến trường. Ngôi trường chỉ có vẻn vẹn 10 học sinh, có thầy Harfan và cô giáo Mus là 2 người khơi dậy ngọn lửa học tập không ngừng trong lòng những đứa trẻ. Đó là câu bé Linhtang thông minh kiệt suất, cậu khao khát sự học tới mức nhà cách trường 40 km , đường đi băng qua bao đèo núi, qua những vùng đầy cá sấu và nguy hiểm rình rập khắp mọi nơi vậy mà bao giờ cậu cũng là người đến sớm nhất. Đó là Marha một nghệ sĩ đích thực đã làm cho đời sống tinh thần của những đứa trẻ xuất thân từ nghèo khó hiểu về nghệ thuật và biết khao khát ước mơ, đó là cậu bé Akông người Hoa ít nói và hiền lành, đó là Harun một cậu bé bị down , đó là Trapani thư sinh hiền lành mà lại yếu đuối, đó là Sahara quạu cọ và Akiong khờ khạo lúc nào cũng chí chóe với nhau, đó là Borek chỉ luôn quan tâm đến việc làm cho cơ bắp phát triển …

Mỗi chương là một câu chuyện đầy cảm xúc của tuổi trẻ, những xao xuyến thưở đầu đời, những khám phá ngỡ ngàng về khả năng của từng đứa, rồi chúng ngưỡng mộ nhau, yêu thương và quý mến nhau như người một nhà…Xuyên suốt tác phẩm, chúng ta thấy được sự nghèo khó đến tột cùng của các cô, cậu bé. Nhưng chính vì đó, ta lại càng cảm phục về nghị lực và sự ham học của các em. Tuy nghèo khổ nhưng trường học là nơi rất có ý nghĩa, nó mang đến cho mỗi đứa trẻ niềm vui mỗi ngày kể cả những đứa thiệt thòi nhất bị bệnh down như Harun. Nó làm người ta được sống trong niềm khát khao tri thức của cậu bé Lintang, khát khao thay đổi cuộc đời, khát khao thoát khỏi đói nghèo…

Gấp cuốn sách lại tất cả những gì còn lại là cảm giác đấy ắp và chan chứa yêu thương. Ngoài những bất công của xã hội, những phi lý của cuộc đời cuốn sách đề cập đến vấn đề rất lớn lao thuộc về quyền con người: “Mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được học hành” điều tưởng chùng như giản đơn ấy lại cần phải có rất nhiều nỗ lực và những hi sinh thầm lặng của các cô giáo thầy giáo nơi đây. Họ là những người khiến cầu vồng tỏa sáng và làm nên tinh thần của những chiến binh…

PTV: Các bạn và các em thân mến! Hy vọng sau khi theo dõi chương trình Tạp chí Tuổi hoa, các bạn và các em sẽ sưu tầm thêm cho mình có một cuốn sách hay và ý nghĩa trong dịp hè này. Đến đây Tạp chí Tuổi hoa tuần này xin khép lại. Thân ái chào tạm biệt các bạn và các em.  

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 22/07/2021 10:46 Lê Vĩnh Nhiên 22/06/2022 14:36

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà