Phụ nữ và cuộc sống
Danh mục
Phụ nữ và cuộc sống
NỘI DUNG

Chuyên mục phụ nữ và cuộc sống 2/10

MC1: Kính chào QV & các bạn đang nghe chương trình phụ nữ và cuộc sống của Đài PTTH Quảng Trị.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Có thể khẳng định rằng bình đẳng về lĩnh vực kinh tế mới là cơ sở vững chắc cho bình đẳng giới, giúp phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là đối với phụ nữ vùng cao thì việc làm chủ kinh tế sẽ giúp người phụ nữ nâng cao được vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

MC1: Đây cũng sẽ là nội dung chính của chương trình phụ nữ và cuộc sống hôm nay. Mời Qv & các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

Nâng cao vai trò của phụ nữ vùng cao

MC1: Quý vị và các bạn thân mến! Ngày nay, vị thế, vai trò của phụ nữ đã được nâng lên rõ rệt, bình đẳng giới ngày càng được chú trọng, quan tâm, nhất là nhiều chị em ở khu vực nông thôn, miền núi…Điều đáng nói là không còn đóng khung cuộc đời bên bếp lửa, quanh năm chỉ biết gieo giọt mồ hôi trên nương, phụ nữ ở các huyện vùng cao phía tây tỉnh Quảng Trị đang tiến những bước khá vững chắc để khẳng định quyền bình đẳng giới, mà điển hình là nỗ lực làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

MC2: Với hơn 50% lực lượng lao động, những năm qua phụ nữ Đakrông đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của huyện nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp. Tiếp tục phát huy đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, chị em đã tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả chủ trương định canh định cư, biết đầu tư thâm canh để tăng năng suất cây trồng.  Chị em ngày càng có ý thức và thực hiện tốt việc chăn nuôi có chuồng, trại, biết phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, ý thức cao trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 30a/2008/NQ – CP, mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất, xây dựng nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình có hiệu quả, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi và trồng cây lâm nghiệp. Hiện nay trên địa bàn huyện có một số hộ gia đình hội viên phụ nữ đã khôi phục và phát triển nghề truyền thống như: Rượu cần truyền thống của người Vân Kiều xã Hướng Hiệp, rượu men lá xã Pa Nang. Ngoài ra, một số nghề truyền thống được khôi phục, phát triển như chổi đót, dệt thổ cẩm…. Cuộc sống của phụ nữ dân tộc vùng cao nơi đây đang khởi sắc từng ngày. Chị Hồ A Phan, thôn Apul, xã Tà Rụt, huyện Đakrông nói với chúng tôi:

                                      ( Ghi âm)

MC1: Trước đây, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn do chỉ biết phát rừng làm nương, thuần canh lúa nương và ngô, chăn nuôi gia súc theo kiểu thả rông nên năng suất thấp; cuộc sống bấp bênh, nghèo đói. Vì thế mà cuộc sống chị em cũng túng quẩn, lạc hậu. Họ phải làm việc quần quật, mà không thoát khỏi cảnh nghèo đói. Thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, các tổ, cấp hội phuu nữ đã giúp chị em thay đổi tập quán sản xuất, cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Ðể mọi hội viên có thể tham gia chuyển dịch cây trồng vật nuôi, chi hội phân công hai đến ba hội viên khá giúp đỡ một hội viên nghèo. Nhờ cách làm này, tất cả số hội viên nghèo trong thôn, trong các chi hội đều được hỗ trợ giống, vốn, sức kéo, công lao động... để chuyển từ trồng ngô, lúa nương sang trồng lúa nước, trông cây ăn quả, buôn bán nhỏ, đời sống gia đình đã đổi thay…Chị Hồ Thị Hiệp, hội viên phụ nữ xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa cho biết:

                                  ( Ghi âm)

MC2: Những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Hướng Hóa đã phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn giúp chị em có kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, từ đó chị em có điều kiện phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống gia đình….Lên vùng cao Hướng Hóa, vào đến tận các xã Hướng Tân, Hướng Phùng, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống mới đang hiện rõ ở từng gia đình chị em phụ nữ, nhất là chị em đồng bào dân tộc nơi đây, nhà ở đã khang trang, trong nhà đã có ti-vi, xe máy... Có thể nói, đối với phụ nữ vùng cao, giúp họ giảm nghèo nhanh nhất là có sự hồ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật và có sự động viên kịp thời. Cũng từ đó, Hội và các cấp hội trong toàn huyện sẽ phát huy vai trò định hướng và cầu nối hỗ trợ hiệu quả để giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Và một điều chắc chắn rằng, khi tự chủ sản xuất, chị em vùng cao sẽ làm chủ kinh tế, làm chủ cuộc sống bản thân và gia đình. Đó cũng chính là điều quan trọng để chị em vùng cao có thêm điều kiện khẳng định vai trò và vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội./.

Nhạc cắt

                                               

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG TỪ TIẾT KIỆM VÀ VAY VỐN Ở THÔN BẢN CỦA PHỤ NỮ

MC1: Thưa QV&CB! Nhiều năm qua, nhờ vào mô hình tiết kiệm và vốn vay thôn bản do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng trị và tổ chức Plan phối hợp thực hiện mà phụ nữ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được trao quyền hành động, chuyển đổi phương thức sản xuất, phát triển kinh tế để đưa chính mình thoát nghèo, bên cạnh đó, còn khuyến khích thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý chi tiêu trong gia đình của người phụ nữ.

MC2: Cứ ngày 15 hàng tháng, nhóm hộ của chị Nguyễn Thị Khuyên, ở thôn Khe Lặn, xã Mò Ó, huyện Đakrông tại tổ chức họp, phần lớn là các chị em trong thôn, đôi lúc có thêm cán bộ hội phụ nữ xã. Tại đây, các chị được biết thêm nhiều thông tin về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, những mô hình làm ăn mới có hiệu quả để chia sẽ, trao đổi kinh nghiệm. Cũng tại buổi họp tổ, các chị sẽ triển khai mô hình tiết kiệm vay vốn, mỗi chị em đóng góp một khoản tiền nhỏ rồi ưu tiên cho các hộ nghèo trong tổ mượn làm vốn, phát triển kinh tế, như chị Nguyễn Thị Khuyên, với số tiền tiết kiệm của nhóm hộ và nguồn vốn của gia đình, chị Khuyên mua được một con bò đẻ, sau 3 năm, đã phát triển lên 7 con, nguồn thu nhập mang lại rất đáng kể, chị Nguyễn Thị Khuyên chia sẽ:

Trích băng

MC1: Mô hình nhóm "Tiết kiệm và vốn vay thôn, bản" được tổ chức hoạt động trên địa bàn huyện Đakrông tại 7 xã từ năm 2009, với sự hỗ trợ ban đầu của tổ chức Plan tại Quảng Trị . Mỗi nhóm có từ 10 đến 25 thành viên là các hộ dân trong thôn, sinh hoạt theo từng tháng với quy định do nhóm đề ra. Về phương thức hoạt động trên cơ chế tự quản về kinh tế và hoạt động độc lập, do đó thời gian sinh hoạt, nội dung và các mức đống phí được các thành viên thảo luận và thông nhất chung. Để các nhóm hoạt động có hiệu quả, Hội LHPN huyện và tổ chức Plan đã hỗ trợ cho mỗi nhóm bộ công cụ như: máy tính, hòm đựng tiền, sổ tiết kiệm... Tùy vào điều kiện kinh tế gia đình mà người dân tham gia nhóm có thể gửi tiết kiệm vào quỹ theo từng tuần, tháng đến khi kết thúc một chu kỳ từ 9 tháng đến 1 năm, người gửi tiết kiệm sẽ được trả lãi suất với mức mà nhóm quy định. Nguồn vốn sau đó được hỗ trợ cho cho các thành viên vay để phát triển sản xuất, kinh doanh khi có nhu cầu đề xuất. Qua đó đã giúp cho hội viên có được nguồn vốn ban đầu, số tiền tuy không lớn nhưng phần nào giúp cho gia đình có thêm nguồn kinh phí để mở rộng sản xuất, hoặc làm các công trình phục vụ đời sống.

MC2: Từ mô hình bàn đầu ở 7 xã gồm: Mò Ó, A Bung, Tà Rụt, Hướng Hiệp, Tà Long, Đakrông do Plan tài trợ đến nay Hội LHPN huyện đã nhân rộng ra các xã còn lại trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện có 289 nhóm tiết kiệm và vốn vay thôn, bản, thu hút sự tham gia của hơn 4000 thành viên với tổng số vốn huy động lên đến hơn 31 tỉ đồng, đã và đang cho vay số tiền hơn 20 tỉ đồng.  Bên cạnh đó, nhóm tiết kiệm cũng là nơi Hội LHPN các cấp tiếp cận và truyền thông hiệu quả các hoạt động định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho địa phương.

Chị Hồ Thị Thương, chủ tịch Hội LHPN xã Hướng Hiệp chia sẻ:

Trích băng

MC1: Tiết kiệm và vốn vay thôn bản là một phương thức phát triển dựa vào cộng đồng, trong đó người dân địa phương và phụ nữ là những người tham gia tích cực để nhằm khuyến khích sự tham gia của hộ nghèo nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung để xây dựng khả năng tài chính của cộng đồng trong việc huy động các khoản tiết kiệm, sử dụng vốn tiết kiệm để tạo quỹ cho vay và tạo lập quỹ để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Chào cuối

Đón nghe: Có thể khẳng định rằng bình đẳng về lĩnh vực kinh tế mới là cơ sở vững chắc cho bình đẳng giới, giúp phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, đặc biệt là đối với phụ nữ vùng cao thì việc làm chủ kinh tế sẽ giúp người phụ nữ nâng cao được vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội.  Đây cũng sẽ là nội dung chính của chương trình phụ nữ và cuộc sống được phát sóng vào 11h thứ 7 ngày 2-10 trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Mời Qv & các bạn đón nghe!

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 23/09/2021 09:55 Lê Vĩnh Nhiên 23/09/2021 15:41
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà