Dọc đường VN 1/10
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 1/10 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, có nội dung chính là bài viết về tác phẩm văn nghệ về quê hương Quảng Trị mang tên "Sơn nữ ca của nhạc sĩ Trần Hoàn". Nội dung này sẽ được phát sóng vào thứ 6 ngày 1/10, vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 5/10, lúc 9g. Chương trình do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập và dàn dựng mời quý vị và các bạn đón nghe. -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, nhân đầu năm học mới, chúng ta cùng đến với bài viết "Nghề giáo trong cách nhìn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường", bài của Xuân Dũng, chúng ta cùng theo dõi. -Phần cuối ct, mời quý vị đến với bài viết giới thiệu một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Hoàn, bài hát" Sơn nữ ca", bài của Nguyên Xuân. Nhưng trước hết hãy thưởng thức một đoạn ca khúc này qua tiếng hát của ca sĩ Ánh Tuyết. Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: dọc đường VN, ct có sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Dọc đường VN 1/10

    NHÀ GIÁO TRONG CÁCH NHÌN CỦA HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG.

                                                                                           (Xuân Dũng)

 Trước khi trở thành nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp, Hoàng Phủ Ngọc Tường có một thời gian khá dài làm nghề dạy học. Trong nhàn đàm “Bài học vỡ lòng của tôi”, nhà văn nhắc đến thời thơ ấu được khai tâm từ một ông giáo già nghiêm nghị ở một trường học được gọi là “trường thầy Toại”.

Hình ảnh người thầy khai trí hiện lên trong hồi ức của học trò khi đã cập kề lên lão: “Đó là một cụ già nghiêm nghị mà dịu dàng, và dù môn đồ chỉ vài chục đứa nhóc lên sáu lên bảy, bao giờ thầy cũng mặc áo dài đen, đội khăn đóng và mang giày hạ, khiến bọn trẻ chúng tôi thấy phải tự khép mình vào khuôn phép ngay lập tức”.

Bài học vỡ lòng thầy dạy con trẻ không phải là những chữ cái mà chính là bài học làm người bằng một bài văn vần nôm na có tên gọi Yêu ai?:

Trò đi học để yêu ai?Thưa tôi đi học để yêu người gần xa/ Gần là yêu mẹ yêu cha/ Trước thì anh chị, sau ra họ hàng/Sau rồi tới kẻ lân bang/ Tôi yêu, yêu hết kẻ sang người hèn/Bao nhiêu kẻ lạ cùng quen/ Cùng nhau đã có mặt trên hoàn cầu/Là tôi yêu chẳng xiết đâu/Ấy tôi đi học chỉ cầu thế thôi.

Bài học đầu đời ở trường chính là tâm nguyện về lòng nhân ái. Phải biết yêu từ những người, những điều thân thương, gần gũi nhất rồi mới mong yêu đến những gì cao xa, rộng lớn hơn như quê hương, Tổ quốc.

Trong bút ký “Rất nhiều ánh lửa”, tác giả có nói đến một đoạn đời dạy học của mình rất đáng nhớ trước năm 1975 tại Trường Quốc Học Huế. Giữa thời thế nhiễu nhương, loạn lạc, nhiều người tử tế chọn nghề thầy giáo không chỉ vì mưu sinh qua ngày, mà quan trọng hơn là giữ lấy thiên lương trong bản thân mình, ít nhiều giúp ích cho đời thông qua con đường giáo hóa. Bởi dù thế sự có biến cải đến đâu, những nhà giáo đúng nghĩa ở thời nào cũng được coi là hiện thân của văn hóa và đạo lý. Người thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường nói như một lời nhắc nhở và nhắn nhủ kín đáo trong nỗi âu lo về số phận học trò: ”Dạy học chỉ là cách trình bày lại một số kiến thức cần nhớ, để các anh tự mình chọn lấy. Công việc của tôi chỉ có như thế. Các anh hoàn toàn tự do để trách nhiệm lấy cuộc đời của mình. Không thể trông cậy vào bất cứ ai, kể cả thầy giáo, trong đó có tôi. Tôi sẽ không có trách nhiệm nào khác đối với các anh”.

Đọc lại đoạn này nhớ đến một câu nói nổi tiếng của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, đại ý: Chính kiến có thể thay đổi nhưng đạo lý thì không thể xa rời. Nhất là đạo lý người thầy.

Trong bài nhàn đàm “Thầy Đào Duy Từ”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tôn vinh tài năng quân sự và chính trị của danh nhân Đào Duy Từ, tên tuổi ông gắn liền với một công trình quân sự tên gọi “Lũy Thầy” ở Quảng Bình. Ông đúng là nhà quân sự giỏi, là người thầy tài đức của bậc đế vương muốn an dân trị quốc. Ông là trợ thủ đắc lực cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mở mang cơ nghiệp xứ Đàng Trong. Tác giả viết về ông: ”Điều khiến cho mãi đến ngày nay chúng ta vẫn có lý do để giữ lòng ngưỡng mộ đối với ông chính là nhân cách kẻ sĩ của Đào Duy Từ. Kẻ sĩ đem tài ra giúp vua chúa trong sự nghiệp an dân, nhưng không bao giờ xu nịnh, luồn cúi trước quyền lực”.Và ông kết luận xác đáng: ”Người ta quên đi tước lộc của ông, quên đi cả tài năng quân sự của ông; chỉ nhớ đến ông như một bậc thầy của mọi người: thầy Đào Duy Từ”.

Từ công việc cụ thể của mình, nhà giáo Thái Quốc Khánh, hiệu trưởng trường THPT Lê Thế Hiếu ở vùng Cùa (Cam Lộ), cũng là người dạy văn tâm sự (băng)

Thiên chức người thầy quả thật lớn lao, vai trò người thầy xứng đáng được tôn vinh. Nhưng nhà giáo cũng là con người, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường, cũng vui buồn, trăn trở, cũng cơm áo lo toan trong kiếp nhân sinh. Bởi vậy, hễ là người duy vật thì bên cạnh việc đề cao nhà giáo, phải cố gắng tạo điều kiện chính đáng cho họ yên tâm với nghề nghiệp của mình. Vả lại, ngay cả Karl Marx (Các Mác) khi muốn cải biến quan hệ “giữa người với người là chó sói”, cũng từng nói phải thay đổi cho hoàn cảnh xã hội nhân đạo hơn. Đó cũng là đạo lý thiết thực đối với người thầy.

 

 

       "SƠN NỮ CA" CỦA NHẠC SĨ TRẦN HOÀN.

                                                                                         (Xuân Dũng)

   Tác phẩm đầu tay và cũng nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Hoàn chính là bài hát "Sơn nữ ca" được sáng tác trong giai đoạn đầu của kháng chiến chống Pháp và chinh phục công chúng yêu âm nhạc nhiều thế hệ.

   Mở đầu bài hát là một chiều tối, khi màn đêm bắt đầu buông xuống giữa núi rừng kháng chiến:

   Một đêm trong rừng vắng
Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh
Thấp thoáng bóng cô sơn nữ
Miệng cười xinh xinh.

Một đêm trong rừng núi
Có anh lữ khách nhìn trời xa xa
Ngắm trăng say đắm
Một mình bâng khuâng.

   Không phải là nghệ sĩ gặp người đẹp nơi tửu lầu, không phải là phong cảnh an bình, tao nhã. Đây là hoàn cảnh thời chiến, khi cuộc kháng Pháp bắt đầu, nhiều gian khổ, thử thách đang đặt ra trước quân và dân ta. Nhưng bản tính nghệ sĩ thường lãng mạn nên nhân vật trữ tình vẫn cứ hiện ra trong mơ màng, đắm đuối.

   Một đêm trong rừng vắng
Có cô sơn nữ miệng cười khúc khích
Ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng.

Một đêm trong rừng núi
Có anh lữ khách nhìn trời xa xa
Biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm.

   Điệp khúc hay đúng hơn là điệp ngữ : một đêm cứ láy đi láy lại cho một cuộc gặp cũng chỉ tình cờ nhưng để lại nhiều dư âm, không biết tình cảm mới chớm như cụ Nguyễn Du có nói trong Truyện Kiều hay không : "Tình trong như đã mặt ngoài còn e". Vẫn là tình cảm trong sáng nặng phần cảm tính của đôi lứa thanh xuân trong một đêm sơn cước. Để rồi sau đó như nhạc sĩ đã thốt lên:

   Sơn nữ ơi!
Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạc
Thời gian vun vút trời mây
Sơn nữ ơi!
Đừng làm thắc mắc cho lòng khô cạn
Từ nay nước mắt đầy vơi.
Sơn nữ ơi!
Thời gian lôi cuốn bao lần lên rừng
Đầy hương bát ngát trời thu
Sơn nữ ơi!
Đành lòng sống với bên rừng thơ mộng
Cùng hoa với lá ngàn hương

   Bài hát với giai điệu rộn ràng, ca từ trong trẻo, mang nhiều chất lãng mạn, tài tử của một ca khúc tân nhạc trong kháng chiến vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay trong tâm cảm những người yêu âm nhạc.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 30/09/2021 06:42 Lê Vĩnh Nhiên 30/09/2021 15:00
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà