Tạp chị Dân tộc và miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dẫn 1: Kính chào đồng bào và các bạn! Đồng bào và các bạn đang theo dõi tạp chí dân tộc của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình hôm nay chúng tôi xin gửi đến đồng bào và các bạn phóng sự: Chắp cánh cho trẻ em gái vùng cao còn gặp khó khăn, tiếp đó là ghi nhận việc Chung tay xây dựng nhà ở cho giáo viên ở huyện Đakrông. Cuối chương trình mời đồng bào và các bạn đến với phóng sự Khởi động phục hồi sau lũ lụt tại xã Hướng Hiệp. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình, mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi.

Chắp cánh cho trẻ em gái vùng cao còn gặp khó khăn

PTV: Thưa đồng bào và các bạn. Năm 2019, UBND xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa đã phối hợp với Tổ chức Plan thành lập Nhóm ước mơ - Câu lạc bộ gọi tắt là nhóm bạn gái xã Ba Tầng. Với nhiều hoạt động thiết thực, đến nay, nhóm đã trở thành sân chơi bổ ích, thu hút sự tham gia của khá nhiều trẻ em gái ở địa phương. Góp phần hạn chế và đi đến loại bỏ tảo hôn, nâng cao nhận thức cho trẻ em gái về nhiều mặt trong học tập, cuộc sống gia đình và xã hội.

Những năm qua, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về công tác dân số. Tuy vậy, tình trạng tảo hôn đang là một vấn đề nhức nhối, cản trở tiến trình nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình. Cũng như nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh, những năm qua, tình trạng tảo hôn ở Ba Tầng vẫn còn xảy ra. Nhiều trẻ em gái trong độ tuổi 14 - 17 lấy chồng, phải bỏ học giữa chừng, cơ thể của các em chưa phát triển đầy đủ đã sinh con nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng giống nòi. Bên cạnh đó, do còn nhỏ tuổi lập gia đình, còn thiếu kinh nghiệm cuộc sống nên các em chưa có khả năng tự lao động, phát triển kinh tế dẫn đến cuộc sống hằng ngày gặp rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ thực tế đó, được sự quan tâm, hỗ trợ của Tổ chức Plan, UBND xã Ba Tầng quyết định thành lập 2 Nhóm ước mơ - Câu lạc bộ bạn gái xã Ba Tầng với tổng số 29 thành viên độ tuổi từ 11 - 18. Trong đó, nhóm 1 gồm có 13 thành viên, sinh hoạt tại thôn Măng Sông, nhóm 2 gồm có 16 thành viên, sinh hoạt tại thôn Ba Lòng. Bình quân mỗi tháng, các nhóm tổ chức sinh hoạt 2 lần.

Bắt đầu buổi sinh hoạt nhóm trẻ em gái, các thành viên cùng nhau hát những bài hát vui tươi, nhộn nhịp. Tại đây, các em gái được tình nguyện viên chuyển tải nhiều kiến thức bổ ích như bình đẳng giới, các quyền trẻ em, tuổi dậy thì, giới tính, cách phòng, chống xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái, các vấn đề về tảo hôn và các hệ luỵ để lại; thực trạng, nguyên nhân và hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; kỹ năng sống và cách phòng, tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản… Bên cạnh đó, được hỏi đáp tư vấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tham gia hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; được tham gia học cách nấu các món ăn ngon, cắm hoa đẹp, những việc có thể giúp bố mẹ ngoài giờ lên lớp trong khả năng của mình… Do đó, mỗi lần đến sinh hoạt tại nhóm, hầu hết các trẻ em gái trong xã rất thích thú, xem đây như ngôi nhà chung, sân chơi lành mạnh.

Em HỒ THỊ THỐT

Thôn Ba Lòng, Ba Tầng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Sau khi em tham gia nhóm Câu lạc bộ Ứớc mơ này, em cảm thấy không nên kết hôn sớm. Đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn. Kết hôn sớm sẽ để lại nhiều hậu quả không tốt cho chính bản thân mình.

Nhờ có nhóm, trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Ba Tầng được vui chơi, trao đổi kinh nghiệm học tập cũng như kinh nghiệm tự chăm sóc bản thân, nhất là tâm sinh lý lứa tuổi mới lớn. Đặc biệt, qua kiến thức nắm bắt được tại nhóm, các em nhận ra được những sai lầm trong tảo hôn và sinh con sớm, từ đó có định hướng đúng đắn cho mình trong hành động, hướng đến một tương lai tươi sáng.

Em Hồ Thị Mia ở bản Củ Tà Điếu, thành viên nhóm Ba Lòng là một trong những bạn gái tham gia câu lạc bộ từ khi thành lập đến nay. Nhà của Hồ Thị Mia nằm sát biên giới Việt - Lào, cả bản chỉ có 8 hộ gia đình và mới có điện năm vừa rồi nên cuộc sống của gia đình Mia và người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn. Do trình độ dân trí thấp, quan niệm lạc hậu, một số bạn gái còn rất nhỏ tuổi đã lấy chồng, sinh con sớm mà gia đình cũng không ngăn cấm nên cuộc sống của các bạn quá vất vả. Khi hay tin xã thành lập Nhóm ước mơ - Câu lạc bộ bạn gái em xin phép bố mẹ được tham gia. Mỗi lần ra thôn sinh hoạt em đi bộ 2 km phải băng qua mấy quả đồi, lội suối nhưng em không ngại khó vì mình được cùng các bạn tham gia nhiều hoạt động rất bổ ích. Nhờ sinh hoạt tại nhóm mà Hồ Thị Mia cảm thấy tự tin và năng động hẳn. Nhiều khi trong nhóm có bạn nhà quá nghèo phải nghỉ học lên rẫy sản xuất với bố mẹ hoặc đau ốm hay lụt bão lâu ngày không đến trường thì cả nhóm đến nhà bạn vận động đi học trở lại. Khi có nhiều kiến thức được học hỏi từ nhóm, em tham gia tuyên truyền, vận động những bạn có ý định tảo hôn nên dừng lại để xây dựng cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn sau này. Bên cạnh đó, chia sẻ những kinh nghiệm học được từ nhóm cho các bạn, vận động các bạn tham gia sinh hoạt nhóm.

Em HỒ THỊ MIA

Bản Củ Tà Điếu, Ba Tầng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Trước đây, em thấy có bạn kết hôn sớm, cuộc sống vất vả, khó khăn lắm. Từ khi em tham gia sinh hoạt câu lạc bộ nhóm trẻ em gái đến nay đã được một thời gian dài. Từ đó em cũg hiểu nhiều hơn về giới tính, về độ tuổi kết hôn, về những món ăn đặc sắc của bà con nơi đây. Em cũng tuyên truyền lại cho những bạn không tham gia sinh hoạt được, mong các bạn hiểu hơn về các vấn đề về sức khỏe, độ tuổi kết hôn, giới tính.

Không chỉ được học về giới tính, sức khỏe vị thành niên, độ tuổi kết hôn đúng pháp luật, các trẻ em gái còn được tuyên truyền viên hướng dẫn làm các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Từ cách chế biến nguyên, vật liệu đến các bước để hoàn thành món ăn đều được hướng dẫn kỹ lưỡng. Từ đó, các em biết thêm nhiều cách chế biến món ăn khác nhau. Giúp bố mẹ nấu ăn hằng ngày.

Không dừng lại ở việc sinh hoạt, hướng dẫn cho các em. Anh Nguyễn Hữu Khóa, tình nguyện viên và là phụ trách Nhóm ước mơ – Câu lạc bộ bạn gái xã Ba Tầng còn tích cực đến từng nhà các hộ dân trong thôn bản để tuyên truyền, cùng nói chuyện với bố mẹ hay ông bà của các bạn gái trong độ tuổi từ 11 đến 18 tuổi với mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ thêm về kiến thức để các thành viên trong gia đình không cho con kết hôn sớm. Khuyến khích, động viên con cháu đến trường.

Ông HỒ ĂM XĂNG

Thôn Ba Lòng, Ba Tầng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Tôi được các tình nguyện viên nhóm trẻ em gái tuyên truyền, vận động về việc tảo hôn sớm. Tôi hiểu và hứa là giúp đỡ cháu mình đi học đến nơi đến chốn, không được bỏ học, không được kết hôn sớm. Vì nếu kết hôn sớm sẽ ảnh hưởng sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của con cháu. Tôi cũng sẽ vận động các cháu khác trong thôn bản mình như vậy.

Để động viên các nhóm, trong các buổi sinh hoạt, Tổ chức Plan hỗ trợ kinh phí cho các buổi sinh hoạt như nước uống, bánh kẹo và sách, truyện, băng rôn, ma két truyền thông theo từng chủ đề. Có thể nói, những hoạt động của nhóm đã góp phần chắp cánh ước mơ để nhiều trẻ em gái vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sống, học tập và tham gia các phong trào, hoạt động thi đua ở địa phương phù hợp với lứa tuổi của mình.

Anh Nguyễn Hữu Khóa

Tình nguyện viên, phụ trách Nhóm ước mơ - Câu lạc bộ bạn gái xã Ba Tầng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Xuất phát từ chỗ đây là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở đây thì trẻ kết hôn sớm còn diễn ra. Tôi cảm thấy vấn đề đó ảnh hướng lớn đến đời sống của các bạn gái. Kết hôn sớm thì cuộc sống khó khăn, khi sinh con ra không được khỏe mạnh. Từ đó, Đảng, chính quyền xã và được sự ủng hộ của dự án Plan đã thành lập nhóm câu lạc bộ bạn gái. Sau thời gian hoạt động từ năm 2016 đến nay đều nhận thức được việc kết hôn sớm sẽ dẫn đến đói nghèo, sức khỏe không đảm bảo. Những năm gần đây tình trạng tảo hôn giảm dần. Đó là mục đích mà chúng tôi đặt ra. Trong thời gian tới, nếu được hỗ trợ từ các tổ chức khác thì các nhóm này nhân rộng ra ở các thôn khác. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hỗ trợ các con giống, vật nuôi để các nhóm bạn chăn nuối, góp phần phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, các thành viên nhóm rất hứng thú với những nội dung, hình thức sinh hoạt, có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, nhất là ý thức được các vấn đề về tâm sinh lý, giới tính, biết chăm sóc bản thân, biết giúp đỡ các bạn cùng nhau học tập hiệu quả. Qua đó, hình thành lối ứng xử phù hợp ở tuổi vị thành niên, giúp khẳng định vai trò, vị thế của trẻ em gái trong gia đình và xã hội, giảm thiểu được tình trạng bất bình đẳng giới, đặc biệt là hạn chế tối đa tình trạng tảo hôn. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển thành viên nhóm gặp một số khó khăn do nhiều bạn gái nhà ở xa, phải phụ giúp bố mẹ làm kinh tế, nhiều em còn rụt rè, e ngại khi tiếp xúc với đông người… Nhằm giúp các nhóm xây dựng quỹ hoạt động, đề nghị UBND xã và Tổ chức Plan hỗ trợ hoạt động phát triển kinh tế theo từng nhóm như chăn nuôi dê, nuôi gà, lợn, trồng rau sạch… Đồng thời, nhân rộng mô hình nhóm ra các thôn còn lại trong xã.

                       

Chung tay xây dựng nhà ở cho giáo viên ở huyện Đakrông

Thưa đồng bào và các bạn! Hiện ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị có hơn 15 nghìn cán bộ, giáo viên và nhân viên, trong đó có gần 1.000 người có nhu cầu về chỗ ở. Vấn đề nhà ở công vụ cho giáo viên mặc dù được quan tâm đầu tư xây dựng hằng năm song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc chưa an cư đã tác động đến đời sống và hoạt động dạy học của các thầy giáo, cô giáo tại Quảng Trị, nhất là đội ngũ giáo viên ở các huyện miền núi.

Công tác tại trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Tà Long, huyện Đakrông hơn 10 năm qua nhưng cô giáo Hồ Thị Lưu chưa có một ngày yên tâm về chổ ở. Nỗi lo nơi sinh sống, làm việc không an toàn, nhất là mỗi khi trời mưa, nước từ mái nhà, khe tường nứt nẻ chảy vào phòng làm ướt hết đồ đạc. Mấy năm trở lại đây, khu vực nhà ở càng trở nên trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và giảng dạy.

Cô giáo Hồ Thị Lưu

Trường PTDTBT, THCS Tà Long, Đakrông, Quảng Trị

(Nhà tập thể đã xuống cấp khá trầm trọng, anh em năm nào cũng phải chạy lụt với lại mái nhà khi mưa bình thường thì thôi chứ lúc mưa lớn thì bị dột. Quần áo, đồ dùng của tất cả anh chị em đều bị ướt, giường ngủ nhiều lúc cũng dột, ngủ không được. máy in, máy tính cũng bị ướt, gây hư hỏng.)

Trường PTDTBT THCS Tà Long năm ở km 22, trên tuyến quốc lộ 14. Trường được xây dựng từ năm 2002, gồm dãy nhà 2 tầng là nhà hiệu bộ, dãy phòng học và 4 phòng ở tập thể cho giáo viên. Qua hơn 20 năm sử dụng và chịu sự tác động của mưa lũ nên các hạng mục đều xuống cấp nặng nề. Để đảm bảo an toàn cho công tác dạy học và lưu trú cho học sinh, năm 2013, nhà nước đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng nhà bán trú cho học sinh và năm 2020 đưa vào sử dụng trụ sở làm việc của nhà trường. Các công trình này được xây dựng ở trung tâm xã, là nơi cao ráo, an toàn. Sau khi chuyển trường qua nơi mới, ngoài dãy nhà tập thể giáo viên đã cũ thì một số phòng học ở khu trường cũ được trưng dụng thêm để làm nơi ở cho khoảng 20 giáo viên. Tuy vậy, do đã trãi qua hang chục năm sử dụng, lại bị tác động của thiên tai nên khu trường cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Thầy cô phải nghĩ ngơi, sinh hoạt, soạn giáo án trong những nơi bị thấm dột, tường nứt nẻ, cửa tạm bợ.

Thầy giáo Hồ Ngọc Vương

Trường PTDTBT, THCS Tà Long, Đakrông, Quảng Trị

(Tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện xây dựng cơ sở vật chất mới để chúng tôi yên tâm công tác, mùa mưa bão sắp đến rồi, phải sống trong những căn nhà thiếu an toàn này, chúng tôi rất lo)

Hoàng Công Tuấn

Hiệu trưởng Trường PTDTBT, THCS Tà Long, Đakrông, Quảng Trị

(Hiện tại, số lượng thầy cô giáo ở tập thể cố định là 15 người, còn có một số thầy cô ở lại ngày này qua ngày sau về nhà thì tổng khoảng 25 người. Dãy nhà mà thầy cô đang ở đây hiện xuống cấp rất trầm trọng. Phái sau thì sông suối, phái trên là đồi có thể sạt lở bất cứ lúc nào không biết. Chính vì sự mất an toàn đó nên nhà trường kiến nghị các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm quan tâm để hỗ trợ cho nhà trường xây lại khu tập thể mới cho cán bộ, giáo viên ở, để học an tâm công tác.)

Lo lắng cho sự an toàn của các giáo viên đang sống ở dãy nhà tập thể xuống cấp này, nhà trường cũng đã nhiều lần kiến nghị cấp trên để được quan tâm, xem xét xây dựng nhà ở giáo viên nơi khác nhưng mọi việc chưa có tiến triển.

Ông Phan Văn Đức

Phó trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Đakrông, Quảng Trị

(Phòng giáo dục và đào tạo đã có tổng hợp và trình lên sở và theo thông tin chúng tôi nhận được thì sở giáo dục và đào tạo cũng đã tổng hợp thông tin này để trình lên Hội đồng nhân dân tỉnh để đầu tư xây dựng trong thời gian tới. Rất mong là có sự quan tâm, đầu tư kịp thời của các cấp, đặc biệt là sự quan tâm của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm và đặc biệt là để án xây dựng nhà công vụ giáo viên để kịp thời đầu tư, tu sửa, nâng cấp nhà ở giáo viên cho trường PTDTBT THCS Tà Long trong thời gian sớm nhất.)

Không chỉ giáo viên trường PTDTBT THCS Tà Long, hiện nay, nhiều giáo viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang phải ăn ở trong những căn nhà tập thể tạm bợ, xuống cấp trầm trọng. Mặc dù thời gian qua, Quảng Trị xây dựng hơn 1.100 nhà ở công vụ trên toàn tỉnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện cả tỉnh cần hơn 530 nhà ở công vụ cho giáo viên. Trong đó hai huyện Hướng Hóa và Đakrông là gần 370 nhà.

Trong chuyến khảo sát thực tế về nhà ở công vụ ở các vùng khó khăn mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết: Việc ban hành Đề án xây dựng nhà công vụ cho giáo viên là hết sức cần thiết. Tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, đánh giá một cách toàn diện, chính xác về nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên, phấn đấu hoàn thành đề án trong tháng 7/2021. Tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát kỹ về nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn đối ứng của địa phương; các chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để lồng ghép vào đề án nhà ở công vụ cho giáo viên. Trước mắt, cần ưu tiên và quyết tâm triển khai sớm việc xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó khăn thuộc diện cấp bách.

Nhằm chia sẻ những khó khăn với ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là từng bước giải quyết khó khăn về nhà ở công vụ cho giáo viên ở các huyện miền núi, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đac làm cầu nối, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng nhiều nhà công vụ cho giáo viên, đây là món quà có ý nghĩa tạo nơi ăn, chốn ở giúp cho những thầy cô gieo chữ ở đại ngàn yên tâm công tác.

Một ngôi nhà ở công vụ vừa được trao cho các giáo viên ở bản Chai, xã Tà Long, huyện Đakrông. Ngôi nhà có 2 phòng ở khép kín, 1 phòng bếp với đầy đủ tiện nghi cho 6 giáo viên ăn ở sinh hoạt như ở nhà. Và một dãy nhà khác đang được khẩn trương hoàn thành để kịp bàn giao vào ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 tới đây. Toàn bộ cơ sở này được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, do đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vận động từ các nhà hảo tâm.

Bà Thái Thị Huế

Hiệu trưởng Trường mầm non xã Tà Long, Đakrông, Quảng Trị

(Hôm nay chúng tôi rất vinh dự được đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết nối với các nhà tài trợ đã xây dựng cho chúng tôi ngôi nhà công vụ mới, rất khang trang. Giáo viên chúng tôi rất vui mừng vì bữa nay đã có nơi ăn ở ổn định. Chúng tôi yên tâm hơn trong công tác dạy ở các điểm trường lẻ)

Tại Quảng Trị thời gian qua, tình trạng giáo viên phải ở trong các căn nhà tạm bợ vẫn còn phổ biến. Việc chưa an cư làm ảnh hưởng đến hưởng đến đời sống và hoạt động dạy học của thầy giáo, cô giáo. Cùng với đó, phần lớn nhà công vụ cho giáo viên được xây dựng khá lâu nên nhiều nhà bị xuống cấp, hư hỏng, cần phải nâng cấp, sửa chữa. Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh hiện còn thiếu 600 nhà ở công vụ cho giáo viên. Riêng huyện Đakrông có đến 750 cán bộ, giáo viên có nhu cầu về nhà ở công vụ. Tuy nhiên, đến nay, toàn huyện chỉ có 250 nhà ở công vụ đủ cho gần 400 người, số còn lại hơn 350 cán bộ, giáo viên phải ở nhà tạm bợ hoặc dùng phòng học làm nhà ở.

Bà Nguyễn Phương Hiền

Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần truyền thông VMG Hà Nội

(VMG luôn ưu tiên và đồng hành cùng với các đề án sau này của tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là với huyện Đakrông. Hi vọng với tâm tư tình cảm và sự đóng góp rất nhỏ của VMG sẽ khuyến khích và thúc đẩy sự nghiệp giáo dục ở vùng miền núi cũng như của tỉnh nhà)

Ông Hoàng Đức Thắng

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

(Đây coi như là sự khởi đầu cho một chương trình mà đoàn rất muốn được các tổ chức, cá nhân cùng đồng hành. Trong tháng 11 này thì chúng tôi sẽ khánh thành và khởi công tiếp những nhà công vụ, như vậy sẽ có thêm 5 khu nhà ở cho giáo viên, sẽ giải quyết về vấn để nhà ở cho hơn 50 thầy cô giáo ở các xã vùng khó của huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa. Qua hoạt động này, chúng tôi rất mong muốn các cấp lãnh đạo, chính quyền, đặc biệt là các tổ chức cá nhân quan tâm, hỗ trợ và cùng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để chúng ta dành những phần quà tình cảm mà thiết thực, đó là hỗ trợ xây nhà ở cho giáo viên vùng khó).

Để giải quyết những khó khăn về vấn đề nhà ở công vụ cho giáo viên vùng khó, ngành giáo dục Quảng Trị rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội để cùng chung tay xây dựng nhà ở, chăm lo đời sống, giúp người lao động trong ngành giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiểu số yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trong người.  

Khởi động phục hồi sau lũ lụt tại xã Hướng Hiệp

 

PTV:Sau đợt mưa lũ năm 2020, tại huyện miền núi Đakrông nhiều công trình thủy lợi, đường sá, cầu cống bị hư hỏng nặng, nhiều diện tích đất bị vùi lấp làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trước thực tế này, văn phòng dự án Plan tại Quảng Trị đã khởi động Dự án phục hồi sau lũ lụt tại Quảng Trị. Công tác thống kê, khảo sát, nắm tình hình đã được các địa phương triển khai để sớm nhận được sự hỗ trợ từ dự án.

Sau hơn 1 năm bị mưa lũ làm hư hỏng, đến nay công trình thủy lợi Chinh Hinh, thôn Khe Hà, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông vẫn chưa được khắc phục. Ống dẫn nước bị gãy nhiều đoạn khiến cho 10 hecta lúa nước hai vụ của bà con trong thôn không thể gieo cấy được. Vụ hè thu vừa qua, nhiều đồng ruộng phải bỏ hoang. Người dân trong thôn đời sống vốn đã khó khăn, nay không thể sản xuất, gieo trồng để có lương thực, đảm bảo nhu cầu đời sống nên rất lo lắng. Vụ đông xuân đến, nếu không kip khắc phục, sửa chữa hệ thống dẫn nước tưới tiêu thì nguy cơ thiếu đói rất cao.

Anh Hồ Văn Thịnh

Bí thư chi bộ thôn Khe Hà, Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

( Ống dẫn nước bị hư hỏng nặng nên bà con không có nước về để gieo cấy, chúng tôi mong dự án sau khi khảo sát sớm hỗ trợ nối lại đường ống, gia cố hai đầu và rọ đá kè hai bên để công trình được đảm bảo, giúp người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống)

Nhà có hơn 2 sao đất để trồng lúa nhưng hơn 1 năm nay, gia đình chị Hồ Thị Nhược đành phải để đất trống. Đợt mưa lũ năm trước khiến cho diện tích đất ruộng của gia đình chị Nhược và nhiều hộ gia đình khác trong thôn bị vùi lấp. Gia đình chị đã nhiều lần cày xới, thu gom đá cuội nhưng không thể khắc phục được để sản xuất vụ hè thu. Qua khảo sát từ phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện và dự án Plan, thì phương án đưa ra là giải phóng đất đá trên mặt ruộng để tạo mặt bằng, cày lật các tầng đất, dùng vôi để xử lý đất. Đối với các diện tích đất đã cải tạo phù hợp sẽ tiếp tục trồng lúa, những diện tích không thuận lợi sẽ chuyển đổi trồng màu.

Chị Hồ Thị Nhược

Thôn Gia Giã, Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

( Nếu được dự án Plan hỗ trợ cho người dân về nạo vét diện tích đất đá bị vùi lấp, giúp người dân trong vấn đề xử lý đất, tìm nguồn giống cây trồng thích hợp thì chắc chắn bà con sẽ làm tốt để đem lại hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống)

Chị Trương Thị Hoa

Cán bộ nông nghiệp xã Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

(Trên địa bàn xã còn khoảng gần 1 hecta bị bồi lấp nặng, có thể phân ra thành hai phần, hơn 0,4 hecta có thể khắc phục được để trồng lúa, còn lại 0,2 hecta không thể khắc phục thì chúng tôi đề xuất dự án Plan hỗ trợ để cải tạo và chuyển đổi sang trồng màu như trồng lạc, đạu xanh)

Trước những khó khăn mà người dân đang phải đối mặt do thiên tai gây ra, văn phòng dự án Plan tại Quảng Trị đã khởi động dự án phục hồi sau lũ lụt tại Quảng Trị. Dự án triển khai thực hiện tại 15 xã thuộc địa bàn miền núi, trong đó huyện Hướng Hóa có 8 xã, huyện Đakrông có 7 xã với tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỉ đồng, được thực hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022, do Chính phủ Ai Len tài trợ.

Ông Đăng Quang Lộc

Điều phối viên Dự án Plan tại Quảng Trị

( Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ phần khác phục những diện tích đất ruộng bị bồi lấp để hỗ trợ cho bà con sớm phục hồi và đưa vào sản xuất trong vụ Đông Xuân sắp tới, tuy nhiên những phần mà bà con có thể đóng góp được thì chúng tôi sẽ cố gắng thảo luận để huy động những phần bà con tự phát huy nội lực của mình như góp công lao động, nguồn phân bón hữu cơ để giúp cho hoạt động sản xuất có hiệu quả hơn)

Trên thực tế kiểm tra, khảo sát. dự án sẽ rà soát, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên các công trình đầu tư, đảm bảo cân đối bố trí vốn thực hiện phù hợp cho từng địa phương và hiệu quả nguồn vốn. Ưu tiên hệ thống cảnh báo sớm tại các chốt chặn ở các ngầm, tràn, khu vực nguy hiểm để người dân chủ động phòng tránh và xây dựng mô hình sinh kế cho người dân; ở một số xã sẽ bố trí kinh phí xây dựng giếng đào để người dân sử dụng dài lâu vì đầu tư dẫn nước tự chảy từ khe suối về thời gian sử dụng ngắn; mô hình chăn nuôi cần lựa chọn con giống phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác của người dân từng địa phương chứ không áp dụng đồng loạt, đại trà...với mong muốn giúp Đakrông phục hồi trở lại cuộc sống bình thường và nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai ở những địa phương này trong tương lai.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 11/11/2021 16:50 Lê Vĩnh Nhiên 12/11/2021 07:16
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà