Dọc đường VN 19/11
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 19/11 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, có nội dung mang tên "Ngoại ô thương nhớ của Lê Phi Tân" và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 19/11 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 23/11 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập và dàn dựng, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Thưa quý vị và các bạn ! Mở đầu ct, chúng ta cùng đến với những tạp văn chan chứa tình yêu quê hương trong tập sách "Ngoại ô thương nhớ" của tác giả Lê Phi Tân, bài của Xuân Dũng, chúng ta cùng nghe ! -Phần cuối ct, trong mùa đông lạnh giá cùng thưởng thức lại bài hát nổi tiếng "Đêm đông" qua cảm nhận của Xuân Nguyên, chúng ta cùng theo dõi. (Tiếp theo là một đoạn bài hát "Đêm đông") -Qúy thính giả vừa theo dõi ct; dọc đường VN, ct này có sự tham gia của... thân ái chào tạm biệt.

    "NGOẠI Ô THƯƠNG NHỚ" CỦA LÊ PHI TÂN

   (Nhân đọc tập tản văn "Ngoại ô thương nhớ" của Phi Tân, NXB Trẻ, 2020)

                                                                                          (Xuân Dũng)

-Lời:

 

   Cuốn sách có 65 bài, chia làm ba phần. Phần một " Chuyện làng" 33 bài, phần hai "Nhớ tết" 13 bài và phần ba "Chút phố" 19 bài. Có cảm giác Phi Tân nhìn đâu cũng thấy đề tài, thượng vàng hạ cám đều có thể đi vào trang viết một cách tự nhiên. Nhìn qua tên gọi các bài viết cũng có thể cảm nhận đôi phần: "Con cá, rạnh nưa", "Chuyện đi họ", "Đò ơi", " Mưa giông", "Đèn dầu", "Đời hến", "Hơi ấm mùa đông", "Mùi lá cuối năm", "Khói rơm"...  Có chuyện cũng viết, không có chuyện cũng vẫn viết được mà lại viết ngọt. Đúng là một " văn nhân nhiều chuyện".

   Nhà báo, nhà văn Lê Phi Tân, tác giả cuốn sách tâm sự (băng)

   Mở đầu cuốn sách là "Bolero chợ Nọ". Đúng rồi, nói về làng quê xứ Huế cũng như nhiều nơi khác là nói đến bolero và ngược lại. Mà bolero chợ Nọ thì tiếng tăm nổi như Cồn Hến. "Nói thiệt muốn khắc họa chân dung của một làng quê xứ Huế thì phải có nhạc bolero. Ở Huế có câu hay"bolero chợ Nọ". (Chợ Nọ là một chợ nổi tiếng của làng quê ven Huế thuộc Phú Vang) ý nói nhạc bolero là nhạc quê mùa. Nhưng bolero cũng là nhạc của phố thị, những phố thị nghèo và buồn : Buồn vào hồn không tên/Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời/Đường phố vắng đêm nao quen một người/Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời..."

   Vậy nên tác giả nói lên trải nghiệm bolero không chỉ của riêng mình bằng phương ngữ xứ Huế : " Hèn chi nhiều người nói: "Nghe dạc dớ dau!" (nghe nhạc mà nhớ nhau) là ri đây..."

   Ký ức quê nhà thường khi chẳng có gì to tát. Là dư ảnh, dư hương, dư vị bảng lảng trong cồn cào nỗi nhớ như "Chén nước chè xanh". Người mệ bán chè xanh từ thời thôn nữ tóc để đuôi gà. Đôi chân Giao Chỉ chỉ quen đi bộ từ thời chập chững khắp trong xóm ngoài làng, kĩu kịt gánh một đời cần lao trên đôi triêng gióng như gánh cả quê nhà : " Lời lãi chẳng bao nhiêu, lại thức khuya dậy sớm; nhưng đó là niềm vui tuổi già của nội, bà vốn quen với không khí chợ đò từ thời con gái. Đến khi già yếu, không đi xa được nữa, mệ vẫn mua lại chè xanh của người khác để bán, cốt miễn răng có chỗ ngồi ở chợ để được bán, được mua, để nghe chuyện này chuyện nọ trong làng..."

   Phi Tân viết hơn chục bài về Tết, ý vị tuy có khác nhau song bày biện như thể mâm cơm tất niên quê kiễng mà đậm đà, không mâm cao cỗ đầy nhưng đã ăn vào là nhớ và xa rồi thì cũng khó quên.

  Người đọc dễ đồng cảm với người viết bởi góc nhìn cận cảnh và tinh tế khi nói về "Tháng Chạp" . "Tháng Chạp về thèm gió lạnh với mưa phùn. Chỉ trong tiết trời se sắt như rứa mới cảm được hơi ấm của những mâm cúng Tổ, rồi cúng tất niên đặt trước sân nhà ai phảng phất mùi khói của hương, của trầm; hay những bước chân vội vã trên các ngã đường, con phố đón xe để kịp mang bao yêu thương về quê cũ. Cái lạnh chúm chím trong từng nụ hoa mầm lá đang ấp ủ trong những nhành cây với bao sắc màu trắng xanh vàng đỏ chờ năm mới đến là bung xòe.

   Tháng Chạp về, lòng cứ nôn nao chực trút áo thị thành về với làng quê...

   Vẫn luôn mong anh đi trọn con đường văn sĩ của làng. Mượn cách nói của nhà thơ Nguyễn Bình để đùa mà thật với  tác giả Phi Tân : "Xin anh, anh hãy giữ nguyên quê mùa..."

  

 

 

                           BÀI HÁT ĐÊM ĐÔNG CỦA NGUYỄN VĂN THƯƠNG.

                                                                                              (Xuân Dũng)

 

    Trong các bài hát viết về mùa đông không thể không nhắc đến một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương có tên gọi "Đêm đông".

   Đây là bài hát trong một đêm đông Hà Nội của chàng trai xứ Huế thưở nước nhà chưa độc lập, một ca khúc thường quen gọi là tiền chiến của nền tân nhạc Việt Nam.

   Mở đầu là cảnh tượng đêm đông được mô tả qua cảm quan của người nhạc sĩ trẻ xa nhà:

   Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống 
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông 
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời 
Cùng mây xám về ngang lưng trời 
Thời gian như ngừng trong tê tái 
Cây trút lá cuốn theo chiều mây 
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều 
Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu 

   Hiện thực mà lãng mạn, lãng mạn mà buồn bã, quạnh hiu cho dù có cảnh tượng đôi cánh chim nhưng trong trạng thái bâng khuâng, rã rời. Tất cả đều báo hiệu một đêm đông rét mướt, cô quạnh và nhớ nhung.

   Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu 
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng 
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư 
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng 
Gió nghiêng, chiều say 
Gió lay ngàn cây, 
Gió nâng thuyền mây 
Gió reo sầu miên 
Gió đau niềm riêng 
Gió than triền miên 

   Nếu đêm đông mở đầu trong bài hát chủ yếu là tả cảnh mặc dù đã chớm thấy tậm trạng xa nhà, cái tâm trạng lữ thứ buồn bã, xa vắng, càng buồn hơn trong giá rét đêm đông thì đến điệp khúc đã càng rõ hơn khi thi nhân, ca nhi đều là những người làm văn nghệ, có tâm hồn phong phú và lãng mạn ngậm ngùi những nỗi niềm riêng.

   Đêm đông, ôi ta nhớ nhung 
Đường về xa xa 
Đêm đông, ta mơ giấc mơ, gia đình, yêu đương 
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương 
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà 

   Đêm đông không nhà, đêm đông xa nhà, đêm đông lạnh lẽo và côn quạnh, đêm đông thiếu một mái ấm gia đình... tất cả đều tạo nên những ca từ, thanh âm da diết, khuấy động những tâm hồn cứng rắn nhất cũng phải rung động theo những cung bậc tâm trạng trong một thực tế gây men cảm hứng cho người nhạc sĩ, tạo nên mối đồng cảm sâu xa.

   Đêm đông là một nhạc phẩm xuất xứ từ một cảnh ngộ cụ thể, phản ánh tâm trạng rất thực nhưng lại được thăng hoa bằng bút pháp lãng mạn bay bổng, rất buồn và đồng cảm nhưng không bi lụy, rên rỉ mà vẫn thấy được chất nhân văn, thấy được tấm lòng trong sáng, thiết tha với cuộc đời, với tình người, sê chia và sưởi ấm cho nhau, ngay trong trong những nghịch cảnh không dễ gì nói hết.
File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 15/11/2021 12:51 Lê Vĩnh Nhiên 15/11/2021 15:10
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà