Dọc đường VN 26/11
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 26/11 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, có nội dung chính mang tên "Người không mang họ của nhà văn Xuân Đức " và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 26/11 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 30/11 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập và dàn dựng, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Thưa quý vị và các bạn ! Mở đầu ct hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu một tác phẩm được dư luận quan tâm trong một thời gian dài của nhà văn Xuân Đức, bài viết của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Phần cuối ct là đôi điều cảm nhận về bài hát "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" của nhạc sĩ Trương Qúy Hải, bài của Xuân Nguyên, chúng ta cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: dọc đường VN, ct này do Việt Thanh biên tập, với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

       NHÀ VĂN XUÂN ĐỨC VỚI "NGƯỜI KHÔNG MANG HỌ".

                                                                                               (Xuân Dũng)

 

  Trong các sáng tác của nhà văn Xuân Đức thì tiểu thuyết “Người không mang họ” (xuất bản năm 1983, được giải thưởng nhà nước về VHNT năm 2007, được dựng thành phim thu hút khán giả lúc ấy) là một “ca” thú vị dù nó chưa phải là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

  Ngay từ khi mới ra đời, nó đã được bạn đọc hồ hởi đón nhận, rồi được dựng thành phim,  được báo chí khai thác khá nhiều, hiện câu chuyện này đang được kể lại trên màn hình Đài HTV của tp HCM. Tác phẩm này trong một chừng mực nào đó làm nhiều người đọc liên tưởng một hiện tượng của văn học Xô-viết, đó là  tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” của Mi -khai -in Sô-lô-khốp, đoạt giải Nô-ben văn chương. Nhân vật chính trong cuốn truyện này là một nhân vật trung nông hay dao động ngả nghiêng giữa hai phe “Đỏ” và “Trắng”, còn nhân vật chính của “Người không mang họ” Trương Sỏi lại là tướng cướp càng không phải là nhân vật chính diện, nhân vật tích cực như quan niệm vốn có trong văn học nghệ thuật trước đây,  đặc biệt là thời kỳ bao cấp.

  Nhà giáo ưu tú, nhà thơ Võ Văn Hoa có đôi điều cảm nhận về cuốn tiểu thuyết này (băng)

 Nhà văn Xuân Đức lúc sinh thời cho rằng:   Câu chuyện về “Người không mang họ” nếu kể ra cũng dài nhưng có một điều là nhân vật tướng cướp Trương Sỏi lúc đầu được hình thành từ một nguyên mẫu có thật trong đời, có gốc gác Vĩnh Linh vượt tuyến vào Nam, rồi sau được xem là bị tử hình ở Vinh vì tội trạng mà mình đã gây ra.  Cuốn này được NXB CAND  in ra với số lượng 3 vạn bản, một con số bây giờ nằm mơ cũng không thấy và được dư luận rất quan tâm.  Dưới vẻ ngoài là truyện vụ án nhưng tác giả đã đưa vào những tình tiết hình sự, cũng có đánh nhau như kiểu “chưởng” Kim Dung.

   Có thể độc giả họ cũng thích những chuyện như thế. Nhưng khi trả lời thì không ai nhấn mạnh điều này. Công chúng đa số thương cảm nhân vật tướng cướp, mặc dù biết rằng Trương Sỏi đã gây ra tội ác thế này, thế nọ, nhân quả như vậy cũng không có gì quá đáng, nhưng nói thì nói vậy mà người ta vẫn thấy động lòng, vẫn thông cảm và thương cảm với nhân vật này. Tức là  viết thế nào đó chạm được vào sợi dây tình cảm của người đọc khiến người ta xúc động, dù có thể độc giả không đọc kỹ và nghĩ kỹ như tác giả. Trương Sỏi suy cho cùng cũng là nạn nhân của việc chia cắt đất nước, của chiến tranh khốc liệt, của những định kiến hẹp hòi trong những hoàn cảnh đặc biệt ngặt nghèo, ai cũng muốn chiến thắng bằng tất cả mọi giá. Nghĩa là nguyên nhân sâu xa cũng bắt đầu từ chiến tranh, dù nó hiện hình trực tiếp hay gián tiếp. Sức sống của cuốn truyện cho thấy nó đã gợi lên những nỗi niềm đồng cảm khiến người đọc, người xem nhớ lâu. Tức là điều mình gởi gắm, nói chữ nghĩa là thông điệp của mình đã thành công.

   Nhân tiện, nhà văn Xuân Đức nhắc đến hai chuyện. Nhà văn Nguyễn Quang Lập đã nói khi cuốn sách vừa mới xuất bản : “Người ta cứ nói và nhấn mạnh viết truyện phải có tính nhân văn này nọ. Ông Xuân Đức, ông viết một cuốn truyện vụ án không thấy lên gân  gì cả mà đọc vẫn thấy đầy chất nhân văn”. Cũng chính nhà văn Nguyễn Quang Lập kể rằng, chính đạo diễn nổi tiếng Đặng Nhật Minh nói với nhà văn này:  tôi chúa ghét truyện vụ án, vậy mà khi ngồi đợi ở bến xe, đã đọc một mạch từ đầu đến cuối truyện  “Người không mang họ” .

    BÀI HÁT "HÀ NỘI MÙA VẮNG NHỮNG CƠN MƯA" CỦA NHẠC SĨ TRƯƠNG QUÝ HẢI.

                                                                                              (Xuân Dũng)

 

   Những người yêu âm nhạc sẽ không thể bỏ qua một ca khúc nói về mùa đông thủ đô có nhan đề "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" của nhạc sĩ Trương Qúy Hải, phổ thơ Bùi Thanh Tuấn.

   Ca từ bài hát thật nhẹ nhàng và giản dị:

   Hà Nội mùa này, vắng những cơn mưa. 
Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh. 
Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp. 
Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về. 

   Mùa đông trong ca khúc là mùa đông mới chớm, khi mùa thu chia tay nhưng vẫn còn như thể dùng dằng không dứt. Hoa sữa đã thôi rơi, báo hiệu một mùa đông lại bắt đầu. Cái rét đầu đông, làm chậm bước đi về của những nữ sinh trên đường cùng bè bạn. Gia điệu bài hát dịu nhẹ, trải dài nhưng vẫn da diết như mùa đông giá rét đã chạm vào trời đất và cảm xúc con người. Không thật dễ chịu nhưng lại rất khó quên bởi in dấu nhiều kỷ niệm.

   Hà Nội mùa này trời không buông nắng, 
phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô, 
quán cóc liêu xiêu một câu thơ. 
Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ. 

   Bắt đầu mùa đông nên thường không có nắng. Nhưng đó là biểu hiện của thiên nhiên. Còn trong cảm giác và tâm tưởng của nghệ sĩ thì hình ảnh mùa đông là phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô, là quán có liêu xiêu một câu thơ, một hình ảnh ấn tượng rất thi vị và nên thơ, đương nhiên không kém phần lãng mạn. Và Hồ Tây tím mờ. Những hình tượng thi ca đặc trưng cho thị giác đã in hằn trong đôi mắt của thi nhân được nhạc sĩ đồng cảm và chọn lựa cho ca từ thật tinh tế, làm nên một mùa đông không giống ai trong cảm quan của những người yêu Hà Nội.  

   Điệp khúc vang lên da diết:

     Hà Nội mùa này lòng bao nỗi nhớ. 
Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay, 
hơi ấm trao em tuổi thơ ngây. 
Tưởng như, tưởng như còn đây. 

   Mùa đông thường khiến con người co laị vì rét, ngại đi lại nhưng cũng là mùa của cảm xúc, suy tư và cả những nhớ nhung, khắc khoải. Là những kỷ niệm dấu yêu khi người tìm người, tìm đến bên nhau để không còn cảm giác cô đơn, để hai cá thể đồng điệu tâm hồn và chia sẻ yêu thương, sưởi ấm những trái tim không còn băng giá.

   Một mùa đông như thế với điệp ngữ : tưởng như vang lên tha thiết, khẩn cầu cùng với sự  tràn ngập tình yêu và hy vọng.

   Một bài hát lời lẽ ngắn gọn, chân thực mà tinh tế,  giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng và da diết mà khắc khoải. Một bài hát hay được nhiều thế hệ yêu thích, từ những nam thanh, nữ tú cho đến những người cao niên, từng trải cuộc đời và hiểu được giá trị của thời gian.

  Hà Nội mùa vắng những cơn mưa sẽ còn được vang lên mỗi khi mùa đông lại về không chỉ ở thủ đô Hà Nội.

(Một đoạn bài hát: Hà Nội mùa vắng những cơn mưa

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 23/11/2021 09:29 Lê Vĩnh Nhiên 23/11/2021 16:15
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà