Dọc đường VN 3/12
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 3/12 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, có nội dung chính mang tên "Truyện ngắn Quảng Trị đương đại " và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 3/12 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 7/12 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập và dàn dựng, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct tuần này chúng ta cùng tìm hiểu đôi điều truyện ngắn Quảng Trị đương đại, bài của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng nghe! -Phần cuối ct, chúng ta cùng cảm nhận một bài hát hay về mùa đông qua cảm nhận của Xuân Nguyên, chúng ta cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: dọc đường văn nghệ, ct này do Việt Thanh biên tập với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

        ĐÔI NÉT VỀ TRUYỆN NGẮN QUẢNG TRỊ ĐƯƠNG ĐẠI.

                                                                                              (Xuân Dũng)  

  Nhắc đến truyện ngắn Quảng Trị đương đại thì tùy theo mức độ thành công khác nhau, nhưng cũng có thể nói đến một số tác giả như  Thái Đào, Phạm Xuân Hùng, Lê Xuân Lãm, Phạm Minh Quốc, Khánh Hà...Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin được khảo sát cụ thể hai tác phẩm của hai nhà văn đó là Trần Thanh Hà và Tạ Nghi Lễ.

    Nhà văn nữ Trần Thanh Hà thành công với thể loại truyện ngắn gây được tiếng vang trên văn đàn cả nước. Chị đã giành được các giải thưởng như: giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996, giải nhất cuộc vận động sáng tác "Văn học cho tuổi trẻ" Nhà xuất bản Thanh niên 1994-1996...

      Truyện ngắn "Sông ơi" khá tiêu biểu cho bút pháp Trần Thanh Hà. Đó là lối kể chuyện truyền thống mang màu sắc dân gian quen thuộc trong văn học Việt Nam hiện đại với nhiều chi tiết đan cài.

   Tác giả lấy bối cảnh từ một vùng quê Vĩnh Linh-Quảng Trị, nơi nhà văn có nhiều kỷ niệm và vốn sống. Nhân vật chính xưng "tôi" cũng là một cô gái của dòng họ Trần ở một ngôi làng bảy nổi ba chìm với những biến thiên tao loạn của lịch sử và sự long đong, khắc khoải của mỗi phận người. Từ bà nội đến mẹ của nhân vật chính cũng như cuộc đời của cô gái này đều bất hạnh, cô đơn và khao khát tình yêu. Cả đời họ sống và kiếm tìm một bến bờ yêu thương đích thực nhưng rốt cuộc cũng chỉ đứng bên này của dòng sông - dòng đời, không qua được bên kia-nơi bến bờ mơ ước. Cả những cày xới ham hố, chụp giật của cơ chế thị trường cũng làm biến dạng gương mặt làng quê, để lại nhiều âu lo, day dứt. Đoạn kết là khát vọng khắc khoải mang đầy nữ tính của nhân vật ở ngôi thứ nhất:

  "Chèo đò bẻ bắp bên sông...

  Giật mình. Chợt như bà ngồi hát đâu đây trong nắng gió chiều nay. Vật đổi sao dời mà trước tầm mắt, cái bờ cây phía bên kia sông vẫn một màu xanh thẳm. Hai chục năm ra đi, từng cười từng khóc vẫn chưa bao giờ tôi bơi qua con sông ấu thơ để chạm môi lên phiến lá đầu tiên của bờ cây xanh thẳm. Ôi bờ cây của tôi..."

  Trong những người viết truyện ngắn xa quê thì Tạ Nghi Lễ là một tác giả cũng đã có những thành công đáng chú ý. Anh đã xuất bản một số tập truyện ngắn cũng được dư luận ít nhiều chú ý. Truyện ngắn "Lời nguyền khắc nghiệt" của anh cũng là một tác phẩm khá điển hình cho cách viết Tạ Nghi Lễ vẫn thường khai thác đề tài quá khứ, những trải nghiệm cá nhân và bi kịch gia đình trong những cơn lốc của lịch sử có tên gọi là chiến tranh. Câu chuyện được mở đầu ở thì hiện tại khi kể về người cha: "Khi tôi viết những dòng này thì cha tôi đã trở lại trại. Nhìn dáng ông đi trong chiều, tự dưng tôi muốn khóc. Cả một quá khứ  của cha tôi bỗng hiện về trong trí óc tôi..."

      Người cha có gia tộc quyền thế ở nông thôn, lớn lên giữa thời buổi nước non chia cắt rồi ông lao vào binh nghiệp. Cuộc sống gia đình tan nát, rệu rã khi người chồng sau khi đi trận thì lao vào lạc thú,lại có thêm vợ bé, còn người vợ cả thì chán chường tìm quên trong rượu, người con trai lại theo bạn bè đàn đúm và nghiện ma túy. Chỉ còn người con gái-tức nhân vật chính xưng "tôi" trong truyện là đủ tỉnh táo và thiện lương để níu kéo một gia đình đang bên bờ vực thẳm. Kết thúc câu chuyện là khi nước nhà thống nhất, người cha ân hận vì nhiều chuyện mình đã làm, lần đầu tiên trong đời ông bật khóc. Truyện ngắn hé mở một lối ra khi mọi chuyện tưởng chừng đã rơi vào ngõ cụt trong bể dâu thế sự.

   Nhà giáo ưu tú, nhà thơ Võ Văn Hoa chia sẻ đôi điều cảm nhận (băng)

    Quảng Trị đã và vẫn sẽ là đề tài quan trọng, khơi gợi bao niềm cảm hứng dài lâu cho văn học quê nhà, trong đó có truyện ngắn.

  

 

  

   

  

  

  

  

 

  

   MỘT BÀI HÁT VỀ MÙA ĐÔNG ĐÁNG NHỚ.

                                                                                  (Xuân Dũng)

 

  " Về đây em" là một ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn lấy bối cảnh mùa đông làm nền cho bài hát.

   Và mùa đông một trời trắng xóa
Cho tâm tư mong tháng ngày qua
Đời còn nhiều nhung nhớ
Cho dù tình mình đã lỡ
Vẫn mong cho bóng người quay về.

   Mở đầu bài hát là khung cảnh mùa đông, dễ liên tưởng đến đất trời xứ lạnh. Nhưng cho dù ở đâu thì mùa đông chỉ như cái cớ ban đầu để nói lên tình cảm của người nghệ sĩ. Đó là những nhớ thương, nuối tiếc, thậm chí có cả ngậm ngùi.

   Về đây em tìm về quá khứ
Đã cho đôi ta mộng mơ
Về đây em một trời như thơ
Sẽ cho ta những kỷ niệm xưa
Tình còn nhiều tha thiết
Và đời một màu xanh biếc
Chắc em không nỡ lòng ra đi
.

   Vẫn là cảm xúc ngược về quá vãng để tìm lại những kỷ niệm xưa, những tháng ngày đã gọi tên nỗi nhớ, nhất là khi mối tình dường như một đi không trở lại. Tình cảm lứa đôi với bời bời kỷ niệm cứ xốn xang khi nhân vật đánh thức ký ức, khi tìm về dấu vết tình yêu không phải đã hóa thạch mà đã hóa trầm hương ký ức như một nhà thơ đã từng ví von như thế. Tất cả đã qua đi nhưng không phải là mất hút, bằng chứng là vẫn thổn thức giữa mùa đông giá rét.

   Ta yêu em trong giấc mơ này
Ta yêu em trong những cơn say
Một trời ân ái mình hãy sống buông lơi thời gian.

Ta bên nhau quên hết u sầu
Vui bên nhau cho hết đêm thâu
Tình yêu sẽ mang ta đến gần bên nhau.

   Khi đất trời băng giá, cũng là khi nhân vật trữ tình trong bài hát vẫn mơ ước gặp nhau trong hoài niệm và cả trong giấc chiêm bao, để được sống và hạnh phúc theo một cách riêng của đôi lứa yêu nhau.

  Những mùa đông qua đi, những mùa đông xa cách, những mùa đông nhớ thương muôn điệu cung đàn trong ca khúc của nhiều nhạc sĩ trong đó có nhạc sĩ, ca sĩ Trịnh Nam Sơn.

  Một cách suy tưởng và cảm nhận về mùa đông mang tính biểu tượng nhiều hơn là từ hiện thực. Đó cũng là cách lấy cảm hứng và sáng tác của người nhạc sĩ lãng tử từng khiến nhiều người yêu mến,

     Mùa đông lại về theo cách riêng của nhạc sĩ.

   Mùa đông là mùa của xa cách và nhớ nhung, đó cũng là một cách định nghĩa của nhiều bài thơ, nhiều ca khúc và hình như đó là một đặc tính của văn nghệ thì phải

   Cho nên bài hát cứ ngân vang da diết...

   

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 01/12/2021 12:27 Lê Vĩnh Nhiên 03/12/2021 16:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà