DT&MN
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG
Lời dẫn : Tạp chí DT&MN ( CN, 5/12/2021) Dẫn 1: Kính chào đồng bào và các bạn! Đồng bào và các bạn đang theo dõi tạp chí dân tộc của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình hôm nay, chúng tôi xin gửi đến đồng bào và các bạn phóng sự: Huyện Đakrông vượt qua khó khăn, triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả tiếp đó là phóng sự Đồng hành cùng thanh niên Vĩnh Khê trong phát triển kinh tế. Cuối chương trình là Kỳ vọng từ mô hình du lịch cộng đồng thôn Chênh vênh. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình, mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi.

Dẫn 2: Theo số liệu tính đến ngày 29/11/2021, trên địa bàn huyện Đakrông đã ghi nhận  trên 220  trường hợp dương tính Sars CoV2. Hàng ngàn trường hợp đã được xét nghiệm Covid -19. Có 24.664 đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, trong đó có 14.586 đã hoàn thành tiêm xong mũi hai. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid-19 trên địa bàn, huyện Đakrông đã  triển khai các giải pháp khống chế dịch một cách  đồng bộ, quyết liệt. Cả hệ thống chính trị cùng với người dân hướng về tâm dịch bằng các hoạt động thiết thực để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.

      Những ngày qua, trục đường Bùi Dục Tài khóm 1, thị trấn Krông Klang đã vắng bóng người qua lại so với những ngày trước. Khóm 1 thị trấn Krông Klang có hơn 200 hộ dân thì có hơn 100 hộ có thành viên gia đình là f1. Trước diễn biến của dịch bệnh, nhiều gia đình đã tự giác đóng cửa và dừng các hoạt động không cần thiết khi ra ngoài. Đặc biệt, tổ giám sát Covid cộng đồng khóm đã túc trực ngày đêm để theo dõi, hướng dẫn và tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp tốt nhất trong phòng chống dịch bệnh. Tất cả các hộ dân đã tự nguyện ký cam kết thực hiện các quy định về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và chính quyền địa phương.

Anh Lê Hùng Dũng

Khóm 1, Thị trấn Krông Klang, Đakrông, Quảng Trị

( Trước hết gia đình có người cách ly tại nhà sẽ thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định của Bộ Y tế, thực hiện công tác phòng chống dịch như rữa tay sát khuẩn, thực hiện tốt biện pháp 5K, hạn chế đi lại cũng như tiếp xúc với người ngoài, người trong xóm để tránh lây lan dịch bệnh cho mọi người)

    Để sớm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Coivd – 19 trên địa bàn huyện, UBND huyện Đakrông đã kịp thời thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó, hạn chế người đi đến các xã như Đakrông, Mò Ó, Hướng Hiệp và thị trấn Krông Klang. Học sinh các cấp học ở những vùng đỏ đã được nghĩ học; công tác phun dung dịch khử trùng Cloramin B được tiến hành hàng ngày; công tác tuyên truyền vận động người dân về phòng chống dịch được thực hiện liên tục…

Anh Hồ Văn Tuấn

Khóm trưởng khóm A Rồng, Thị trấn Krông Klang, Đakrông, Quảng Trị

( Chúng tôi vận động, tuyên truyền cả ngày và đêm để nhân dân chấp hành, thực hiện phòng chống dịch. Tuyên truyền bà con phải đeo khẩu tranh, thực hiện 5K để phòng chống dịch tốt hơn. Phân chia tổ để giám sát từng hộ)

Ông Đinh Quang Nhật

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đakrông, Quảng Trị

( Đến thời điểm hiện tại thì các hộ bị dịch bệnh đã được kiểm soát, những ca bệnh mới chỉ mắc trong khu phong tỏa hoặc khu cách ly, không có ca mắc trong cộng đồng. Giải pháp tiếp theo là chúng tôi tiếp tục rà soát và đảm bảo các phương án trong công tác phòng chống dịch theo từng cấp độ của Bộ Y tế, của Chính phủ đề ra. Tăng cường năng lực xét nghiệm cho những vùng có nguy cơ cao và tiếp tục duy trì lấy mẫu xét nghiệm theo định kì của các khu vực)

     Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các điểm phong tỏa do ca nhiễm Covid-19 ngày càng tăng, cán bộ hội phụ nữ huyện Đakrông tất bật hơn với nhiều hoạt động chăm lo cho người dân trong khu vực phong tỏa. Hơn lúc nào hết những phần quà, những việc làm ý nghĩa hướng về tâm dịch đã góp phần nhằm động viên bà con vượt qua khó khăn. Trong đó, mô hình “ Đi chợ thay” của phụ nữ thị trấn Krông Klang đã mang lại ý nghĩa rất thiết thực.

  Mô hình đi chợ thay gồm 10 chị em phụ nữ, các chị phân công nhau, mỗi tuần 3 lần vào các ngày thứ 2, 4, 6. Mỗi lần 2 người cùng nhau đi chợ cho các hộ trong khu vực phong tỏa và gia đình bị cách li. Ai cần thực phẩm gì viết giấy bỏ ở cổng hoặc nhắn qua điện thoại, các chị sẽ lên đơn và đi chợ thay. Có các trường hợp khẩn cấp như nhà có người sắp cách li hay có người đau ốm cần thuốc gấp thì dù có đêm khuya, các chị vẫn lên đường đi mua giúp.

 Chị Hồ Thị Lý

TT Krông Klang, Đakrông, Quảng Trị

( Trong thời gian dịch này thì những nhiều nhà đang bị phong tỏa và cách ly nên tôi cùng với các chị em trong tổ phụ nữ Khe Song hỗ trợ người dân đi chợ, mua nhu yếu phẩm cho người dân. Bản thân tôi mong muốn dịch bệnh covid qua nhanh để người dân chúng tôi trở lại cuộc sống bình yên)

  Mô hình “Đi chợ thay” giúp các hộ dân trong khu phong tỏa bớt phần nào lo lắng về việc mua nhu yếu phẩm. Theo đó, Hội đã công bố đường dây nóng để hỗ trợ mua các sản phẩm, vật dụng sinh hoạt cần thiết, các loại thuốc y tế thông dụng, lương thực thực phẩm… giúp người dân đang ở trong các khu bị phong toả, cách ly do dịch Covid-19 thuận lợi hơn trong sinh hoạt. Bản thân các chị em trong đội cũng bảo đảm các nguyên tắc trong phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt 5k, thay phiên nhau trong việc hỗ trợ người dân để vừa làm tốt công tác đi chợ giúp dân vừa đảm bảo công tác phòng dịch.

 Chị Phan Thị Chung

Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Krông Klang, Đakrông

( Trước những khó khăn đó thì Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn đã cùng với các chi hội phụ nữ thành lập các nhóm, tổ để chủ động, kịp thời hỗ trợ người dân đi chợ, đặc biệt là mua lương thực, thực phẩm giúp bà con có thể trang trãi trong quá trình bị cách ly, phong tỏa. Chúng tôi thấy rằng, đây là những hoạt động rất ý nghĩa, tuy vất vả, mệt nhọc nhưng nó đã góp phần nào đó trong việc phòng chống dịch chung của chính quyền và nhân dân thị trấn Kroong Klang. Hy vọng trong thời gian tới, dịch bệnh sẽ được kiểm soát ổn định và bà con có thể trở về với cuộc sống bình thường)

     Đến thời điểm này, huyện Đakrông có trên 225 ca dương tính với virus  SARS- Cov2, hơn 1000 F1 và hơn 2000 F2. Nhiều khu vực bị phong tỏa, cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, trong gian nan luôn sáng lên những nghĩa cử cao đẹp, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, theo truyền thống đạo lý của người Việt Nam. Những vật dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, những thùng hàng nhu yếu phẩm hàng ngày và nhiều hàng hóa khác đã đến với huyện Đakrông, mang theo tấm lòng cao cả của người dân khắp nơi hướng về vùng dịch, làm ấm lòng những người ở tuyến đầu chống dịch hay những người đang bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh. Bên cạnh đó, các Tổ chức đoàn thể đã kêu gọi sự chung tay ủng hộ của nhiều cá nhân tổ chức để có thêm nhiều phần quà ý nghĩa, giúp bà con vượt qua khó khăn, phòng chống dịch tốt hơn. Huyện Đakrông cũng đã trích từ nguồn hỗ trợ quỹ phòng chống dịch covid 19 huyện cấp khẩn cấp 5,6 tấn gạo và 12,5 triệu tiền mặt để thăm hỏi động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài việc tham gia chốt chặn tại các chốt, lực lượng cán bộ chiến sỹ công an huyện Đakrông đã kịp thời phát động ủng hộ nhân dân trên đại bàn với số tiền hơn 11 triệu đồng.

  Ông Thái Ngọc Châu

Chủ tịch UBND huyện Đakrông, Quảng Trị

( Chúng tôi cũng kêu gọi và đề xuất các tổ chức, các đoàn thể, các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ cho người dân trong các khu phong tỏa cũng như các gia đình nghèo bị ảnh hưởng để đảm bảo an sinh cho bà con trong giai đoạn dịch bệnh đang căng thẳng. Với sự vào cuộc rất kịp thời, khẩn trương và bằng tình cảm thì nhiều tổ chức, đoàn thể đã kịp thời chung tay, cùng với huyện trong công tác giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này. Qua hơn 10 ngày dịch bệnh bùng phát thì đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức để trong thời gian tới tất cả những vấn đề liên quan đến dịch tể sẽ được kiểm soát.)

 

        Cuộc chiến chống dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp cũng như cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Nhưng với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, bà con nhân dân luôn đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài vững chắc trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh. Chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt và một số bất tiện, khó khăn hơn so với điều kiện bình thường; đồng thời phát huy cao nhất tinh thần nghĩa tình, những nghĩa cử cao đẹp, tương thân tương ái, san sẻ, giúp đỡ nhau… Đakrông sẽ chiến thắng đại dịch, đưa cuộc sống từng bước trở lại trạng thái bình thường.

 

PS2: Đồng hành cùng thanh niên Vĩnh Khê phát triển kinh tế

Dẫn 3: Những năm trở lại đây, phong trào “thanh niên lập thân, lập nghiệp”, gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh hưởng ứng tích cực. Bằng ý chí và nghị lực, nhiều thanh niên người đồng bào Pa Cô, Vân Kiều đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao, góp phần vào hành trình giảm nghèo cũng như xây dựng bộ mặt nông thôn miền núi ở Vĩnh Linh

Tận dụng quỹ đất vùng gò đồi của gia đình và thuê thêm diện tích mặt nước của xã, đầu năm 2020, anh Hồ Văn Thân ở thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh đã xây dựng mô hình gia trại của mình với chăn nuôi dê, nuôi gà, vịt và thả cá. Là một người trẻ, năng động nên anh Thân đã không ngừng học tập, tìm tòi thêm nhiều thông tin trong việc chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh để đàn vật nuôi của gia đình phát triển hiệu quả. Đến nay, gia đình anh có hơn 10 con dê, diện tích mặt hồ nuôi cá trắm, cá chép, cá rô phi…cuối năm cũng mang lại nguồn thu đáng kể. Khó khăn đặt ra đối với những đoàn viên thanh niên trẻ như anh Thân là thiếu nguồn vốn để đầu tư và mở rộng quy mô kinh tế của gia đình.

Anh Hồ Văn Thân

Thôn Xung Phong, Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Bây giờ mô hình kinh tế của tôi cũng đã bắt đầu ổn định, tôi rất mong được tiếp cận về nguồn vốn ưu đãi qua các kênh để mở rộng sản xuất, mua thêm con giống như bò, lợn để phát triển hơn nữa mô hình kinh tế của mình. Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn tiếp tục tham gia các lớp tập huấn về kỉ thuật để chăm sóc cây trồng, vật nuôi của gia đình mình tốt hơn)

Là một trong những hộ nghèo của xã, những năm trước đây, đời sống của gia đình anh Hồ Văn Linh ở xã Vĩnh Ô luôn thiếu trước, hụt sau trong bữa cơm hàng ngày cũng như trong việc học hành của con cái. Thấy được thực tế này, Đoàn thanh niên xã đã vận động, giúp đỡ anh Hồ Văn Linh tham gia vào các hoạt động của đoàn, hỗ trợ về kỉ thuật và tiếp cận nguồn vốn vay để anh Linh đầu tư nuôi dê, bò. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đàn vật nuôi của gia đình anh ngày một tăng lên. Bên cạnh đó, anh còn thuê đất để phát triển thêm cao su và trồng tràm, hàng năm, sau khi trang trải các chi phí, mô hình của anh cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng. Đây thực sự là đòn bẩy để đoàn viên thanh niên tự tin, thực hiện khát vọng làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình.

Anh Hồ Văn Linh

Thôn Mới, Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đoàn thanh niên nên tôi đã mạnh dạn hơn trong phát triển các mô hình kinh tế để cải thiện đời sống của mình. Ở đây chăn nuôi dê, bò khá thuận lợi, mình chỉ cần chú ý đến vấn đề phòng dịch cho vật nuôi tốt thôi. Bây giờ kinh tế của gia đình tôi đã khá lên nhiều, mỗi ngày bán mủ cao su được 250 ngàn đồng, có việc gì cần thiết tôi có thể bán một con dê hay một con bò để trang trải)

Anh Hồ Văn Ngãi

Bí thư Xã đoàn Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị

(Đoàn thanh niên xã Vĩnh Khê sẽ tiếp tục tuyên truyền đoàn viên thanh niên chú trọng vào phong trào lập thân, lập nghiệp. Trong các hội nghị đoàn cũng lồng chép các lớp tập huấn như chăn nuôi gà, nuôi lợn để cho thanh niên trên địa bàn có thêm kiến thức, quản lý tốt đàn vật nuôi, để có nguồn thu nhập ổn định, phát triển cho bản thân và gia đình mình)

Xác định lập thân, lập nghiệp luôn là nhiệm vụ quan trọng của thanh niên, tuy nhiên, với một địa phương còn nhiều khó khăn như Vĩnh Khê, đây là một thử thách lớn đối với nhiều đoàn viên. Tháo gỡ nút thắt này, nhiều năm qua, các hoạt động đồng hành cùng đoàn viên thanh niên trong phát triển kinh tế luôn được đoàn thanh niên xã xem trọng. Xã đoàn đã tìm kiếm, kết nối những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vốn giúp thanh niên phát triển kinh tế, từ đó đoàn viên, thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp.

Chị Hồ Thị Được là một trong những bí thư chi đoàn thôn năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế, được mọi người yêu mến và học tập. Với phương châm, lấy kết quả từ việc mình làm để thuyết phục mọi người, mình phải làm thật tốt để đoàn viên thanh niên noi theo, nên sau khi vay nguồn vốn từ ngân hàng chính sách, chị Được đã đầu tư để phát triển chăn nuôi lợn, cây cao su và trồng rừng. Sau hơn 5 năm triển khai, mô hình chị Được đã mang lại thu nhập khá, trở thành mô hình điểm để các đoàn viên, thanh niên học tập.

Chị Hồ Thị Được

Thôn Khe Cát,  Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Để mọi người nghe theo mình thì trước hết mình phải làm tốt, mọi người nhìn vào kết quả của mình rồi làm theo. Bên cạnh đó, nếu anh chị em nào chưa hiểu, hoặc mới lập nghiệp thì mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, để cho đoàn viên thanh niên phát huy tốt vai trò xung kích của mình, trở thành trụ cột kinh tế của gia đình, chăm lo cho đời sống của mình tốt hơn)

Chị Hồ Thị Dần

Xã Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Từ mô hình của chị Được, đoàn viên thanh niên trong thôn mạnh dạn học hỏi để phát triển các trang trại, gia trại của mình. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của các mô hình chúng tôi mong muốn được tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận về khoa học kỉ thuật để về áp dụng vào mô hình của gia đình mình, để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa)

Những năm trở lại đây, phong trào “thanh niên lập thân, lập nghiệp”, gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh hưởng ứng tích cực. Bằng ý chí và nghị lực, nhiều thanh niên đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao, góp phần vào hành trình giảm nghèo cũng như xây dựng bộ mặt nông thôn miền núi ở Vĩnh Linh.

Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đông đảo thanh niên, huyện đoàn Vĩnh Linh đã tiến hành khảo sát thực trạng nhu cầu của thanh niên tại địa phương và đứng ra ủy thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế. Các cơ sở Đoàn phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương xã, thôn, bản, hướng dẫn các hộ thanh niên lập hồ sơ vay vốn, bình chọn những hộ thanh niên có các điều kiện để sử dụng và quản lý tốt nguồn vốn; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho thanh niên, hướng dẫn xây dựng đề án cụ thể, phù hợp từng địa phương để các hộ thanh niên căn cứ lập kế hoạch xây dựng trang trại, phát triển kinh tế. Đến nay, Đoàn Thanh niên huyện quản lý 1.825 hộ vay, thông qua 53 tổ tiết kiệm vay vốn tại 22 xã thị trấn, với tổng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội trên 75 tỷ đồng. Phối hợp hỗ trợ giải ngân 10 mô hình kinh tế cho thanh niên khởi nghiệp, trị giá 500 triệu đồng trong tháng thanh niên.

Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê là một trong những xã khó khăn của huyện Vĩnh Linh, trong đó, số con em đồng bào dân tộc thiểu số (Vân Kiều, Pa Cô) chiếm tỉ lệ cao. Về cơ bản, thanh niên có ý thức vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo. Thời gian qua, với chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sự khích lệ của nhân dân, tuổi trẻ Quảng Trị nói chung và đoàn viên, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang lao động sản xuất, biến những dự định, hoài bão thành hiện thực phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng cuộc sống ấm no.

Chị Trần Thị Thu

Bí thư huyện đoàn Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Thời gian tới, huyện đoàn Vĩnh Linh sẽ phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là với ngân hang chính sách huyện để hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi giúp đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, đồng thời chúng tôi cũng tích cực thông qua các kênh như nguồn vốn vay khuyến nông để hỗ trợ thanh niên trong việc thực hiện các mô hình kinh tế. Hy vọng rằng, sau một thời gian triển khai thì đối với thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có những mô hình, những cách làm hay, xuất hiện nhiều thanh niên điển hình trong việc phát triển kinh tế, giúp cho các bạn trẻ có điều kiện để lập nghiệp tốt trên quê hương Vĩnh Linh)

Không ai có thể thay thế mỗi thanh niên trong việc làm chủ bản thân, vươn lên lập thân, lập nghiệp, nhưng trong quá trình này, cùng với chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đã ban hành đối với thanh niên, rất cần có sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng và các đoàn thể để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách vào cuộc sống. Theo đó, bằng các chương trình, các hoạt động cụ thể nâng cao nhận thức, năng lực để tuổi trẻ khởi nghiệp; huy động nguồn lực xã hội để tổ chức hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho tuổi trẻ... Làm sao để cả xã hội và gia đình cùng chung sức tạo hành lang, làm bà đỡ giúp tuổi trẻ sống đẹp, cống hiến cho cộng đồng và gia đình, xã hội.

          Kỳ vọng từ mô hình du lịch cộng đồng thôn Chênh vênh

          Dẫn 4: Chênh Vênh là thôn có nhiều tiềm năng để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng như hệ thống nhà sàn truyền thống đủ điều kiện lưu trú; hệ thống thác nước, sông suối đẹp gắn liền với núi rừng hoang sơ; đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều phong phú, đặc sắc… Với những lợi thế đó, cùng với sự hỗ trợ từ Ủy ban Y tế Hà Lan- Việt Nam, một hệ thống homestay được xây dựng thí điểm, mở ra kỳ vọng mới từ mô hình người dân làm du lịch tại đây.

          Những ngày này, gia đình chị Hồ Thị Thắng ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng đã hoàn tất những khâu cuối cùng để sẵn sàng đón những lượt khách đầu tiên đến thăm quan, trải nghiệm du lịch và có ý định nghỉ chân ngay tại địa phương.

          Khu nhà lưu trú theo mô hình nhà sàn truyền thống được gia đình chị đầu tư xây dựng hơn nữa năm nay đang dần đi vào hoạt động. Bênh cạnh chổ ăn ngủ, nghỉ ngơi dành cho khách, gia đình chị Thắng chị  đặc biệt quan tâm đến việc giới thiệu về bản sắc, văn hóa của quê hương, dân tộc mình thông qua những vật dụng thân thuộc hàng ngày.

          Chị Hồ Thị Thắng

Thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa:

(Được tạo điều kiện, hỗ trợ để làm du lịch gia đình tôi rất vui vì có cơ hội tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Ngoài ra chúng tôi có cơ hội để giới thiệu cho mọi người biết thêm về truyền thống, hình ảnh của quê hương, dân tộc mình qua các dụng cụ thân thuộc, qua trang phục truyền thống, như vậy rất hay và bổ ích)

          Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch, Tổ chức Ủy ban  Y tế Hà Lan - Việt Nam đã phối hợp với huyện Hướng Hóa và xã Hướng Phùng  xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng. Để thực hiện mô hình này, Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam đã đầu tư trên 650 triệu đồng tập trung cải tạo 5 ngôi nhà sàn, xây mới 1 nhà sàn truyền thống, hệ thống công trình vệ sinh, điện mặt trời, giếng nước, khu vực vườn hoa… Huyện Hướng Hóa hỗ trợ 35 triệu đồng để mua sắm thêm quạt điện, chăn, ga, gối, màn… tại các nhà lưu trú; trang phục truyền thống của người Vân Kiều trưng bày tại nhà truyền thống và hỗ trợ tập huấn kỹ năng thực hiện mô hình du lịch cộng đồng cho đội ngũ tham gia làm du lịch tại đây.

          Ông Hồ Văn Quý

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

(Từ khi chúng tôi vận động thì người dân rất hưởng ứng, rất vui vẽ, phấn khởi, cùng góp sức, góp của để xây dựng mô hình ở thôn Chênh Vênh. Qua 3 tháng thực hiện thì chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như kinh phí hỗ trợ còn hạn chế, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các nhà tài trợ quan tâm hơn nữa để hỗ trợ thêm về ngày công, các dụng cụ cũng như cách vận hành để mang lại nguồn thu nhập cho người dân)

          Bà Nguyễn Thị Huyền

Trưởng Phòng VHTT huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

( Với đặc thù là vùng đất có thời tiết, khí hậu mát mẻ trong lành, có thác Chênh Vênh được coi là một danh thắng rất đẹp. Đây cũng là một vùng có nhiều nông sản đặc trưng như cà phê, hồ tiêu, chanh leo, măng rừng…thêm vào đó có bản sắc văn hóa rất đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều, vì thế mô hình làng du lịch cộng đồng Chênh Vênh xã Hướng Phùng được xem là mô hình có tiềm năng rất lớn, để khai thác, phát triển du lịch tại địa phương. Hy vọng rằng, mô hình này sẽ thành công để trỏ thành điểm đến cho khách du lịch gần xa, giúp cho bà con nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tham gia làm du lịch, vừa phát triển kinh tế gia đình vừa góp phần quảng bá bản sắc, văn hóa của quê hương mình)

          Qua hơn 4 tháng triển khai, đến nay các hạng mục còn lại của mô hình đang gấp rút hoàn thiện để kịp đưa vào hoạt động, phục vụ khách du lịch vào dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022. Mô hình du lịch cộng đồng  Chênh Vênh có nhiều lợi thế như không khí trong lành, nằm cạnh danh thắng thác Chênh Vênh, có nhiều nông sản đặc trưng như cà phê, măng rừng, chanh leo…, đặc biệt là bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Vì thế, mô hình mở ra triển vọng mới về một điểm dừng chân lý tưởng cho khách du lịch khi đến Hướng Hóa

Chào kết

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 02/12/2021 14:18 Lê Vĩnh Nhiên 02/12/2021 15:09
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà