Phụ nữ và cuộc sống
Danh mục
Phụ nữ và cuộc sống
NỘI DUNG

Chương trình phụ nữ và cuộc sống 18-12

Bệnh tai-mũi-họng ở trẻ và những điều cần quan tâm

          MC1: Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được đồng hành cùng quý vị và các bạn trong 10 phút của chương trình phụ nữ và cuộc sống.

          Quý vị và các bạn thân mến! Tai-mũi-họng là bệnh khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là khi trời trở lạnh, thời tiết thay đổi đột ngột. Bệnh có thể tự khỏi nếu không bị bội nhiễm nên các bậc cha mẹ thường chủ quan. Ít ai biết được rằng, bệnh ở tai mũi họng lại là khởi đầu của rất nhiều bệnh ảnh hưởng đến sức khoẻ.

          MC2: Chương trình phụ nữ và cuộc sống hôm nay sẽ có chủ đề: “ Bệnh tai – mũi – họng ở trẻ và những điều cần quan tâm”. Chương trình do PV Phạm Quỳnh phụ trách cùng với sự tham gia của PTV…. Và KTV….

Nhạc cắt

Bệnh tai – mũi – họng ở trẻ em

MC1: Quý vị và chị em thân mến! Mũi và họng luôn tiếp xúc với môi trường bên ngoài vì qua đường mũi họng, không khí bên ngoài đi đến phổi. Đồng thời với việc cung cấp oxy cho cơ thể qua phổi thì những tác nhân gây bệnh cũng theo vào cơ thể. Trẻ em dưới 3 tuổi có thể bị viêm mũi họng 1 năm 3 – 4 lần, thường vào những lúc thời tiết thay đổi đột ngột.

MC2: Thông thường, trên 80% các trường hợp lúc đầu các bé chỉ bị viêm mũi họng do virút, sau đó vài ngày do cơ thể yếu sức đề kháng, các loại vi trùng khác có thể xâm nhập thêm làm bệnh trở nặng. Loại virút hay gặp nhất là Adenoidal pharyngeal Conjuntival, virút hợp bào hô hấp và vi khuẩn H.influenzae, phế cầu khuẩn.

MC1: Triệu chứng ban đầu của bệnh tai – mũi – họng ở trẻ em là các bé thường bị: ho, sốt, nghẹt mũi một hoặc 2 bên, có thể có sốt cao (38 – 40o), quấy khóc, bỏ ăn… Các bé lớn đã biết nói có thể sẽ than đau họng, nghẹt mũiù taiđau tai, nhức đầu…

Những ngày đầu mới bệnh thường là do virút vì vậy không cần uống kháng sinh, chủ yếu là vệ sinh mũi họng cho bé. Nếu sốt từ 38,5o, nên cho uống hạ sốt như: paracetamol. Nếu bé chỉ ấm đầu (37 – 38,5o) lau bằng nước ấm, uống nhiều nước và ăn nhiều hoa quả.

Nếu không bị bội nhiễm, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 – 10 ngày. Nếu bé sốt cao 3 ngày liên tục, phải đưa bé đi bệnh viện khám để loại trừ bệnh sốt xuất huyết và xác định chính xác bé bị nhiễm virút hay nhiễm trùng. Vì nhiễm trùng nếu không uống kháng sinh, bé sẽ không tự khỏi bệnh.

MC2: Bệnh ở tai-mũi-họng nguy hiểm vì nếu không điều trị dứt điểm bệnh dễ trở nên mạn tính và là tác nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm khác. Chẳng hạn như viêm mũi khi không điều trị dứt điểm có thể gây viêm tai (làm giảm sức nghe và gây ra những biến chứng nặng hơn như viêm màng não, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch bên, liệt mặt…), viêm thanh quản (bệnh làm biến đổi chất giọng) hay viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi. Chứng viêm tai cũng có thể gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá đôi khi kèm theo suy dinh dưỡng. Trong khi đó viêm xoang lại có thể gây nhiễm trùng ổ mắt, đây là một biến chứng nghiêm trọng, đe dọa thị lực, thậm chí là tính mạng bệnh nhân. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn của amidan còn có thể tấn công vào khớp, tim, thận và có thể để lại các biến chứng khôn lường như viêm cầu thận cấp, thấp khớp, thấp tim, viêm tim…

Hiện đang vào giai đoạn chuyển mùa nên nhiều cha mẹ hết sức lo lắng về sức khỏe của con em mình. Chị Hoàng Thị Thu, P5, TP Đông Hà chia sẻ:

“ Thấy con có hiện tượng húng hắng ho, tôi hết sức lo lắng và đã mua thuốc về cho con gái 6 tuổi uống tại nhà nhưng sau khi thấy con ngày một ho nặng hơn thì tôi quyết định cho con đi khám. Khi đến bác sĩ, kết quả là con gái tôi bị viêm tiểu phế quản. Tôi vẫn không thể tin là mới chỉ ho như vậy mà đã chuyển sang viêm. Con gái tôi vốn thể trạng đã yếu nên cứ thời tiết thay đổi một lúc là y như rằng lại ốm. Lần nào ốm, nếu nhẹ thì 2 -3 ngày, nặng thì cũng phải 7 - 10 ngày mới khỏi".

MC1: Do thời tiết trở lạnh thất thường, nhiệt độ trong ngày có sự chênh lệch cao, trẻ nhỏ chưa thích nghi kịp với sự thay đổi này nên rất dễ mắc bệnh. Có những cha mẹ thấy con ho và sốt nhẹ, khi đi khám thì bác sĩ cũng chỉ khám qua và kê đơn thuốc cho con. Những lần sau đó, họ cầm theo đơn thuốc cũ bác sĩ kê đi mua thuốc hoặc chia sẻ với bạn bè, thấy giống trường hợp của con mình liền cho con dùng luôn loại thuốc mà con của bạn bè đang sử dụng. Điều này là vô cùng sai lầm, bởi có thể giống triệu chứng nhưng cơ địa mỗi người lại có bệnh khác nhau. Hơn nữa, mỗi đơn thuốc bác sĩ kê chỉ có hiệu quả trong một thời gian nhất định vì thế cha mẹ dùng đơn thuốc cũ cho con trong những lần bệnh sau là hoàn toàn không hợp lý. Chính vì thế để khi con có các dấu hiệu như hắt hơi nhiều, sổ mũi, ho, khò khè, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc mà hãy thăm khám bác sỹ để biết tình trạng sức khỏe của con.

Nhạc cắt

Chia sẻ bí quyết giúp mẹ phòng bệnh tai mũi họng cho trẻ

MC1: Bệnh tai mũi họng cấp tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không điều trị bệnh kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm đường hô hấp, viêm cầu thận. Vậy cách phòng bệnh Tai Mũi Họng hữu hiệu cho trẻ là gì? Các mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây để có thêm kiến thức chăm sóc bé yêu thật tốt nhé.

MC2:  Biểu hiện khi trẻ bị viêm mũi họng cấp rất dễ quan sát thường là chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi, đau họng, ho. Lúc đầu ho khan, sau ho có đờm. Sốt nhẹ hoặc sốt cao có thể lên đến 39 - 40 độ C. Trẻ quấy khóc, biếng ăn, khó ngủ và thường thở bằng miệng do ngạt mũi. Trẻ nôn, đi ngoài phân lỏng.

MC1: Để chăm sóc cho trẻ bị viêm mũi họng cấp, điều đầu tiên cha mẹ cần lưu ý là phải vệ sinh mũi họng cho trẻ. Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng, có thể lau rửa mũi ngay cho trẻ bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có rỉ mũi nên nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý cho bé. Nếu dịch mũi quá nhiều cha mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên, không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Cha mẹ tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi cho trẻ.

Cha mẹ cũng lưu ý nên dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, sau đó vứt bỏ ngay sau khi sử dụng.

MC2:  Điều quan trọng thứ hai trong việc chăm sóc trẻ bị viêm tai mũi họng cấp là chế độ ăn. Chế độ ăn đúng sẽ giúp trẻ tiếp nhận thức ăn dễ hơn và mau lành bệnh. Cha mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt. Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị. Cha mẹ cũng có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng hấp đường, gừng, chanh cho trẻ uống để chữa ho. Cha mẹ lưu ý không được sốt ruột khi thấy con bị sốt mà dùng thuốc tùy tiện. Chỉ dùng thuốc hạ sốt và kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Đây cũng là bí quyết mà nhiều chị em phụ nữ đã kiên trì áp dụng và thành công. Chị Nguyễn Thị Lê, TP Đông Hà chia sẻ:

Hai bé nhà mình lúc còn nhỏ sức đề kháng rất yếu nên hễ trở mùa là bé lại bị viêm mũi, họng. Khi con ốm ai cũng nóng ruột, mong con nhanh lành bệnh nên nhiều người cho bé dùng thuốc ngay. Riêng tôi thì tôi rất sợ nếu lạm dụng kháng sinh và dùng không đúng sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Nên 2 bé nhà tôi khi ốm chúng tôi rất chú trọng đến dinh dưỡng, giữ ấm cho con, tăng cường vitamin C, dùng các bài thuốc dân gian để trị ho cho bé , có thể dùng cách này sẽ lâu khỏi hơn dùng thuốc nhưng lại rất an toàn. Cơ thể bé sẽ tăng cường được hệ miễn dịch, dần dần cũng trở nên khỏe mạnh hơn và ít ốm vặt hơn.

 MC1: Một trong những cách phòng bệnh Tai Mũi Họng hữu hiệu cho trẻ là không được để con tiếp xúc với bụi bẩn. Hệ hô hấp của trẻ còn non yếu nên các tác nhân bên ngoài như khói bụi, khói thuốc, môi trường ô nhiễm tại đường phố, công trường xây dựng… sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý về Tai Mũi Họng. Tốt nhất bạn nên để con tránh xa những nơi đó và nếu bắt buộc phải đưa con ra ngoài cần đeo khẩu trang cho bé. Đặc biệt ngay cả môi trường sống của trẻ cũng cần phải giữ sạch sẽ. Các bậc cha mẹ đừng quên vệ sinh nơi ở, nhà cửa, phòng ngủ để hạn chế tối đa bụi bẩn, ô nhiễm xung quanh trẻ.

Vệ sinh Tai Mũi Họng cho trẻ sẽ giúp ngăn ngừa và hạn chế các tác nhân gây bệnh. Vì vậy hãy rèn luyện cho trẻ thói quen tự giác đánh răng, rửa mặt, súc miệng sạch sẽ ít nhất 2 lần/ngày. Nhiều mẹ cũng chia sẻ rằng một trong những bí quyết giúp phòng ngừa tai mũi họng hữu hiệu cho trẻ đó là dùng nước muối sinh lí hàng ngày để vệ sinh mũi cho trẻ… vì các bệnh lý về mũi chính là khởi nguồn của bệnh viêm họng hay viêm tai. Chị Ánh Hồng , Tp Đông Hà chia sẻ:

Gia đình tôi lúc nào cũng có sẵn nước muối sinh lý và dùng thường xuyên. Khi trẻ đi học hoặc đi đâu về là tôi cho bé nhỏ mũi. Các mẹ nhớ cho trẻ nằm nghiêng và nhỏ một lượng vừa phải rồi sau đó hướng dẫn con xì mũi và dùng khăn giấy thấm khô, lau sạch. Bên cạnh đó tôi cũng hướng dẫn con thói quen rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn… Có lẽ Nhờ vệ sinh đúng cách nên con tôi cũng ít ốm vặt hơn các trẻ khác…

MC2: Một trong những điều mà các mẹ cần phải lưu ý hàng đầu đó là khi trẻ mắc bệnh bạn nên điều trị dứt điểm cho bé để tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực tế không ít mẹ thường chủ quan và xót con khi thấy con sử dụng thuốc kháng sinh nên khi con đỡ thì ngưng ngay thuốc mà không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, trong khi tác nhân gây bệnh vẫn còn khu trú bên trong khiến trẻ rất dễ phát bệnh trở lại. Và lời khuyên chân thành dành cho các mẹ là tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc cho con, khi trẻ chớm có dấu hiệu cần đưa con đến bệnh viện thăm khám, vì đôi khi cùng một triệu chứng nhưng nó lại là nhiều bệnh khác nhau.

MC1: Chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này cũng xin được khép lại tại đây, chúc các mẹ sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong chăm sóc con. Mọi chia sẻ QV & chị em có thể gửi về cho BBT chương trình theo địa chỉ: BBT chương trình Phụ nữ và cuộc sống, phòng chuyên mục – Chuyên đề Đài PTTH Quảng Trị hoặc qua địa chỉ: phunuvacuocsongqtv@gmail.com.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 08/12/2021 11:05 Lê Vĩnh Nhiên 09/12/2021 08:34
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà