Đất pt 20/12
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 20/12 -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn! Trong ct tuần này, chúng ta lại có dịp đi lên lại vùng cao Đkrong, để cùng trải nghiệm cuộc sống vùng sơn cước, để cùng bộ đội và đồng bào các dân tộc vui buồn với thực tế nơi đại ngàn miền tây Quảng Trị, để cùng có những khát vọng và cả trăn trở để miền núi chuyển mình trong vận hội mới của quê hương. Bút ký của Xuân Dũng "Sinh động vùng cao", mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy vị và các bạn thân mến! Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đất và người Quảng Trị, ct này có sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký:

                                 SINH ĐỘNG VÙNG CAO.

                                                                                                    ( Xuân Dũng)

   Nói đến miền tây Quảng Trị không thể không nhắc đến vùng cao Đakrông.

   Lên vùng cao biên cương nhớ nhất vẫn là những con đường. Dù có hay không liên tưởng đến câu nói của văn hào Lỗ Tấn : " Ngày xưa làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường mà thôi". Tôi có liên tưởng gần hơn với một nhà thơ dân tộc Vân Kiều, con đẻ của huyện Đakrông tên là Hồ Chư mới thành người thiên cổ mấy năm trước, được coi là người kế nghiệp nhà văn Mai Văn Tấn khi ý thức về gia tài văn hóa phi vật thể của đồng bào miền núi. Anh có tư duy khá độc đáo của người miền núi. Hồ Chư viết bài thơ "Xe và đường" như sau :

"Tôi thường thấy xe và đường/Xe chạy về phía trước/Đường "đi lùi" phía sau/Dẫu là con đường nào/Xe vẫn tranh nhau vượt/Để cho đường nỗi đau/Xe vi vu khắp chốn/Đường ôm một nỗi sầu/Xe thường vô tình thế/Ít nhìn về phía sau//Xe biết mình có bạn/Đường biết mình dài lâu/Xe với đường là bạn/Trao nghịch lý cho nhau". Đúng là tư duy tả thực, rất trực quan, đặc trưng của đồng bào rẻo cao, mô tả đường sá giao thông mà vẫn hàm chứa chuyện thế thái nhân tình từ những điều tưởng chừng như nghịch lý, để rồi có những phát hiện bằng thơ rất thuyết phục. Hồ Chư còn là một trí thức, nhà thơ vùng cao Quảng Trị nặng lòng với việc giữ gìn bản sắc văn hóa miền núi, đặc biệt là ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số. Anh từng có nhiều buổi dạy tiếng Vân Kiều cho lực lượng Công an, nói chuyện về bản sắc, tập tục vùng cao với nhiều dẫn chứng di dỏm, sinh động;  rồi tham gia đóng góp cho các công trình nghiên cứu khoa học về phong tục, ngôn ngữ miền núi Quảng Trị. Anh đã sống trọn vẹn đời mình bằng trái tim luôn cùng nhịp đập với hồn vía đại ngàn. 

      Nhắc lại chuyện ấm lòng để đi học ở vùng cao khu vực biên giới Đakrông là phải nói đến chuyện "Ổ bánh mì tình thương". Miền xuôi, ổ bánh mì có lẽ đã trở nên quen thuộc nhưng còn ở miền núi, nhiều nơi vẫn còn là thức ăn xa xỉ. Để giúp các em điểm tâm trước lúc đến trường, đồn biên phòng đã tổ chức vận động cán bộ, chiến sĩ trích tiền lương, quyên góp từ các nhà hảo tâm để thiết thực giúp các em có cái ăn buổi sáng để học hành, nhất vào những ngày đông giá rét. Xin nhắc lại rằng "Tiết học biên giới" ở Đakrông khởi đầu từ sáng kiến của chi đoàn bộ đội đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Bà Hồ Thị Thành rưng rưng xúc động : "Biết ơn lắm bộ đội biên phòng đã giúp bà con dân bản, giúp các cháu có cái ăn để đến trường".

   Rồi tuyên truyền thế nào để đồng bào, trước hết là các em nhỏ, những chủ nhân tương lai của vùng biên hiểu được. Cho đến hôm nay, khi nhắc lại chuyện này, thượng tá Nguyễn Bá Duyệt, tham mưu phó-Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, nguyên đồn trưởng La Lay vẫn còn xúc động. Mà không xúc cảm sao được khi bài học tinh khôi về chủ quyền biên giới, tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc được chính những người lính đang cầm súng gìn giữ đất trời truyền thụ cho lứa tuổi măng non giữa núi rừng bát ngát. Thầy giáo Ngô Duy Hưng, một người thường xuyên tham gia ngoại khóa "Tiết học biên giới" đã cảm nhận : "Rất hay anh à, những hình thức giáo dục sinh động như thế này rất hữu ích, làm thay đổi nhận thức của học sinh về bảo vệ biên cương".  Ngay người lớn cũng thấy rằng học về biên giới như vậy là có ích. Chị Hồ Thị Ngo, người dân nơi đây thật thà kể lại : "Ngày trước thì mình hiểu về biên giới cũng có hạn, nhưng nghe bộ đội biên phòng tuyên truyền, càng ngày càng hiểu sâu hơn và thấy có trách nhiệm nhiều hơn cùng bộ đội bảo vệ biên giới nước mình".

   Mà nào chỉ có dân mình, còn dân nước bạn Lào, tiếng là khác quốc gia nhưng là láng giềng biên giới, thậm chí còn là họ hàng thân thích, nên bộ đội biên phòng La Lay còn  giúp dân Lào trồng cây, chữa bệnh hoặc những khi hoạn nạn tương cứu. Thảo nào ông trưởng bản La Lay-A Sóc, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan (Lào) tên Bun Thân cứ trầm trồ: "Bộ đội biên phòng Việt Nam tốt lắm, giúp dân bản chúng tôi nhiều thứ, nhất là những lúc khó khăn nên ai cũng nhớ". Đến những tháng đại dịch Covid-19 vừa qua, thấy bạn gặp khó khăn trong lương thực, thuốc men thì bộ đội biên phòng Việt Nam cũng chia sẻ. Lên biên giới Việt-Lào càng thấm thía câu nói : giúp bạn là giúp mình, vì tình nghĩa sâu xa: môi hở răng lạnh nên ân nghĩa nồng nàn.

 

                                                         *

   "Vậy thì có không một dự phóng La Lay" ?- một người bạn làm kinh tế khá thông thuộc hai cửa khẩu quốc tế của Quảng Trị hỏi tôi.

   Tôi hiểu những băn khoăn của anh, của tôi và có thể của nhiều người khác nữa. Vâng, La Lay cần phải làm gì để trở thành một cửa khẩu quốc tế đúng nghĩa, tạo nên cú hích về kinh tế xã hội ở phía tây nam Quảng Trị và có sức lan tỏa ?

   Tôi đã nhìn thấy việc xây dựng, mở mang cửa khẩu khi lên La Lay. Nhưng chưa đủ. Giao thông phải là yếu tố tiên quyết. Tôi đem câu hỏi này tới gặp ông Lê Đức Tiến, tiến sĩ kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nguyên giám đốc Sở Giao thông và Vận tải tỉnh Quảng Trị. Ông Lê Đức Tiến khẳng định : " Mở một con đường từ cửa khẩu La Lay về cảng Mỹ Thủy cũng là trăn trở của những người làm nghề giao thông vận tải như chúng tôi từ nhiều năm nay. Đáng mừng là Chính phủ đã đồng ý với chủ trương này và hiện đang được xúc tiến thực hiện, chỉ còn 34 cây số cần tiếp tục thực hiện, rút ngắn khoảng cách từ La Lay về Mỹ Thủy chỉ 62 cây số thay vì dài hơn như một dự tính trước kia. Theo tôi dự đoán con đường sẽ thành hiện thực trong giai đoạn từ đây đến năm 2025. Nó hoàn thành sẽ mở ra nhiều triển vọng cho Quảng Trị khi phát triển kinh tế-xã hội và ngoại giao. Vì nó không chỉ nối với Lào mà còn thông thương với nhiều nước trên hành lang kinh tế Đông-Tây, với cả nước cuối cùng trên tuyến đường này là Mianma, nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương qua con đường dài 1300 cây số".

   Đã có ý tưởng và đề xuất về một khu kinh tế cửa khẩu quốc tế La Lay. Vấn đề là làm thế nào kinh tế địa phương phát triển và người dân bản địa được hưởng lợi lâu dài. Đó cũng là câu chuyện không giản đơn trong một sớm một chiều. Nhưng với những gì đã có và sắp sửa diễn ra, chúng ta có quyền hy vọng và có nhiều hy vọng.

   Riêng tôi, vẫn nhớ đến cột mốc biên giới cũ được cắm ở biên cương từ năm 1978, nay đã thay đổi về đứng trong phòng truyền thống của đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay. Tổ quốc thường là những điều lớn lao trong hình dung của mỗi con người,  nhưng đôi khi chỉ giản dị như cột mốc từ hơn 40 năm trước, nay đã xong sứ mệnh của mình, về lại tuyến sau và vẫn sừng sững như một lời nhắc nhủ trang nghiêm và xúc động.

 Biên cương phải ngày càng bình yên và tươi mới !

  

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 15/12/2021 05:35 Lê Vĩnh Nhiên 15/12/2021 14:43

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà