âm nhạc và đời sống
Danh mục
Âm nhạc và đời sống
NỘI DUNG

   QRTV giới thiệu

Thưa quý vị và các bạn, Dù lặng lẽ hay ồn ào, một năm rồi cũng đang chuẩn bị qua đi. 365 ngày đã trôi qua với đủ đầy những dư vị và sắc màu của cuộc sống… vui có, buồn có, thành công có, thất bại có, hi vọng có và tuyệt vọng cũng có… 

Những buổi chiều cuối năm, đếm vòng quay thời gian đang chuẩn bị kết thúc một chu kì. Chỉ mong một năm khép lại, những điều tốt đẹp và may mắn hơn sẽ mở ra

Kính mời quý vị  và các bạn đón nghe chương trình “Âm nhạc và đời sống” với chủ đề “ Buâng khuâng chiều cuối năm”, phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị vào lúc 17 h ngày thứ sáu 31/12/2021

                  

                        CHƯƠNG TRÌNH ÂM NHẠC VÀ ĐỜI SỐNG

                   ( 31/1/2021)- Chủ đề “ Bâng khuâng chiều cuối năm               

MC: Kính chào quý vị và các bạn. Quý vị và các bạn đang lắng nghe chương trình “Âm nhạc và đời sống” vào lúc 17 h ngày thứ sáu và 16 h ngày chủ nhật hàng tuần. chương trình phát trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị, Radio FM tần số 92,5 Mhg.           

( Kỷ thuật viên phát một đoạn bài hát “Chiều cuối năm” Mỹ Tâm

Thưa quý vị, dù lặng lẽ hay ồn ào, một năm rồi cũng đang chuẩn bị qua đi. 365 ngày đã trôi qua với đủ đầy những dư vị và sắc màu của cuộc sống… vui có, buồn có, thành công có, thất bại có, hi vọng có và tuyệt vọng cũng có… 

Những buổi chiều cuối năm, đếm vòng quay thời gian đang chuẩn bị kết thúc một chu kì. Chỉ mong một năm khép lại, những điều tốt đẹp và may mắn hơn sẽ mở ra

MC: Thưa quý vị Kính thưa quý thính giả. Đã khép lại một  năm 2021 với nhiều sự kiện buồn vui và mở ra một năm mới nhiều kỳ vọng. Chương trình “Âm nhạc và đời sống” với chủ đề “ Buâng khuâng chiều cuối năm” là chương trình cuối cùng của năm 2021. Những người thực hiện CT trân trọng cảm ơn quý thính giả đã luôn quan tâm đồng hành cùng chương trình. Chúc quý vị một năm mới an khang và thịnh vượng.

1. Kỷ thuật viên phát bài hát “Chiều cuối năm” Mỹ Tâm thể hiện

MC: Chiều cuối năm đứng bên dòng sông buồn/
Nhìn nước trôi, nước trôi về Đông Phương/
Chiều cuối năm tiếng gió như gọi hồn/
Ai tha hương lạc loài/
Sương giăng không kịp về/
Cội nguồn xưa dấu yêu/

Những buổi chiều cuối năm, đếm vòng quay thời gian đang chuẩn bị kết thúc một chu kì. Chiều cuối năm cũng là dịp mọi người cùng ngồi lại với nhau, cùng chuyện trò về những biến cố trong năm vừa qua, để xem mình đã làm được gì hay dang dở điều gì, để xem mình đã có được gì và để mất những gì…Là lúc tự mỗi người lặng lại, và dành một vài phút ít ỏi sau những vội vã tấp nập của cả năm qua, để nhìn lại mình và nhìn lại cuộc đời… rồi hướng về những điều mới mẻ.Những buổi chiều cuối năm điềm tĩnh, người ta thường dễ tha thứ cho lỗi lầm của những ngày qua; sẽ gật đầu để quên đi những gì không may mắn, phiền muộn và hướng về một năm mới an lành và hạnh phúc.

MC: Những buổi chiều cuối năm phảng phất buồn, có lẽ đất trời cũng muốn luyến lưu năm cũ thêm một chút. Hay vì lòng người dù háo hức cho một năm mới với những khởi đầu mới, vẫn không quên tiếc nuối 365 ngày đã qua – một phần đời dẫu buồn vui, đắng cay hay ngọt bùi vẫn không thể quay lại?

Ca từ của bài hát “ Chiều cuối năm” mà ca sỹ Mỹ Tâm vừa thể hiện như một cành hoa xuân đặt vào giá lạnh của mùa đông.

1. Kỷ thuật viên phát bài hát “Chiều cuối năm” Đông Nguyễn thể hiện. Nhạc Mai Hoa Thu

MC: Quý vị vừa nghe một ca khúc cũng có tên “ Chiều cuối năm”, sáng tác của Mai Hoa Thu qua sự thể hiện của ca sỹ Đông Nguyễn.

Những buổi chiều cuối năm, thương những kẻ xa nhà đang ngóng trông về một mâm cơm đoàn viên; thương những kẻ đang ngó về quê ở một khung trời khác.

Mong an lành và bình yên cho một năm sắp tới…Mong những lo lắng bớt đi trên nếp nhăn của những người thân, mong ai ai cũng sức khỏe dồi dào bỏ quên đi bệnh tật…Mong niềm vui nối đuôi ghé thăm tất cả mọi người và bỏ quên bất hạnh, tuyệt vọng ở đằng sau…Mong nụ cười luôn hiện hữu khắp nơi và bỏ quên nước mắt, đớn đau ở lại…Mong may mắn luôn đồng hành trên con đường sắp tới…Mong 365 ngày tiếp theo sẽ sống mà không phải luyến tiếc…Mong một năm mới sẽ thật đủ theo cách mọi người mong muốn…

 Chào tạm biệt năm cũ, chào tạm biệt chiều cuối năm!

 

 

        Nhạc cắt + Lời xướng mục “ Tác giả và Tác phẩm”

(  Kỷ thuật viên phát bài hát “ Sông Lô Chiều cuối năm ” nhạc Minh Quang , ca sỹ Doãn Tần thể hiện thể hiện)

MC: Sông Lô chiều cuối năm bất chợt gặp câu thơ ai bỏ quên giữa dòng/ Câu thơ nói về một người con gái/ bao năm tháng chờ đợi người lính ấy sao mãi không về.

Đó là ca từ của Bài hát “Sông Lô chiều cuối năm” được nhạc sĩ Minh Quang viết trong một chuyến đi công tác cùng đoàn Văn Công Quân đội lên Tây Bắc để phục vụ chiến sĩ và đồng bào nơi đây. Chặng hành trình mà đoàn công tác đi qua dọc theo đường quốc lộ 2 đi qua Đoan Hùng - Phú Thọ - thành phố Tuyên Quang và khi tới Phú Thọ thì bóng chiều đổ xuống. Con sông Lô hiền hòa thơ mộng và đầy những chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã gợi lại cho nhạc sĩ Minh Quang bao cảm xúc về con sông quê hương.

Hình ảnh người con gái, con đò, bến sông, người lính, cây đào ngày tết  tưởng như rời rạc, đơn lẻ thế nhưng khi đi vào thi ca, nhạc sĩ đã hòa vào những dòng nhạc thành dòng chảy xuyên thời gian, lay động tâm hồn khiến người nghe có cảm giác như đang chững lại bên bến sông quê hương đầy chiến tích lịch sử.

( Kỹ Thuật phát đoạn 1)
Sông Lô chiều cuối năm,
bất chợt gặp câu hát từ bến sông xưa vọng lại,
ai về qua bến Bình Ca.
Bâng khuâng chợt nhớ bao kỷ niệm năm tháng gần bên nhau,
say trong hương rừng,
ai về tắm nước dòng Lô.

MC: Nhạc sĩ Minh Quang đã thực sự thả hồn vào dòng nhạc, để có một hình tượng thật hay và độc đáo nếu như đi dọc dòng sông Lô nhạc sĩ bắt gặp câu hát thì qua bến sông Bình Ca lại bất chợt gặp câu thơ mà ai đó đã bỏ quên giữa dòng. Có một người nào đó đã để lại câu thơ phải chăng đó là lời hẹn ước, lời hẹn thề của người ở lại mà trước khi tiễn người lên đường đã trao gửi một niềm tin son sắt làm vững lòng người ra trận. Hình ảnh câu thơ, tiếng hát tưởng như vô hình không thể nắm bắt thế mà giờ đây trên dòng sông ấy lại gặp cả thơ và nhạc phải chăng trong lòng tác giả đã ấp ủ sẵn một cảm xúc trào dâng và nay đã đến dịp thăng hoa để cả thơ, nhạc và tâm hồn nghệ sĩ cùng hòa quyện. 

Kỷ thuật phát điệp khúc 1

Sông Lô chiều cuối năm bất chợt gặp câu thơ ai bỏ quên giữa dòng.
Câu thơ nói về một người con gái,
bao năm tháng chờ đợi người lính ấy sao mãi không về.
MC: Trên bến sông ấy, ta bắt gặp về chuyện tình người con gái vẫn thủy chung chờ đợi người lính nơi chiến trường khói lửa. Chiến tranh khiến cho quê hương bị tàn phá, tiếng khóc lầm than, gia đình ly tán và đôi bạn trẻ ấy cũng vậy, tình yêu lứa đôi sẽ phải được thử thách trong xa cách, chờ đợi, nhớ thương. Người con trai ra chiến trận người con gái ở lại quê hương chờ đợi ngày trở về trên bến sông xưa.
Và sự chờ đợi của người con gái ấy nay đã trở thành quá khứ khi người lính trên chiến trận trở về bên bến sông năm xưa ngày ấy. Cảnh xưa, tình cũ, người còn, câu thơ xưa vẫn còn trong ký ức mà không thấy người đâu, để rồi người lính mãi tìm người con gái trong câu thơ và gọi người trong câu hát.  

( Kỷ thuật phát điệp khúc 2)
Sông Lô chiều cuối năm, ai tìm về bên ai, ta tìm về bên em.
Qua bến Bình Ca đứng lặng, cây đào ngày tết sắp ra hoa,
sao người con gái ấy nơi đâu, để lại bến sông xưa bâng khuâng một con đò.

MC: Khung cảnh có vẻ nhộn nhịp, đông vui khi con người tìm nhau, hẹn nhau bên hai bờ sông, con đò như chiếc cầu nối đoàn tụ sau những tháng ngày chia ly, xa cách thế nhưng lòng người vẫn mãi khắc khoải bơ vơ vì tìm về bên em nhưng nay “Sao người con gái ấy nơi đâu, để lại bến sông xưa bâng khuâng một con đò” chiều là khoảng thời gian cuối trong ngày lại là chiều cuối năm hai sự chớm chạm đến sự kết thúc gợi lên một không gian thanh bình, yên ả nhưng đã chạm tới con sóng lòng cứ trào dâng lên mãi khi mà người lính dọc theo bến nước Bình Ca tìm người con gái ấy không trở lại. Trong dòng nhạc của Minh Quang ta thấy cái gì đó tha thiết, dạt dào tình người, thấm đượm tình đời, cảnh vật, không gian lặng lẽ nhưng không bi lụy, những chất liệu, hình ảnh mà nhạc sĩ sử dụng đã chảy vào thơ thật tự nhiên, thật lắng đọng.

( Kỷ thuật phát đoạn cuối)

Sông Lô chiều cuối năm, ai tìm về bên ai, ta tìm về bên em.
Qua bến Bình Ca đứng lặng, cây đào ngày tết sắp ra hoa,
sao người con gái ấy nơi đâu, để lại bến sông xưa bâng khuâng một mình tôi

Một năm mới sắp đến. Đâu đó vẫn còn nghe văng văng câu hát  “Sông lô chiều cuối năm, ai tìm về bên ai, ta tìm về bên em”. 

(  Kỷ thuật viên phát bài hát “ Sông Lô Chiều cuối năm ” nhạc Minh Quang , ca sỹ Doãn Tần thể hiện thể hiện)

           Xướng và nhạc cắt mục “ Câu chuyện âm nhạc”

          ( Kỷ thuật viên phát bài hát “Phà chiều cuối năm ” Khang Lê thể hiện) 

MC: Quý vị vừa nghe ca sỹ Khang Lê thể hiện ca khúc “ Phà chiều cuối năm” của nhạc sỹ Hà Sơn. Nhạc sỹ Hà Sơn sinh ngày 28 tháng 3 năm 1987, tại xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, là con út trong một gia đình có bốn anh em trai và không có truyền thống nghệ thuật.

Bố mẹ anh đều là những người nông dân nghèo nên tuổi thơ của anh là những tháng ngày gian khó và đầy ắp nỗi buồn. Vì cuộc sống mưu sinh, bố anh phải thường xuyên vắng nhà, những người anh của anh thì được gửi về quê ngoại để ngoại nuôi ăn học vì gia đình anh không đủ điều kiện để nuôi tất cả, riêng Hà Sơn lúc đó còn quá nhỏ, chưa đến tuổi đi học nên được sống với Mẹ. Vốn là một người sống tình cảm với nhiều tâm sự nên trong những đêm trường vắng lặng, Mẹ thường hát ru anh ngủ bằng những câu nhạc buồn, từ đó đã nuôi dưỡng trong anh nhiều cảm xúc và ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp sáng tác của anh sau này.

MC: Là một học sinh khá toàn diện, học giỏi đều tất cả các môn học, trong đó có Ngữ văn, cùng với tình yêu âm nhạc mãnh liệt nên anh đã bắt đầu tập tành sáng tác từ những năm học trung học, lúc bấy giờ do chưa có kiến thức nhạc lý nên anh chỉ đặt lời Việt cho những ca khúc nước ngoài và soạn lời một số bài vọng cổ.

Năm 2007, một lần tình cờ ngang qua trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh, thấy thông báo tuyển sinh sư phạm âm nhạc, vốn yêu âm nhạc từ nhỏ nên anh quyết định nộp hồ sơ dự thi dù ngoài khả năng ca hát anh chẳng có bất cứ kiến thức nào về nhạc lý. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười khi anh nhận được thông tin mình trúng tuyển.

Những năm theo học tại đây, nỗi nhớ quê, những khó khăn, vất vả của đời sinh viên xa nhà lại cho anh thêm nhiều xúc cảm. Những lúc đó anh lại hát vu vơ những giai điệu ngẫu nhiên và đó cũng là bước đầu đánh dấu sự nghiệp sáng tác âm nhạc chính thức của mình.

MC: Đến nay anh đã có trên 200 tác phẩm với nhiều thể loại. Những bài hát hay trong sự nghiệp sáng tác của anh như Cát bụi cuộc đời, Khúc xuân nồng, Xuân xa quê, Thương về Trà Vinh, Phà chiều cuối năm mà quý vị vừa thưởng thức luôn được công chúng yêu thích bởi nó dung dị, gần gủi với cuộc sống nơi thôn quê. Mời quý vị nghe lại ca khúc này qua sự thể hiện khác của danh ca Ngọc sơn

( Kỷ thuật viên phát bài hát “Phà chiều cuối năm ” Ngọc Sơn thể hiện) 

MC:  Vâng, chiều cuối năm bóng chiều dần tắt, tiếng thời gian dường như đang nghiêng về một phía. Chiều đã bắt đầu lạnh. Những ngày cuối năm càng trôi nhanh hơn, lòng người hoang hoải…chùng hẳn lại. Tạo hóa nên một thiên nhiên vốn vậy, hết mùa này đến mùa khác đi cứ luân hồi qua, rồi lại quay trở lại.

Những con người đang ngày đêm phải trải qua trong vùng dịch bệnh, trong bão lũ, hay nơi khắc nghiệt nhất của thiên tai đều mong muốn mình rằng, chỉ cần khỏe mạnh, là sẽ có tất cả. Chỉ có niềm tin mới khiến ta không thể gục ngã… không bao giờ ngừng yêu… cuộc sống này. Xin chào đón một năm mới 2022 với bao khát vọng thành hiện thực.

Chương trình “ Âm nhạc và đời sống” với chủ đề “Buâng khuâng chiều cuối năm” của Đài PTTH Quảng Trị đến đây kết thúc, chương trình do Việt Hà biên tập. Đỗ Hằng và ……..  thực hiện. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong những chương trình năm 2022.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Việt Hà 28/12/2021 15:15 Lê Vĩnh Nhiên 22/06/2022 14:36
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà