Dọc đường VN 21/1
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 21/1 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, có nội dung chính mang tên "Tập tản văn : Về kịch Xuân Đức" và được phát sóng vào ngày thứ sáu, 21/1 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 25/1 lúc 9g, ct này do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Thưa quý vị và các bạn ! Mở đầu ct, nhân bàn đến kịch Xuân Đức, Xuân Dũng có bài viết sau, chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct, nhân cảm nhận bài hát "Mùa xuân" của Phạm Minh Tuấn, Xuân Nguyên có bài viết sau, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct do Việt Thanh biên tập, với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

              VỀ KỊCH XUÂN ĐỨC

                                                                                               (Xuân Dũng)

 

   Bên cạnh nhà tiểu thuyết Xuân Đức, còn song hành một nhà viết kịch Xuân Đức (1947-2020). Nếu tiểu thuyết là dương bản của chiến tranh thì hầu hết kịch bản là âm bản của chiến tranh, như hai mặt của một tờ giấy, hai mặt của một vấn đề bổ sung cho nhau, cộng hưởng với nhau.

   Chúng ta đã biết nhà văn Xuân Đức từng công tác lâu dài ở Đoàn kịch nói Quân đội thuộc Tổng cục Chính trị, QĐND Việt Nam, cho đến khi về hưu với quân hàm trung tá. Vở kịch đầu tiên có tên là "Tổ quốc" viết chung với Đào Hồng Cẩm (1985). Về sau song hành cùng với việc viết tiểu thuyết, nhà viết kịch Xuân Đức sáng tác nhiều kịch bản sân khấu và được dư luận quan tâm. Có thể kể tên một số kịch bản kịch nói của ông như:" Người mất tích", "Chứng chỉ thời gian", " Đợi đến bao giờ", " Đám cưới ly biệt", "Cuộc chơi", " Cái chết chẳng dễ dàng gì", "Ám ảnh", " Chuyện dài thế kỷ"...Bên cạnh những giải thưởng có giá trị về tiểu thuyết, các vở kịch của Xuân Đức cũng gặt hái nhiều thành quả. Kịch bản "Cuộc chơi" đoạt giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (1995), Giải thưởng cuộc vận động viết về chiến trang Cách mạng và người chiến sĩ (1994), Giải thưởng Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc cho kịch bản Cái chết chẳng dễ dàng gì, Giải thưởng kịch bản Sân khấu năm 2007 cho kịch bản "Chuyến tàu tốc hành trong đêm"...Vừa viết tiểu thuyết vừa sáng tác kịch bản sân khấu nên có ảnh hưởng qua lại giữa hai loại hình sáng tạo, có khi khá thú vị. Ví dụ nhà văn có tiểu thuyết "Kẻ song sinh" lại cũng có kịch bản sân khấu cùng tên mà cốt truyện và nhân vật khá giống nhau.

   Kịch Xuân Đức hầu như đều chịu ảnh hưởng của chiến tranh của một nhà văn áo lính ngay cả khi ông rời quân ngũ đã lâu, cho dù bối cảnh hòa bình thì chiến tranh vẫn thấp thoáng ở đâu đó và chi phối nhiều con người và sự việc hôm nay. Bóng dáng chiến tranh vẫn gần như thường trực trong tác phẩm. Dù là viết trực diện về thời điểm chiến tranh: "Cái chết chẳng dễ dang gì" hay quá khứ chiến tranh và hiện tại hòa bình đan xen : "Chứng chỉ thời gian", "Nguyệt thực"...thì tâm thức trận mạc vẫn không hề vắng bóng và không chịu ngủ yên trong mỗi con người đã từng trải qua. Cho nên nói đến quá khứ trong kịch Xuân Đức chính là quá khứ chiến trận.

   Tôi còn nhớ cảm giác thập kỷ 90 của thế kỷ trước khi xem vở kịch nói "Chuyện đời thường vớ vẩn", kịch bản của nhà văn Xuân Đức, đạo diễn : NSND Xuân Đàm, vai chính : NSND Kim Qúy. Tên gọi quai nôi của vở kịch là "Đợi đến bao giờ", đến khi công diễn, đạo diễn Xuân Đàm đổi tên như trên để dễ "tiếp thị" khán giả. Một cảm giác về chiến tranh dù đã qua nhưng vẫn ám ảnh trong cuộc sống đương đại hòa bình, tác động đến tâm lý và hành vi của các nhân vật. Nhân vật nữ chính cứ say mê công việc, cuốn theo với trách nhiệm xã hội hết mình, bỏ qua cả tuổi xuân, để rồi đến khi nhận ra một cuộc khủng hoảng bên trong của chính mình thì dường như mọi thứ đều đã muộn màng.

   Nhà văn Đoàn Phương Nam, TBT tạp chí Cửa Việt cảm nhận về kịch của nhà văn Xuân Đức (băng)

   Một mùa xuân nữa lại vắng bóng nhà văn Xuân Đức, nhưng dù vậy nhiều tác phẩm của ông vẫn còn lại với thời gian.

   BÀI HÁT "MÙA XUÂN" CỦA PHẠM MINH TUẤN.

                                                                                                      (Xuân Dũng)

 

    Trong các bài hát về mùa xuân thì ca khúc "Mùa xuân" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn là một trường hợp khá đặc biệt, vì gương mặt thời gian hiện lên với vẻ khác.

   Mở đầu bài hát là :

Điều đó rồi xảy ra
Em biết và em biết
Một mai anh chiến thắng trở về
Đôi vai gầy và đôi mắt sâu
Tóc đã điểm bạc làn da nay nám màu sương gió
Hah hah hah
Bởi chiến tranh bởi chiến tranh đâu phải trò đùa

    Mùa xuân thường hiện lên với gương mặt nồng ấm, xinh tươi, thanh bình, nhưng ở đây lại là những cảm thức đau đáu bởi chiến tranh, hay chính xác hơn là sau khi chiến tranh kết thúc. Những cảm xúc đầy trăn trở:

    Và từ đó em nhận ra anh
Và từ đó em nhận ra anh
Không phải trong mơ không phải trong thơ
Em chồm dậy chạy đến chạy đến rồi khóc

    Mùa xuân có cả niềm vui hội ngộ, có cả nước mắt đoàn viên khi cả giang sơn vừa qua một cuộc trường chinh dài bằng một góc đời người. Nên vì vậy mà mùa xuân hiện lên thao thức và trăn trở, có cả những lo toan của những đời thường.

   Anh người chiến sĩ và chiếc áo năm tháng bạc màu
Anh người chiến sĩ và chiếc áo mưa nắng dãi dầu
Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím
Và em nói tặng anh mùa xuân

   Điệp khúc là hình tượng người lính đầy gian lao và hy sinh đã trở về trong đời thường, đã trở về với mùa xuân, với những gì hiện hữu của thời hậu chiến.

   Và từ đó em nhận ra anh
Và từ đó em nhận ra anh
Không phải trong mơ không phải trong thơ
Em chồm dậy chạy đến chạy đến rồi khóc

Anh người chiến sĩ và chiếc áo năm tháng bạc màu
Anh người chiến sĩ và chiếc áo năm nắng dãi dầu
Đôi tay bâng khuâng nâng cành hoa tím
Và em nói tặng anh mùa xuân

    Và dù cho chiến tranh có khắc nghiệt đến đâu thì niềm tin hội ngộ, đoàn viên vẫn sống mãi trong lòng người lính và người ở hậu phương:

   Ôi ngày ấy sẽ đến
Ôi ngày ấy sẽ đến
Anh sẽ về sẽ về phải không anh
Anh sẽ về sẽ về
Anh sẽ về, phải không anh

   Bài hát "Mùa xuân" của Phạm Minh Tuấn đã tạo nên một cảm quan về chiến tranh trong hòa bình, thể hiện một cách nhìn khác và mới về mùa xuân, đầy trách nhiệm và trăn trở, một nhạc phẩm hay và lạ về mùa xuân hiện đại trong âm nhạc Việt Nam.

(Và một đoạn bài hát...)

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 17/01/2022 10:25 Lê Vĩnh Nhiên 18/01/2022 08:16
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà