Tạp chí Dân tộc và miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

 

Tạp chí dân tộc số 22.  23.1.2022

PS1: Biên phòng đồng hành cùng bà con dân bản

PTV: Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang đón xem Tạp chí Dân tộc của Đài PTTH Quảng Trị. Trong 30 phút ngày hôm nay, mời đồng bào và các bạn cùng đến với một số nội dung sau: Biên phòng đồng hành cùng bà con dân bản. Tiếp đó là phóng sự: Xây dựng mô hình kinh tế, giúp đồng bào thiểu số thoát nghèo. Thời gian cuối của chuyên mục, mời đồng bào và các bạn cùng đến với ghi nhận về hoạt động: Quan tâm, chăm lo đời sống cho đồng bào thiểu số. Sau đây mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết của chuyên mục.

PTV: Thưa đồng bào và các bạn. Đồn Biên phòng Ba Tầng Đồn đứng chân trên địa bàn thôn Trùm, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, phụ trách địa bàn xã A Dơi và Ba Tầng, quản lý đoạn biên giới chính diện dài gần 20 km, quản lý 10 mốc quốc giới chính và 5 mốc dấu phụ từ mốc 608 đến mốc 617. Ngày đầu mới thành lập, đứng trước nhiều khó khăn thử thách, nhưng ban chỉ huy đồn đã chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kịp thời động viên cán bộ chiến sĩ an tâm công tác, xây dựng đơn vị.. Vừa xây dựng cảnh quan, đơn vị vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quản lý bảo vệ biên giới quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được phân công phụ trách. Thực hiện vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên đoạn biên giới của tỉnh Quảng Trị với nước bạn Lào. Tích cực bám địa bàn, bám dân để vận động, tuyên truyền người dân nâng cao trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Trên tuyến biên giới đất liền của tỉnh có 9 đồn Biên phòng đứng chân. Thời gian qua, các đồn biên phòng luôn quán triệt và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; phát huy tốt vị trí, vai trò của mình; đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, cùng vượt qua mọi khó khăn để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chủ động tham mưu và trực tiếp tham gia phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội khu vực biên giới.

Nổi bật là lực lượng Bộ đội Biên phòng đã triển khai hàng nghìn đợt tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hỗ trợ xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; tuyên truyền, hướng dẫn bà con vận dụng kiến thức vào chăm sóc cây trồng vật nuôi; triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế; tham gia khám chữa bệnh, dạy học cho con em đồng bào DTTS. Hình ảnh “thầy thuốc quân hàm xanh”; “thầy giáo quân hàm xanh”… đã và đang in đậm trong tâm trí người dân vùng biên giới.

Các hoạt động xã hội có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực, như phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, “mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, các chương trình “đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “nâng bước em tới trường”, “con nuôi đồn Biên phòng” đã và đang thắt chặt tình cảm quân-dân.

Một tháng đôi ba lần, các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Tầng, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa lại tranh thủ thời gian đến thăm bà con nhân dân, hướng dẫn đồng bào cách trồng cây chuối sai quả, cách chăn bón cây ngô trĩu hạt. Gia đình anh Hồ Văn Dan thôn Trùm, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa trước đây thuộc diện khó khăn gần nhất xã. Mặc dù đất đai nhiều nhưng quanh năm gia đình anh chỉ trồng ngô và lúa rẫy. Không biết cách chăm sóc, nên thường xuyên mất mùa, chuột bọ phá hết, gia đình vẫn luẩn quẩn trong nghèo đói, Năm 2012, sau khi được các cán bộ chiến sĩ biên phòng tuyên truyền, vận động, khơi dậy ý thức tự vươn lên trong làm ăn kinh tế, anh đã mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách để đầu tư nuôi lợn, chuyển đổi đất trồng lúa rẩy kém hiệu quả  sang trồng chuối, chăn nuôi bò, dê. Nhờ đó, năm 2019 gia đình anh Hồ Văn Dan đã thoát khỏi hộ nghèo.

Anh HỒ VĂN DAN

Thôn Trùm, Ba Tầng, Hướng Hóa

Đọc dịch:

 Trước đây, gia đình tôi dù làm lụng vất vả nhưng vẫn luẩn quẩn trong nghèo đói, nhờ các cán bộ chiến sĩ thường xuyên động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tôi đã chuyển từ chăn nuôi lợn thả rong sang nuôi dê, bò và lợn nhốt chuồng, trồng chuối thay vì trồng lúa rẩy hiệu quả thấp. Giờ đây, cuộc sống gia đình tôi đã đỡ hơn rất nhiều. Để có cuộc sống như hôm nay, chúng tôi rất biết ơn các cán bộ chiến sĩ biên phòng.

Để làm tốt công tác đồng hành cùng với người dân trên hành trình giảm nghèo, Chỉ huy đơn vị đã chỉ đạo các các Tổ triển khai các mô hình phát triển kinh tế, hướng dẫn người dân khu vực biên giới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, tiến tới xóa đói, giảm nghèo. Xác định Ba Tầng và A Dơi là những xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao và tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các đồn đã tổ chức họp bàn, tìm giải pháp hỗ trợ các xã xây dựng mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn; cử cán bộ về từng bản, cụm dân cư tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, sau đó đề xuất, lựa chọn mô hình cụ thể giúp người dân phát triển kinh tế. Cán bộ chiến sĩ Biên phòng luôn bám sát địa bàn, gần gũi nhân dân, đến tận bản, từng hộ dân, thực hiện “4 cùng” – “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”; trực tiếp tham gia cùng với bà con lao động sản xuất, phát triển kinh tế, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, giữ gìn trật tự, tình đoàn kết xóm bản. Qua những việc làm ý nghĩa và thiết thực đó, đã được chính quyền địa phương ghi nhận và tri ân sâu sắc.

Trần Đức Tứ… cho biết, Trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn xác định nhiệm vụ đồng hành cùng với bà con trong công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đồn. Chúng tôi quán triệt , thực hiện nghiêm Chỉ thị 861của Đảng ủy Bộ đội biên phòng về cử cán bộ tham gia phụ trách các hộ gia đình nghèo, giúp bà con vượt qua khó khăn, khảo sát một số hộ nghèo để vận động nguồn nhân lực giúp bà con phát triển kinh tế chăn nuôi theo mô hình bán chăn thả như: dê, bò, gà và chuyển dịch một số loại cây trồng kém hiệu qủa sang trồng rừng, sắn, chuối; tiếp tục thực hiện các mô hình đã có hiệu qủa trước đây…hướng dẫn cho bà con sử dụng máy để cắt sắn củ, chế biến lương thực từ củ sắn nơi đây.

Trung tá TRẦN ĐỨC TỨ

Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Thời gian qua, từ năm 2020 – 2021, dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Tầng luôn phối hợp với địa phương, tuyên truyền cho bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Bên cạnh sản xuất truyền thống, chúng tôi hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con thế mạnh của địa phương như cây con, nghiên cứu thổ nhưỡng của đất để phát triển những loại cây phù hợp như sắn, chuối và chăn nuôi bò, dê. Áp dụng khoa học, kỹ thuật trồng các loại cây dược liệu.

Qua tìm hiểu được biết, tại các vùng miền núi, các điểm trường lẻ như trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Tầng điều kiện để các em học sinh học tập và vui chơi còn nhiều khó khăn, sân trường bằng đất nên đến trời mưa, hầu như bị lầy lội. Lâu nay, nói đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chúng ta vẫn nhắc tới việc tạo sân chơi, xây dựng điểm vui chơi giải trí cho trẻ. Nhưng trên thực tế, thiếu nhi các huyện miền núi nói chung vẫn còn thiệt thòi bởi thiếu sân chơi, thiếu các khu vui chơi. Qua kêu gọi vận động, Đồn biên phòng Ba Tầng, nhóm “Anh – Em” cùng một số đơn vị, cá nhân ủng hộ và xây dựng công trình “Sân chơi cho em”. Cùng bắt tay thực hiện, hỗ trợ xây dựng nền bê tông với mong muốn các em học sinh có thể vui chơi thỏa thích với khoảng sân được xây bằng bê tông sạch đẹp. Với kinh phí được huy động từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm, Đồn Biên phòng Ba Tầng cùng các nhà hảo tâm đã kết hợp tái chế lốp xe cũ thành sân chơi ngoài trời gồm có thú nhún, cầu bập bênh, xích đu, cầu trượt… phù hợp với trẻ nhỏ. Đây là công trình thanh niên thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ BĐBP trong xây dựng nông thôn mới, chung tay với toàn xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”.

 

Ông HỒ VĂN RIÊNG

Thôn Trùm, Ba Tầng, Hướng Hóa

Đọc dịch: Trước đây, lúc trời mưa gió, thấy các con, các cháu không có nơi để vui chơi ở trong trường vì sân bằng đất. Tôi thấy rất thương các con. Nhưng giờ thấy Bô đội biên phòng cùng các nhà hảo tâm làm sân chơi bằng bê tông cho các cháu, tôi rất vui mừng.

Công tác vận động quần chúng được xác định là cơ bản, hàng đầu với phương châm: “Đồn mạnh trên cơ sở xã mạnh”; đã tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Qua đó tạo được lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tích cực xây dựng quê hương, góp phần bài trừ phong tục tập quán lạc hậu và các tệ nạn xã hội. Tích cực vận động nhân dân lao động sản xuất, chuyển đổi tập quán canh tác lạc hậu, phát triển kinh tế nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần của nhân dân. 

Có thể thấy, với những nội dung, việc làm cụ thể, hiệu quả, đông đảo cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP đã thực sự đồng hành cùng đồng bào các dân tộc vùng biên giới phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Cùng với đó, các mô hình, chương trình hành động của những người lính mang quân hàm xanh còn trực tiếp góp phần củng cố mối đoàn kết quân - dân; tăng cường thế trận biên phòng toàn dân, tạo sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Dẫn 1:

Thưa đồng bào thưa các bạn! Những năm qua, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 về đầu tư trồng cây dong riềng và bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ người Vân Kiều ở thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa có việc làm, nâng cao thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Nhờ có thị trường và đầu ra sản phẩm ổn định, diện tích dong riềng ở Xa Ry đang có hướng được nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ GIÚP ĐỒNG BÀO THIỂU SỐ THOÁT NGHÈO

Cũng như nhiều hộ trồng dông riềng khác, gia đình anh Hồ Văn Chinh ở thôn Xa Ry xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa được Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 hỗ trợ trồng 3 sào dong riềng, năm nay củ dông riềng vừa được mùa, được giá nên đã mang lại thu nhập cho gia đình anh Chinh khoảng 70 triệu đồng. Theo anh Chinh trước đây, gia đình chủ yếu làm lúa rẫy, trồng sắn, năng suất và chất lượng lượng sản phẩm không cao. Được chính quyền địa phương và Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 lựa chọn, hỗ trợ anh đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dong riềng. Từ khi trồng loại cây này đến nay, gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định hơn.

 

Anh Hồ Văn Chinh

Thôn Xa Ry, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

 

Cho đến nay, toàn xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa có hơn 50 hộ người dân tộc Vân Kiều ở thôn Xa Ry tham gia mô hình dong riềng với tổng diện tích trên 8 ha. Để đảm bảo thu mua hết sản phẩm dong riềng của các hộ dân, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã đầu tư nhà máy chế biến dong riềng ngay tại địa bàn. Với sản lượng trên 300 tấn củ tươi thu mua hằng năm. Hiện nay công xuất của nhà máy sản xuất dong riềng có thể sản xuất trên 2,5 tấn miến dong thành phẩm.

Thiếu tá Trần Hữu Hải

Đoàn kinh tế Quốc phòng 337

 

Theo số liệu thống kế từ năm 2015 đến nay, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã hỗ trợ bà con trong vùng dự án hàng trăm con bò, hàng trăm con dê và gần 10 vạn cây cà phê; gần 100 tấn phân NPK, giúp nhân dân khai hoang hơn 10 ha đất hoang hóa đưa vào sản xuất; đầu tư mô hình giảm nghèo cho trên 80 hộ với số tiền gần 500 triệu đồng. Để hỗ trợ bà con tại 5 xã phía bắc huyện Hướng Hóa phát triển kinh tế, cán bộ, nhân viên Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 đã tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng và hướng dẫn bà con trồng các loại cây phù hợp với thời tiết, khí hậu nhằm “lấy ngắn nuôi dài” và lựa chọn một số gia đình làm điểm để nhân rộng toàn thôn.

Đại Tá Uông Đình Tân

Trưởng đoàn kinh tế - Quốc phòng 337, Quân khu 4

 

Thực tế những năm qua cho thấy việc thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu, góp phần làm thay đổi nhận thức, phương thức, diện mạo nông thôn, giảm tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội; phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh các địa phương, tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, các địa phương và giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh, xây dựng địa phương phát triển bền vững.

 

Dẫn 2:

Thưa đồng bào và các bạn! Những năm qua, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số về nhà ở và cây con giống nhờ đó, đời sống của đồng bào thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực. Diện mạo nông thôn miền núi được khởi sắc, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cần nghèo giảm dần quang từng năm,, từ đó rút ngắn khoảng cách vùng đồng bằng và miền núi.

QUAN TÂM CHĂM LO ĐỜI SỐNG CHO ĐỒNG BÀO THIỂU SỐ

So với hai năm trước, cuộc sống của gia đình Anh Hồ Văn Suốt và chị Pỉ Hoa ở thôn Ván Ry xã Húc huyện Hướng Hóa đã có nhiều thay đổi. Từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình anh chị đã được đầu tư xây dựng một căn nhà mới khang trang thay thế căn nhà tôn cũ kỹ. Ngôi nhà ở mới được xây dựng theo kiểu nhà sản truyền thống đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của 5 thành viên trong gia đình. Việc chính quyền các cấp quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở không chỉ giúp đồng bào Pako, Vân Kiều ổn định cuộc sống mà còn giúp bà con yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá giả của địa phương.

Anh Hồ Văn Suốt

Thôn Ván Ry, xã Húc, Hướng Hóa, Quảng Trị

 

Còn đối đối với chị Hồ Thị Hay và con trai Hồ Văn Lưm ở thôn Proi Xy, xã A Dơi huyện Hướng Hóa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm chị lại thường xuyên ốm đau. Ngôi nhà lợp tôn lụp xụp là nơi sinh hoạt của 2 mẹ con, khi nắng nóng thì phải đi ở nhờ nhà khác, mưa to thì nước dột… nơi ở không ổn định khiến việc học của cháu ảnh hưởng rất nhiều. Chia sẽ trước hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam tổ chức Lễ khởi công xây dựng “Ngôi nhà hạnh phúc” trị giá 80 triệu đồng. Sau hơn hai tháng xây dựng, đến nay ngôi mà mới đã được dựng lên trong niềm vui khôn xiết của hai mẹ con cùng bà con xóm giềng. Từ nay, em Lưm sẽ không phải đi ở nhờ nhà người khác khi mưa bão xảy ra.

Em Hồ Văn Lưm

Thôn Proi Xy, A Dơi, Hướng Hóa, Quảng Trị

Chị Trần Thị Thu

Bí thư tỉnh Đoàn Quảng Trị

Tháng 9/2021, 45 hộ với 171 nhân khẩu sinh sống gần suối Tà Bang và khe Ra Lu có nguy cơ sạt lở đất cao đã được di dời đến khu tái định cư thôn Ra Ly – Rào. Kinh phí xây dựng khu tái định cư khoảng 5,4 tỉ đồng. Hiện khu tái định cư này đã hoàn thiện hạ tầng, hệ thống điện xương cá đã kéo về đến khu tái định cư, nhưng chưa kéo vào từng hộ gia đình do chưa có nguồn vốn. Huyện Hướng Hóa đang xin kinh phí để hỗ trợ kéo đường dây từ trụ điện vào nhà cho dân, dự kiến hoàn thành trước tết Nguyên đán để bà con kịp đón xuân. Cùng với khu dân cư Raly- Rào hiện nay huyện Hướng Hóa đã làm lại nhà ở mới và bố trí tái định cư ổn định cho 45 hộ khác tại xã Hướng Sơn, tổ chức di dời tái định cư cho hàng chục hộ dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất rất cao như: 56 hộ dân với 271 khẩu ở các thôn Cuôi, Cha Lỳ và bản Cooc Long, xã Hướng Lập; 18 hộ dân ở các thôn Tà Rùng, Cu Dong, Ta Núp, xã Húc. Để có thêm nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa có nhà ở ổn định, thời gian qua các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân đã cùng chung tay thực hiện xóa nhà tạm cho hộ nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số, qua đó giúp họ an cư lạc nghiệp, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo. Tết năm nay, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Hướng Hóa được sum họp, đón Tết trong những căn nhà mới khang trang, thắm đượm tình người. Những ngôi nhà này không chỉ hiện thực hóa ước mơ của hộ nghèo, hộ cận nghèo mà còn tiếp thêm sự lạc quan để họ phấn đấu và vững tin vào một tương lai tươi sáng.

         

 

 

                  

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 20/01/2022 22:14 Lê Vĩnh Nhiên 07/02/2022 07:08
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà