Tạp chí VNCN 6.3
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 6.3.2022

PTV: Kính chào Quý vị và các bạn đang đến với Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, sẽ có các nội dung đáng chú ý sau đây:

- HỘI VHNT QUẢNG TRỊ ĐÓN NHẬN HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG BA

- Kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, chương trình sẽ có:

+ Bài viết: “Hình tượng phụ nữ Việt Nam trong văn học - nghệ thuật” của CTV Bội Nhiên.

+ Chân dung của những người phụ nữ trong các sáng tác của cây bút trẻ Diệu Ái.

+1 vài Cảm nhận qua: “Bữa cơm của mẹ”

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình

Nhạc cắt

1.                Sẽ tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị làm việc với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ về phối hợp tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Triển lãm tài liệu lưu trữ nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì tổ chức. Thời gian triển lãm dự kiến từ ngày 18 - 24/4/2022 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; trưng bày khoảng 150 hình ảnh, tài liệu… nhằm tái hiện lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Quảng Trị từ xưa đến nay; những năm tháng hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và sự hồi sinh mãnh liệt của mảnh đất và con người Quảng Trị. Đây cũng là dịp để giới thiệu, tuyên truyền quảng bá các tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế, du lịch và tôn vinh những giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước; là sự kiện văn hóa giàu ý nghĩa, góp phần gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống yêu nước của Quảng Trị anh hùng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

 

2. HỘI VHNT QUẢNG TRỊ ĐÓN NHẬN HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG HẠNG BA

Vừa qua, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân Nhâm Dần và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Với thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2016 đến năm 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, Hội VHNT tỉnh Quảng Trị được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Cũng nhân dịp này, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành và các hội viên Hội VHNT tỉnh; tặng bằng khen cho Hội VHNT tỉnh vì thành tích xuất sắc trong công tác năm 2021. UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển Hội năm 2021; tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị năm 2021 cho các tác phẩm, tác giả, đồng tác giả (05 giải A, 06 giải B, 07 giải C). Hội VHNT tỉnh trao quyết định kết nạp hội viên mới.

3.Hội thảo về phát triển du lịch Hướng Hoá sẽ tổ chức vào tháng 3

Phòng Văn hoá- Thông tin huyện Hướng Hoá cho biết, đơn vị đang xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo về phát triển du lịch Hướng Hoá.

Huyện Hướng Hoá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Ngoài khí hậu mát mẻ, nhiều danh thắng đẹp còn có các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như hệ thống di tích văn hoá lịch sử. Hội thảo về phát triển du lịch Hướng Hoá Hội được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng lợi thế về phát triển du lịch đồng thời định hướng phát triển du lịch Hướng Hóa giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Theo kế hoạch, hội thảo dự kiến được tổ chức vào tháng 3/2022 tại thị trấn Khe Sanh.

Nhạc cắt

PTV: Kính thưa Quý vị và các bạn! Từ mọi mặt của đời sống, phụ nữ Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử cũng như trong cuộc sống hiện thực hôm nay là khách thể thẩm mỹ với rất nhiều vẻ đẹp rất riêng, đặc biệt và lâu bền. Trong văn, thơ, nhạc, họa, hình ảnh phụ nữ Việt Nam nối tiếp từ thế hệ Bà Trưng, Bà Triệu oai hùng, oanh liệt đến hai cuộc kháng chống thực dân Pháp và đế quốc M với bao gian khổ hy sinh anh dũng tới các giai đoạn đổi mới và phát triển đất nước tràn đầy sáng tạo, năng động đã và đang tạo nên những giá trị nghệ thuật đi cùng năm tháng.  Bài viết: “Hình tượng phụ nữ Việt Nam trong văn học - nghệ thuật” của CTV Bội Nhiên. Chúng ta cùng nghe!

Trong văn học dân gian Việt Nam, hình ảnh các nữ anh hùng dân tộc được thể hiện qua hình tượng Bà Triệu “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho dân chứ quyết không chịu làm tì thiếp cho người ta” và Hai Bà Trưng khởi binh chống lại ách đô hộ của quân Đông Hán “Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân”. Trên bình diện văn xuôi, nữ anh hùng Nguyễn Thị Út là trung tâm của tác phẩm Người mẹ cầm súng mà nhà văn Nguyễn Thi để lại với hình ảnh chị Út Tịch sống mãi trong tâm trí người đọc. Đặc biệt, trong sự nghiệp thơ ca cách mạng, điển hình của phụ nữ Việt Nam là những bà mẹ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ rất đỗi bình dị mà bất khuất như Bà Bầm, Bà Bủ, mẹ Tơm, Bà Má Hậu Giang, Mẹ Suốt và thế hệ tiếp nối như nữ anh hùng Trần Thị Lý là những hình ảnh đẹp trong các tập thơ Từ ấy, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa của nhà thơ Tố Hữu. Điển hình là đến nay, những câu thơ khắc họa chân dung nữ anh hùng anh hùng Trần Thị Lý vẫn được người đọc ghi nhớ:

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng

Ôi trái tim em trái tim vĩ đại

Còn một giọt máu tươi còn đập mãi

Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời.

Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người.

Trong âm nhạc, hình ảnh phụ nữ Việt Nam gắn liền với “Mẹ Tổ quốc” mà điển hình là bài hát Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn với những ca từ thân thương, kính trọng, tôn xưng:

Xin hát về người đất nước ơi! Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi!

Mấy mùa không ngủ. Ngăn bước quân thù phía Nam, phía Bắc

Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con

Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ

các anh không về mình mẹ lặng im.

Trích: Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn

Với bài hát Hai chị em, nhạc sĩ Hoàng Vân đưa vào nền âm nhạc cách mạng hình ảnh thật tự hào của phụ nữ Việt Nam trên mọi miền đất nước:

Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh

Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình

Hai chị em trên hai trận tuyến

Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang

Trang sử vàng chống Mỹ cứu nước

Sáng ngời tên cô gái Việt Nam

Trích: Hai chị em, nhạc sĩ Hoàng Vân

Ngoài ra, có thể kể tới nhiều bài hát ngợi ca phụ nữ Việt Nam như các ca khúc Người mẹ của tôi của nhạc sĩ Xuân Hồng, Dáng đứng Bến Tre và Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Bóng cây Kơnia của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc trên nền thơ Ngọc Anh, Cô gái vót chông của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Cô gái người Pa Cô của nhạc sĩ Huy Thục, Người con gái sông La của nhạc sĩ Doãn Nho, Đồng Lộc tiếng hát đưa xa của nhạc sĩ Nguyễn An, Những cô giái quan họ của nhạc sĩ Phó Đức Phương, Bài ca năm tấn của nhạc sĩ Lê Lôi, Đường cày đảm đang của của nhạc sĩ An Chung, Đất nước lời ru của nhạc sĩ Văn Thành Nho…

Trích: Đất nước lời ru

Trong nghệ thuật tạo hình, từ khi mỹ thuật hiện đại ra đời vào năm 1925, hội

họa Việt Nam đã có các họa sĩ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tập trung sáng tác về vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam và nhiều tác phẩm của họ đã trở thành kiệt tác như danh họa Tô Ngọc Vân với các bức tranh Thiếu nữ bên hoa huệ, Bên hoa phù dung; họa sĩ Trần Văn Cẩn với các bức tranh Em Thúy, Gội đầu; họa sĩ Lê Thị Lựu với bức tranh Mẹ con; họa sĩ Nguyễn Gia Trí với kiệt tác Thiếu nữ Bắc, Trung, Nam; danh họa Nguyễn Phan Chánh với tuyệt phẩm Chơi ô ăn quan

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ Pháp, các họa sĩ thường miêu tả người phụ nữ trong các tư thế lao động sản xuất, chiến đấu, là “hậu phương xã hội chủ nghĩa” vững chắc của tiền tuyến và là những hình tượng đẹp cả về hình thể lẫn tâm hồn. Nếu những tác phẩm lớn như Tát nước đồng chiêm, Mưa mai trên sông Kiến, Mùa vàng, Sau giờ trực chiến, Phân xưởng nhuộm, Tan ca của các hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Nguyễn Phan Chánh,  Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung đều là những tác phẩm có giá trị trong lịch sử hội họa thì các công trình tượng đài và tranh hoành tráng của các tác giả nổi tiếng như Diệp Minh Châu, Dương Đăng Cẩn, Nguyễn Hải, Lê Công Thành, Lê Đình Quỳ, Đinh Rú, Trần Tía đã tạc vào nghệ thuật điêu khắc của nước nhà hình tượng phụ nữ Việt Nam hóa thân thành những nữ thần chiến thắng duyên dáng, đẹp một cách mạnh mẽ, gợi cảm với các tác phẩm Nam Ngạn chiến thắng, Bài ca sông Lô, Cô gái Trường Sơn, Phá bom, Chuyển hàng, Cọc tiêu, Ngọn đèn đứng gác...

Trên cơ sở phát huy bản sắc riêng của nền nghệ thuật Việt Nam, các tác phẩm văn học nghệt thuật của Việt Nam đã xây dựng thành công hình tượng người phụ nữ với cái chung trong cái riêng, cái trừu tượng trong cái cụ thể trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Luôn là nguồn cảm hứng và đề tài để các nghệ sĩ sáng tác, sáng tạo hình tượng nghệ thuật, phụ nữ Việt Nam được các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc trân trọng, nâng niu cái đẹp thiên phú và chính vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam là cơ sở tạo nên các tác phẩm văn học-nghệ thuật không ngừng hướng tới những  tầm cao trong lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa nước nhà.

Trích: Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

PTV: Kính thưa Quý vị và các bạn! Có thể thấy hình tượng của người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong văn học nghệ thuật. Với mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, hình ảnh của họ lại được khắc học với những nét đẹp riêng của mình.

Với những cây bút trẻ hiện nay, chủ đề sáng tác của họ cũng tập trung phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội. Song những câu chuyện về số phận, cuộc đời của những người phụ nữ vẫn luôn mang đến cho họ nhiều cảm xúc. Chương trình hôm nay, mời Quý thính giả cùng gặp gỡ với cây bút trẻ Diệu Ái để cùng nghe những chia sẽ của chị về hình ảnh của những người phụ nữ trong các tác phẩm của mình.

1.     Xin chào Diệu Ái! Thưa chị! Là một người đam mê và miệt mài sáng tác văn chương với khá nhiều thể loại khác nhau; vậy trong nhiều chủ đề sáng tác, hình ảnh của những người phụ nữ luôn mang lại cho chị những cảm xúc đặc biệt nào ạ?

Ái trả lời…

2.     Và nổi bật trong các truyện ngắn, bút ký của chị thì hình ảnh của những người mẹ, người chị hay em gái được chị tập trung khắc họa với những chân dung ntn ạ?

Ái trả lời…(dẫn dắt ví dụ một câu chuyện cụ thể)

3.     Vâng! Theo dõi phần lớn trong các truyện ngắn gắn với hình ảnh người phụ nữ của Diệu Ái đều có sự xuất hiện của nhân vật là “mạ”. Chị có thể chia sẽ một chút về điều này ạ?

Ái trả lời…(…lấy ví dụ một vài tp)

Trích bài hát: Gánh mẹ

4.     Chương trình xin được tiếp tục cuộc trò chuyện với cây bút trẻ Diệu Ái. Thưa chị! Các truyện ngắn của Diệu Ái vẫn luôn khiến người đọc day dắt, trong đó thấp thoáng hình bóng của những người phụ nữ với nhiều số phận khác nhau. Phải chăng chính bản thân mình cũng là một người phụ nữ nên chị khắc họa những nhân vật của mình rất sinh động và nội tâm phải ko ạ?

Ái trả lời….

5.     Vâng! Từ xưa đến nay, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam luôn là đề tài bất tận của VHNT. Là một cây bút trẻ thuộc thế hệ hôm nay, với Diệu Ái những phẩm chất nào của người phụ nữ luôn mang đến cho chị nhiều cảm xúc để tạo nên nét riêng trong sáng tác của mình?

PTV: Xin cảm ơn Diệu Ái với cuộc trò chuyện hôm nay.

Trích bài hát: Nhật ký của mẹ

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa Quý vị và các bạn! Trong cả một đời người, ai lại không có những lúc xa nhà, xa rời vòng tay của cha mẹ dù ít, dù nhiều. Vậy khi đi xa điều khiến bạn nhớ nhất là gì? Câu trả lời chính là những món ăn của Mẹ, những phút giây quây quần bên mâm cơm gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Cho dù có đi xa đến đâu thì hương vị những món ăn mẹ Mẹ nấu vẫn khiến những đứa con  muốn trở về. Phần cuối chương trình hôm nay, chúng ta cùng đến với cảm nhận: “Bữa cơm của mẹ”.

Còn gì ấm áp hơn khi được ngồi bên mâm cơm đủ đầy các thành viên gia đình, quây quần trên chiếc chiếu hoa đậm hồn quê xứ, khói tỏa bàng bạc quấn quýt giữa những khuôn mặt ánh lên niềm hạnh phúc, bình yên. Cha vừa nhấp thêm ngụm rượu đế, vừa khề khà chuyện xóm làng, chuyện đồng áng một nắng hai sương, mẹ tảo tần xới cơm thật đầy vào chén đất bình dị cho bầy con đang tuổi ăn tuổi lớn. Cha và mẹ cùng cười hiền hậu khi nghe bầy con nhỏ xôn xao kể chuyện trường lớp, bè bạn, tiếng bát đũa lanh canh lẫn vào tiếng củi trong lò lục bục, tí tách.

Nỗi nhớ quê xứ nồng hậu cũng bắt đầu từ những điều giản dị, chân phương như thế, tựa dòng sông nặng nghĩa phù sa vỗ về lòng tôi qua năm tháng ngọt bùi. Để rồi len lỏi trong những nhọc nhoài phố thị, đôi lúc lòng xao xác thèm một mùi vị đồng quê chỉ còn lại nơi miền thơ ấu.

Khi bước chân bùi ngùi bước giữa chốn viễn xứ xa xôi, mới biết “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” trong khắc khoải hoài vọng ngày trở về. Và dáng mẹ lặng thầm bên bếp lửa tỏa khói rơm, nồng thơm vương vấn mùi đồng chua nước mặn, vẫn đau đáu trong khắc khoải tiềm thức, níu tâm hồn với nguồn cội nguyên sơ. Bao mùa nắng mưa tá túc giữa thị thành chật nỗi nhiêu khê, vội vã những bữa cơm lạ xa nơi hàng quán, tôi chạnh lòng thương bát cơm chắt chiu mùi gạo mới, thèm được xì xụp húp chén canh chua mát lòng của mẹ. Ước được về trải chiếu trước hàng hiên, ngồi nghe tiếng bìm bịp kêu từ bụi tre kẽo kẹt sương gió, nếm vị cá rô nướng chấm cùng nước mắm tỏi ớt nghe thấm đượm vị đồng quê, thêm đĩa ngọn bí đỏ xào chung với tép khô, tô canh mướp lành ngọt chứa chan tấm lòng thảo thơm của mẹ.

Chỉ cần mùa nào thức nấy với vườn rau tập tàng mướt xanh yên ả, cái ao nhỏ nuôi bầy cá rô, cá lóc đớp bọt nắng trong veo, từ ngọn khoai quanh năm chân chất đượm nét quê mùa, mẹ sẽ khéo léo vun vén nên bữa cơm đậm tình dân dã, ngọt lòng mát dạ cho đứa con xa xứ lâu ngày trở về ru lại giấc mơ quê. Nhớ se sắt lòng xôn xao tiếng nồi niêu, bát đũa, mỗi người một tay phụ mẹ dọn cơm ra manh chiếu cũ; nhớ những mùa mưa thơ ấu, chị em tôi lụi cụi vùi tro nướng hạt mít, nhớ bát chè đỗ đen nghe ngọt mát lắng dịu những trưa hè oi bức… Vị của nỗi nhớ thành ra cũng đậm đà như chén mắm cơm thêm vài lát gừng cay xè đầu lưỡi, cũng mặn mòi tựa nồi cá bống kho tiêu ăn với rau muống luộc, cũng quyện hòa chua ngọt như bát canh ếch lá giang thơm nồng…

Hạnh phúc của mẹ là lúc được tảo tần nấu bữa cơm quê ngọt bùi thơm thảo, cho bầy con mãi còn bé bỏng trong mắt người. Hạnh phúc của mẹ là khi được nhìn các con ăn ngon trong vòng tay chở che ấm áp, của mảnh đất quê nhà nghĩa tình muối mặn gừng cay. Giờ đây, giữa guồng quay lo toan của công việc, mệt mỏi với bộn bề cuộc sống, sẽ có lúc chúng ta mong muốn trở lại cái thời thơ bé vô lo, vô nghĩ, để được mẹ hỏi” Hôm nay con muốn ăn gì?”, “Về ăn cơm đi con”. Những lời nói của Mẹ ấm áp, thương yêu. Có đi xa mới thấy được gia đình là thứ quan trọng nếu như không trân trọng ta sẽ đánh mất những thứ tốt đẹp nhất, hạnh phúc và yêu thương nhất, những giây phút bình yên bên mâm cơm Mẹ nấu.

Trích bài hát: Con nợ mẹ

PTV: Quý vị và các bạn thân mến! ca khúc Con nợ mẹ với phần thể hiện của ca sỹ Hiền Thục đã ……

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 02/03/2022 22:28 Lê Vĩnh Nhiên 04/03/2022 07:50

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà