Tạp chí VNCN 13.3
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 13.3.2022

PTV: Kính chào Quý vị và các bạn đang đến với tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, sẽ có các nội dung đáng chú ý sau đây:

-         ĐƯA TRANG PHỤC THỔ CẨM CỦA NGƯỜI PAKO, VÂN KIỀU VÀO TRƯỜNG HỌC

-         Bài viết: HỌA SỸ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG “ĐAM MÊ VẼ VỚI HỌA PHÁP TỰ DO”

-         Gửi niềm đam mê qua những vần thơ

-         Hình ảnh Quảng Trị qua ca khúc: “Em có về Quảng Trị với anh không?”

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

1.     Đưa trang phục thổ cẩm vào trường học

Thưa Quý vị và các bạn! Với mong muốn bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống từ những trang phục thổ cẩm của đồng bào Pako, Vân Kiều, thời gian gần đây các thầy cố giáo Trường Tiểu học và THCS A Dơi, huyện Hướng Hóa đã nỗ lực vận động, thắp lên tình yêu nét đẹp văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô cho các em học sinh.

Để đưa trang phục của đồng bào đến gần hơn với các em học sinh; cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học và THCS A Dơi đã tận tụy về từng nhà để vận động, phân tích cho phụ huynh, học sinh hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa của việc gìn giữ trang phục dân tộc. Các thầy, cô giáo người Vân Kiều, Pa Kô công tác tại trường nêu gương bằng cách đặt may, mua những bộ trang phục thổ cẩm đẹp mắt để mặc vào giờ lên lớp. Vì yêu thổ cẩm, một số giáo viên người Kinh cũng đã chọn chất liệu này để may áo dài truyền thống.  Giờ đây, vào giờ chào cờ đầu tuần, nhìn từ xa, sân Trường Tiểu học và THCS A Dơi tràn ngập những bộ trang phục thổ cẩm đầy màu sắc. Trong bộ trang phục truyền thống, gương mặt của các em học sinh dường như trở nên thật rạng rỡ và tự hào bởi chính các em đã góp một phần trong việc bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình.

2.Khuyến học - Nét đẹp đầu xuân ở các dòng họ

Trong những ngày xuân mới, nhiều dòng họ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lại tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài nhằm biểu dương con cháu đạt thành tích cao trong học tập, công tác. Đây là dịp để biểu dương, khuyến khích thế hệ trẻ rèn luyện nhân cách, nâng cao trí tuệ, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học, kỳ vọng về một năm mới với nhiều thành công mới.

Những món quà nhận được từ quỹ khuyến học của các dòng họ đã trở thành động lực, sức mạnh tinh thần to lớn, tiếp sức cho con em trong dòng họ tiếp tục nỗ lực vươn lên học tập. Đây cũng là dịp các thành viên trong họ cùng chung tay đóng góp để xây dựng quỹ khuyến học, góp phần chăm lo cho việc học của con cháu. Tuy mỗi dòng họ có một cách làm khác nhau nhưng các hoạt động khuyến học, khuyến tài đầu xuân đều hướng đến mục đích “trồng người”, nhân lên niềm tin trong thế hệ trẻ hướng tới một tương lai tươi sáng, tốt đẹp. Đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng đối với phong trào khuyến học, khuyến tài.

3. Món ngon từ dưa chuối

Dưa chuối là nguyên liệu có thể chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc, dân dã của người dân quê cù lao Bắc Phước, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong. Dưa chuối có thể chế biến thành nhiều món ngon như: Canh chua dưa chuối, dưa chuối xào lăn, dưa chuối bóp thấu, dưa chuối chấm nước kho cá ... Dưa chuối có thể ăn quanh năm nhưng ngon và hợp nhất là vào cuối thu, đầu mùa đông năm trước kéo dài đến tháng 2 âm lịch năm sau. Khoảng thời gian này, trời trở lạnh và ngoài đồng có nhiều cua, tôm, cá để nấu cùng dưa chuối. Thêm vào đó, các món được chế biến từ dưa chuối dễ ăn và rất hợp với tiết trời lạnh giá. Những ngày đông giá hay trời chuyển lạnh, các món ăn được chế biến từ dưa chuối dân dã ấy đã làm say đắm, ấm lòng người thưởng thức bằng những hương vị đặc trưng...

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Học vẽ từ lúc 8 tuổi bởi các thầy giáo là những họa sĩ đương đại trứ danh của Việt Nam như họa sĩ Trương Bé, họa sĩ Phạm Đại, họa sĩ Vĩnh Phối nhưng tới bây giờ ảnh hưởng lớn nhất đối với họa sĩ Trương Đình Dung vẫn là những nét cọ lập thể, trừu tượng của danh họa Pablo Picasso qua sách, báo. Trương Đình Dung cho biết: Về phong cách sáng tác, anh khẳng định mình không quan tâm nhiều đến bố cục, không coi trọng đến hình. Có thể vì vậy mà tranh của anh lôi cuốn người xem bằng những xúc cảm về màu sắc và các rung động tình cảm được trưng trổ trên những nhát cọ, nét bút tự do hòa quyện với nhau làm mặt tranh sáng bừng những hòa sắc, lớp lang màu chồng chéo, sâu lắng.

PTV: Chúng ta hãy cùng tìm hiểu phong cách sáng tác của họa sỹ Trương Đình Dung qua bài viết: Họa sĩ Trương Đình Dung: “Đam mê vẽ với họa pháp tự do” của CTV Bội Nhiên.

Trong không gian sáng tác của họa sĩ Trương Đình Dung có nhiều bức tranh đang vẽ, là mấy bức sơn dầu đang mang lại trên những cánh hoa đồng nội hay nhành thạch thảo đời sống mỹ thuật, một bức tĩnh vật sơn mài tươi tắn, bức thủy mặc vẽ những ngôi nhà trầm lắng ở triền đồi, một bức tranh lụa mịn màng sắc hoa đào, bức tranh phong cảnh êm đềm của làng quê… Với họa sỹ Trương Đình Dung, hội họa là cách để anh trải nghiệm nên tranh của anh không nặng về đề tài hay tư tưởng, mà là để lưu giữ lại những khoảnh khắc bình dị nhất của những góc quê, khóm hoa, ngõ phố và đôi khi là những tình cảm mà họa sĩ bắt gặp trong cuộc sống. Đó là lý do vì sao rất dễ gặp trong tranh của anh một vài mái nhà, cổng làng, cổng chùa, hàng rào, bờ tường, xóm ngõ, hoa dại hiện diện toàn thể ở tranh này, bị che khuất một phần bởi các lùm cây ở tranh kia. Các lùm cây thì cô đặc thành khối xanh lục thẫm, tường nhà thì trắng bệch hoặc nhợt nhạt như chính họa sĩ muốn phi lý hóa thực tế hoặc vờ như tàn nhẫn với cảnh vật, thế nên dường như các bức họa ấy có những bi kịch của tự nhiên, thể hiện những khách thể thẩm mỹ đó là những đường nét và màu sắc tối giản, không gian cũng được tối giản nhưng cái độc đáo của mỗi bức tranh là ẩn đằng sau sự tối giản là một ngôn ngữ hội họa thể hiện sự trải nghiệm, tìm tòi khá phong phú của họa sĩ. Với ngôn ngữ đó, dù đến bây giờ chưa nhiều người biết đến nhưng khi có dịp thưởng lãm thì người xem biết ngay tác phẩm nào là tranh của Trương Đình Dung bởi ở tranh hiện hữu cái riêng nhờ sự tối giản về đường nét, màu sắc, không gian.

Khơi gợi ý muốn tìm hiểu cách xử lý khá độc đáo và sự khác lạ về nét khi xem những bức tranh Quê, Hoa dại, Sen, Hơi thở đô thị, Cùng bám biển, Sen, Huyền thoại Krông Klang của họa sĩ Trương Đình Dung trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu, lụa, acrylic, thủy mặc mà như chia sẽ của họa sỹ Trương Đình Dung là “ luôn chuyển mình theo thời gian để khám phá và khắc họa cái mới từng giờ, từng ngày, từng tháng”. Ngôn ngữ hội họa của Trương Đình Dung bắt đầu từ lúc là cậu học trò lớp 3 vẽ bức tranh về hội quê được giải Nhì Mỹ thuật của thành phố Huế vào năm 1984 tới khi có tranh treo tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005. Càng vẽ càng vui, càng sáng tạo dù bức tranh sơn dầu vẽ hôm nay thì ngày mai phải xóa để vẽ lại hoặc phải vẽ vài tháng một bức sơn mài nhưng sự theo đuổi vẫn bền lâu. Rồi dòng tranh Thủy mặc là vốn chữ, là thư pháp vẫn nhận từ họa sĩ Trương Đình Dung những tìm tòi, chắt lọc với bút pháp, màu sắc, đường nét, hình họa rất riêng. Rồi thì với công việc của một giảng viên mỹ thuật ở Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Quảng Trị, Trương Đình Dung truyền lửa qua các thế hệ học trò mà nay đã có một số người thành công như nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Văn Hùng và họa sĩ Lê Cảnh Oánh ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa.

Thoạt nhìn, ngỡ như các màu sắc trong tranh của họa sĩ Trương Đình Dung được vẽ cô lập và nội dung đơn giản, ít vấn đề nhưng ngắm kỹ sẽ thấy sắc độ chuyển khá nhiều và tinh tế. Sự chuyển sắc đó được vẽ chồng phủ đều đặn và có âm hưởng sâu xa của màu, hàm chứa cách làm việc có hệ thống và mạch lạc với một đời sống tâm lý phức tạp. Sáng tác dựa trên ngôn ngữ tạo hình và màu sắc “Không có nhiều yếu tố phức tạp về hình, bố cục, cũng không nhằm biến đổi nhưng luôn được cách điệu hay đơn giản hình thể, rõ ràng với cảm hứng hoàn toàn đến từ thiên nhiên mà mình chỉ làm cho nó sáng hơn, đẹp hơn theo nghĩa của hội họa”, tác phầm của họa sĩ Trương Đình Dung làm thỏa mãn giác quan của người xem bằng các cung bậc màu sắc và đường nét hết sức tinh tế.

Đến nay, họa sĩ Trương Đình Dung đã tạo được sự đa dạng trong phong cách, bút pháp của tranh sơn dầu, sơn mài và thủy mặc cho thấy đam mê hội họa và tính cách phóng khoáng, sự tìm tòi và khám phá đề tài mới lạ về thiên nhiên, con người, cuộc sống của một người đã tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, chuyên khoa Sơn mài và tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Thủy mặc tại Đại học Cát Lâm, Trung Quốc. Nên giờ đây, tranh của Trương Đình Dung vẫn cho thấy sự tìm tòi và khám phá đề tài, sự đa dạng về phong cách và bút pháp thể hiện, sự trăn trở và đam mê bất tận với hội họa của một họa sĩ phóng khoáng luôn thể hiện cảm hứng lãng mạn phương Đông trên mỗi tác phẩm mang họa pháp đặc biệt tự do…

Trích bài hát: Sắc màu- Trịnh Công Sơn

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa Quý vị và các bạn! Từ lâu, thơ ca đã đi vào cuộc sống như một tri âm với bao buồn vui của con người. Ít loại hình nghệ thuật nào cô đọng, hàm súc như thơ. Dường như mọi cảm xúc chỉ được dồn nén vừa đủ trong từng con chữ… Sự quyến rũ của thơ ca không chỉ nằm trên trang giấy, mà còn ở trong giọng đọc, giọng ngâm của người yêu thơ. Ở đấy, họ không chỉ đọc thơ, đọc diễn cảm mà còn phải có năng khiếu về giọng xuống giọng đọc theo ngữ điệu âm thanh của ngôn ngữ.

PTV: Với những người yêu thơ Quảng Trị, có lẽ giọng ngâm thơ của cô Hoàng Thị Thu Thủy- TP Đông Hà đã trở nên quen thuộc bởi cô thường xuyên tham gia vào những chương trình thơ trên sóng Đài PTTH Quảng Trị hay những buổi sinh hoạt của những người yêu thơ.

Trích cô Thủy ngâm thơ

Từ nhỏ, cô bé Hoàng Thị Thu Thủy vốn đem lòng yêu mến văn chương và đó cũng là cái duyên để giúp cô trở thành một giáo viên dạy môn Ngữ văn sau này. Chính từ những ngày được cầm trên tay những quyển sách, được đọc những bài thơ hay…đã dần dần hình thành nên niềm đam mê được thể hiện, được ngâm những bài thơ yêu thích của cô Thu Thủy. Và rồi bằng cách tự học cách ngâm thơ, cô Hoàng Thị Thu Thủy đã ghi dấu ấn trong lòng người yêu thơ Quảng Trị với chất giọng đặc trưng của mình.

P/v: Cô Hoàng Thị Thu Thủy- TP Đông Hà chia sẽ:

Ngâm thơ là hoạt động trình diễn mang đậm dấu ấn riêng, đòi hỏi nhiều năng lực, sự khổ luyện của người nghệ sỹ, mà nếu không nhiệt tình đam mê và tình yêu với thơ ca với tiếng nói dân tộc sẽ không thể theo đuổi. Với cô Hoàng Thị Thu Thủy, cô tìm thấy ở thơ như là một người bạn tri kỷ để gửi gắm những nỗi lòng của mình. Cô có thể ngâm được những bài thơ với nhiều chủ đề khác nhau từ thơ cách mạng, tình yêu hay muôn màu cuộc sống. Mỗi thể loại, mỗi màu sắc, Hoàng Thị Thu Thủy lại chọn mỗi cách diễn xuất khác nhau sao cho chuyển tải được cái hồn thơ của các tác giả.

P/v: Cô Hoàng Thị Thu Thủy- TP Đông Hà cho biết thêm:

Với cô Hoàng Thị Thu Thủy, gần cả cuộc đời gắn bó với  với nghệ thuật ngâm thơ, nhưng bài thơ nào cũng được cô cẩn trọng xem trước văn hiểu để hiểu hơn ý tình bài thơ, ý tưởng nghệ thuật của tác giả, chỗ nào là trọng tâm, chỗ nào cần tập trung nhấn nhá về ngữ điệu và cảm xúc. Từ đó để có sự đồng cảm với tác giả. Và món quà ý nghĩa đối với cô là nhận được những tình cảm yêu mến của các tác giả hay những người yêu thơ dành cho mình , đó là nguồn động viên thúc đẩy cô nỗ lực, phấn đấu hơn nữa ở những lần sau.

Trích: Cô Thủy ngâm thơ

Những năm 60 của thế kỷ trước, ngâm thơ là một tiết mục, một loại hình có vị trí quan trọng trong đời sống nghệ thuật và xã hội. Giọng ngâm có sự bổ trợ đắc lực của âm thanh nhạc cụ như tiếng sáo, tiếng đàn, dàn nhạc. Thơ để ngâm phải có giọng điệu thích hợp: giọng tâm tình, riêng tư dễ đi vào lòng người. Người nghe nhiều khi quên hết câu chữ mà rung cảm theo giọng ngâm mượt mà, theo tiếng đàn, tiếng sáo. Lời thơ được chắp cành bay lượn. Với cô Hoàng Thị Thu Thủy, dẫu đến bây giờ đã có tuổi, song với cô mỗi lần có dịp cầm trên tay một bài thơ, cô cứ đọc đi đọc lại nhiều lần để có thể thấm đẫm hồn thơ, để tìm hiểu câu chuyện hay những cảm xúc được tác giả gửi gắm qua những câu từ.

P/v: Cô Hoàng Thị Thu Thủy- TP Đông Hà nói thêm:

Trích băng

Đọc thơ, ngâm thơ từ xa xưa vẫn gắn bó với đời sống văn nghệ, nhất là trong những dịp xuân về. Có thể nói ngâm thơ chính là món “đặc sản” của âm nhạc dân tộc giao hòa cùng thi ca.  Mỗi chữ trong câu thơ được ngân nga, lên cao xuống thấp, trầm bổng nhịp nhàng tùy theo cảm xúc của người nghệ sĩ. Chính vì yếu tố nhạc điệu linh hoạt ấy mà chỉ ở Việt Nam mới có nghệ thuật ngâm thơ độc đáo và trường tồn từ lâu đời. Chính nhờ tình yêu thơ ca của những giọng ngâm thơ đã góp một phần không nhỏ chắp cánh cho những vần thơ được bay bổng và đi vào lòng người.

Trích ngâm thơ.

PTV: Kính thưa quý vị và các bạn! Quảng Trị - mảnh đất miền Trung nắng gió luôn khiến những ai một lần đặt chân đến đều yêu thương và trân quý.  Trong lĩnh vực VHNT, đã có thật nhiều bài thơ, bài hát hay những bức tranh khắc họa người và đất Quảng Trị. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện kể thể hiện niềm yêu mến và tự hào của người con Quảng Trị về quê hương của mình cũng như ghi lại những cảm xúc của những ai từng gắn bó với mảnh đất này.

Trích bài hát: Em có về Quảng Trị với anh không?

Em có về Quảng Trị với anh không?

Trong bão táp nghe gió Lào quạt lửa

Mảnh đất miền Trung cong như đòn gánh mẹ

Suốt một đời dầm dãi với nắng mưa”

Đó là những ca từ mở đầu chobài hát: Em có về Quảng Trị với anh không? của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga. Trong một lần về thăm quê chồng ở Triệu Phong, chị Nguyễn Thị Việt Nga (n gười quê gốc tỉnh Hải Dương- là người con dâu của xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong đã đi thăm nhiều nơi của Quảng Trị....và đã sáng tác bài thơ ( cũng là tên bài hát) này vào những ngày cuối vụ thu hoạch lúa ở Triệu Phong năm 1997. Bài thơ đã lưu trên các trang mạng và báo điện tử cho đến nay cũng đã 25 năm.

Cuối tháng 12 năm 2015, chàng sinh viên Đại học Cảnh sát nhân dân Tp.HCM, một người con của huyện Gio Linh - Quảng Trị là Nguyễn Chí Quyết  tình cờ thấy bài thơ đăng trên facebook  trang cá nhân của bạn bè Quyết và lưu lại ít hôm sau chàng trai này cùng là một người con tâm huyết với quê hương đã nảy sinh ra ý định phổ nhạc bài thơ rồi tự thể hiện và quay clip lưu lại.

Trích bài hát: Em có về…

Sau một thời gian bài hát Em có về Quảng Trị với anh không được phổ nhạc-một người con Quảng Trị khác cũng ở huyện Gio Linh là Nguyễn Phú Quang tìm hiểu và sáng tác thêm 1 khổ thơ 4 câu:

"Em có về Quảng Trị với anh không?

Tự ngày nào niềm nhớ mong dâng đầy

Miền quê ấy nơi yêu thương hò hẹn

Chắc bây giờ anh mong lắm người ơi!"

Sau đó Phú Quang đã hòa âm phối khí tạo nhạc nền và thế hiện ca khúc này đăng trên các trang mạng xã hội và được mọi người chia sẽ và ủng hộ rộng rãi.

Trích bài hát

Bài hát Em có về Quảng Trị với anh không được ra đời từ tình cảm và nỗi nhớ của những người con xa xứ. Với ca từ và giai điệu da diết, hình ảnh của một Quảng Trị hiện lên với những nét đặc trưng vốn có của vùng đất này. Đó là sự khắc nghiệt của thiên nhiên với: “bão tố, gió lào quạt lửa, khắc nghiệt nắng mưa”; và cuộc sống của người dân quê “suốt một đời dầm dãi với nắng mưa”.

Lời hát như vẽ nên một bức tranh có nhiều hình ảnh, sắc màu về một vùng đất lịch sử cách mạng với những địa danh đã làm nên cái tên Quảng Trị anh hùng:

“Tự thành Cổ tựa bao đời trầm mặc

Mùa thu đến trong veo dòng Thạch Hãn”

Một Quảng Trị mà dù cho có đau thương, mất mát của chiến tranh thì  mầm lúa vẫn “đạp cỗi cằn đứng dậy”, vẫn  “Ngọt giọng hò trong vất vả đầy vơi”.

Trong ta ai cũng có một quê hương, một vùng đất để khi đi xa mà thương mà nhớ, một vùng đất để khi trưởng thành nhìn lại một thời của tuổi thơ với những kỷ niệm ngọt ngào. Quê hương trong bài hát Em có về Quảng Trị với anh không? Không đơn thuần là những hình ảnh của một vùng quê dãi dầu mưa nắng mà ở đấy chất chứa tình cảm của những con người ấm áp, sâu nặng ân tình. Để rồi những ai xa quê, khi nghe bài hát này lại khiến người ta bùi ngùi nhớ thương, lắng nghe và trải rộng hồn mình.

Trích bài hát:

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 09/03/2022 21:47 Lê Vĩnh Nhiên 10/03/2022 08:23

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà