Phụ nữ và cuộc sống
Danh mục
Phụ nữ và cuộc sống
NỘI DUNG

Chương trình Phụ nữ và cuộc sống:

Tiêm vắc xin cho trẻ những điều mẹ cần biết

MC1: Quý vị và các bạn thân mến! Vắc xin và tiêm chủng không còn là điều xa lạ đối với người dân sinh sống ở bất kỳ quốc gia nào trong đó có Việt Nam. Vắc xin là một vũ khí chiến đấu sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chúng ta chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

MC2: Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giúp các bé có khả năng chống lại nhiều căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Vậy các bà mẹ có con nhỏ cần nắm rõ các thông tin liên quan đến việc tiêm vắc xin cho con mình như thế nào? Mời Qv & các bạn cùng tìm hiểu trong chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này.

Nhạc cắt

MC1: Quý vị và các bạn thân mến! Tiêm chủng là sử dụng Vắc xin để kích thích sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu. chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có Vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đưa vaacin vào sử dụng phổ cập cho người dân và tiêm chủng thật sự có vai trò rất lớn đối với toàn xã hội. Sau đây là những tổng hợp của PV Phạm Quỳnh về Vai trò của vắc xin và lợi ích của tiêm chủng, mời QV & các bạn cùng nghe!

          MC2: Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh. Tiêm chủng là sử dụng vắc xin đưa một lượng vừa đủ vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch của cơ thể chủ động sản xuất kháng thể đặc hiệu để chống lại bệnh truyền nhiễm nào đó. Lúc này, kháng thể có 2 nhiệm vụ: tiêu diệt vi rút, vi khuẩn đó và tồn tại trong máu một thời gian dài để bảo vệ cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh trong những lần xâm nhập sau.

          MC1: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, do đó rất dễ bị nhiễm bệnh. Vắc xin và tiêm chủng làm cho trẻ em khỏe mạnh, không bị ốm đau giúp gia đình giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức, đặc biệt là các gia đình không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật. Tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vắc xin phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ... vì vắc xin có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Bởi vậy, tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để tạo ra sức đề kháng và chủ động phòng một cách hiệu quả các bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm. Nhận thức về vai trò của vắc xin trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho con mình, nhiều bà mẹ đã rất quan tâm và ủng hộ việc tiêm chủng cho con. Sau đây là những ý kiến và chúng tôi đã ghi lại được mời QV & các bạn cùng nghe:

Voxpox

          MC2: Các bậc cha mẹ mong muốn trẻ có sức khỏe tốt cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và cả những vắc xin chưa có trong chương trình. Việc tiêm chủng là vô cùng quan trọng, đó là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân cũng là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội.

Nhạc cắt

MC2: Thưa quý vị và các bạn!  Thế giới đã coi vắc xin là một trong những thành tựu quan trọng nhất của thế kỷ 20, bởi nó đã cứu hàng triệu triệu trẻ em khỏi các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Cũng theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vắc xin đã chứng minh ý nghĩa của nó khi bảo vệ trẻ em khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, giống như thuốc, không một loại vắc xin nào dù tốt đến đâu có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối như mong muốn, bởi vì tiêm vácxin tức là đưa một kháng nguyên lạ vào trong cơ thể. Chính vì vậy bộ y tế đã ba hành thông tư 38/2017/TT-BYT “Quy định danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”, có hiệu lực từ 1/1/2018.  Phần cuối chương trình chúng tôi sẽ thông tin đến Qv & CB những quy định của thông tư này.

MC1: Theo Thông tư  do Bộ Y tế vừa ban hành, bệnh truyền nhiễm và vắc xin thực hiện tiêm bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), áp dụng cho các trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi, bao gồm 10 bệnh: viêm gan vi rút B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae týp b; bệnh sởi, viêm não Nhật bản B, Rubella.

MC2: Trong đó, có hai vắc xin được chỉ định tiêm bắt buộc cho các bé sơ sinh (viêm gan vi rút B sơ sinh tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vắc xin lao tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh). Thông tư 38 cũng quy định rõ về lịch tiêm chủng quy định cho mối loại vắc xin, đối tượng tiêm. Các đối tượng tiêm 10 vắc xin nêu trên được miễn phí do ngân sách nhà nước mua.

MC1: Theo hướng dẫn tại thông tư này, nếu chưa tiêm đúng lịch thì tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó nhưng phải đảm bảo phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của chương trình TCMR; việc tiêm chủng chiến dịch hoặc tiêm chủng bổ sung được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong từng trường hợp cụ thể; danh mục này cũng sẽ được cập nhật và bổ sung trong trường hợp cần thiết. Theo danh mục tại Thông tư 38, vắc xin tả không còn trong danh mục tiêm chủng bắt buộc với trẻ nhỏ (theo quy định hiện hành tại Thông tư 26/2011/TT-BYT ngày 24/6/2011).

MC2: Thông tư 38 cũng quy định đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc với 8 bệnh: bạch hầu, bại liệt, ho gà, rubella, sởi, tả, viêm não Nhật Bản, bệnh dại. 8 vắc xin sinh phẩm này được sử dụng cho những người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch. So với quy định cũ, danh sách này đã giảm 13 bệnh (viêm gan vi rút A, viêm gan vi rút B, lao, quai bị, thương hàn, sốt vàng, thủy đậu, Rota vi rút, uốn ván, viêm màng não do não mô cầu, viêm phổi do phế cầu;viêm màng não do vi khuẩn Hib…) không còn trong danh mục tiêm bắt buộc. Với những quy định này, nhiều người đã tỏ ra ủng hộ và cho rằng đây là một quy định cần thiết. Chị Lê Minh Trang – Phường 1 – TP Đông Hà chia sẻ

băng ghi âm

Còn Chị Lê Phương Nhi ở Phường 5, TP Đông Hà cho rằng:

Băng ghi âm

MC1: Theo đó, các bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh thuộc diện bắt buộc phải tiêm để duy trì miễn dịch cộng đồng. Tiêm chủng bắt buộc là để tăng cường miễn dịch cho đối tượng được tiêm và đồng thời bảo vệ cho cả cộng đồng. Các mẹ có con nhỏ cần lưu ý và nhớ là hãy cho con tiêm chủng đầy đủ để đảm đảm bảo cho con em mình có một sức khỏe tốt, đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng trong hành trang bước vào đời của các con.

MC2: Để chăm sóc sức khỏe trẻ tốt hơn khi đi tiêm chủng các bà mẹ cần lưu ý:

+      Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.

+      Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số biểu hiện thông thường như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc v..v. Các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng kéo dài trên 1 ngày.

+      Khi trẻ sốt cao các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.

+      Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp, như sốc phản vệ với tỷ lệ 1/1 triệu liều vắc xin và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.

+       Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

+      Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái ...các bà mẹ cần đưa NGAY trẻ tới cơ sở y tế.

MC1: Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này cũng xin được khép lại tại đây, cảm ơn QV & CB đã quan tâm theo dõi. Chương trình do…. Thực hiện, Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Đón nghe: Vắc xin là một vũ khí chiến đấu sắc bén nhất, hữu hiệu nhất để chúng ta chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giúp các bé có khả năng chống lại nhiều căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Vậy các bà mẹ có con nhỏ cần nắm rõ các thông tin liên quan đến việc tiêm vắc xin cho con mình như thế nào? Mời Qv & các bạn đón nghe chương trình phụ nữ và cuộc sống được phát sóng vào 11h thứ 7 ngày 26/3 trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 23/03/2022 15:07 Lê Vĩnh Nhiên 24/03/2022 07:29
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà