Tạp chí VNCN 27.3
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí văn nghệ chủ nhật: 27.3.2022

PTV: Xin kính chào Quý vị và các bạn! Đến hẹn lại lên, chúng ta cùng gặp nhau trong Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, mời Quý vị và các bạn cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- BẾ MẠC TRẠI NGHIÊN CỨU, SƯU TẦM VÀ TRUYỀN DẪN VHVN TRIỆU PHONG

- GIẤC MƠ TRONG NHỮNG SÁNG TÁC CỦA CÂY BÚT TRẺ NGÔ DIỆU HẰNG

- Đến với Tùy bút: “Sông nói cuộc vô thường” của tác giả Phạm Nguyên Tưng

- Tình yêu quê hương qua bài bát : “Hẹn về Quảng Trị”

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

1.     BẾ MẠC TRẠI NGHIÊN CỨU, SƯU TẦM VÀ TRUYỀN DẪN VHVN TRIỆU PHONG

Thưa Quý vị và các bạn! Vừa qua, UBND huyện Triệu Phong và Hội VHNT tỉnh đã tổ chức bế mạc Trại nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác và truyền dẫn văn hóa, văn nghệ về mảnh đất Triệu Phong.

Trại sáng tác tổ chức trong 2 năm 2020 -2021. Nội dung chủ yếu là nghiên cứu, sưu tầm lịch sử, văn hóa, văn nghệ dân gian và sáng tác văn nghệ dân gian vùng đất Triệu Phong. Thời gian qua, Phân hội Văn nghệ Dân gian và Phòng Văn hóa –Thông tin huyện Triệu Phong và các hội viên văn nghệ dân gian đã nổ lực, khắc phục khó khăn, tâm huyết nghiên cứu, sáng tạo, góp phần quan trọng để Trại nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác văn nghệ dân gian thành công góp phần vào công tác nghiên cứu, quảng bá rộng rãi về mảnh đất, con người Triệu Phong với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và mọi miền đất nước.

2.TỤC THỜ CÁ ÔNG CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ

Từ nhiều đời nay, cư dân vùng biển Quảng Trị đã dựa vào biển, bám biển mưu sinh. Biển không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn là không gian phản chiếu của lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán... Trong đó, nét văn hóa tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cá Ông.

Tín ngưỡng thờ cá Ông gắn với lễ hội cầu ngư là sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân ven biển miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng, góp phần gìn giữ và nâng cao giá trị của tín ngưỡng, lễ hội truyền thống trong kho tàng văn hóa dân tộc. Với ngư dân, cá Voi hay còn gọi là cá Ông có vị thế đặc biệt, thế nên thờ phụng cá Ông và tổ chức lễ hội cầu ngư của các cư dân vùng biển Quảng Trị hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là tư tưởng tôn trọng và sống hài hòa với tự nhiên - nơi mà từ bao đời nay, con người vừa phải chống chọi, vừa phải nương tựa để tìm kế sinh tồn, phát triển bền vững và khát vọng về cuộc sống bình yên.

3.   BÍ MẬT ĐÔI KHUYÊN TAI CỦA PHỤ NỮ PAKO, VÂN KIỀU

Đôi khuyên tai là vật trang sức không thể thiếu của người phụ nữ Vân kiều, Pa kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Đakrông trong các dịp lễ hội. Ít người biết rằng, chính đôi khuyên tai ấy trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là nơi cất giấu tài liệu cách mạng an toàn.

Hàng trăm năm về trước, phụ nữ đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa kô đã biết tìm kiếm những hòn đá suối, đá núi, trái cây nhiều màu sắc để làm vật trang sức cho mình. Đến thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, họ đưa bạc nén, bạc cộ lên các bản làng Vân kiều, Pa kô để phục vụ cho mục đích xâm lược.. Chính trong những năm tháng ấy, để giúp cách mạng, các nghệ nhân Pako, Vân Kiều đã kỳ công làm ra những chiếc khuyên tai từ bạc vừa mang tính thẩm mỹ, vừa cất giấu an toàn tài liệu bí mật khi vận chuyển. Bởi  thế những đôi khuyên tai đó ngoài giá trị về mặt văn hóa thì còn là chứng tích của cách làm cách mạng vừa bí mật, vừa rất sáng tạo của đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa Ko góp phần không nhỏ giúp cách mạng hoàn toàn thắng lợi.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển và đổi mới của văn học tỉnh nhà, một đội ngũ người viết trẻ đông đảo, với sức viết dồi dào đã xuất hiện và đang dần thoát khỏi mọi trói buộc cũ để sáng tác ngày càng đa dạng và phong phú, với đúng mục đích hướng thiện, giữ vững định hướng của chủ nghĩa nhân văn, hướng tới cái đẹp và cái cao thượng.

PTV: Với cây bút trẻ Ngô Diệu Hằng sinh năm 1988, hiện là giáo viên Tiếng Anh Trường TH & THCS xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh.  Diệu Hằng đến với văn chương từ rất sớm, bằng lòng say mê đặc biệt, cô đã thử mình với nhiều thể loại sáng tác khác nhau. Và với những ai yêu mến văn chương sẽ nhận ra cây bút trẻ Diệu Hằng có một cách nhìn riêng biệt. Tâm hồn của cô luôn trong trẻo và tinh khiết thể hiện khát khao thánh thiện như trong những giấc mơ…

GIẤC MƠ TRONG NHỮNG TÁC PHẨM CỦA NGÔ DIỆU HẰNG

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của tỉnh nhà những năm trở lại đây, qua phác thảo diện mạo các cây bút trẻ như Hoàng Hải Lâm, Diệu Ái, Hoàng Công Danh, Ngô Diệu Hằng, Yên Mã Sơn… có thể thấy mỗi người đều có một phong cách sáng tác khác nhau nhưng đều tự tin khẳng định vị trí nghệ thuật của mình. Đối với cây bút trẻ Ngô Diệu Hằng, chị đến với văn chương từ sớm và bắt đầu sáng tác bắt nguồn từ những ước mơ. Chính những ước mơ thôi thúc Diệu Hằng cầm bút thể hiện, và dần dần vun đắp thành hình tượng trong thế giới nghệ thuật của mình. Với các tác phẩm đa phong cách, đa góc nhìn, gần gũi, mang hơi thở cuộc sống của một người trẻ tuổi… Ngô  Diệu Hằng luôn có một cách nhìn riêng biệt, tất cả đều bắt nguồn từ tâm hồn của một cô gái vô cùng trong sáng, tinh khiết và hồn hậu thể hiện khát khao chuyển tải cái đẹp trong từng tác phẩm văn chương của mình.

P/v: Cây bút trẻ Ngô Diệu Hằng chia sẽ:

Trích băng

Diệu Hằng sáng tác bắt nguồn từ những ước mơ. Chính những ước mơ thôi thúc tác giả cầm bút thể hiện, và dần dần vun đắp thành hình tượng trong thế giới nghệ thuật. Dù là truyện ngắn hay tiểu thuyết, Ngô Diệu Hằng cũng cố gắng xây dựng cho mình những không gian rất riêng. Nơi đó có sự giao hòa giữa thế giới thực và mộng. Những giấc mơ là bối cảnh khá quen thuộc trong sáng tác của cây bút trẻ này. Trong bối cảnh không có thực ấy, cô luôn khéo léo thể hiện quan điểm của mình về con người cùng những giá trị nhân văn. Nói như vậy không có nghĩa là văn của Diệu Hằng xa rời hiện thực. Một số sáng tác trong các truyện ngắn " Giấc mơ tường vi, Phút giao thừa lặng lẽ, Cánh bướm của tình mẫu tử…, tập truyện ngắn Cỏ" của cô mang đậm hơi thở đời sống, phản ánh những mặt trái của xã hội phát triển. Nhưng tác giả không dùng một cốt truyện bình thường để truyền tải thông điệp, cô thích phiêu lưu trong thế giới tưởng tượng của mình. Khi nói về tập truyện ngắn Cỏ của mình, tác giả Ngô Diệu Hằng chia sẽ thêm:

P/v: Cây bút trẻ Ngô Diệu Hằng chia sẽ thêm:

Trích băng

Dù ở  đề tài và thể loại nào đi nữa, Ngô Diệu Hằng luôn tìm cách thể hiện thế mạnh về ngôn từ của mình. Trong khi một số tác giả đầu tư xây dựng cốt truyện, lớp lang nhịp nhàng, cài cắm những nút thắt đầy bất ngờ để gây ấn tượng với độc giả thì Diệu Hằng thu hút bạn đọc bởi giọng văn mượt mà, nhiều màu sắc với cách sử dụng từ ngữ linh hoạt đầy biến hóa. Là một cây bút mạnh về miêu tả, trong văn của Ngô Diệu Hằng không thiếu những chi tiết đặc tả, gây ấn tượng mạnh cho bạn đọc. Từng ngọn cỏ, lá cây hiện lên trong bức tranh ngôn từ của cô đều chân thực và có sức lay động lạ kỳ. Câu văn của cô thường có vần điệu,  tác động được tới xúc cảm của độc giả khiến con người ta buồn vui theo trang viết. Bởi vậy, dù sáng tác của Ngô Diệu Hằng ít có tình tiết bất ngờ, kịch tính nhưng vẫn lôi cuốn bạn đọc theo một cách riêng.

Trích bài hát: Về Quảng Trị nghe anh

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Đọc  tác phẩm “Sông nói cuộc vô thường” Phạm Nguyên Tường là phiêu du cùng tác giả đi khắp thế giới, từ Đông sang Tây, trải nghiệm cùng những văn hóa bản địa, lắng nghe lời thì thầm của phế tích, của những con người hiện diện đầy trắc ẩn theo chiều kích thời gian của quá khứ và thực tại mà tác giả chứng kiến, cảm nhận. Sự quay trở về những cảm thức có tính cổ mẫu khi nhắc đến quê hương,  tình mẹ… nhận diện những giá trị chân thật, trước mắt dường như đang đi vào quên lãng.

PTV: Những minh triết được tác giả suy nghiệm từ kinh nghiệm sống, các quy luật tự nhiên, xã hội, quan niệm về lẽ sống, sự mất còn… cũng được gửi gắm trong tác phẩm đã âm thầm dồn nén và viết trong một thập kỷ qua.Chúng ta hãy cùng đến với cảm nhận về tùy bút “Sông nói cuộc vô thường” của CTV Bội Nhiên qua bài viết sau đây:

Sông nói cuộc vô thường

Phạm Nguyên Tường nói cuộc vô thường từ lúc “Giữa bao la đồng ruộng đẫm sương, hàng chục tay liềm cắt từng nạm rau má nghe rạt…rạt… đồng loạt, như tiếng tằm ăn dâu. Cọng rau má qua mấy ngày tưới nước đã chát mọng, no căng, gặp lưỡi liềm sắc ngọt vang lên thành tiếng, nghe chát qua cổ họng. Tiếng rau xanh… Tôi thích vừa nghe tiếng rau xanh vừa đẫm mình trên cánh đồng rau má làng Phước Yên vào thời khắc sớm tinh mơ này. hay “Phía chùa làng chợt giộng một hồi chuông. Chùa làng, vốn là ngôi Hà Khê cổ tự được xây dựng từ thế kỷ 17, trải qua nhiều lần trùng tu giờ vẫn trầm mặc nét xưa dưới tán cây cổ thụ. Tiếng chuông chùa lan khắp không gian, háp lên mặt ruộng, tưởng làm cho những chiếc lá rau như triệu triệu vành tai ngợp lên xanh gió. Dàn đồng thanh rau má rạt… rạt… hòa cùng với tiếng chuông chùa an nhiên như cất tiếng chào ngày mới”.

 Đó là những trang tùy bút mà Phạm Nguyên Tường viết về quê nhà của mình đủ sức lay động cảm thụ của bạn đọc bằng ký ức tuổi thơ, quá khứ vang bóng và tình người chan chứa trong hồi ức mãnh liệt, như “Tôi soi mình xuống dòng nước mặc nhiên trôi xuôi, rưng rưng một niềm kính vọng thẫm bóng bãi bờ xanh mát nghĩa tình mà con sông Bồ cứ miệt mài bồi đắp!” và “Ai về đây làm danh tướng/ Ai người sửa soạn giai nhân/ Vàng son cả miền tâm tưởng/ Thơm trong một gói xôi đường”.

Cũng từ con sông quê hương, tập tùy bút của Phạm Nguyên Tường đưa bạn đọc đi từ Đông sang Tây trên thế giới để cùng trải nghiệm cùng những văn hóa bản địa, lặng thầm đối thoại với những phế tích hoặc số phận vẻ vang mà bi thương, ngẫm ra nhiều bài học từ những giá trị văn hóa, đạo đức được đúc kết bằng danh nhân hoặc một lẽ sống, một tình yêu, một mất mát. Trong chuyến du ký với Sông nói cuộc vô thường, bạn đọc gặp Danube xanh lan man một dòng nhớ, Venice buổi tà dương, San Antonio trong nắng hanh vàng, Bordeaux chút se lạnh cuối Thu, Zurich ấn tượng một khám phá tình cờ rồi Phải lòng Salzburg ở nước Pháp, nước Áo, Italia, Thụy Sỹ ở châu Âu đến Bali, Phnom Penh, Singapore, Yokohama, Narita ở châu Á…

Khi đến một làng Việt  hơn 450 năm tuổi, Phạm Nguyên Tường tìm hiểu những giá trị trường tồn của làng thông qua nguồn tư liệu quý về ngôi đình uy nghiêm và thả mình vào ngôi chợ quê sầm uất, từ đó có những dòng tùy bút Sông núi vẫn như xưa: Những ngày lưu lại nơi đây, tôi chỉ nhìn thấy những người nông dân hiền lành chất phác có giọng nói đặc trưng “riêng thổ âm cắm xuống cát mà bền” bao đời nay một nắng hai sương bên ruộng khoai nương cà, chịu đựng bao gian khổ hy sinh trước mũi tên làn đạn của kẻ thù thực dân đế quốc, bảo vệ từng tấc đất quê hương. Cứ vậy, lớp lớp con dân của làngcùng dựa vào nhau để sống, để vươn lên và làm nên những thành tựu văn hóa tốt đẹp. Thì ra, “Vững mạnh muôn đời” hay “Công đức để lại mãi” chỉ dành cho những người luôn chọn đứng về phía làng nước quê hương, đứng về phía nhân dân, đứng về chính nghĩa.

Cũng ở làng quê ấy, ngôi giếng cổ mấy trăm năm của làng làm Phạm Nguyên Tường mỉm cười với câu ca dao ý vị “Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài/ Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây” khi ngẫm ngợi về Tinh thần của Giếng, tác giả cho rằng: Bản thể của giếng là ở đâu thì ở đấy, ấp còn có khi thay đổi, chứ giếng thì cố định một chỗ; có nước mạch chảy vô giếng hoài nên nước giếng không kiệt; nhưng nước chỉ dâng lên tới một mức nào đó thôi, đầy mà không tràn. Tôi là kẻ hậu sinh, cũng hàng ngày vật lộn cùng biết bao bệnh nhân trong cuộc chiến cam go chữa trị căn bệnh ung thư quái ác. Nhiều khi thất vọng, tưởng chừng tuyệt vọng, bất lực hoàn toàn. Mỗi lần như vậy, trong tâm tưởng tôi lại soi mình vào giếng. Khó nhất là phải giữ cho mình một mạch nước ngầm chảy mãi, để như nước giếng.

Như trong lời tựa của sách, “Cầm bút là bước vào một đời sống khác, lấp đầy những trang giấy trắng bằng những suy tư cá nhân đã được gạn lọc, tách chiết từ hiện thực, là sự cộng hưởng của trái tim giàu lòng yêu thương và một khối óc tư duy không ngừng nghỉ. Phạm Nguyên Tường là một kiếu viết khi đã rốt ráo với cái sống, chiêm nghiệm cho hết thảy sự thật phơi bày ra, thản nhiên như một hơi thở lành”, tập tùy bút Sông nói cuộc vô thường được Phạm Nguyên Tường viết trong mười năm qua để lại trong thụ cảm của bạn đọc hơi ấm của những điều xưa cũ đưa đến sự khẳng định cuộc đời đã và đang sống có biết bao cái đẹp trong ngần…

Trích bài hát: Trở về dòng sông tuổi thơ: TB: Anh Thơ

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa Quý vị và các  bạn! Đối với mỗi chúng ta, ai cũng có một miền quê gắn bó từ thưở ấu thơ với những hoài niệm khó quên. Nơi ấy đã cất giữ biết bao kỷ niệm vui- buồn của những ngày bé thơ để rồi khi lớn lên, đi xa…vọng về trong nỗi nhớ là hình ảnh của quê hương với bao trìu mến thân thương lạ kỳ.

Trích bài hát: Hẹn về Quảng Trị; Thơ: Phạm Bá Nhơn; Nhạc: Nguyễn Tất Tùng.

PTV: Quý vị và các bạn đang thưởng thức bài hát: Hẹn về Quảng Trị; Thơ: Phạm Bá Nhơn; Nhạc: Nguyễn Tất Tùng.

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, Phạm Bá Nhơn đã có một thời thơ ấu hết sức gian nan vất vả. Anh vật lộn với cuộc sống để học hành và trưởng thành sau lũy tre ở một vùng đất nghèo khó, khắc nghiệt nhưng đầy ắp tình người và để rồi từ giã quê nhà vào đất Phương Nam lập nghiệp.  Trải qua bao ngày tháng vất vả, lam lũ; Phạm Bá Nhơn trở thành một nhà doanh nghiệp có tiếng ở Bà Rịa Vũng Tàu.

Mặc dù công việc doanh nghiệp bận rộn, nhưng anh Phạm Bá Nhơn vẫn dành thời gian cho thơ ca, anh đã cho ra mắt hàng trăm bài thơ  và được đông đảo anh chị em trong giới đón nhận, đặc biệt là giới nhạc sĩ phổ nhạc thành công. Năm 2011, Phạm Bá Nhơn cho ra đời tập thơ mang tên NGUỒN CỘI. Phạm Bá Nhơn viết về nguồn cội chưa hẳn đơn thuần muốn khơi dậy một tiềm thức, mà chính trong tâm những nỗi niềm đã thúc đẩy “tác giả” thổ lộ những cảm xúc hơn là giải bày những nỗi lòng. Trong bài thơ “Hẹn Về Quảng Trị” có những câu:

“Quảng Trị ơi quê hương và nguồn cội

Mới vừa xa mà lòng nhớ khôn vơi

Làm sao quên những chiều nơi xóm nhỏ

Ngày ra đi xao xuyến mãi trong đời”...

Những vần thơ ấy đã được nhạc sỹ Nguyễn Tất Tùng phổ nhạc thành bài hát: Hẹn về Quảng Trị đầy da diết xúc động. Chia sẽ về cảm nhận của mình với ca khúc này, chị Võ Thanh Ngân- TP Đông Hà nói:

Trích băng

Trích hát:

Bước vào con đường thơ ca như một cuộc dạo chơi với chính mình, khi công viêc kinh doanh đã phần nào thành đạt, dù vậy Phạm Bá Nhơn vẫn nghiêm túc như một người làm nghệ thuật chuyên nghiệp. Anh tâm niệm thơ chính là cuộc sống mà anh đã trải nghiệm trên hành trình sống và trên bước đường lập nghiệp. Thơ anh chân chất mộc mạc giản dị vô cùng, thường là những hoài niệm về một thời đã qua.  Với bài những hình ảnh trong “Hẹn Về Quảng Trị”, ta có thể cảm nhận những tình cảm lưu luyến, nhớ thương được Phạm Bá Nhơn gửi gắm trong những ca từ với những ký ức tuổi thơ  nơi vùng quê ông đã lớn lên và trưởng thành. Qua phần phổ nhạc của Nguyễn Tất Tùng, người nghe có thể cảm nhận được ước muốn quay về tuổi thơ của tác giả.

P/v: Chị Nguyễn Cẩm Linh –TP Đông Hà chia sẽ:

Là một doanh nhân thành đạt nặng nợ với quê hương, Phạm Bá Nhơn tâm sự: “Tôi đang vịn vào thơ ca để đứng dậy trong một hành trình tha phương, mưu sinh nơi xa xứ. Ai cũng có một tâm hồn và ai cũng có gì đó để yêu thương nhung nhớ, để dõi trông, để khắc khỏai bồn chồn. Tôi có một quê hương, một vùng quê nghèo khó, đó là Quảng Trị. Mảnh đất có thể nói là khắc khổ nhất nước. Hơn thế nữa, mãnh đất ấy lại mang đầy thương tích khi đi qua cuộc chiến tàn khốc của những năm tháng vẫn còn chưa xa. Tôi yêu thương mãnh đất quê ấy đến nghẹn lòng. Một tình yêu thương của người con dẫu biết rằng không làm sao có thể đền đáp được”.

Trích bài hát: Hẹn về Quảng Trị; Thơ: Phạm Bá Nhơn; Nhạc: Nguyễn Tất Tùng.

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 23/03/2022 16:36 Cao Thị Ánh Tuyết 23/03/2022 16:36

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà