Tạp chí VNCN 24.4
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí VNCN: 24.4.2022

PTV: Kính chào Quý vị và các bạn!

Trong chương trình Tạp chí VNCN hôm nay, mời Quý vị và các bạn cùng đến với những nội dung chính sau đây:

- Không gian văn hóa - du lịch - từ thiện Hồ Phương

- Bài viết: Đọc sách qua những vần thơ của CTV Bội Nhiên

- Đến với tập sách “Một số lễ hội làng nghề và trò chơi dân gian Quảng Trị” của họa sỹ Hồ Thanh Thoan

- “Cỏ non Thành cổ” – tiếng lòng gửi đến những anh hùng đã ngã xuống vì đất nước, quê hương

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

1.CHƯƠNG TRÌNH NGHỆ THUẬT CHÀO MỪNG 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG TP ĐÔNG HÀ

Thưa Quý vị và các bạn!

Vừa qua ,Thành ủy, HĐND, UBND, UBMMTQVN thành phố Đông Hà long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Đông Hà 28/4 (1972-2022) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.  Trong chương trình cũng đã diễn ra những tiết mục nghệ thuật đặc biệt với chủ đề: “Đông Hà, niềm tin và khát vọng” để lại nhiều dấu ấn và cảm xúc trong lòng khán giả Quảng Trị.

Chương trình có 3 chương gồm: Âm vang miền đất lửa; Quê hương khúc hát ân tình; Đông Hà, niềm tin và khát vọng với nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng, ca ngợi Đảng, Bác Hồ; công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, tinh thần đấu tranh anh hùng, bất khuất của quân và dân Đông Hà và tỉnh Quảng Trị; ca ngợi những thành tựu trên các lĩnh vực của thành phố Đông Hà cùng niềm tin và khát vọng trong tương lai, vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập. Thông qua các tiết mục hát, múa đã tái hiện lại mảnh đất lịch sử và con người anh hùng Đông Hà trong suốt 50 năm qua. Chương trình đã thu hút đông đảo người dân đến dự và thưởng thức.

2.XUẤT BẢN TẬP SÁCH ẢNH “CAM LỘ MIỀN SƯƠNG NGỌT”

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương (2/4/1972-2/4/2022),  vừa qua huyện Cam Lộ đã xuất bản Tập sách ảnh “Cam Lộ-Miền sương ngọt”.

Tập sách ảnh “Cam Lộ-Miền sương ngọt” dày 180 trang, tuyển tập gần 300 bức ảnh tiêu biểu được chọn lọc từ những tác phẩm của nhiều tác giả và được kết cấu 3 phần gồm: “Cam Lộ trong phong trào đấu tranh cách mạng 1930-1972”; “Cam Lộ góp sức cho tiền tuyến, khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực xây dựng quê hương 1972-1991” và “Cam Lộ 30 năm đổi mới và phát triển”. Tập sách ảnh “Cam Lộ -Miền sương ngọt” được xuất bản nhằm tri ân công lao của các thế hệ cán bộ, lực lượng vũ trang và Nhân dân trong đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Đồng thời, lưu giữ, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; giới thiệu, quảng bá tiềm năng của huyện đến mọi miền trong cả nước.

3. Sở hữu hơn 200 hiện vật hiếm có của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị và một số tỉnh, thành phố lân cận, “Phương gia viên” của anh Hồ Phương tại Km40 - thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông là địa chỉ văn hóa thường nhật của du khách gần xa, của các nhà dân tộc học và thực tập sinh nghiên cứu về văn hóa.

Đời sống văn hóa của người Vân Kiều, Pa Cô rất đa dạng và phong phú, do có sự giao thoa văn hóa giữa đồng bào dân tộc thiểu số ở đây với người Việt, sự giao thoa văn hóa với các dân tộc thiểu số các tỉnh lân cận và nước bạn Lào. Nhờ thế, văn hóa của dân tộc Vân Kiều, Pa Cô vừa đặc sắc nhưng vẫn có sự tương đồng với văn hóa các dân tộc thiểu số khác.  Sau nhiều năm gắn bó với công tác văn hóa địa phương, ước mơ biến “Phương gia viên” thành một địa chỉ văn hóa, một bảo tàng văn hóa Vân Kiều, Pa Cô là khát vọng của anh Hồ Phương. Anh cho biết: rất mong tương lai xây dựng được một bảo tàng nhỏ để những hiện vật của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô được trưng bày bài bản, có không gian tốt để đón tiếp được nhiều du khách tham quan và những ai muốn nghiên cứu sâu về văn hóa bản địa.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn!

Sách chính là cánh cửa để đến với tri thức, là chìa khóa để giải mã cuộc sống và thế giới tinh thần của con người. Trong thời đại công nghệ, có nhiều hình thức giải trí hấp dẫn nhưng sách vẫn là phương tiện truyền tải nội dung quan trọng không thể thay thế. Ngày Sách và văn hóa đọc năm 2022 góp phần thúc đẩy sứ mệnh phát triển văn hóa đọc thể hiện rõ qua thông điệp "Cùng nhau truyền lửa văn hóa đọc lan tỏa tới cộng đồng" được tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước.  Chúng ta hãy cùng nghe bài viết: “Đọc sách qua những vần thơ” của CTV Bội Nhiên.

ĐỌC SÁCH QUAN NHỮNG VẦN THƠ

Sách luôn mở ra những chân trời mới, là Thiên đường hiểu biết mênh mông với người đọc sách. Đến nay đã có nhiều Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc được tổ chức nhằm khuyến khích việc đọc sách và sáng tác thơ về việc đọc sách đã thu hút nhiều người tham gia, hưởng ứng,… Trong đó, tác giả Minh Thu đã giới thiệu một số tác phẩm thơ được sáng tác nhằm khích lệ mọi người đọc sách.

Miệt mài từng chữ tới từng chương

Mỗi trang mỗi chữ mỗi tình ý

Mỗi nghĩa mỗi câu mỗi vấn vương”…

Nhận thức được vai trò của sách, hiểu rằng sách là nơi chứa đựng tri thức của nhân loại nên nhiều bạn đọc luôn cảm thấy rạo rực, bồi hồi trước từng trang sách:

Mở trang sách lòng đầy rạo rực

Núi sông, đất trời, lịch sử, văn minh

Bao tri thức gói gọn trong tim mình

Nuôi dưỡng tâm hồn rọi sáng ánh bình minh.

Sáng tác thơ về sách và việc đọc sách, đã có những tác phẩm là cuộc trò chuyện đáng yêu giữa em bé và gió bên trang sách:

Làn gió nhẹ lướt qua khung cửa nhỏ

Đưa hương hoa thoảng nhẹ tới bên em

Gió trầm ngâm ngắm nhìn cô bé

Thảnh thơi đọc sách bên bàn nhỏ xinh xinh

Gió phân vân, suy nghĩ hoài không biết

Sách có gì mà thấy bé ưu tư?

Bé trả lời: Cuộc đời người bạn nhỏ

Đôi lúc buồn cũng lắm lúc đau thương

Một hồi lâu, bé mỉm cười mãn nguyện

Gió vui hỏi: Sách có gì mà bé rất vui?

Bé trả lời: Sách đầy ắp yêu thương

Tình yêu đối với sách và văn hóa đọc sách đã thấm đẫm tâm hồn người yêu sách và ham mê đọc sách, bùng cháy thành những vần thơ giàu cảm xúc chân thật, tha thiết. Và, có tác giả đã sáng tác thơ với đối tượng thẩm mỹ và chủ thể thẩm mỹ đều là sách, dùng lời của sách để tự giới thiệu về sách:

Tôi là sách, sách chính tôi đây

Cuộc đời tôi làm bạn với mọi người

Tôi nắm trong tay vô vàn điều mới lạ

Tạo hóa thiên nhiên rất ư trong lành

…Núi cao, đồng bằng, đất liền hay biển cả

Vẻ đẹp đất trời toát một màu xanh

Tôi giúp bạn trau dồi vốn sáng tạo

Khoa học, kỹ thuật đam mê cùng công nghiệp

Cùng chung cống hiến trọn một trái tim…

Ngày Sách và văn hóa đọc năm 2022 vừa qua với nhiều hoạt động được tổ chức trong hệ thống trường học, hệ thống thư viện, nhà văn hoá... nhằm nâng cao kiến thức, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức để góp phần xây dựng xã hội học tập, nhất là trong thời đại công nghệ số hiện nay. Với tinh thần đó, nhiều người yêu sách sáng tác thơ về việc đọc sách, có những câu thơ được sáng tác theo thể tự do nói về vai trò quan trọng của việc đọc sách:

Đọc sách có thể không giàu, nhưng không đọc chắc nghèo

Bạn không cô đơn vì mọi cuốn sách đều sẵn sàng kết thân với bạn

Nhà có thể không có cửa sổ nhưng phải có sách

Việc đọc rất quan trọng, nếu bạn biết cách đọc cả thế giới sẽ mở ra với bạn

Đọc sách hay giống như trò chuyện với bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua. Ta sẽ bắt gặp những câu thơ tự sự với sách:

Lúc mệt mỏi, chán chường, hay thất vọng

Lật trang sách, bạn sẽ thấy yêu đời

Lời sẻ chia, động viên nơi dòng chữ

Sẽ thấy lòng mình đầy nhẹ nhõm, an yên.

Đúng vậy, như một nhận xét của giới phê bình văn học đối với cuốn sách đang lôi cuốn người đọc: "Những cảm xúc khi đọc sách luôn tươi mới với và tác phẩm này làm mình người đọc thực sự thấy cuộc sống này vô cùng quý giá”.

Trang sách nhỏ nhưng lớn lao tình ý

Hãy cho sách những tình cảm yêu thương

Trân trọng sách như người thân, bè bạn

Trên mọi nẻo đường, cuốn sách mang theo.

Ai cũng nên đọc sách, cố gắng mỗi ngày đọc vài trang sách để làm tươi mới bản thân và ngày càng yêu sách hơn…

Trích bài hát: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

PTV: Quý vị và các bạn đang nghe chương trình Tạp chí VNCN của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa Quý vị và các bạn!  Quảng Trị là vùng đất đi vào lịch dân tộc với những dấu ấn khó quên và gắn liền với bề dày văn hóa cũng như cốt cách con người mang dấu ấn của một vùng đất miền Trung nắng gió. Với những con người sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị hay những ai có dịp đặt chân đến đây cũng đều dành những tình cảm yêu mến và tự hào. V

PTV: Với họa sỹ Hồ Thanh Thoan- Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị, trong lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh, ông đã có nhiều sáng tác về quê nhà Quảng Trị mà gần đây nhất ông đã  chắp bút và xuất bản tập sách với tựa đề  “Một số lễ hội làng nghề và trò chơi dân gian Quảng Trị”. Chúng ta hãy cùng gặp gỡ với họa sỹ Hồ Thanh Thoan để cùng tìm hiểu về tập sách này.

1.     Thưa ông Hồ Thanh Thoan!  Được biết, vừa qua ông đã xuất bản tập sách với tựa đề: “Một số lễ hội làng nghề và trò chơi dân gian Quảng Trị”. Xin ông chia sẽ đôi nét về tập sách này ạ?

Ông Thoan trả lời…

2.     Và ắt hẳn để có những bài viết trong tập sách này, bản thân ông đã đi đến nhiều nơi trên mảnh đất Quảng Trị. Vậy ông cảm nhận ntn về văn hóa của vùng đất quê hương mình ạ?

Ông Thoan trả lời…

3.     Vậy điều ông mong muốn thông qua tập sách “Một số lễ hội làng nghề và trò chơi dân gian Quảng Trị”, ông mong muốn điều gì ạ?

Ông Thoan trả lời…

4.     Thưa ông, được biết cùng với văn nghệ sỹ Tỉnh nhà hưởng ứng cuộc thi “Quảng Trị 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” do UBND Tỉnh tổ chức, ông đã gửi tập sách này để tham gia cuộc thi. Vậy ông cảm nhận ntn về ý nghĩa cuộc thi mang lại?

Ông Thoan trả lời…(Nối 2 câu)

XIn cảm ơn ông Hồ Thanh Thoan với cuộc trò chuyện ý nghĩa này.

Trích bài hát: Quảng Trị mảnh đất ta yêu

PTV: Kính thưa Quý vị và các bạn! Trong những ngày này, Đảng bộ chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị cho sự kiện trọng đại sắp diễn ra- đó là kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1.5. 1972-1.5.2022) và  50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Vâng! Mảnh đất, con người Quảng Trị anh dũngkiên cường trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc  không chỉ đi vào lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc mà đó còn là những mạch nguồn cảm xúc để người nghệ sỹ có những sáng tác thật hay và xúc động về vùng đất anh hùng.

Trích bài hát: Cỏ non Thành cổ

PTV: Quý vị và các bạn vừa đến với trích đoạn bài hát Cỏ non Thành cổ của nhạc sỹ Tân Huyền. Thưa Quý vị và các bạn! Trong một chuyến đi thực tế taị Quảng Trị gió Lào và cát trắng. Một sáng mưa xuân năm 1990 tại Thành Cổ Quảng Trị vẫn còn trong đổ nát, hoang tàn vì vết thương chiến tranh, một sắc xanh kì lạ của cỏ nơi đây, một câu nói nặng trĩu lòng về sự hi sinh của hàng triệu chiến sĩ đã ngã xuống vì sự vẹn nguyên Thành Cổ của Nhà văn Nguyễn Quang Lập: “Dưới lớp cỏ xanh này hiện có rất nhiều hài cốt chiến sĩ mình hi sinh trong 81 ngày đêm, anh xem sáng tác về bài hát này đi”… dường như tất thảy hòa vào làm một tạo nên dòng thác cảm xúc để rồi nhạc sĩ Tân Huyền mải miết viết những nét nhạc đầu tiên: “Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ/Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa. Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về”…

Bài hát bắt đầu một cách nhẹ nhàng và dung dị, như một lời ru với những người đã khuất: “Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ - Bình minh Thành cổ cỏ mềm theo gió đung đưa”. Có thể thấy rất rõ sự phối hợp ăn ý, tài hoa giữa tính hình tượng trong văn học và giai điệu tạo cảm giác dặt dìu, nhẹ êm lan tỏa trong hồn người. Nhưng, đến câu nhạc nhắc lại “Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ” thì sự láy đi láy lại tạo nên giai điệu da diết, ám ảnh khiến thanh âm câu hát như chất chứa sự dồn nén của cảm xúc, thấp thoáng một cảm giác bồn chồn, một nỗi buồn mênh mang mở đường cho sự bùng nổ của hiện thực chiến tranh đang hiện diện dưới “màu xanh non tơ” của cỏ, trên dáng vẻ vô tư của “cỏ mềm theo gió đung đưa”.

Trong chiến tranh, hi sinh, tổn thất là điều không thể tránh khỏi, người lính ra trận có thể coi cái chết là “không đáng kể” bởi phía trước họ là bầu trời Tổ quốc, sau lưng họ là hình ảnh quê hương “nắng dài bãi cát/Gió lộng xôn xao sóng biển đu đưa”, dẫu biết vậy nhưng sao tim vẫn nhói đau: “Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về”. Câu cảm hòa điệu trong lời hỏi khiến lời hát như dừng lại, giọt âm thanh như ngừng lặng xoáy quặn vào lòng người nỗi đau mất mát khôn nguôi.

Trích

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, có biết bao người mẹ mất con, vợ mất chồng, người em gái mất người thương! Không thể thống kê, không thể trả lời, hiện thực khốc liệt của chiến tranh “nơi đây một thời máu đổ” chen lẫn cảm xúc thực tại tạo nên độ nhòe giữa không gian hiện tại và không gian hồi tưởng, giai điệu trầm hùng, bi tráng của ca khúc tựa lời Tổ quốc và nhân dân tiễn biệt những đứa con của quê hương đi vào cõi bất tử! Bài hát mang phẩm chất anh hùng ngay trong nỗi buồn, đó là cái đặc biệt, cái tài tình của cố nhạc sĩ Tân Huyền.

Cố nhạc sĩ Tân Huyền (tên thật Phan Văn Tần, sinh 1931, mất 2008) là tác giả của rất nhiều tác phẩm. Khác với những suy nghĩ trước đây của Tân Huyền trong các sáng tác, triết lý trong ca khúc “Cỏ non Thành cổ” của ông thật giản dị mà sâu lắng: sự hy sinh xương máu cho đời xanh như cỏ, cho thế hệ sau long lanh, tươi tắn như ngọn cỏ xuân...Ca khúc với ca từ giản dị đến mẫu mực nhưng sức đồng vọng của nó lan tỏa và đọng lại theo thời gian. Không chỉ da diết, sâu lắng về giai điệu, cũng không hoàn toàn là nghệ thuật tổ chức ca từ chắt lọc đến mức bình dị, “Cỏ non Thành Cổ” ngay từ khi ra đời đã là tiếng lòng, là cảm xúc tận cùng trái tim của hàng triệu gia đình Việt Nam sau chiến tranh…

 Bao nhiêu năm qua, bài hát“Cỏ non Thành cổ” không chỉ gợi nhắc đến một địa danh anh hùng đã đi vào lịch sử mà còn là “nén nhang viếng người nằm dưới cỏ” của những người đang sống, những người đang được hưởng cuộc sống hoà bình. Ca khúc chính là thông điệp nhắn gửi đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ hôm nay: Xin đừng quên quá khứ hào hùng, xin đừng vô tình với những người đã nằm xuống cho sự trường tồn của quê hương, đất nước. Đó chính là điều mà nhạc sĩ muốn gửi gắm qua bài hát cho tất cả những ai hôm nay đang được sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc.

 Trích bài hát

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 20/04/2022 09:33 Lê Vĩnh Nhiên 20/04/2022 16:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà