Tạp chí Dân tộc và miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

 

Tạp chí dân tộc ngày 24.4.2022

PS1: Yêu biên cương qua tiết học biên giới

PTV: Xin kính chào đồng bào và các bạn. Đồng bào và các bạn đang đón xem Tạp chí Dân tộc của Đài PTTH Quảng Trị. Trong 30 phút ngày hôm nay, mời đồng bào và các bạn cùng đến với một số nội dung sau: Mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ rừng bền vững. Tiếp đó là phóng sự: Yêu biên cương qua tiết học biên giới. Cuối cùng là ghi nhận:

Sau đây mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi nội dung chi tiết của chuyên mục.

Dẫn:

Thưa đồng bào và các bạn, nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong việc thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” được tổ chức Y tế Hà Lan- Việt Nam (MCNV) tài trợ tại tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2020- 2023, MCNV và các đơn vị phối hợp đã thúc đẩy các cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực Bắc Hướng Hóa thực hiện các sáng kiến về bảo vệ rừng bền vững gắn với phát triển sinh kế. Một trong những kết quả là mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC tại thôn Chênh Vênh xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa. Đây được xem là mô hình đặc thù đầu tiên tại Quảng Trị khi kết hợp giữa du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ rừng bền vững, là sự khẳng định về năng lực của cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ và khai thác rừng một cách an toàn, bền vững.

Mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ rừng bền vững

 

Thôn Chênh Vênh xã Hướng Phùng có diện tích tự nhiên hơn 1500 ha với hơn 130 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống. Thôn nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, được bao bọc bởi núi rừng, sông suối, được thiên nhiên ban tặng lợi thế với hệ thống rừng, đồi hoang sơ, hùng vỹ, đặc biệt có thác Chênh Vênh, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của huyện Hướng Hóa, bên cạnh đó rừng cộng đồng Chênh Vênh là một trong hai cánh rừng đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế FSC. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng với các tiềm năng về nông thổ sản bản địa, Chênh Vênh là đơn vị có thể đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Nắm bắt được những lợi thế tự nhiên của Chênh Vênh, những năm qua tổ chức Y tế Hà Lan- Việt Nam (MCNV) cùng với người dân và chính quyền địa phương đã nỗ lực để thực hiện các hoạt động sinh kế như trồng trẩu, đào tạo nghề sản xuất mây tre, phát triển du lịch cộng đồng, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu mua nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ như song, mây, tre có chứng nhận FSC… đặc biệt trong thời gian qua, MCNVđã nỗ lực cùng địa phương và người dân xây dựng một hướng đi mới trong phát triển kinh tế xã hội đó là làm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng găn với quản lý rừng bền vững và phát triển sinh kế.

Ông Nguyễn Đình Đại

Trưởng Đại diện MCNV tại Quảng Trị

MCNV bắt đầu hỗ trợ cộng đồng này từ năm 2017, trong quá trình làm việc thì một trong những ý tưởng tiềm năng là thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng gắn với quản lý rừng bền vững vì đây là một trong những cộng đồng quản lý diện tích trên 1 nghìn ha rừng tự nhiên. Ở đây MCNV đã phối hợp với chính quyền địa phương và bà con đầu tư vào việc cải tạo các khu cảnh quan tự nhiên làm các khu home stay để du khách ở, cải tạo thác du lịch Chênh Vênh, bên cạnh đó ở đây có nhiều khu rừng cộng đồng có cảnh quan rất đẹp do đó chúng tôi chọn ra hai điểm rừng cộng đồng để làm tuyến du lịch với mong muốn du khách có trải ngiệm rừng tự nhiên. Đây là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên tại Hướng Hóa do đó thời gian đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đã cố gắng khắc phục và trong thời gian tới chúng tôi mong muốn bà con vừa tổ chức hoạt động du lịch vừa học hỏi để cải thiện dịch vụ của mình để cố gắng mạng đến một dịch vụ chuyển nghiệp ở khu vực này. Một trong những mong muốn mục tiêu lớn hơn là chúng tôi cùng với bà con thực hiện đánh giá chứng chỉ dịch vụ hệ sinh thái theo chứng chỉ FSC, đặc biệt nhấn mạnh đến việc hấp thụ cacbon, nếu thành công trong việc đánh giá thì chúng tôi sẽ tìm kiếm các tổ chức, các nhà tài trợ sẵn sàng chi trả cho những dịch vụ hệ sinh thái đang thực hiện.

Để bắt đầu triên khai Dự án du lich cộng đồng, thôn Chênh Vênh đã tổ chức thành lập các tổ nhóm phục vụ. quá trình xây dựng đã hình thành 3 tổ phục vụ bao gồm tổ phục vụ du khách tham quan thác Chênh Vênh, tổ hỗ trợ du khách cắm trại dã ngoại đồi Sa Mươi và tổ phục vụ ẩm thực bản địa. các tổ nhóm này đã được tập huấn, đào tạo các kỹ năng cơ bản về hỗ trợ du lịch dã ngoại, hỗ trợ tham quan thác Chênh Vênh, phục vụ ẩm thực bản địa…

Làng du lịch cộng đồng được thực hiện tại cụm dân cư Rờ Vê, thôn Chênh Vênh. Với sự đầu tư ban đầu của MCNV bao gồm các hạng mục cơ bản như xây dựng nhà sàn làm nhà lưu trú và trưng bày; cải tạo nhà sàn người dân làm nhà lưu trú; xây dựng hệ thống điện mặt trời, giếng nước, quầy trưng bày nông sản; khảo sát, cải tạo một số điểm tham quan như khu rừng vầu, thác Chênh Vênh.

Đặc biệt điểm nhấn trong chuỗi du lich cộng đồng này là khu cắm trại, săn mây đồi Sa Mươi. Đây vốn dĩ là khu làng cũ của người Vân Kiều thôn Chênh Vênh, sau chiến tranh, người dân trong làng di chuyển ra khu vực khác và đồi Sa Mươi trở thành điểm chăn thả gia súc của làng. Với vị trí nằm trong lòng khu vực rừng cộng đồng quản lý, đồi Sa Mươi có vị trí đẹp, cao ráo, thoáng đãng thích hợp cho việc cắm trại dã ngoại, săn mây… trong thời gian triển khai dự án du lịch cộng đồng, Dự án MCNV đã tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng làm du lịch dã ngoại cho một số thành viên của nhóm du lịch cộng đồng. Hiện tại các thành viên của tổ đã được trang bị kỹ năng phục vụ du lịch dã ngoại như tổ chức cắm trại ngoài trời, tổ chức đêm lửa trại, săn mây, thả diều…

Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của Dưn án MCNV, chính quyền các cấp xã Hướng Phùng, chính quyền và các phòng chức năng huyện Hướng Hóa cũng đã phối hợp tích cực với tổ chức để hỗ trợ tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng, trang bị trang phục truyền thống, hỗ trợ các trang thiết bị cho khách lưu trú và du lịch dã ngoại.

Bà Nguyễn Thị Huyền

Trường phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hướng Hóa, Quảng Trị

Hướng Hóa được biết đến là một trong những tiềm năng phát triển du lịch như các di tích lịch sử nổi tiếng, nhiều danh thắng đẹp, có nhiều bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pako, có nhiều nông sản đặc trưng vùng miền, đặc biệt là cà phê. Gần đây Hướng Hóa được xây dựng nhiều trung tâm điện gió, những cánh đồng điện giáo này cũng trở thành điểm tham quan du lịch độc đáo. Để khai thác những thế mạnh du lịch này trong thời gian qua chúng tôi cũng đã nỗ lực xây dựng và khai thác, đặc biệt ý thức làm du lịch của người dân đã được nâng lên, ngày càng có nhiều mô hình được người dân đầu tư xây dựng phục vụ du lịch, điều đáng ghi nhận là những mô hình này được đầu tư bài bản, sáng tạo. Riêng đối với cộng đồng dân tộc thiếu số việc làm du lịch còn khá mới mẻ, việc khai thác chưa xứng tầm, để hỗ trợ bà con chúng tôi đã phối hợp với các tổ chức đứng chân tại địa bàn xây dựng làng du lịch sinh thái Chênh Vênh, qua mô hình đã tạo điều kiện cho bà con có cơ hội quảng bá nông sản, quảng bá những danh thắng địa phương, quảng bá văn hóa bản địa, qua đó thúc đẩy việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Sau những nỗ lực của bà con thôn Chênh Vênh và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay thôn Chênh Vênh đã được ghi dấu ấn đặc biệt, đó là trở thành một trong hai thôn đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý và đặc biệt thôn Chênh Vênh đã hình thành nên mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng đầu tiên tại huyện Hướng Hóa. Đây cũng được xem là mô hình đặc thù đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị khi kết hợp giữa du lịch cộng đồng và quản lý rừng bền vững. những người dân ngày nào chủi quen với việc đi nương đi rẫy thì nay bắt đầu tập làm quen với việc làm du lịch, khó khăn bước đầu là không nhỏ thế nhưng trách nhiệm với cộng đồng, với rừng núi quê hương, những người Van Kiều mộc mạc hồn nhiên ngày nào đã biết khắc phục khó khăn, cố gắng học hỏi để bắt tay vào làm du lịch cộng đồng.

Người dân Chênh Vênh được xây dựng mới nhà cửa, họ trồng rau để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của mình và cả cho du khách, rồi trồng hoa để đổi thay diện mạo bản làng, thu hút người gần xa đến với mình. Họ tập lại các làn điệu dân ca với nhạc cụ truyền thống, nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa bản địa cổ truyền và hướng đến du lịch. Từng công việc của bà con đã bắt đầu có kế hoạch với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương và ngành chức năng, không còn là hoạt động tự phát mà luôn hướng tới mục tiêu tạo dựng du lịch cộng đồng là một khái niệm còn quá mới mẻ không chỉ ở vùng cao.

Ông Hồ Văn Chiến - Trưởng nhóm Bảo vệ rừng cộng đồng

Thôn Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa, Quảng Trị

Từ khi được nhà nước và tổ chức Y tế Hà Lan - Việt Nam quan tâm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, bà con có thêm công ăn việc làm, bà con có thêm thu nhập ổn định cuộc sống qua đó bà con gắn bó hơn với việc quản ly bảo vệ rừng cộng đồng bền vững.

Quang cảnh bản làng Chênh Vênh đã khác trước rất nhiều dù dự án du lịch này đang tiếp tục hoàn thiện. Việc mới và khó, chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải giải quyết, nhiều khó khăn trước mắt và lâu dài sẽ phải vượt qua. Người dân tuy vẫn còn bỡ ngỡ nhưng cũng đã quen dần với những hoạt động bề nổi mang tính mục đích tạo nên một môi trường du lịch để chào mời du khách, kéo họ đến đây ăn ở, vui chơi, thưởng ngoạn và trải nghiệm với những điều kỳ thú, được sống chậm lại và ngắm nhìn những phong cảnh hùng vĩ, xinh đẹp của núi rừng hoang sơ, được lắng đọng với đại ngàn xanh thẳm. mọi việc chỉ mới bắt đầu, còn rất nhiều điều Ban Quản lý làng du lịch sinh thái Chênh Vênh cần phải học hỏi và đúc rút kinh ngiệm, nhưng điều quan trọng nhất đó là người dân, những người bản địa tuy lần đầu làm du lịch cộng đồng nhưng đã mạnh dạn, tự tin sau một quá trình được đào tạo, trau dồi kiến thức.

Anh Hồ Văn Nhâng

Tổ hỗ trợ tham quan rừng cộng đồng Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa

MCNV đã hỗ trợ tập huấn cho anh em trong tổ bảo vệ rừng, những kiến thức tập huấn khá đa dạng, phong phú như nấu ăn, tập huấn kỹ năng du lịch dã ngoại, tập huấn các kỹ năng để hỗ trợ du khách khám phá rừng, thác nước an toàn. Sau các buổi tập huấn, tôi và bà con đã có thêm kiến thức về văn hóa ẩm thực, các kỹ năng hỗ trợ cần thiết và có thể phục vụ du khách.

Anh Hồ Văn Quyết

Tổ hỗ trợ tham quan thác Chênh Vênh, Hướng Phùng, Hướng Hóa

Khi du khách đến tham quan chúng tôi sẽ hướng dẫn tham quan quầy nông sản, hỗ trợ nhu cầu lưu trú của khách như phục vụ chăn màn, giường chiếu... bên cạnh đó khi du khách có yêu cầu thì tổ chức phục vụ các món ăn truyền thống của người Vân Kiều chúng tôi.

Có thể nói sự hình thành mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được hình thành và phát triển là một nỗ lực rất lớn của người dân Chênh Vênh, đây là hệ quả của sự cố gắng không biết mệt mỏi của quá trình bảo vệ rừng bền vững của cộng đồng. Bà con có thể tự hào về năng lực quản lý, bảo vệ và khai thác tiềm năng rừng cộng đồng của mình. Giờ đây, bắt tay vào thực hiện công việc mới, lợi thế vùng cao đã được đánh thức đúng nghĩa, dù biết rằng hành trình phía trước không hề đơn giản, câu trả lời còn đang ở phía tương lai. Nhưng nếu chính quyền địa phương sâu sát, người dân đồng lòng thì sẽ vượt qua những chướng ngại vật trên con đường phát triển. Vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng vào một Chênh Vênh sẽ thay da đổi thịt trong tương lai gần, khiến cho nơi đây trở thành một điểm sáng trong bản đồ du lịch miền Tây Quảng Trị.

 

 

PS2: PTV: Thưa đồng bào và các bạn. Thời gian qua, nhằm giáo dục ý thức tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, chủ động phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh, Đồn Biên phòng Thuận chủ động phối hợp các đơn vị trường học trên địa bàn xã Thuận, huyện Hướng Hóa triển khai hoạt động ngoại khóa “Tiết học biên cương” thu hút được đông đảo học sinh hưởng ứng tham gia. Sau đây mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi chương trình.

Đồn Biên phòng Thuận được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 13,88km đường biên giới trên sông, 2 cọc dấu trên địa bàn . Đời sống của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, nhất là các hiệp định, quy chế biên giới. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn cùng với cấp ủy, Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn tích cực phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó chương trình tiết học biên cương là một trong những hoạt động cụ thể hóa chương trình phối hợp. Xác định tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cần bắt đầu từ học sinh, những công dân tương lai có trách nhiệm bảo vệ biên giới. Những giờ học ngoại khóa do các cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng luôn được các thầy cô, học sinh hào hứng đón nhận. Khác với những tiết học hằng ngày, hôm nay các bạn học sinh trường Trung học cơ sở Thuận, huyện Hướng Hóa có tiết học đặc biệt. Thầy giáo đứng lớp là các cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Thuận. Mở đầu tiết học như thường lệ, các em học sinh được nghe lực lượng biên phòng tuyên truyền về chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đâu là đường biên, cột mốc. Với những bài giáo án đã được chuẩn bị sẵn, cách dạy cuốn hút, các em học sinh chăm chú lắng nghe.

Có rất nhiều hoạt động khi triển khai mô hình “Tiết học biên giới” để truyền đạt những kiến thức cho học sinh. Ví dụ giảng bài ở lớp học thông qua phương tiện thông tin trực tuyến và trực tiếp; đưa học sinh ra thực địa tham quan cột mốc, cọc dấu, thậm chí bố trí cho các em đi tuần tra cùng với bộ đội trên những đoạn đường biên thuận lợi. Khi có tiết học biên giới ngoài thực địa cột mốc, cọc dấu, cán bộ biên phòng thường chuẩn bị chương trình, giáo án kỹ càng. Với những nội dung liên quan đến vấn đề pháp lý, phải trang bị đầy đủ các kiến thức pháp luật cần thiết để giảng giải cho các em với nội dung chính xác theo các quy định của pháp luật với mong muốn truyền đạt cho các em một cách nhẹ nhàng và dễ dàng tiếp thu. Các cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Thuận phải chuẩn bị rất công phu thông qua những bài giảng thực tế, giáo án điện tử, hình ảnh trực quan sinh động.  

Em Hồ Thị Hin

Trường Trung học cơ sở Thuận, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch:

Từ đầu năm học đến này, em cũng như các bạn ở đây đã tham gia học được 13 tiết học biên giới. Được học ở lớp và học ở ngoài đường biên, cột mốc. Khi trực tiếp nghe các chú biên phòng nói về lãnh thổ quốc gia, làm gì để bảo vệ đường biên, cột mốc chúng em càng hiểu thêm trách nhiệm của mình. Không những mình mà còn tuyên truyền cho những người xung quanh biết bảo vệ chủ quyền quốc gia. Em rất vui khi được tham gia tiết học biên giới như thế này.

Nhiều năm nay, mô hình “Tiết học biên giới” đã đồn biên phòng Thuận phối hợp với nhà trường trên địa bàn thực hiện có hiệu quả. Thông qua cách làm sáng tạo này, những người lính biên phòng đã trực tiếp tuyên truyền cho các em học sinh kiến thức cơ bản về chủ quyền, an ninh biên giới, từ đó, xây dựng ý thức trách nhiệm cho các em biết trân trọng, bảo vệ sự bình yên nơi biên cương Tổ quốc.

Cùng tham gia lớp học ngay tại cọc dấu 606 thuộc Đồn biên phòn Thuận quản lý,  cô Lê Thị Hồng Vân – giáo viên trường THCS Thuận cho biết, từ các năm nay, nhà trường và đồn biên phòng đã cùng triển khai mô hình này. Những “Tiết học biên giới” giúp cô và trò hiểu rõ hơn về những vấn đề liên quan đến biên giới, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam với các nước láng giềng. Đặc biệt, việc triển khai mô hình lớp học thực tiễn sinh động giúp tạo hứng thú cho học sinh học tập, tìm hiểu về kiến thức lịch sử, địa lý hiệu quả. Bản thân các em học sinh khi tham gia chương trình rất hào hứng. Không chỉ đưa học sinh đến thực địa tìm hiểu về cọc dấu, cán bộ chiến sĩ biên phòng còn thường xuyên đến trường giảng dạy thêm cho các em kiến thức pháp luật, chủ quyền biên giới quốc gia, đấu tranh và phòng chống các tệ nạn xã hội; phòng, chống tội phạm ma túy, nạn mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới...Nội dung các tiết học biên giới chủ yếu cung cấp thông tin về lịch sử cũng như mục đích, ý nghĩa của hệ thống đường biên, cọc dấu trên địa bàn mà đơn vị quản lý; trách nhiệm và vai trò của quần chúng nhân dân đối với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Các em học sinh chính là những tuyên truyền viên ngay trong gia đình cũng như bản làng thông qua kiến thức đã được giảng dạy ở thực địa, sau này trở thành những công dân tốt, có ích và cùng với Bộ đội biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Em Hồ Thị Linh

Trường Trung học cơ sở Thuận, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Em và các bạn đã tham gia nhiều tiết học biên giới như thế này. Được học tại lớp, được ra thẳng cọc dấu để nhận biết và học thêm được nhiều bài học, kiến thức bổ ích. Từ đó em và các bạn hiểu nhiều hơn về chủ quyền biên giới quốc gia, biết ranh giới địa phận giữa Lào và Việt Nam. Em hi vọng rằng chúng em sẽ được học thêm nhiều tiết học như thế này nữa.

Cô giáo Lê Thị Hồng Vân

Giáo viên trường THCS Thuận, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch:

Chủ đề về tác hại của ma túy cũng được lồng ghép vào các tiết học để các em có ý thức tránh xa tệ nạn này. Không chỉ dừng lại ở việc cán bộ đồn biên phòng tới trường học để giảng dạy mà còn có nội dung tổ chức đưa học sinh và thầy cô giáo đi tham quan quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu và giới thiệu về cột mốc, cọc dấu cũng như quy trình tuần tra đường biên, cột mốc…

Việc đưa "Tiết học biên cương" vào dạy ngoại khóa cho các em học sinh là rất cần thiết. Qua đó, giúp các em được trang bị những khái niệm, kiến thức về biên giới, lãnh thổ, về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Với những kiến thức có được qua tiết học, các em còn là những tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền trực tiếp đến gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư tại thôn, bản". Thực tế cho thấy, mô hình "Tiết học biên cương" của Đồn Biên phòng Thuận đã trực tiếp giúp các em học sinh trên địa bàn biên giới nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu hơn về đường biên, mốc giới, quốc giới. Từ đó, xác định được trách nhiệm của bản thân và cộng đồng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Những bài học từ thực địa không chỉ giúp học sinh nắm bắt kiến thức về lịch sử mà còn góp phần hình thành lòng tự hào, tự tôn dân tộc, giúp các em hiểu được giá trị thiêng liêng của chủ quyền lãnh thổ để từ đó tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, chung tay xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển.

Thượng tá Phan Văn Thoại

Chính trị viên Đồn biên phòng Thuận, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Thực hiện kế hoạch của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, Đảng ủy, Ban chỉ huy đồn phối hợp với các trường trên địa bàn Thuận đã tổ chức chương trình Tiết học biên giới. Đơn vị cũng như nhà trường đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ để truyền đạt cho các cháu học sinh những kiến thức cơ bản nhất về cột móc, cọc dấu biên giới, đường biên. Ngoài ra các đơn vị cũng như nhà trường triển khai học tại vị trí cọc dấu để các cháu hiểu hơn về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Sau khi công tác phòng chống Covid trên địa bàn cơ bản ổn định, Đảng ủy Ban chỉ huy Đồn tiếp tục triển khai nhiều mô hình, nhiều tiết học như thế này cho các học sinh tại lớp cũng như tại thực địa. Trang bị cho các cháu những kiến thức cơ bản nhất về luật biên phòng cũng như móc quốc giới, cùng lực lượng Bộ đội biên phòng bảo vệ, giữ gìn đường biên, cột móc trên địa bàn.

Thầy giáo Lê Cảnh Hoài

Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thuận, Hướng Hóa, Quảng Trị

Đọc dịch: Đồn biên phòng Thuận phối hợp với Trường Trung học cơ sở Thuận kết hợp xây dựng những kế hoạch để triển khai đến từng cán bộ, giáo viên, học sinh trong toàn trường. Được sự hưởng ứng thực hiện nghiêm túc của toàn thể nhà trường. Qua quá trình giảng dạy của lực lượng biên phòng Thuận, các em học sinh đã nhận thức mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ của các em học sinh đối với việc giữ gìn biên cương, cột móc giữa 2 nước Việt Nam – Lào. Hiệu quả của các tiết dạy là rất hiệu quả, đặc biệt nhất là ý thức tuyên truyền đối với gia đình, người thân của các em học sinh. Ví dụ có người lạ đến đường biên, có người thân ở nước bạn Lào sang…trong tình hình dịch CoVid19, các cháu luôn trao đổi ngay với nhà trường để kịp thời nắm bắt thông tin và hướng giải quyết phù hợp.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “Tiết học biên cương”, Đồn biên phòng Thuận sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở và các nhà trường trong xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để “Tiết học biên cương” mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là giúp các em học sinh trên địa bàn biên giới thêm hiểu về trách nhiệm, ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc và ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia.

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 22/04/2022 07:22 Lê Vĩnh Nhiên 25/04/2022 07:11
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà