Phụ nữ và cuộc sống
Danh mục
Phụ nữ và cuộc sống
NỘI DUNG

Chuyên mục phụ nữ và cuộc sống 7/5

MC1: Kính chào QV & các bạn! Bây giờ là 10 phút của chương trình phụ nữ và cuộc sống của Đài PTTT Quảng Trị.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Trao sinh kế hỗ trợ phụ nữ nghèo vùng biển phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững là hoạt động thiết thực, ý nghĩa được Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tích cực triển khai thực hiện. Chuyên mục phụ nữ và cuộc sống sẽ có ghi nhận về hoạt động này, mời QV & các bạn cùng nghe!

Nhạc cắt

MC1: Thưa QV & các bạn! Vùng biển bãi ngang và vùng đồng bằng ven biển huyện Triệu Phong là vùng cát với diện tích tự nhiên rộng, trước đây có nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ nghèo, đời sống khó khăn. Trước tình hình đó cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, ban ngành, đoàn thể, Hội LHPN huyện Triệu Phong đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững, góp phần cùng địa phương xây dựng Nông thôn mới.

MC2: Hội LHPN huyện Triệu Phong đã kịp thời bắt tay vào việc hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển kinh tế, góp phần cùng toàn huyện tạo sự chuyển biến về kinh tế xã hội và nâng cao đời sống cho từng hộ gia đình. Với quan điểm, để thay đổi cuộc sống cho các hộ gia đình hội viên không phải một sớm, một chiều mà phải cần có sự đầu tư, tập trung lâu dài, cần sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực và ý chí thoát nghèo của chính cán bộ, hội viên phụ nữ vùng biển. Với những trăn trở, suy nghĩ tìm những cách làm mới, làm hay, phù hợp với năng lực, nhu cầu của chị em, chọn một số giải pháp ưu tiên, trọng tâm, khai thác thế mạnh sản xuất vùng cát để phát triển sinh kế bền vững. Hội LHPN huyện Triệu Phong đã chủ động kết nối, huy động nguồn lực, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền, một số ban ngành, các tổ chức phi Chính Phủ…phối hợp với hội phụ nữ các xã vùng biển bãi ngang xây dựng nhiều mô hình hoạt động hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ vùng biển.

MC1: Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em vùng biển về phát triển kinh tế, phối hợp với Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị truyền thông đối thoại chính sách hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển kinh tế tại xã Triệu Lăng, Triệu Trạch  với hơn 100 hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã để chia sẻ về các chính sách liên quan đến hỗ trợ người dân khó khăn và có nhiều chính sách hợp lý như xây dựng đề án cây con chủ lực giai đoạn 2016 - 2020; thực hiện các chương trình xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho ngư dân vùng biển...Từ năm 2015 đến nay, Hội cũng đã tổ chức tuyên truyền, tuyền truyền lồng ghép vào trong các buổi sinh hoạt Hội, nhóm Phụ nữ tiết kiệm, tín dung, nhóm tương hỗ... Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, đào tạo nghề...cho hơn 5.000 lượt hội viên, phụ nữ vùng biển như: Chăn nuôi lợn, trồng cỏ nuôi bò, nuôi bò, vịt, gà, nuôi tôm,cá..., kỹ thuật trồng ném, đậu đen xanh lồng, đậu đỏ, đậu xanh, trồng lạc, trồng khoai lang tím, ném, kiệu, mướp đắng, sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên, kỹ thuật chế biến món ăn, chế biến thủy hải sản như: Chế biến nước mắm, ruốc, hấp sấy cá...

MC2: Từ những lớp tập huấn, truyền thông, tuyên truyền, nhiều chị đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, trồng trọt, biết đầu tư xây dựng các mô hình. Được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện với nhiều hình thức, tín chấp cho vay vốn, hỗ trợ kiến thức, cây, con giống, vận động hội viên phụ nữ hỗ trợ  hơn  2.000 ngày công thu hoạch mùa, hoa màu cho các hộ khó khăn, nghèo thiếu nhân lực vùng biển.

Chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Linh An xã Triệu Trạch chia sẻ:

Băng ghi âm

MC1: Muốn xây dựng mô hình, đầu tư chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình trước hết phải cần có vốn.  Để huy động nguồn lực về vốn tại chỗ, nguồn tiết kiệm tại chi hội, Hội vận động hội viên, phụ nữ tham các loại hình tiết kiệm: Tiết kiệm tại chi tổ, tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách – xã hội, tiết kiệm trong các tổ góp vốn quay vòng, tiết kiệm trong các tổ hợp tác... đã có 100 % chi hội vùng biển có mô hình tiết kiệm, mỗi năm hơn 500 triệu đồng. Phát huy vai trò của kinh tế tập thể, chị em đã vận động thành lập nhiều mô hình hợp tác với phương thức hoạt động theo tính liên kết, nâng cao vai trò chủ thể của thành viên, chú trọng phát huy tiềm năng, trí tuệ, năng lực của mỗi một thành viên để tạo nên sức mạnh và tính bền vững của mô hình. Chị Phan Thị Hoài My, chủ tịch Hội LHPN xã Triệu Trạch cho biết:

Băng ghi âm

MC2: Cùng với việc vận động gia đình hội viên phụ nữ phát triển đánh bắt hải sản, hội vận động các gia đình hội viên khai thác thế mạnh vùng biển, tận dụng các khu vực  đầm, hồ, diện tích bãi bồi và mặt nước tự nhiên để nuôi thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt các loại, nuôi tôm trên cát...Vận động chị em phát triển kinh tế vùng đất cát, rừng tự nhiên và rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát  nhằm giảm cường độ gió, chắn cát di động, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, các khu dân cư và vùng sản xuất cùng với các xã ven biển giữ vững  tổng diện tích đất có rừng hơn 700 ha; vận động gia đình hội viên phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, đảm bảo bền vững, an toàn dịch bệnh.

MC1: Phát triển mạnh nông nghiệp sạch, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm. Với lợi thế về nuôi trồng thủy sản, khi nước biển trở lại bình thường, các hộ gia đình hội viên, phụ nữ cùng với địa phương đã mở rộng diện tích ao nuôi lên trên 300 ha. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ vùng biển phát triển kinh tế đã tác động tích cực đến đời sống, tạo tư tưởng “an tâm”, chổ dựa vững chắc cho hội viên, phụ nữ vùng biển.  

Nhạc cắt

Phụ nữ Hải Lăng duy trì nghề truyền thống

MC2: Thưa QV & CB! Cùng với việc hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, tạo nguồn vốn cho chị em phụ nữ, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị cũng quan tâm, chú trọng đến việc gìn giữ các nghề truyền thống tại các địa phương.  Làng Mỹ Thủy, xã hải An, huyện Hải Lăng cùng với nghề biển, nghề làm nước mắm ở đây hình thành đã 500 năm. Làng có gần 1/3 số hộ dân gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống của tổ tiên. Trải qua thời gian, nghề làm nước mắm Mỹ Thủy có lúc thăng trầm nhưng chưa bao giờ thất truyền. Và đa phần trong đó, từ bàn tay của những người phụ nữ nơi miền biển này đã làm nên nguồn nước mắm thơm ngon, đặc trưng bỡi chất lượng và hương vị.

MC1: Nước mắm Mỹ Thủy từ lâu đã nổi tiếng bởi chất lượng và hương vị đặc trưng của nước màu vàng cam, và có lẽ ai đã thưởng thức một lần thì không thể quên được. Đây cũng là lý do mà làng nghề này từng được công nhận là làng nghề truyền thống hơn 500 năm tuổi. Chúng tôi đã được gặp chị Phan Thị Thiện, một người có truyền thống làm nước mắm hơn 20 năm, và được chị kể khá nhiều về việc làm nước mắm của chị em ở các hộ gia đình nơi này. Theo chị, muối cá là khâu rất quan trọng nhất. Không có được kỹ thuật này sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nước mắm. Tỷ lệ cá- muối trộn với nhau phải đều, không mặn quá hay nhạt quá. Quá mặn thì cá sẽ chậm thủy phân, làm ra nước mắm sẽ kém vị ngọt, ngược lại nếu quá nhạt thì dễ bị hỏng. Sau khi muối cá hoàn thành sẽ được cho vào thùng chứa như lu, bể. Trên mặt rắc một lớp muối dày, thường gọi là muối mặt, sau đó bắt đầu gài nén vừa giữ cá mau chín vừa đảm bảo vệ sinh. Dùng các thanh gỗ, đá chèn lên mặt lu làm cho khối cá chìm dưới nước muối, kích thích sự lên men mau chín cá. Điều quan trong là chọn được cá tươi ngon và quy trình làm mắm. chị Thiện nói:

                             ( ghi âm)

MC2: Nước mắm Mỹ Thủy được làm từ nguồn nguyên liệu cá me, cá duội, cá nục tươi kết hợp với nguồn nước, bí quyết chế biến, quy trình ủ chợp, nấu lọc mắm được lưu truyền qua nhiều thế hệ…Điều đáng quý của chị em làm nước mắm ở Mỹ Thủy là họ đã biết hỗ trợ tích cực cho nhau trong việc cung ứng sản phẩm, vay mượn nguyên vật liệu khi gặp khó khăn; chia sẻ thông tin về giá cả thị trường, kinh nghiệm sản xuất, tập huấn nâng cao tay nghề… nhờ vậy nghề ngày càng phát triển bền vững và tạo được uy tín. Quan trọng hơn là chị em làng quê này thực sự yêu nghề truyền thống này. Và cũng là nghề duy nhất được chị em gắn bó. Chị Thiện tâm sự thêm:

                             ( Ghi âm)

MC1: Có thể nói, nước mắm Mỹ Thủy ngày càng được khách hàng khắp nơi ưa chuộng là tín hiệu rất đáng mừng. Để làng nghề ngày càng vươn xa hơn nữa trong tương lai, địa phương chúng tôi cũng kiến nghị các cấp, ngành cần tiếp tục hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá sản phẩm…Bỡi với chị em nơi này, tình yêu nghề truyền thống của quê hương càng tăng thêm động lực để ngày càng làm ngon hơn, chất lượng và đặc trưng hơn.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Chuyên mục phụ nữ và cuộc sống tuần này xin được khép lại tại đây, cảm ơn QV & các bạn đã quan tâm lắng nghe, xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Đón nghe:

Trao sinh kế hỗ trợ phụ nữ nghèo vùng biển phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo bền vững là hoạt động thiết thực, ý nghĩa được Hội LHPN tỉnh Quảng Trị tích cực triển khai thực hiện. Chuyên mục phụ nữ và cuộc sống sẽ có ghi nhận về hoạt động này, mời QV & các bạn đón nghe vào 11h thứ 7 ngày 7/5 trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 04/05/2022 10:32 Lê Vĩnh Nhiên 09/05/2022 09:19
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà