Tạp chí VNCN
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 12.6.2022

PTV: Kính chào Quý vị và các bạn! Rất vui khi được đồng hành cùng Quý thính giả trong Tạp chí VNCN tuần này. Chương trình hôm nay, sẽ giới thiệu cùng Quý vị và các bạn những nội dung đáng chú ý sau đây:

- Suối Đá Bàn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn kết nối với di tích Đền thờ Vua Hàm Nghi

-Bài viết: “Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị sáng tác thơ Em yêu vùng biển quê em”

- Chia sẽ của  nhà văn Hoàng Công Danh về tập truyện dài “Bảy bảy bốn chín”

- Sắc màu quê hương qua tập sách“Một số lễ hội, làng nghề và trò chơi dân gian ở Quảng Trị”

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

1. Thưa Quý vị và các bạn! Được hình thành và xây dựng từ đầu thập niên 40 thế kỷ trước, trải qua biết bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, đến nay chùa Cam Lộ (Quảng Trị) đã được trùng tu, xây dựng khang trang, trở thành địa điểm tâm linh được nhiều người ghé thăm. Nơi đây từng được Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam công nhận “Việt Nam linh thiêng cổ tự”.

Với kiến trúc đặc trưng cùng cảnh quan hài hòa, chùa Cam Lộ đã trở thành điểm đến tâm linh thu hút phật tử và du khách không chỉ trong vùng, trong tỉnh mà cả du khách ở nhiều nơi tìm đến lễ phật, tham quan, thưởng lãm. Đặc biệt, chùa Cam Lộ từng được Liên hiệp các tổ chức UNESCO Việt Nam công nhận là “Việt Nam linh thiêng cổ tự” bởi sự linh thiêng cũng như những giá trị lịch sử lâu đời mà chùa có được. Từ ngôi chùa lâu đời của người dân trong vùng, chùa Cam Lộ đang trên hành trình trở thành khu du lịch tâm linh của tỉnh Quảng Trị.

2. Suối Đá Bàn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn kết nối với di tích Đền thờ Vua Hàm Nghi. Qua khảo sát, lãnh đạo huyện Cam Lộ khẳng định, đây là địa điểm có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Suối Đá Bàn thuộc địa phận xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, nằm cách trung tâm xã khoảng 5 km. Đây là một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi cao chạy theo hướng Đông - Nam với chiều dài khoảng 2 km, có nhiều bãi đá đẹp với hình thù lạ mắt, có phiến to, bằng phẳng nên người dân gọi là Đá Bàn. Dọc suối có nhiều thác nước vừa phải, trong xanh và mát lạnh; hai bên là rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ và thảm thực vật phong phú, đa dạng...Qua khảo sát, lãnh đạo huyện Cam Lộ khẳng định, đây là địa điểm có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Vì vậy, chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, lập kế hoạch, triển khai các bước tiếp theo nhằm xây dựng suối Đá Bàn trở thành một điểm du lịch hấp dẫn kết nối với di tích Đền thờ Vua Hàm Nghi tại xã Cam Chính.

3. Cô gái Quảng Trị mở nhà hàng ẩm thực Việt trên đất nước Singapore

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh; chị Trần Thị Thương lựa chọn Thành phố Hồ Chí Minh để lập nghiệp. Năm 2017, chị gặp và kết hôn cùng anh Peter- người Malaysia và chuyển sang định cư ở Singapore. Vốn đam mê ẩm thực, thích học hỏi, thử nghiệm, được sự động viên của gia đình,  Trần Thị Thương nhanh chóng bắt tay thực hiện hóa kế hoạch là mở nhà hang nấu các món ăn Việt trên đất nước Singapore.

Thực đơn tại nhà hang 123 Zô Vietnamese BBQ and Hotpot của Trần Thị Thương khá đa dạng, hơn 30 món ăn chế biến thuần hương vị Việt, chủ yếu đặc sản các tỉnh, thành phố miền Trung gồm: bún bò Huế, mì Quảng, bún đậu, bánh lọc, bánh xèo, nem lụi, hến xào, cá chép om dưa... được trang trí bằng nón lá truyền thống và nhiều tranh vẽ phong cảnh Việt Nam trên những vật dụng chất liệu đan lát. Chị Thương cho biết: Từ lượng khách lúc đầu đa phần người Việt, giờ đây khách của nhà hàng bao gồm 30% người Việt Nam và 70% người nước ngoài. Mong muốn của Trần Thị Thương là góp phần quảng bá món ăn, văn hóa, đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế nhiều hơn nữa.

Nhạc cắt

PTV: Kính thưa Quý vị! Tỉnh Quảng Trị có 13 xã và thị trấn giáp biển thuộc 4 huyện vùng Đông là xã Vĩnh Thái, xã Vĩnh Thạch, xã Vĩnh Kim, thị trấn Cửa Tùng của huyện Vĩnh Linh; thị trấn Cửa Việt, xã Gio Việt, xã Gio Hải, xã Trung Giang của huyện Gio Linh; Triệu Vân, Triệu An, Triệu Lăng của huyện Triệu Phong; Hải Khê và Hải An của huyện Hải Lăng. Từ chính cuộc sống gắn bó với bờ biển của quê nhà, thiếu niên nhi đồng ở 13 xã và thị trấn Quảng Trị được chăm sóc và rèn luyện, học tập và vui chơi mà mỗi khi có dịp thể hiện, tình cảm của mình về quê hương đều có những bài thơ về biển. Bài viết: “Thiếu nhi tỉnh Quảng Trị sáng tác thơ Em yêu vùng biển quê em” sẽ gửi đến Quý thính giả sau đây. Mời Quý vị và các bạn cùng nghe.

Làm thơ về biển quê mình, em Trần Thị Lan Trinh ở thị trấn Cửa Tùng viết:

 Những con sóng nối đuôi

Lao xao chân bờ cát

Lắng nghe lời biển hát

Khúc nhạc tình biển khơi…

Không trau chuốt cầu kỳ mà giản dị và phản chiếu ấn tượng về biển trong thế giới tâm hồn trẻ em. Bài thơ Vùng biển quê em của em Trần Thị Lan Trinh giàu sức gợi với những từ ngữ mộc mạc, tự nhiên như lời tự thuật dễ hiểu nhưng có tính nhạc, tính họa nên thơ có sức truyền cảm:

…”Ôi! Mùa về, mùa về

Êm đềm và phẳng lặng

Biển phơi mình trong nắng

Mang sự sống cho đời

Biển quê nuôi con người

Say nghề trên sóng nước

Ra khơi miền xuôi ngược

Biển cùng người xông pha

Mặc dù không sử dụng các thủ pháp nghệ thuật để tạo nên sự lấp lánh nhưng tác phẩm vẫn khắc họa được vẻ đẹp của biển và tình cảm của con người đối với biển quê hương qua những không gian cụ thể, không gian đời thường và không gian tâm tưởng là nét chung trong những vần thơ yêu biển quê hương của thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Trị, như bạn Trần Lê Phương Nhi ở thị trấn Cửa Tùng :

Quê tôi, miền biển

Bờ cát trắng gối đầu lên triền đá

Hàng dương reo, gọi tôm cá đầy khoang

Biển trong xanh, lộng lẫy đến huy hoàng

Nằm êm đềm trong ánh trăng cổ tích

…Biển thân thương nơi chốn quê nhà

Tình người chan hòa, thật thà như vị muối

Mình cùng nhau rong ruổi dưới bình minh

Cùng ra khơi, ngụp dòng nước trong lành

Cùng đắm chìm trong giấc mơ biển hát.

Là thơ của tuổi học trò nhưng những bài thơ sáng tác theo chủ đề Em yêu vùng biển quê em có sức gợi sự suy nghĩ và sự xúc động trong tình cảm khi vừa tả cảnh thiên nhiên vừa miêu tả bức tranh đời sống con người. Nói về biển, thơ vừa tả thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng mà thoáng đọc, thoáng nghe là có thể hiểu được chất nghĩ, chất cảm của tác giả-những trẻ em ở vùng biển Quảng Trị hiện nay. Trần Thị Lan Trinh có thêm bài thơ Quê mình ấm áp tình yêu mang chiều sâu ý nghĩa, khơi gợi những suy cảm về đời sống ở quê nhà bên bờ biển:

Quê mình có biển, có sông, có đồi, có lúa

Sắn khoai thơm bốn mùa thương nhớ

Vườn tiêu, bơ sai quả trĩu cành

Hàng chè tươi mơn mởn lên xanh

Rừng cao su bạt ngàn tầm mắt

Đất đỏ bazan, cát vàng, cát trắng

Bãi tắm yên vui say đắm lòng người

Tiếng máy reo, thuyền rẽ sóng ra khơi

Hải sản tươi, thuyền lại về cập bến

Rộn rã tiếng cười xóm nghề chế biến

Nước mắm thơm, mực cá sấy khô

Đá nổi, đá chìm con sóng lô nhô

Rau mứt, rau câu, tôm hùm, ốc bể

Đặc sản quê mình nơi nào hơn thế

Hương vị ngọt bùi, nặng nghĩa Biển Đông

Với giọng thơ đọc để thấm bằng chính sự biểu đạt giản đơn trong ngữ nghĩa, sự dạt dào trong cảm xúc và sự chân thật trong ngôn từ, thơ của em Hoàng Thị Diệu Vân ở xã Vĩnh Thạch là sự bộc bạch chân thành về những cảm nghĩ, ấn tượng trước biển Cửa Việt:

Cửa Việt đất biển mến thương

Mênh mông xanh thẳm ngất ngây lòng người

Sông bên lặng gió, biển xanh dập dìu

Thênh thang mây trắng ngắm nhìn biển xanh

Cửa Việt đất biển quê ta

Biển xanh mà gió cũng xanh

Nhìn đâu cũng thấy màu xanh yên bình.

Có thể thấy, ẩn chứa trong những câu thơ bình dị ấy của thiếu niên nhi đồng Quảng Trị là cả thế giới tâm hồn yêu biển, yêu quê, cũng như hiểu những giá trị muôn đời của biển với con người, với mảnh đất và đời người bên muôn trùng tiếng sóng Biển Đông. Tình yêu với biển trong những bài thơ ấy của thế hệ tương lai của tỉnh nhà như một điệp khúc giàu chất nhạc và đậm chất họa. Vì vậy, dẫu là tác phẩm ngôn từ của tuổi hồn nhiên nhưng những bài thơ thuộc chủ đề em yêu vùng biển quê em của trẻ em ở các xã vùng Đông tỉnh Quảng Trị vẫn có khả năng vào tới tâm hồn người đọc với nhiều cung bậc cảm xúc, tâm trạng và ánh sáng.

Trích bài hát: Em yêu biển đảo quê em

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Nhà văn Hoàng Công Danh sinh năm 1987, tốt nghiệp ngành Vật lý tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus nhưng nhiều người biết đến anh là nhà văn trẻ với bút lực dồi dào. Anh hiện đang công tác tại Tạp chí Cửa Việt. Hoàng Công Danh đã xuất bản các tác phẩm như: Cõng nhau trong một cõi người, Trong cơn say níu sợi dây đứt, Khói sẽ làm mắt tôi cay, Con tin Stockholm và Chuyến tàu vé ngắn. Và mới đây nhất, anh vừa ra mắt bạn đọc tập truyện dài Bảy bảy bốn chín- được bạn đọc đánh giá là một tác phẩm rất ấn tượng. Chúng ta hãy cùng gặp gỡ với nhà văn Hoàng Công Danh để nghe anh chia sẽ về tập truyện này qua phần trò chuyện cùng BTV Ánh Tuyết.

1.     Trước hết xin chúc mừng Hoàng Công Danh với tập truyện dài “Bảy bảy bốn chín” vừa được xuất bản. Vâng! Ngay từ tựa đề của cuốn sách đã tạo  ấn tượng với người đọc. Anh có thể chia sẽ một chút về điều này ạ?

Anh Danh trả lời…(Nói về lý do mình đặt tên cho tựa đề cuốn sách là gì)

2.     Vậy với tập truyện này, những vấn đề nào của cuộc sống được nhà văn Hoàng Công Danh khai thác ạ?

Anh Danh trả lời…

3.     So với các tác phẩm trước đây của Hoàng Công Danh thì lần này điểm đặc biệt trong tập truyện được anh thể hiện để gây ấn tượng với bạn đọc đó là gì ạ?

Anh Danh trả lời…(Đưa cái kết lên đầu truyện- cái chết của nhân vật…)

4.     Vâng! Một câu chuyện rất ngược phải ko ạ? Vậy để xây dựng cốt truyện như vậy, ắt hẳn  anh cũng trăn trở rất nhiều trước khi đặt bút viết tác phẩm phải ko ạ?

Anh Danh trả lời…

5.     Thưa nhà văn Hoàng Công Danh! sau tập truyện “Cõng nhau trong một cõi người”, người đọc lại bắt gặp anh chọn kể một câu chuyện đậm dấu ấn Phật giáo trong “Bảy bảy bốn chín”. Đây có phải là “nhân duyên” của anh hay ko ạ?

Anh Danh trả lời….

6.     Với mỗi người nghệ sỹ đều thể hiện tình yêu quê hương của mình trong các sáng tác. Và với nhà văn Hoàng Công Danh cũng được mệnh danh là một "nhà văn viết từ làng". Vậy sau tất cả những trang viết của mình, điều mà anh muốn gửi gắm trong những đứa con tinh thần của mình là gì?

Anh Danh trả lời…

Xin cảm ơn nhà văn Hoàng Công Danh với cuộc trò chuyện hôm nay.

Trích bài hát:

PTV: Kính thưa Quý vị và các bạn! Tình yêu quê hương là thứ tình cảm cao qúy và thiêng liêng luôn thường trực trong trái tim của mỗi người. Tình yêu ấy được vun đắp từ những tình cảm hồn nhiên, trong sáng của tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Với nhà báo, họa sỹ Hồ Thanh Thoan, công tác trong ngành văn hóa của tỉnh nhà từ ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại ở các vị trí biên tập viên, họa sĩ trình bày mỹ thuật kiêm phóng viên ảnh, đến lúc nghỉ hưu, ông luôn cần mẫn, xông xáo, sáng tạo để có những tác phẩm tốt phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị. Đặc biệt, một trong những thành quả tốt đẹp được nhà báo-họa sĩ Hồ Thanh Thoan vun đắp bằng tính cần mẫn, xông xáo và sáng tạo là tập sách khảo cứu văn hóa “Một số lễ hội, làng nghề và trò chơi dân gian ở Quảng Trị” vừa được ấn hành trong thời gian gần đây. Bài viết: “Những giá trị thiết thực của tập sách Một số lễ hội, làng nghề và trò chơi dân gian ở Quảng Trị” của CTV Bội Nhiên. Chúng ta cùng nghe.

Với tập sách “Một số lễ hội, làng nghề và trò chơi dân gian ở Quảng Trị” nhà báo-họa sĩ Hồ Thanh Thoan đã dày công khảo cứu, ghi chép, tổng hợp, hoàn thiện 11 bài viết chuyên sâu về lễ hội và 5 bài viết về làng nghề ở tỉnh Quảng Trị. Từ bài viết Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Trị đến Hội Bài chòi ngày xuân, Lễ hội Ném cù ở Gio Mỹ, Lễ hội Ariêuping của dân tộc Pa Kô ở Đakrông, Lễ hội Cồng chiêng ở miền núi Quảng Trị, Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Pa Kô, Lễ cúng Mùa lên rẫy của người Pa Kô và Vân Kiều ở Quảng Trị, Nghề làm mứt gừng ở Mỹ Chánh, Nghề làm nón lá ở Quảng Trị, Làng Rèn bên sông Hiếu, Những làng nghề truyền thống ở tỉnh Quảng Trị, Nghề đan lát truyền thống ở huyện Gio Linh, Hội thi chẻ đá ngày xuân ở xã Gio Hòa, Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Pa Kô, Hội đu xuân làng Lan Đình, Hội kéo co ngày xuân, Hội vật đầu xuân ở Hải Lăng,…Những trò chơi dân gian và các cuộc thi tài sôi động trên đất Quảng Trị cho thấy tác giả đã có sự tiếp xúc với các lễ hội dưới góc nhìn của một phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh rồi hào hứng ghi lại các lễ hội, trò chơi, làng nghề dưới góc độ của nhà nghiên cứu văn hóa nên nhiều bài viết vừa có sự bao quát vừa có sự phong phú, đa dạng và chi tiết.

P/v: Nhà báo- họa sỹ Hồ Thanh Thoan chia sẽ:

Trích băng

Đọc tập sách Một số lễ hội, làng nghề và trò chơi dân gian ở Quảng Trị của nhà báo-họa sĩ Hồ Thanh Thoan, nhà văn Y Thi- Chi Hội trưởng Chi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Quảng Trị nhận xét: “Với một lối viết chân phương song rất bài bản, chứa đựng trong một cái khuôn chắc chắn và biến ảo nên bài viết nào trong tập sách này đều là những bài viết chuyên sâu, những bài báo có giá trị”.

 Với sự khảo cứu công phu, kỹ lưỡng của nhà báo-họa sĩ Hồ Thanh Thoan, mỗi bài viết về lễ hội, làng nghề và trò chơi dân gian ở Quảng Trị có hiệu ứng thẩm mỹ khi chuyển tải trước người đọc khung cảnh của lễ hội, chiều sâu và hiện thực của làng nghề, trình tự của trò chơi được các bài viết phản ánh. Về lễ Cầu ngư, nhà báo-họa sĩ Hồ Thanh Thoan viết: Lễ Cầu ngư là một loại hình lễ hội dân gian gắn liền với tín ngưỡng và đời sống cư dân ven biển miền Trung nước ta. Theo truyền thuyết lễ hội Cầu ngư được bắt nguồn từ tục thờ Ông Nam Hải. Ông Nam Hải, thực ra là cá Voi, loài cá rất to lớn nhưng lại hiền hòa, thường cứu giúp những ngư dân mỗi khi gặp nạn trên biển, người ta gọi là Cá Ông hoặc Ông Nam Hải. Khi Cá Ông chết, trôi dạt vào bờ thuộc địa phận của làng biển nào, thì làng biển đó phải tổ chức lễ tang long trọng đồng thời lập đền thờ và cúng tế rất nghiêm trang. Đối với cư dân vùng biển miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng, cầu ngư là hoạt động văn hóa dân gian, là tín ngưỡng tâm linh gắn liền công việc, sinh hoạt của những người làm nghề biển. Được truyền lại và tiếp nối qua nhiều thế hệ, lễ hội Cầu ngư hàng năm diễn ra với niềm tin cầu cho quốc thái, dân an, ngư dân ra khơi thuận buồm, xuôi gió và gặt hái một mùa biển bội thu, đánh bắt được nhiều tôm cá…

Với Hội Bài chòi ngày xuân, sự biểu đạt của tác giả vẫn đi từ sự hình thành đến giá trị văn hóa đặc sắc: Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, hình thành và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa và đã có từ lâu đời ở khu vực miền Trung, chủ yếu từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận nhưng thịnh hành nhất là vùng Nam Trung Bộ. Đây là món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa các tầng lớp nhân dân, trong cộng đồng làng xã, là nhu cầu giải trí cũng như thưởng thức nghệ thuật của bà con vùng nông thôn thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, tình làng nghĩa xóm.

Trong phạm vi đời sống văn hóa ở miền núi, các lễ hội của người Vân Kiều và Pa Kô thu hút sự dụng công nghiên cứu của nhà báo-họa sĩ Hồ Thanh Thoan, điển hình như lễ hội cồng chiêng: “Ở hai huyện phía Tây tỉnh Quảng Trị, cồng chiêng vốn đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều từ bao đời nay, thường được dân bản sử dụng tại các lễ hội hoặc sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước, bản làng. Cồng chiêng luôn được xem là phương tiện để con người thông linh với những bậc vô hình, là sợi dây kết nối giữa người trần và các đấng thần linh, giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng. Khi con người gõ vào nhạc cụ ấy sẽ phát ra tiếng trầm lay động cả núi rừng, tiếng vang như sấm sét, tiếng cao như thác reo khiến muôn loài thú dữ phải cao chạy, xa bay vào rừng sâu, hóc núi để trốn tránh”…

Về các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhà báo-họa sĩ Hồ Thanh Thoan có sự khảo cứu khá đầy đủ về các nghề truyền thống ở nhiều địa phương khắp các vùng, miền và công bố, quảng bá cả những nghề truyền thống nay đã bị mai một, thất truyền. Vì vậy, tập sách Một số lễ hội, làng nghề và trò chơi dân gian ở Quảng Trị của nhà báo-họa sĩ Hồ Thanh Thoan là một tập hợp dày dặn về nghề làm nước mắm và làm ruốc, nghề hấp cá, nghề đan lưới, nghề làm bún, nghề đan lát mây tre, nghề trồng hoa, nghề làm chiếu, nghề mộc và chạm khắc, nghề làm vôi và giấy, nghề rèn, nghề làm giá, nghề làm muối, nghề nấu rượu, nghề làm quạt giấy, nghề làm nón lá, nghề làm chổi đót, nghề làm mứt Tết, nghề thêu ren, nghề sản xuất cao chè vằng, nghề dệt thổ cẩm ở tỉnh Quảng Trị trong suốt chiều dài xây dựng, đổi mới và phát triển.

P/v: Nhà báo, họa sỹ Hồ Thanh Thoan cho biết thêm:

Sự đánh giá của nhà văn Y Thi- Chi Hội trưởng Chi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Quảng Trị tiếp tục khẳng định: Những thông tin trong tập sách Một số lễ hội, làng nghề và trò chơi dân gian ở Quảng Trị của nhà báo-họa sĩ Hồ Thanh Thoan giúp người đọc có cái nhìn bao quát, so sánh, biết được gốc tích, chiều dài nơi các lễ hội, các làng nghề, trò chơi dân gian đi qua, tại sao lễ hội này, làng nghề này, các trò chơi này dừng lại, có mặt ở Quảng Trị và ngược lại. Đồng thời tập sách cũng giúp người đọc biết những lễ hội, làng nghề, trò chơi dân gian nào phát sinh trên vùng đất mới. Quan trọng hơn, với những thủ pháp của riêng mình, các bài viết về lễ hội, trò chơi và làng nghề ở tỉnh Quảng Trị, dù là của người Kinh hoặc đồng bào dân tộc ít người trong tập sách này đều đạt được thành công nhất định và tạo được ấn tượng tích cực. Đó là cơ sở để tập sách khảo cứu văn hóa Một số lễ hội, làng nghề và trò chơi dân gian ở Quảng Trị của tác giả Hồ Thanh Thoan trở thành một trong hai tác phẩm thuộc chuyên ngành Văn nghệ dân gian đạt Giải C cuộc thi sáng tác văn học-nghệ thuật với chủ đề Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển.

Trích bài hát:

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 06/06/2022 08:43 Lê Vĩnh Nhiên 13/06/2022 09:47

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà