Tạp chí VNCN
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 19.6.2022

PTV: Kính chào Quý vị và các bạn! Rất vui khi được đồng hành cùng Quý thính giả trong Tạp chí VNCN tuần này. Trong chương trình hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến với 1 số nội dung chính sau đây:

- Tổ chức triển lãm Mỹ thuật khu vực IV ( Bắc miền Trung) lần thứ 27, năm 2022 tại tỉnh Quảng Trị

- Bài viết: Tình đất tình người qua tập thơ “Đất lửa xanh” của Võ Văn Hoa

-Thế giới nghệ thuật qua tập sách tranh của họa sỹ Phạm Phi Trường

- GIỮ NẾP LÀNG QUA NHỮNG SẮC PHONG CỔ

- ĐÌNH HÀ TRUNG – TRĂM NĂM CỔ VIỆT

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình.

Nhạc cắt

1. Tổ chức triển lãm Mỹ thuật khu vực IV ( Bắc miền Trung) lần thứ 27, năm 2022 tại tỉnh Quảng Trị

Thưa Quý vị và các bạn! UBND tỉnh Quảng Trị  vừa ban hành Kế hoạch tổ chức triển lãm Mỹ thuật khu vực IV ( Bắc miền Trung) lần thứ 27 – năm 2022 tại tỉnh Quảng Trị.

Triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá tác phẩm nghệ thuật của khu vực và Quảng Trị, tổng kết quá trình sáng tạo nghệ thuật của giới mỹ thuật, ghi nhận thành tựu sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Triển lãm sẽ trưng bày các tác phẩm hội họa bao gồm: sơn mài, sơn dầu, lụa, khắc gỗ và các chất liệu khác. Trưng bày các tác phẩm điêu khắc gồm: tượng đồng, gốm, composite, gỗ, sắt…Theo đó, thời gian khai mạc triển lãm sẽ bắt đầu từ 7h30 ngày 25/7/2022 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, số 1 Hùng Vương, TP Đông Hà, Quảng Trị.

2.UBND huyện Hướng Hóa vừa phối hợp với Văn phòng Ủy ban Y  tế Hà Lan - Việt  Nam (MCNV) tổ chức Phiên chợ cuối tuần tại Cụm dân cư Rơ Vê, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá. Phiên chợ được chia thành 3 đợt thu hút đông đảo du khách đến tìm hiểu và trải nghiệm.

Phiên chợ tham gia nhiều gian hàng nông sản, đặc sản địa phương của các thôn của Hướng Phùng và các xã lân cận. Với mục đích tăng thu nhập cho cộng đồng, tạo tiền đề để phát triển hoạt động thương mại hoá hàng nông sản địa phương; khai thác tiềm năng và thế mạnh, phát huy giá trị văn hoá bản địa, tăng cường quảng bá hoạt động du lịch cộng đồng… Phiên chợ đã thu hút các đoàn khách từ trong và ngoài huyện. Đây là cơ hội để du khách tìm hiểu, trải nghiệm văn hoá địa phương.

3. Vùng đất Triệu Phong, nét đẹp văn hóa truyền thống không chỉ được lưu giữ thông qua các lễ hội mà còn thông qua ẩm thực, những món ăn đặc sản. Một trong số đó phải kể đến chợ Sãi là nơi nức tiếng với các món nem chợ Sãi. Không phải ngẫu nhiên mà món ngon này là đặc sản lọt vào Top 100 đặc sản, món ăn, sản vật Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Tổ chức Top Việt Nam công bố năm 2020.

Nem lụi chợ Sãi đơn giản được làm từ thịt xay được viên tròn hoặc dài bằng ngón tay xâu vào que tre đem nướng. Nhưng đặc sắc của nem lụi nơi đây là cách ướp gia vị vào thịt viên để khi nướng lên, bên ngoài săn giòn mà bên trong mềm tươi, rất ngọt. Những năm qua, huyện Triệu Phong luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư nơi đây ngày càng phong phú, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Nhà thơ Võ Văn Hoa là một trong những gương mặt nghệ sỹ gạo cội của tình nhà. Anh sáng tác với nhiều chủ đề khác nhau, trong đó nổi bật là những bài thơ viết về quê nhà Quảng Trị.  Trong các tác phẩm của Võ Văn Hoa, người đọc dễ dàng nhận ra những tên đất, tên người thân thương gần gũi, đặc biệt là với tập thơ “Đất lửa xanh”, những địa danh Quảng Trị như: Thành Cổ, núi Mai, chợ Cầu, chợ Đình, chợ Hôm, chợ Kẻ Diên, chợ Diên Sanh, thác Chờng, sông Hiếu, sông Ô Lâu, Hướng Hóa, Cam Lộ, Cồn Cỏ…hiện lên thật than thương, trìu mến.  Có lẽ bởi là một người con của vùng đất Quảng Trị nên mỗi bài thơ của Võ Văn Hoa như là một bản nhật kí nội tâm về cảm xúc, tâm hồn trước thời gian và không gian hiện hữu. (Câu 6)

Tình đất tình người qua tập thơ “Đất lửa xanh”

Từ tác phẩm đầu tay Còn ta với mình (xuất bản năm 2004), đến tập thơ Đất lửa xanh (xb năm 2021) nhà thơ Võ Văn Hoa đã làm nên dấu ấn riêng về tên tuổi của anh trên thi đàn. Trong tập thơ Đất lửa xanh, có những tứ thơ ngỡ như là bất chợt, nhưng để viết ra nó chắc cũng phải thấm từ gan ruột, đau đáu nỗi niềm cùng tháng năm: “Nửa đêm thức với Hiếu Giang/ Nghe thơ cuộn chảy sóng tràn giao bôi/ Nhìn sông bên lở bên bồi/ Thương nhau tiếc ngọc một thời vàng son”. Da diết, đằm sâu cùng bao đổi thay của dòng sông bên lở bên bồi, để rồi thương tiếc – không nói xót xa mà xót xa, bởi không gian lắng sâu “nửa đêm” đã đánh thức trong Võ Văn Hoa cả một trời kí ức.

Với bài thơ Bên này sông Ô Lâu như là kí sự bằng thơ  cả Võ Văn Hoa viết về một vùng đất với “Trầm tích một “tình sử Ô Lâu” – có lẽ vì thế mà thơ anh lắng đọng nhiều hơn trong tâm thức độc giả những chi tiết, hình ảnh về con người, lịch sử của mảnh đất đã từng trải qua bom đạn chiến tranh. Nơi đây có những chiến công, có những hi sinh, mất mát, thương đau… Bởi vậy, khi viết về Cồn Cỏ, về Trường Sơn, về Hướng Hóa với anh như là trách nhiệm thiêng liêng của người cầm bút. Thi nhân như  “thao thức” cùng với quê hương của mình: “Có người hong tóc mỗi sớm mai thức dậy/ Có người ngủ quên chuyện tình mười mấy năm/ Có một nơi xa nào/ Tôi đi tìm em…” - những câu thơ mở đầu như thể hứng trong ca dao, rồi tứ thơ kể về những tháng năm đi tìm đồng đội, xúc động tình người – “Có người hong tóc/ Mắt vẫn hướng về xa ấy/ Trường Sơn”.

Dường như với Võ Văn Hoa mỗi địa danh trên quê hương Quảng Trị đều gợi lên trong anh những cảm xúc kháu nhau, khiến nhà thơ viết nên những câu thơ thật đẹp: “Anh về thăm lại Đakrông!/ Cô gái năm xưa đã lấy chồng/ Cầu treo như nhắc ngày xưa cũ/ Anh mãi đi về – một nhánh sông”. Chia sẽ về cảm xúc của mình dành cho những sáng tác về quê nhà Quảng Trị, nhà thơ Võ Văn Hoa cho biết:

Trích băng

Thế giới nội tâm trong thơ Võ Văn Hoa thẳm sâu cùng không gian thân thuộc. Thời gian càng trôi chảy, cảm xúc trong thơ Võ Văn Hoa càng như tiếc nuối và dường như đó là nguyên cớ khiến cho giọng thơ của anh da diết, quyến luyến: “Dòng sông Ô Lâu – em đi về đâu?/ Dòng sông Ô Lâu – không còn em – tôi đi về đâu?/ Trăng lẻ bóng, trăng trôi về đâu?”  – những câu hỏi tu từ liên tiếp nhau như sóng lòng thi nhân đang cuộn trào cảm xúc. Có những thi ảnh xuất hiện liên tiếp nhau cùng cái nhìn thấm đẫm chất thi ca khiến độc giả xao xuyến: “Gánh cá chiều chạy từ biển lên/ Đòn gánh cong đời mẹ/ Người phu già khuân miền dâu bể/ Điếu thuốc Lào phả khói hoàng hôn – chợ cá, vội vàng là thế, nhộn nhạo là thế mà cái nhìn so sánh bất chợt, khiến lòng mình như chùng lại – đòn gánh cong đời mẹ; khói thuốc – khói hoàng hôn…

Với nhà thơ Võ Văn Hoa, mỗi nơi anh đi qua chỉ vài ba nét phác thảo, mà đã tái hiện đặc điểm về vùng đất, con người ở đấy. Miệt mài sáng tác, hăm hở cảm nhận, xúc cảm chín trong tâm hồn vương vấn với tình quê, tình người; những tứ thơ của Võ Văn Hoa quen mà lạ, nhẹ nhàng mà lưu luyến, gần gũi mà thẳm sâu. Chất thơ gắn liền với sự rung động và cảm xúc trực tiếp nên đọc kĩ thơ anh sẽ nhận ra nét riêng của thơ anh được chắt lọc bởi tri thức văn hóa về miền đất, con người Quảng Trị, thi tứ trong thơ Võ Văn Hoa giản dị, như đang tự sự, nhưng lại dạt dào cảm xúc bởi những vần thơ nhẹ nhàng, luyến lưu.

Trích bài hát: Hải Lăng

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Một buổi sáng đầu mùa Hạ năm 2022, Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Trị và gia đình họa sĩ Phạm Phi Trường tổ chức ra mắt sách tranh họa sĩ Phạm Phi Trường. Cuốn sách tranh là tổng hợp quá trình sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Phạm Phi Trường trong nhiều hoàn cảnh sống và sáng tác, cho thấy nguồn cảm hứng sáng tác của họa sĩ và đem lại với người xem những cảm xúc thẩm mỹ từ những màu sắc, đường nét, ánh sáng, hình khối đa dạng, đa nghĩa. Mời Quý vị và các bạn cùng tìm hiểu về tập sách tranh của họa sỹ Phạm Phi Trường qua những cảm nhận sau đây của CTV Bội Nhiên.

Khi chia sẽ về tác phẩm hội họa của họa sĩ Phạm Phi Trường, họa sĩ Trịnh Hoàng Tân nhận xét: Thế giới nghệ thuật của họa sĩ Phạm Phi Trường có ngôn ngữ hình thể và không gian, ở chất cảm và màu sắc. Dưới góc độ thị giác, khả năng diễn đạt tạo hình của họa sĩ Phạm Phi Trường hết sức phong phú. Tác phẩm của họa sĩ Phạm Phi Trường có giá trị luôn cho con người cảm nhận một sự tổng hòa ổn thỏa của nhiều quan hệ khiến vừa thấy vừa cảm được rất nhiều những thông tin khác do nó gợi liên tưởng đến.

Người xem tranh cũng đồng tình với ý kiến chuyên môn của họa sĩ Trịnh Hoàng Tân  khi xem những tác phẩm hội họa của họa sĩ Phạm Phi Trường phản ánh nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ lao động, xây dựng, sinh hoạt miền biển, tình yêu, hạnh phúc đến nỗi đau da cam… Tranh của họa sĩ Phạm Phi Trường lôi cuốn người xem với những xúc cảm về hình thể, như các tác phẩm Dòng đời, Ký ức đồng quê, Vũ điệu, Xin mẹ san sẻ, Hoa của đảo, Miền sông nước, Bến quê chủ yếu được sáng tác bằng chất liệu sơn dầu trong những năm 1998, 1999, 2005, 2015, 2018,.. Với đời sống sáng tác gắn liền với đời sống xã hội, họa sĩ Phạm Phi Trường vẽ bức tranh Mắt đảo vào năm 2012 với hình tượng nghệ thuật là những chiến sĩ hải quân ngày đêm giữ đảo. Trong tranh, đàn chim biển bao phủ cả bầu trời cùng với nhân vật trẻ thơ giữa sắc xanh của biển hàm chứa sự khẳng định biển và trời trong vùng lãnh hải là của Việt Nam. Cũng với đề tài biển và hải đảo, họa sĩ Phạm Phi Trường sáng tác bức tranh Vượt sóng ra khơi trong năm 2012 và bức tranh Tình quân dân trên đảo trong năm 2014 rất sinh động

Ngay trên mảnh đất Quảng Trị hứng chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, họa sĩ Phạm Phi Trường suy tư rất nhiều về những di hại tàn khốc của chất độc màu da cam và nỗi đau da cam cũng là một chủ đề thường thấy trong tranh của họa sĩ Phạm Phi Trường. Được sáng tác vào năm 2002, tác phẩm Nỗi đau toát lên chất tạo hình chắc, khỏe và màu sắc ám ảnh vẽ với chất liệu sơn dầu thể hiện hình ảnh những người mẹ và những đứa con bị ảnh hưởng chất độc màu da cam mà hành động bao bọc, che chở những đứa con tật nguyền của những người mẹ có gương mặt hằn vết thời gian đã được trao Giải B sáng tạo của tỉnh Quảng Trị. Về giải thưởng, đến nay họa sĩ Phạm Phi Trường đã đạt nhiều giải thưởng: Đạt giải B Giải thưởng Sáng tạo tỉnh Quảng Trị năm 2012, giải Khuyến khích Giải thưởng Ủy ban Quốc gia Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật Việt Nam năm 2013, giải Khuyến khích Giải thưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013. Đạt giải A năm 2001, giải B năm 2006 và năm 2012, giải C các năm 1998, 1999, 2002, 2003 và giải Khuyến khích năm 2012 Giải thưởng Văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, giải Ba Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Chế Lan Viên lần thứ II năm 2020.

Tập hợp tranh in thành sách tranh là nỗ lực của họa sĩ và gia đình họa sĩ Phạm Phi Trường đồng thời buổi ra mắt sách tranh là một hoạt động ấn tượng của Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Trị trong nửa đầu năm 2022 và được đánh giá là “một tín hiệu tích cực của hoạt động xuất bản, công bố sản phẩm, góp phần thúc đẩy nền văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị phát triển như kỳ vọng”. Là một tất yếu của đời sống văn học nghệ thuật, tranh và sách tranh của họa sĩ Phạm Phi Trường nói riêng cùng tác phẩm hội họa của giới mỹ thuật tỉnh Quảng Trị nói chung tiếp tục đóng góp giá trị thẩm mỹ trong hành trình bám sát, khám phá, sáng tạo, khắc họa cuộc sống của người và đất quê hương trong tinh thần “tìm thấy và khẳng định cái tốt đẹp”…

Nhạc cắt

PTV: Thưa Quý vị và các bạn!  Làng Trung Yên, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong tựa mình bên con sông Thạch Hãn hiền hòa. Từ dòng phù sa như nguồn sữa ngọt ngào của mẹ đã tưới tắm nên đất đai ở đây quanh năm trù phú, tốt tươi. Trải qua hàng trăm năm với chiến tranh và những trận lụt bão lịch sử, trong nhịp sống của xã hội hiện đại, ít ai biết ngôi làng này hiện vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn “kho báu độc nhất vô nhị” với 19 bản sắc phong từ các triều đại phong kiến. Đó là cách con cháu làngTrung Yên thể hiện tấm lòng thành kính với những bậc tiền nhân đã có công “khai thiên lập ấp” dựng xây quê hương tươi đẹp như ngày hôm nay...Bài viết: GIỮ NẾP LÀNG QUA NHỮNG SẮC PHONG CỔ. Chúng ta cùng nghe.

GIỮ NẾP LÀNG QUA NHỮNG SẮC PHONG CỔ

Đình làng Trung Yên, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong tọa lạc trên một bãi đất rộng, thoáng đãng. Tương truyền ngôi đình này có từ khi vị tiền hiền của làng chiêu dân, lập ấp. Điều đặc biệt là nơi đây hiện đang lưu giữ 19 sắc phong của triều đình nhà Nguyễn, từ thời Minh Mạng đến Khải Định. Đây được xem là những báu vật cổ có niên đại trên 200 năm tuổi vẫn được nhân dân địa phương nâng niu, gìn giữ.

Dâng nén hương xin phép vị thành hoàng được mở những bản sắc phong, đại diện hội đồng trưởng các dòng tộc, hội chủ làm lễ tại đình làng với sự uy nghiêm, tôn kính dành cho các vị tiền nhân bởi sắc phong là “báu vật của làng, được thờ phụng rất tôn nghiêm nên muốn làm gì đều phải kinh cáo”. Sau khi báo cáo với các vị thành hoàng, các vị bô lão của làng thận trọng đưa một hộp tráp hình chữ nhật được treo ở giữa mái đình xuống- trong đấy chính là nơi chứa đựng các sắc phong cổ của làng.  

Những bức sắc phong bảo quản cẩn thận trong hộp gỗ dường như không chịu ảnh hưởng của thời gian vẫn còn nguyên những họa tiết hoa văn rồng phượng in chìm, dấu triện đỏ, những dòng chữ Hán màu đen trên bản giấy dó vẫn rõ ràng thể hiện các đời vua triều Nguyễn như: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Là “báu vật” vô giá của tiền nhân truyền lại, không chỉ có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời, những bản sắc phong còn thể hiện đời sống tâm linh và dấu ấn văn hóa làng xã đậm nét.

P/v: Ông Trương Văn Bảo- Hội chủ làng Trung Yên- Triệu Độ- Triệu Phong- Quảng Trị

Sắc phong là một loại hình văn bản đặc biệt thể hiện quyền lực của nhà nước phong kiến ngày xưa có giá trị lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần ở các làng xã. Những bản sắc phong của làng một chứng tích lịch sử ghi lại đầy đủ “thuật nhi bất tác” công lao, sự đóng góp của các vị thần đã có công “khai thiên lập ấp” mở mang bờ cõi quê hương cũng như bảo vệ bình yên cho mọi người.

Trong 19 sắc phong của làng Trung Yên hiện nay, có sắc phong lâu nhất là từ thời Minh Mạng đời thứ 7 năm 1826 đến bây giờ đã được 191 năm. Đặc biệt trong thời vua Khải Định có ban sắc “Tiền khai khẩn”. Theo truyền thuyết các cụ cao niên trong làng kể lại sắc phong  này xác định vị trí cũng như sở hữu đất đai với ranh giới cụ thể tại thời điểm này để người dân sống ổn định không tranh chấp với các làng lân cận. Những sắc phong còn lại chủ yếu nói về công lao các vị “thần hoàng”. Nội dung chính của các bản sắc phong này truyền đạt công đức của những vị thần được nhà vua sắc phong, cũng như yêu cầu các thế con cháu sau này cần phải thờ phụng và biết đến quê hương, nguồn cội, bảo vệ đất nước. Đồng thời, dặn dò con cháu phải sống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau…

P/v: Ông Trương Thanh Hải,  làng Trung Yên- Triệu Độ- Triệu Phong- Quảng Trị

Được hình thành cách đây hơn 300 năm, làng Trung Yên, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong  nằm nép mình bên dòng sông Thạch Hãn, quanh năm người dân tảo tần với việc đồng áng. Để có thể bảo tồn trọn vẹn 19 sắc phong cho đến ngày nay, người dân Trung Yên đã tốn không ít công sức. Các bô lão trong làng kể lại rằng, thời chiến tranh, cả làng chuyền tay nhau giữ sắc phong được cất giữ trong đình làng, miếu mạo, đến nhà dân... Hết chiến tranh lại đến lũ lụt, người làng có thể bỏ lại gia sản nhưng nhất quyết không bỏ sắc phong bởi “còn sắc là còn làng”.

Thời gian trải qua nhiều thăng trầm với những biến cố lịch sử khác nhau, cuộc sống của người dân làng Trung Yên đã bắt nhịp với sự đổi thay, mới mẻ, với những sinh hoạt, lao động của cuộc sống thường nhật.. nhưng những sắc phong ấy luôn được bao thế hệ người dân nâng niu, cất giữ bởi đó cũng chính là cách họ thực hiện những lời căn dặn của tiền nhân đi trước luôn nỗ lực dựng xây quê hương ngày càng ấm no, khởi sắc. Vào ngày rằm tháng 6 hàng năm, làng Trung Yên trang trọng tổ chức ngày giỗ chung, báo công các vị khai khẩn, thần Thành hoàng làng. Dịp này, các sắc phong được mở để con cháu lớp sau chiêm ngưỡng, từ đó mà “biết phấn đấu, chú tâm học hành làm rạng danh tổ tiên”.

P/v: Ông Trương Văn Bảo- Hội chủ làng Trung Yên- Triệu Độ- Triệu Phong- Quảng Trị

Trong rất nhiều giá trị văn hóa vẫn còn lưu giữ đến ngày hôm nay thì những sắc phong còn giữ lại được chính là những vật báu vô giá của nhân dân làng Trung Yên. Từ những bản sắc phong của các bậc tiền nhân để lại, những thế hệ con cháu hôm nay của làng Trung Yên luôn luôn thành kính ngưỡng vọng, thực hiện tốt những điều căn dặn của cha ông, giữ gìn nếp làng và xây dựng cuộc sống mới trên quê hương, nỗ lực học tập, trau dồi đạo đức, góp phần xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp… Nhiều con cháu trong làng đều đỗ đạt cao, trở thành những văn nhân, học sỹ nổi tiếng cũng như thành công trên con đường sự nghiệp…

P/v: Ông Trương Văn Dinh- Trưởng Ban điều hành làng Trung Yên- Triệu Độ- Triệu Phong- Quảng Trị

Đình làng Trung Yên là công trình có giá trị về mặt lịch sử văn hóa đến nay vẫn giữ được những nét rêu phong, cổ kính, là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa truyền thống của làng. Trải qua thời gian với sự tác động của thiên nhiên, con người, ngôi đình không còn mang kiến trúc nguyên vẹn như trước. Hầu hết các sắc phong đều được dân gian cất giữ thủ công ở đây mà chưa có biện pháp bảo quản khoa học, phù hợp khiến một số bản sắc phong có dấu hiệu xuống cấp. Mặt khác, do kiến thức hạn chế nên các bậc bô lão chỉ nắm khái quát nội dung các bản sắc phong, chứ không rõ tường tận chữ nghĩa.

P/v: Ông Trương Thanh Triều- làng Trung Yên- Triệu Độ- Triệu Phong- Quảng Trị

“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Đạo lý ấy như kim chỉ nam để trải qua hàng trăm năm, những sắc phong cổ xưa ấy vẫn được người dân làng Trung Yên gìn giữ như báu vật.  Các sắc phong không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật Hán Nôm độc đáo mà còn là nguồn tư liệu quý chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử của làng, đồng thời qua đó, chúng ta có thể hiểu thêm về phong tục tập quán, đời sống tâm linh, tín ngưỡng dân gian, nghệ thuật hội họa, kỹ thuật làm giấy cổ xưa...Với người dân Làng Trung Yên, đó không đơn thuần là những “bằng khen”, “huân chương” của làng, xã hay cá nhân mà còn chứa đựng giá trị tinh thần, trở thành động lực để người dân giữ làng, giữ nước và giữ gìn kho tư liệu thiêng quý ấy để bồi đắp truyền thống tốt đẹp của quê hương cho thế hệ trẻ mai sau.

Trích bài hát: Triệu Phong

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Ngôi đình Hà Trung thuộc khóm 7 thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh, cách quốc lộ 1A gần 200m về phía Đông. Đình tọa lạc trên một khu đất cao thoáng mát. Mặt chính diện hướng ra cánh đồng mênh mông ở phía trước, lưng tựa vào xóm làng trù phú tươi xanh, với dáng vẻ uy nghiêm và bề thế. Qua bao chiến tranh tao loạn, ngôi đình vẫn uy nghi giữ nguyên vẻ cổ kính trầm mặc với thời gian. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về ngôi đình này qua bài viết của nhà báo Việt Hà với tựa đề:

ĐÌNH HÀ TRUNG – TRĂM NĂM CỔ VIỆT

Hà Trung là tên của một làng hiện nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính, gồm xã Gio Châu và Thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh. Đây là một trong những làng cổ được thành lập khá sớm của người của người Việt trên đất Quảng Trị.       

Theo lời các vị hào lão trong làng thì ngôi đình Hà Trung được tạo dựng khá sớm từ thế kỷ 12 với lối kiến trúc của một ngôi nhà gỗ ba gian, hai chái, mái lợp tranh. Một thời gian dài sau đó, đình bị hư hại, đến những năm đầu thế kỷ 19, dân làng cho đại trùng tu, trở thành một ngôi đình rộng lớn, quy mô, đẹp nổi tiếng trong vùng.

Năm Ất dậu niên hiệu Đồng Khánh (1885), đình bị đốt cháy. Mãi đến 18 năm sau (1903), Thượng thư Bộ Hộ Trần Đình Phác- Người làng Hà Trung đã cùng dân làng tiến hành tạo dựng lại. Lần này, ngôi đình được chuyển về nơi mới, như ta thấy hiện nay. Căn cứ theo bia đá ở đình ghi lại thì được biết cụ thể rằng, ngôi đình khởi công tháng 3 năm 1903 dưới thời Thành Thái, vào tháng 7 năm 1903 thì thượng lương và đến tháng 9 năm 1903 thì hoàn thành. Sau bao biến cố thiên tai và chiến tranh, đình có bị hư hại một phần và đã được nhân dân sửa chữa lại. Tuy nhiên, kiến trúc ngôi đình vẫn được giữ nguyên như lần tạo dựng ban đầu.

 Kiến trúc của đình Hà Trung bao gồm một tòa đại đình nằm ngang theo kiểu chữ “nhất”; mặt trước có hệ thống tường thành và cổng trụ; phía trong sân có bình phong. Từ bên ngoài vào ngôi đình được bao bọc bởi một hệ thống tường rào và cổng trụ ở mặt trước. Cổng chính là hai trụ biểu lớn cao khoảng 5 m, ở phía trên có gắn lồng đèn và hai bầu rượu bằng đá. Các mặt của trụ đều có gắn các câu đối bằng Hán tự với ý nghĩa giáo dục đức tài cho đời sau.

Phía trong khuôn viên có hai cây đa cổ thụ có tuổi thọ trên hàng trăm năm tuổi đang trầm tư rêu phong rủ xuống sân đình. Qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh, tuy nhiên kỳ lạ một điều là các cây xanh ở đây vẫn còn nguyên vẹn như được những oai linh xưa bảo hộ. Trước mặt tiền của đình là bức bình phong xây bằng gạch theo dạng cuốn thư, mặt ngoài đắp nổi hình “long mã phụ hà đồ”; mặt trong hình hổ phù; hai bên là mai, tùng, cúc, trúc được ghép mảnh sành sứ rất cổ kính, công phu. Các câu đối “ Cảnh bình huy bắc đẩu” và “ Hiểu chương đối nam sơn”, tả về vị trí rất đẹp của ngôi đình làng Hà Trung.

Theo như lời kể thì cổng, tường thành và bức bình phong này được xây dựng cùng lúc với đình làng và được bảo tồn cho đến ngày nay. Riêng phần mái có thiết kế hai phần, mái trước và mái sau được lợp ngói móc, hai gian chái lợp ngói liệt, nóc và bờ mái đình gắn hình “lưỡng long chầu nguyệt”, các đầu đao gắn “giao hồi văn”. Đặc biệt trên đầu cột hiên có chạm các bông sen đang nở, phía trước các cột đắp nổi các câu đối chữ Hán.  Tòa đại đình được cấu trúc bởi một bộ khung gỗ chịu lực, thực hiện theo mô thức của một ngôi nhà rường năm gian thường thấy ở vùng Quảng Trị, tường được xây bít các phía, mặt trước đình là hệ thống cửa bản khoa kéo dài suốt năm gian. Đình được bố trí thờ cúng theo cách thức: Tiền thần, hậu Phật. Tức là cùng thờ chung Phật và Thần ở trong đình làng. Gian giữa của đình thờ thần linh; hai gian tả; hữu thờ các hàng chiêu, mục. Hai gian chái thờ các vị tiền bối khai sáng hương hiệu ra làng Hà Trung.

Ở gian bên trái của đình có treo một chuông đồng khá lớn và được chạm khắc bằng tay rất công phu. Trên thân chuông ghi lại niên hiệu cho biết được đúc vào thời vua Duy Tân năm 1908. Được biết chuông này Thượng thư Trần Đình Phác đúc phụng cúng cho làng. Đặc biệt trong tòa đại đình còn một bức hoành phi khá lớn có bốn chữ Hán: “Mỹ tục khả phong” được vua Duy Tân ban tặng vào tháng 6 năm 1911. Đây là một vinh dự lớn của một làng và điều đặc biệt hiếm có ở các triều đại phong kiến lúc bấy giờ. Đáng chú ý tại ngôi đình hiện còn một tấm bia đá cỏ trên đó khắc chữ Hán ghi lại quá trình xây dựng đình và những đóng góp cũng như hành trạng của Thượng thư Bộ Hộ Trần Đình Phác…Trong khuôn viên là một tòa đại đình nằm ngang và một ngôi miếu thờ ba vị khai khần của làng là các ngài Nguyễn Mỗ Đại Lang, Trần Ngọc Thả, Trần Văn Đông.

 Theo gia phả của các họ tộc trong làng thì Ngài Nguyễn Mỗ đại lang đến vùng đất này trước đó, tiếp sau là hai ngài họ Trần. Các vị đã kết tình thân và chung lưng đấu cật, sáng lập nên hương hiệu làng Hà Trung với những dòng họ, danh nhân rất tài hoa, lỗi lạc như các ngài Trần Đình Ân, Trần Đình Túc, Trần Đình Phác. Đình làng Hà Trung đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Trong văn hóa nghệ thuật của Việt Nam thì ngôi đình là một trong những biểu trưng tiêu biểu của dân tộc Việt. Đình làng Hà Trung cũng vậy, đó là sự hài hòa giữa văn hóa tâm linh gắn liền với kiến trúc mỹ thuật xưa của người Việt. Thế nên những giá trị văn hóa này cần được trân trọng, giữ gìn mãi cho các thế hệ sau.

Trích bài hát: Gio Linh

                  

 

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 13/06/2022 15:30 Lê Vĩnh Nhiên 14/06/2022 08:47

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà