Đất pt 27/6
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 27/6 -Đón nghe: ptv đọc Qúy vị và các bạn thân mến! Trong ct pt : đất và người QT phát sóng vào lúc 11g ngày thứ hai: 27/6 sẽ có bút ký "Báu vật làng quê", mời quý vị và các bạn chú ý đón nghe. -Ptv dẫn: Thưa quý vị và các bạn! Trong ct tuần này, chúng ta cùng chia sẻ cảm nhận về một ngôi làng khá đặc biệt của quê hương Quảng Trị qua bút ký sau của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đất và người QT, ct này do Việt Thanh bt, với sự tham gia thực hiện của...thân ái chào tạm biệt.

 MỘT BÁU VẬT LÀNG QUÊ.

                                                                                           (Xuân Dũng)

   Đi qua đi về và ghé lại Nhĩ Thượng cũng đã vài lần. Tưởng đã biết nhiều chuyện, đã quen mắt nhiều nơi. Hóa ra bên cạnh những cảnh làng quen thuộc lại ẩn chứa nhiều điều mình chưa biết, nhiều sự lạ  tạo nên sức hấp dẫn để hứng thú khám phá sâu hơn về một kỳ hương ở Gio Mỹ, Gio Linh, Quảng Trị

    Từ quốc lộ về đến làng chừng bảy tám cây số. Đường về mùa hè chói chang đúng vào những ngày nắng cao điểm mới thấy hết tầm quan trọng của nguồn nước đối với đời sống con người, kể cả việc sinh hoạt hàng ngày cho đến sản xuất nông nghiệp mà người nông dân suốt đời gắn bó.

   Nói quen mà vẫn lạ bởi quang cảnh Nhĩ Thượng về đại thể cũng khá tiêu biểu cho làng quê vùng đông Gio Linh. Nhiều đoạn địa hình bằng phẵng, đất đai thuận tiện cho việc trồng trọt, tưới tiêu. làm nhà, tạo nên những xóm làng đông đúc và trù phú. Nhưng bên cạnh đó lại xen kẽ những đồi cát lớn, những lùm cây lúc ẩn lúc hiện nửa như muốn phô bày nửa lại như giấu diếm những bí ẩn của tự nhiên, và có thể của cả con người nơi đây.

 

  Về Nhĩ Thượng, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh  khi mùa lúa đang đến. Những cánh đồng trải dài trong nắng hạ, hứa hẹn một năm được mùa của nhà nông khi gieo đúng thời vụ, chăm sóc kỹ càng. Người dân, mà lại là nông dân lấy cái ăn làm đầu, mà hạt lúa là quý nhất vì nuôi sống con người nên được ví như hạt ngọc nhà trời. Nhưng để làm nên những vụ mùa tươi tốt, bội thu thật không đơn giản nên dân làng phải một nắng hai sương cũng là chuyện thường tình. Lúa Nhĩ Thượng lấy nước  từ sông Cánh Hòm tạo nên những mùa vàng no ấm, vẽ nên bức tranh an bình với nhiều cảnh sắc sinh động của một làng quê còn chứa đựng nhiều bí ẩn của thiên nhiên.

   Ông Nguyễn Thành nhiệt tình dẫn chúng tôi ra thăm giếng cổ của làng cũng là một sự lạ được người đời truyền tụng. Mà không lạ sao được khi cái giếng này đã nuôi sống và bầu bạn với bao thế hệ thậm chí theo dân làng nó ra đời trước khi người Đại Việt xuất hiện ở đây, nghĩa là rất xa xưa. Chiều sâu của giếng chỉ khoảng hai gang tay mà lạ chưa nước hàng trăm năm nay khi bao giờ vơi cạn, kể cả những năm hạn hán kỷ lục. Chuyện về  giếng cổ và nhiều sự lạ khác cũng được giới thiệu một cách tự hào bên mạch nguồn sâu thẳm của làng quê. Ông Thành cho biết cả thôn có hơn 1500 nhân khẩu đang chung sức chung lòng xây dựng quê hương và bảo tồn vốn quý của làng.

      Và chúng tôi bắt đầu khám phá bằng vài cách khác nhau. Đầu tiên là Sác, hay gọi cho đầy đủ là rừng Sác, một cánh rừng ngập mặn dọc theo sông Cánh Hòm đoạn này dài đến ba cây số chạy dài lên đến cầu Bến Ngự mới dừng lại. Cần nói thêm rằng, sau này do làm thủy lợi vào thập niên 80 của thế kỷ trước nên dòng nước đã thành dòng nước ngọt, đây cũng là một nét độc đáo trong thay đổi địa chất thủy văn cần các nhà chuyên môn tìm hiểu. Vì cho đến nay vẫn chưa có một giải đáp khoa học về sự ra đời và phát triển của khu rừng kỳ lạ này. Chỉ biết rằng dù nước thay đổi nhưng cấy cối vẫn thích nghi và xanh tốt như thường, như chẳng có chuyện gì xảy ra, thậm chí mới đây còn thu hút nhiều chim quý hiếm về đây. Đây chính là lá phổi xanh điều hòa sinh thái  cho ngôi làng Nhĩ Thượng, một báu vật trời cho từ ngàn đời nay cần gìn giữ như chính ngôi nhà của mỗi gia đình. Nếu có dịp về đây trải nghiệm theo lối điền dã sẽ khám phá được nhiều điều mới mẻ.  Nhân đây cũng nói thêm về mặt ngôn ngữ để tránh những ngộ nhận không đáng có rất dễ xảy ra, kể cả với những nhà nghiên cứu khi soạn sách chuyên dụng tra cứu như từ điển. Có thể khẳng định địa danh Rừng Sác  là độc nhất vô nhị ở Quảng Trị, vì ngay cả cù lao Bắc Phước với rừng cây ngập mặn như cây bần cũng không mang tên gọi như vậy. Cách gọi này làm ta nhớ đến ngay địa danh Rừng Sác ở hạ lưu sông Sài Gòn-Đồng Nai mà tên gọi chính thức là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ. Và nhân tiện cũng cải chính sự nhầm lẫn có thể xảy ra với một vài người. Đó là thay vì gọi Rừng Sác. Họ lại gọi nhầm thành Rừng Sát. Gọi như thế là không chính xác. Hơn nữa gọi Rừng Sác nhưng lại không có loại cây nào gọi là cây Sác cả. Chuyện này cũng tạo nên những lý giả tốn nhiều giấy mực. Theo một học giả uy tín An Chi  thì   sác được giảng là ”rừng nước mặn (ở gần biển)”. Tất cả đều có một nét nghĩa chung là ”rừng ngập ngụa”. Đây chính là nghĩa gốc của từ sác trong phương ngữ Nam Bộ.

     Ngoài rừng ngập mặn nguyên sinh Nhĩ Thượng còn có một rừng tràm tự nhiên với diện tích lên đến 10 ha nằm trên đồi cát cũng không xa cao điểm 31. Rừng tràm trải rộng theo những cồn cát, địa hình cũng nhấp nhô, uốn lượn. Đi bộ vào rừng hay nhìn từ trên cao đều khiến người xem không khỏi ngạc nhiên. Đây cũng là một ân tứ của thiên nhiên ưu ái cho con người nơi đây. Vì ở những cồn cát, trảng cát được mệnh danh là tiểu sa mạc hay tiểu bán sa mạc trong thời tiết nắng lửa gió Lào nếu không có những cỗ máy thiên nhiên xanh như rừng tràm thì ắt hẳn quá trình sa mạc hóa chỉ còn là chuyện thời gian. Nhưng chính nhờ trời đất sinh hạ những rừng cây như rừng tràm này mà con người được hưởng lợi to lớn và bền vững. Mới giáp mặt rừng tràm đã thấy mùi thơm dậy lên từ một loài cây dược liệu truyền thống quen thuộc với một số tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị là nguyên liệu chế biến dầu tràm, trị được một số loại bệnh rất công hiệu, có tác dụng rất tốt cho trẻ nhỏ và phụ nữ mới sinh, làm nên một thương hiệu trong y học cổ truyền. Ngay giữa rừng tràm, trên đồi cát cao, dù giữa ngày hè nắng như lò lửa vẫn tồn tại nhiều hồ nước lớn nhỏ, vẫn ngoan cường không chịu cạn khô mà thủy chung tưới mát đất đai.

 Người dân bản địa khẳng định với chúng tôi rằng: rừng tràm cũng chính là một nguồn nước hết sức quan trọng cung cấp nước và giữ ẩm cho đất đai, cây trồng địa phương. Vì vậy việc bảo vệ rừng tràm là rất cần thiết. Được biết cơ quan kiểm lâm địa phương đã làm thủ tục bàn giao diện tích rừng tràm cho thôn quản lý. Đây cũng là một biện pháp hay vì không ai giữ rừng tốt hơn là người dân tại chỗ, nhất là với một vốn quý như rừng tràm Nhĩ Thượng.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 26/06/2022 19:36 Lê Vĩnh Nhiên 27/06/2022 17:50

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà