Đất pt 1/8
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 1/8 -Đón nghe: ptv đọc: Qúy vị và các bạn thân mến! Trong ct pt: đất và người Quảng Trị phát sóng vào 11g ngày thứ hai: 1/8 có bút ký về miền tưởng vọng Quảng Trị, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Ptv dẫn: *Những người thực hiện ct pt: đất và người Quảng Trị rất vui khi được gặp lại quý thính giả! Trong ct hôm nay, chúng ta cùng chia sẻ cảm xúc tháng 7 qua bài viết sau của pv Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. *Qúy thính giả vừa theo dõi ct pt: đất và người QT, ct này do Việt Thanh bt, được thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

                                MIỀN TƯỞNG VỌNG...

                                                                                                      (Xuân Dũng)

 

   Ngày 27/7 vừa qua kỷ niệm 75 năm ngày thương binh, liệt sĩ và dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị : 1972-2022, vùng quê này có hai nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia và nhiều nghĩa trang các địa phương trong tỉnh. Mảnh đất này được coi là bàn thờ lớn những liệt sĩ vị quốc vong thân. Và như lệ thường, chúng ta ôn cố tri tân.

   Đầu những năm Đổi Mới, bộ trưởng Bộ Giáo dục, bà Nguyễn Thị Bình lại về thăm quê hương Quảng Trị. Trong chuyến công tác này, khi trò chuyện với thầy trò Trường cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm, hôm ấy, bà đã căn dặn mọi người  phải cố gắng xứng đáng với truyền thống  quê hương.

   Vị nữ chính khách đứng đầu Bộ Học từng là Ngoại trưởng trong Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngay sau khi ký kết hiệp định Paris năm 1973 đã hình thành trụ sở Chính phủ tại vùng quê Cam Lộ (Quảng Trị) . Bà Nguyễn Thị Bình cùng với Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã tiếp kiến nhiều đại sứ các quốc gia và các tổ chức trên thế giới đến chào và trình quốc thư  khi  mặt đất xung quanh còn loang lổ đạn bom, khét bồng thuốc súng. Trụ sở này đã thành di tích quan trọng của dân tộc Việt Nam mà người dân địa phương đến hôm nay vẫn quen gọi nôm na, ngắn gọn địa danh ấy là “Khu Chính Phủ”. Mới đây tuy tuổi đã cao, có dịp bà Nguyễn Thị Bình vẫn tìm về Quảng Trị, lên với Cam Lộ như một cuộc hành hương đến với thánh địa hòa bình, bởi cuộc đời bà có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ với mảnh đất này. Nếu khát vọng hòa bình đồng nghĩa với nữ tính thì tà áo dài Việt Nam bà đã mặc gây chấn động dư luận thế giới từ Paris cho đến Quảng Trị-Việt Nam.

   Thiết tưởng cũng cần nhắc lại quá khứ bi tráng của một quê hương từng dằng dặc gánh hai đầu chia cắt. Nếu chiều dài chiếc cầu được đo bằng đại lượng thời gian thì cầu Hiền Lương thuộc loại dài nhất nhì thế giới, nó xuyên suốt đằng đẵng qua hai mươi năm mới được  chạm tay vào Hòa Bình- Thống Nhất, mới bắt đầu cho một cuộc Đại Đoàn Viên.

   Có quá nhiều cảm xúc, nhiều điều đáng nói trong một ngày tháng bảy. Nhưng tôi muốn nói đến những người không phải quê Quảng Trị.

   Cách đây hai tuần, đại tá Trần Ngọc Long, cựu chiến binh chiến đấu ở mặt trận Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, người chỉ huy trực tiếp trong chiến dịch Thành Cổ may mắn sống sót, đã vào thị xã Quảng Trị để dự lễ kỷ niệm. Khi được mời lên phát biểu, ông xúc động nói những lời gan ruột, coi Quảng Trị như quê hương thứ hai của mình và mong mỏi vùng đất này ngày càng phát triển, đổi mới để không phụ lòng những người đã hy sinh, những người đã đổ máu cho ngày nay thanh bình đất được nở hoa.

   Điều gì khiến một ông lão khi đã lên tuổi bảy mươi ở tận thủ đô lại làm nên một đại sự cao cả là vất vả tìm kiếm, đối chiếu hồ sơ với thực tế và biên soạn thành cuốn sách về danh tính hơn 4000 liệt sĩ đã hy sinh ở Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Đó chính là sự thôi thúc bên trong, của một nội tâm không thể ngồi yên, không muốn ngồi yên khi nhớ về đồng đội cho dù tuổi cao sức yếu. Ông với sự hỗ trợ hết sức hiệu quả của một đồng đội  là cấp dưới năm xưa cũng từng chiến đấu nơi này là thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một cựu chiến binh đã giải ngũ với một lãnh đạo cao cấp quân đội đương chức đã tự nguyện đồng hành trong sứ mệnh đi tìm đồng đội. Họ đã thành công với sự giúp sức của nhiều tấm lòng. Và đó chính là cách thể hiện tự giác cao độ đạo lý nhân văn đối với những người đã tận hiến đời mình cho Tổ quốc. Và nay, khi đã ngoài tám mươi tuổi, ông lại vẫn vào Quảng Trị dù sức khỏe ngày một yếu đi. Mỗi lần đi viếng đồng đội là mỗi lần ông không cầm được nước mắt dù cuộc đời binh nghiệp của ông đã khóc quá nhiều trước sự ra đi của những người lính chiến. Có ai đó nói rằng sở dĩ những người hy sinh vẫn bất tử là vì người còn sống vẫn luôn nhớ thương họ khôn nguôi. Qủa đúng như vậy khi dân ta thủy chung với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".

   Rồi điều gì thôi thúc nữ đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Nguyễn Thị Xuân Phượng đã ngoài 90 tuổi vẫn chống gậy về thăm lại mảnh đất Quảng Trị, một vùng quê mà theo bà là chẳng thể nào quên được và dành cho những tình cảm sâu nặng. Bà kể về chuyện nhân vật trong bộ phim tài liệu "Vĩ tuyến 17-chiến tranh nhân dân" của đạo diễn Joris Ivens thực hiện năm 1967; như cậu bé Phạm Công Đức 9 tuổi lắp ráp súng quân dụng gần như một người lính thực thụ. Đó là một cuộc chiến tranh nhân dân, những anh hùng nhân dân trẻ, giả, trai, gái.

  Nên nghĩ về  họ là những anh hùng nhưng là anh hùng bất đắc dĩ cũng như cuộc chiến mà họ phải tham gia cũng là cuộc chiến bất đắc dĩ vì không còn con đường nào khác: "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" mà dân gian Việt Nam vẫn khẳng định như đinh đóng cột. Và khi cần thì dân tộc Việt Nam thiện chiến chứ không hề hiếu chiến.  Ký ức chiến tranh và tình người sâu nặng đến mức khi được tặng gói tiêu khô của đất Quảng Trị, bà Xuân Phượng đã đem sang tận Pháp đến mộ người thầy là đạo diễn người Pháp gốc Hà Lan Joris Ivens thắp hương. Tính nhân văn trong và sau cuộc chiến thật cảm động vô ngần.

   Và trong cuộc hội thảo tại Quảng Trị "Quảng Trị-khát vọng hòa bình" ngày 25/7 vừa qua với nhiều đại biểu trong nước và quốc tế, một người Mỹ trầm lặng ngồi chăm chú lắng nghe, đó là cựu binh Mỹ, ông Chuck Searey gần 80 tuổi, một sĩ quan quân báo trong chiến tranh Việt Nam. Sau chiến tranh, ông trở thành người bạn lớn của nhân dân Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh như rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn bom mìn...Ông nói nhiều điều bằng sự trải nghiệm của bản thân, thiết thực và xúc động.  Và ông tâm sự  : "...Tôi vô cùng biết ơn những người dân Việt Nam đã chia sẻ với chúng tôi-những người sống và làm việc tại đây, những giá trị quan trọng làm nên một đất nước có vị thế đặc biệt, đó là văn hóa hòa bình vì chúng tôi hiểu được sự cần thiết phải hàn gắn vết thương chiến tranh". Những lời kêu gọi và chung sống hòa bình từ cựu binh Mỹ vang lên tha thiết đã được nhiều người đồng cảm và hưởng ứng.

   Hết thảy nên nhìn về và kiến tạo một tương lai tốt đẹp, thân thiện và an lành. Hãy tiếp tục tri ân đúng nghĩa và cũng biết khép lại quá khứ đau thương, mất mát để tha thứ cho nhau, vun đắp hòa bình. Nhưng tha thứ không hề đồng nghĩa với quên lãng. Không nên và không bao giờ như thế.

                                      

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 28/07/2022 09:51 Lê Vĩnh Nhiên 29/07/2022 06:44

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà