Tạp chí DTMN số 1 tháng 6
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí DTMN ngày 4.6.2023

Dẫn 1: Kính chào đồng bào và các bạn! Cảm ơn đồng bào và các bạn đang theo dõi chương trình Tạp chí Dân tộc và Miền núi của Đài PTTH Quảng Trị. Trong chương trình hôm nay chúng tôi xin chuyển đến quý vị và các bạn những nội dung đáng chú ý sau:

-        Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô

-        Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở

-        Hỗ trợ con nuôi xóa nghèo ở vùng biên giới

Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình, kính mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi.

Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô

Thưa đồng bào và các bạn! Thời tiết nắng nóng kéo dài những ngày qua khiến nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện miền núi Đakrông nói riêng rất dễ xảy ra. Để chủ động ứng phó với cháy rừng, thời gian qua các cấp chính quyền ở Đakrông đã phối hợp đồng bộ, triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Tại huyện miền núi Đakrông, những ngày này đang là thời điểm người dân phát dọn, đốt nương rẫy để chuẩn bị canh tác vụ mới. Năng nóng kéo dài và gió mạnh, nếu người dân không tuân thủ đúng các quy định và thiếu kiểm soát trong việc đốt lửa ở rừng và ven rừng thì nguy cơ cháy rừng rất lớn. Để đảm bảo an toàn, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng và trồng rừng mới đạt hiệu quả, lực lượng kiểm lâm đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân sống gần rừng ký cam kết không đốt rẫy trong thời điểm dự báo cháy rừng đang cấp 4, cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Ông Hồ Văn Phương

 Thôn Trại Cá, Tà Long, Đakrông, Quảng Trị.

( Lực lượng kiểm lâm đã tuyên truyền bà con không nên đốt rẫy vào lúc nắng nóng này, không nên vào rừng lấy mật ông vì nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, bà con phải chấp hành tốt theo các nội dung trên của cán bộ kiểm lâm)

Thời tiết khô hanh đã làm hệ thực vật bậc thấp tại các rừng đặc dụng, rừng phòng hộ khô héo, tạo thành thảm thực bì rất dễ bén lửa. Bên cạnh đó, phần lớn diện tích rừng ở đây nằm xen kẽ với nương rẫy của người dân, do đó nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Nhằm phòng chống cháy rừng hiệu quả các Trạm bảo vệ rừng, Tổ cộng đồng quản lý bảo vệ rừng đã tiến hành tuần tra, kiểm soát rừng ở các khu vực trọng điểm, khu vực giáp ranh. Đồng thời phát quang, tạo các đường băng cản lửa để xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng, không để cháy rừng lan rộng.

Ông Nguyễn Văn Thông

Trưởng trạm Kiểm lâm Tà Lòng - Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Đakrông, Quảng Trị

( Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tiểu khu tăng cường bám sát địa bàn trọng điểm, cùng với lực lượng bảo vệ rừng tuần tra vùng rừng giáp ranh với nương rẫy và rừng tự nhiên để hướng dẫn, vận động bà con trong vấn  trong vấn đề đốt, xử lý thực bì trong canh tác nương rẫy, không được đốt nương làm rẫy vào lúc nắng nóng, gió mạnh và trước khi đốt phải báo cáo cho Ban quản lý thôn, các tổ bảo vệ rừng và chính quyền địa phương để có giám sát, hướng dẫn, tránh nguy cơ cháy lan vào rừng. Cái thứ hai nữa là nghiêm cấm các hoạt động đốt, sử dụng lửa trong rừng và ven rừng. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tiểu khu  và lực lượng bảo vệ rừng trực chốt tại các chốt bảo vệ rừng và các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng để kịp thời phát hiện các điểm cháy và có biện pháp phòng cháy chữa cháy kịp thời)

Với đặc điểm là huyện miền núi, có địa hình phức tạp nên công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở Đakrông gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Bên cạnh một số khó khăn như ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân còn kém, phương tiện chữa cháy chưa đảm bảo, lực lượng kiểm lâm địa bàn mỏng… thì điều đáng quan tâm là hệ thống đường giao thông nội vùng, các tuyến đường dẫn vào rừng hiện nay chưa được chú trọng xây dựng để xe cơ giới vận chuyển các thiết bị chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Những điểm tiếp nước chưa được xây dựng cố định, quản lý hiệu quả để đảm bảo cho việc cung cấp nước đều đặn ngay cả trong mùa khô. Thực tế cho thấy, việc xây dựng các tuyến đường nội rừng không những có tác dụng nhiều mặt với việc phát triển lâm nghiệp, phục vụ dân sinh, sản xuất mà còn phục vụ tốt cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời cũng có tính năng như đường ranh cản lửa khi xảy ra cháy rừng. Đối với các điểm tiếp nước nếu nguồn nước được đảm bảo ổn định thì công tác chữa cháy sẽ được chủ động, hiệu quả hơn trong việc khống chế, dập tắt đám cháy.

Ông Hồ Viết Thắng

Phó Giám đốc BQL Khu bảo tồn Thiên nhiên Đakrông, Quảng Trị

( Hàng năm trước khi vào mùa khô chúng tôi triển khai đồng bộ các giải pháp, thứ nhất là công tác tuyên truyền cho bà con trên địa bàn trong công tác xử lý thực bì đốt nương rẫy, thứ là là duy tu, bảo dưỡng các phương tiện, công cụ phòng cháy chữa cháy rừng , bên cạnh đó công tác trực phòng chống cháy rừng được triển khai ở các chốt tại các vùng trọng điểm cháy rừng, tăng cường lực lượng, trực 24/24h. Các công cụ phòng cháy chữa cháy rừng được chuyển về các chốt để khi có cháy rừng xảy ra sẽ có công cụ để xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất những thiệt hại)

Huyện Đakrông có tổng diện tích tự nhiên 122.444,6 ha, diện tích đất có rừng là 77.838,98 ha (trong đó rừng tự nhiên có 72.264,24 ha; rừng trồng 5.581 ha). Tuy nhiều năm qua, các vụ cháy rừng đã được hạn chế, song nguy cơ cháy rừng vẫn tiềm ẩn, nhất là trong thời tiết khô nóng như hiện nay. Một khó khăn đặt ra đối với công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở Đakrông là hầu hết các khu rừng trên địa bàn huyện đều nằm xa các tuyến đường giao thông nội vùng nên gây khó khăn trong việc tuần tra, theo dõi. Việc xây dựng các tuyến đường dẫn vào rừng không thực hiện được bởi không có nguồn kinh phí, trong khi đó các khu rừng thường nằm ở vị trí núi đồi dốc, có sườn núi cao chứ không thoải như các địa phương khác. Chính vì vậy, để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng cần phải xây dựng các điểm tiếp nước cố định, đảm bảo cung cấp nguồn nước đầy đủ khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

Ông Trần Hiệp

          Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị

( Trên cơ sở phương châm 4 tại chỗ lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ để đảm bảo khi phát hiện sớm các vụ việc khi có dấu hiệu bắt đầu sẽ huy động được lực lượng kịp thời, với quan điểm phòng là chủ yếu)

Theo dự báo, khả năng cấp nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ tăng lên cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm nếu thời tiết tiếp tục nắng, khô hanh. Công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng hiện đang được các địa phương, đơn vị chủ rừng tích cực triển khai. Để công tác phòng cháy chữa cháy rừng ở huyện Đakrông được bền vững, cùng với việc xây dựng các tuyến đường dẫn vào rừng, các điểm tiếp nước ổn định thì khâu tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng cũng cần được coi trọng và thực hiện tích cực theo phương châm “mưa dầm thấm đất”. Các cấp chính quyền cần phải có trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo nguyên tắc “phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để” và áp dụng phương châm “lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”, tránh xảy ra các vụ cháy rừng gây thiệt hại nghiêm trọng.

 

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở

Thưa đồng bào và các bạn! Những năm qua, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng dân tộc thiểu số luôn được huyện Đakrông quan tâm. Bên cạnh các trạm y tế xã, các trạm xá, phòng khám quân dân y kết hợp trở thành địa chỉ tin cậy cho đồng bào dân tộc thiểu số lúc ốm đau. Qua đó, hệ thống y tế cơ sở ngày càng được nâng cao, đáp ứng chất lượng khám, chữa bệnh ở vùng dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông.

Những năm qua, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe đồng bào vùng dân tộc thiểu số luôn được huyện Đakrông quan tâm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư, đội ngũ cán bộ y tế được kiện toàn nên chất lượng khám, chữa bệnh ở vùng dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao.

Tại xã Hướng Hiệp, trạm Y tế cùng với chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trên cơ sở đó,  Ban chỉ đạo đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể và nhân dân thực hiện tốt các chiến dịch về sức khỏe, các hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chương trình vệ sinh phòng bệnh... Nhờ vậy, các phong tục tập quán ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dân dần được đẩy lùi. Các nguồn lực để xây dựng các công trình vệ sinh, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, công tác DS-KHHGĐ được toàn xã hội và nhân dân tích cực tham gia thực hiện. Hàng năm, chính quyền địa phương cũng đã trích một phần kinh phí để kịp thời duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các cơ sở y tế bị hư hỏng. Hiện nay trạm y tế đã mua sắm trang thiết bị các loại, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn.

Anh Hồ Văn Nam

Trạm trưởng trạm y tế xã Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị.

 ( Tình hình khám chữa bệnh trên địa bàn xã trước đây điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất của trạm còn nhiều thiếu thốn, tuy nhiên thời gian gần đây được sự đầu tư của cấp trên nên khám chữa bệnh ở trạm có nhiều chuyển biến. Một số bệnh thông thường được khám và điều trị tại trạm, một số bệnh nặng được chuyển lên tuyến trên, trước đây các bệnh như sốt rét, tiêu chảy và một số bệnh thông thường khác thường chuyển tuyến nhưng hiện nay các bệnh như sốt rét nhẹ hoặc tiêu chảy cấp nhẹ được khám và điều trị tại trạm) 

Theo thống kê từ trạm y tế xã Mò Ó, mỗi năm đơn vị đã khám, chữa bệnh cho hơn 2000 lượt người, bên cạnh đó, trung bình mỗi năm trạm y tế tổ chức hơn 50 lượt về thôn bản để truyền thông công tác phòng chống dịch bệnh, dân số, kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí…Để làm tốt công tác khám chữa bệnh tại cơ sở, trạm y tế xã đã chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để phục vụ tốt hơn nhiệm vụ của ngành, nếu trước đây một số bệnh nặng thường phải vượt tuyến thì nay rất ít, việc xử lý bước đầu được thực hiện tốt hơn ở cơ sở, giúp bà con giảm bớt các chi phí khi phải điều trị xa.

Bà Hồ Thị Hoa

Xã Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị

( Bà con ở đây được các y, bác sỹ trong trạm quan tâm rất nhiều. Mình đau cái chi cũng đến trạm y tế xã để khám, đến đây các bác sỹ rất tốt, họ tận tình khám bệnh, cho thuốc để uống, rồi tuyên truyền cho mình biết về các biện pháp phòng trừ dịch bệnh như rửa tay trước khi ăn uống, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không nuôi gia súc trong nhà, nhờ thế mọi người ít bị bệnh hơn trước)

Bà Lê Thị Kim Liên

Trạm trưởng trạm y tế xã Mò Ó, Đakrông, Quảng Trị.

( Trạm y tế trước đây cơ sở vật chất chưa được khang trang, cơ sở xuống cấp, trang thiết bị chưa đầy đủ, từ năm 2019 được sự quan tâm của cấp trên và các dự án đầu tư xây dựng cho trạm dãy nhà 2 tầng đầy đủ các phòng chức năng để hoạt động và cũng bổ sung thêm một số trang thiết bị và máy móc để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó đội ngũ y, bác sỹ cũng nỗ lực về tận thôn, bản tư vấn cho người dân để người dân hiểu được vấn đề khám chữa bệnh ở trạm y tế để người dân yên tâm khi khám chữa bệnh tại trạm)

Góp phần cùng các cơ sở làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe của đồng bào vùng cao phải kể đến sự đóng góp của các trạm quân dân y kết hợp. Song song với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, công tác chăm sóc sức khỏe  ban đầu cho đồng bào khu vực biên giới cũng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng được lực lượng bộ đội biên phòng Quảng Trị chú trọng thực hiện. Các trạm xá, phòng khám quân dân y kết hợp trở thành địa chỉ tin cậy cho đồng bào dân tộc thiểu số lúc ốm đau. Tại khu vực biên giới Quảng Trị tiếp giáp nước bạn Lào, đời sống của bà con các xã vùng biên thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông còn gặp nhiều khó khăn. Việc sinh sống thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn khiến công tác tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân còn nhiều hạn chế. Trước thực tế này, bộ đội biên phòng Quảng Trị đã triển khai xây dựng các trạm xá, phòng khám quân dân y kết hợp tại các đồn biên phòng nhằm thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trên tuyến biên giới đất liền của Quảng Trị hiện có 7 phòng khám và 4 trạm y tế quân dân y kết hợp.

Những ngày qua, chị Hồ Thị Ring ở xã Ba Nang thường bị những cơn đau nhức xương khớp hành hạ, nhất là lúc trái gió trở trời. May mắn, gia đình chị sống gần Trạm Quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Ba Nang nên hằng ngày, chị được cán bộ quân y đến thăm khám, chữa trị và chăm sóc sức khỏe.

Chị Hồ Thị Ring

Xã Ba Nang, Đakrông, Quảng Trị

(Khi đau ốm thì tôi đến trạm để được bác sỹ Thắng thăm khám, ở đây, không chỉ riêng gia đình tôi, mà bà con trong thôn hễ ai đau ốm đều tìm đến trạm quân y biên phòng. Bởi đi lại gần hơn, ngoài khám, các chú quân y còn cho thuốc và hướng dẫn tận tình lắm. Bà con rất yên tâm khi đến thăm khám sức khỏe tại đây)

Bác sỹ Lê Đức Thắng

Trạm quân dân y kết hợp Đồn Biên phòng Ba Nang, Đakrông, Quảng Trị

( Ở đây đa số là cấp cứu và điều trị bước đầu cho người dân với các bệnh thông thường như xương khớp, hô hấp, tiêu hóa, trung bình mỗi ngày có từ 5 đến 7 bệnh nhân, phương châm của Bộ chỉ huy cũng như đơn vị là đảm bảo khối quân y trực 100% tại trạm để cấp cứu và điều trị cho bà con một cách tốt nhất, đảm bảo sức khỏe bước đầu.  Đặc biệt ở đây có 2 bản tiếp giáp với nước bạn Lào, bà con cũng tin tưởng, thường xuyên qua đây, vì điều kiện kinh tế cũng như cơ sở vật chất ở Lào  chưa đầy đủ nên họ rất tin tưởng ở đồn biên phòng Ba Nang. Quân y ở đây cũng làm hết sức mình để giúp bà con mau lành bệnh)

 Là một huyện miền núi, biên giới với gần 80% là đồng bào Vân Kiều – Pa Cô; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%. Những năm trước đây, công tác khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là người nghèo, dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Khi ốm đau đồng bào không đến cơ sở y tế mà thường tự tìm cách chữa trị một phần do tập tục lạc hậu, một phần khác do hoàn cảnh gia đình không đủ tiền để trang trải chi phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống cơ sở y tế xã được đầu tư xây dựng đồng bộ, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ được tăng cường cả về số lượng lẫn trình độ chuyên môn, chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh ngày một nâng lên. Cùng với đó, chính sách bảo hiểm y tế dành cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh giúp đồng bào yên tâm đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế.

Chị Hồ Thị Tám

Thôn Ra Lu, Hướng Hiệp, Đakrông, Quảng Trị

(Khi đến khám ở trạm y tế mình rất yên tâm. Cán bộ y, bác sỹ đón tiếp rất niềm nở, họ hỏi thăm bệnh tình, nếu bệnh nhẹ thì uống thuốc, nếu bệnh nặng thì ở lại điều trị truyền thuốc hoặc tiêm, mình kêu đau là có bác sỹ đến liền)

     Với những giải pháp thiết thực trên, đến nay huyện Đakrông có 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; tỉ lệ tiêm chủng mở rộng hằng năm đạt trên 95% với 10 loại vắc xin; 100% trạm y tế xã, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 85%…Để tiếp tục làm tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, thời gian tới huyện Đakrông tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Bác sỹ Đinh Quang Nhật

GĐ Trung tâm Y tế huyện Đakrông, Quảng Trị

( Ngay từ đầu năm chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức các hội nghị để giao chỉ tiêu đến các địa phương, trong đó các chương trình mục tiêu y tế, dân số chúng tôi đặt trọng tâm. Về công tác khám chữa bệnh sẽ nâng cao các dịch vụ, các chuyên khoa mà trước đây chúng tôi chưa thực hiện được như tai mũi họng, mắt…Về công tác phòng chống dịch bệnh, chúng tôi luôn chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác giám sát từ cộng đồng để phát hiện sớm các dịch bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân)

     Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở y tế dự phòng và khám chữa bệnh. Thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi; khám, chữa bệnh cho người nghèo. Mở rộng và triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và nâng cao sức khỏe cho người dân…

Hỗ trợ con nuôi xóa nghèo ở vùng biên giới

Thưa đồng bào và các bạn! Đồn Biên phòng Ba Nang, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị phụ trách địa bàn 2 xã biên giới Tà Long và Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều chiếm tỷ lệ trên 88%. Do phương thức chăn nuôi, trồng trọt của người dân còn có nhiều hạn chế nên kinh tế phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm trên 50%. Những năm trở lại đây, để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tiếp cận với phương thức sản xuất khoa học, kỹ thuật, Đồn Biên phòng Ba Nang đã tích cực triển khai mô hình chăn nuôi ngan, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập, từng bước nâng cao đời sống.

Là xã cách xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn nên đời sống kinh tế của người dân Ba Nang còn nhiều thiếu thốn. Từ thực tế này, nhiều năm qua, chính quyền địa phương và đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn đã tìm nhiều giải pháp, thử nghiệm nhiều cây trồng, con nuôi mới để bà con chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập. Sau khi khảo sát, nghiên cứu thực tế địa bàn, năm 2022, Đồn Biên phòng Ba Nang đã chọn 15 hộ gia đình tại thôn Ba Nang và thôn Sa Trầm để triển khai mô hình nuôi ngan giống, nuôi thử nghiệm với số lượng 50 con ngan giống cho mỗi hộ gia đình. Đây là nguồn kinh phí được trích từ quỹ tiền lương của cán bộ, chiến sỹ ở đồn, giúp người dân cải thiện đời sống.

Gia đình bà Hồ Thị Lâng là một trong những hộ được nhận ngan giống ngay từ đợt đầu. Dù đã tập huấn cho bà con các kiến thức về chăn nuôi ngan, làm chuồng trại và phòng trừ dịch bệnh nhưng các cán bộ, chiến sỹ ở đồn luôn lo lắng, theo dõi đàn vật nuôi hàng ngày. Sự khác biệt về khí hậu, thời tiết giữa miền xuôi và miền núi là trở ngại lớn nhất trong việc nuôi ngan, bởi chỉ cần sơ suất về chuồng trại che chắn không kín, không thoáng hay chậm tiêm vaccine phòng bệnh, hoặc những ngày trời trở lạnh quên bật đèn sấy... là ngan sẽ bị ảnh hưởng về sức khỏe, dẫn đến chậm phát triển. Người dân vùng cao vẫn đang giữ thói quen chăn nuôi theo tập quán cũ, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, theo dõi vật nuôi... Vì thế, trước đây, đã có một số nơi tặng con giống cho người dân, nhưng không hướng dẫn về kỹ thuật nên tỷ lệ sống rất thấp và hiệu quả không cao. Rút kinh nghiệm, lần này, sau khi tặng ngan giống cho người dân, đơn vị cử cán bộ bám sát từng nhà, hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật cho ăn, tiêm thuốc phòng dịch bệnh, theo dõi ngan từng ngày. Vì vậy, đàn ngan tăng trưởng tốt, đã có mấy nhà bán được ngan thịt khiến người dân ai cũng vui mừng.

Bà Hồ Thị Lâng

Thôn Ra Pong, Ba Nang, Đakrông, Quảng Trị

 ( Nhờ Bộ đội Biên phòng giúp đỡ cho con giống và hướng dẫn cách nuôi ngan nên bà con yên tâm làm theo, bây giờ đàn ngan phát triển tốt. Mình nuôi để làm kinh tế, khi có việc gì cần thì mình bán một, hai con để trang trải các chi phí. Có thêm thu nhập từ con ngan, đời sống của bà con nơi đây được cải thiện so với trước)

Anh Hồ Quang Vinh

Bí thư chi bộ thôn Ra Pong, Ba Nang, Đakrông, Quảng Trị

(Được Đồn Biên phòng Ba Nang cấp giống ngan cho bà con rất mừng, như thôn Ra Con có 9 hộ được hỗ trợ, hiện nay đàn ngan phát triển tốt, nhờ Đội vận động quần chúng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ngan nên bà con chăm sóc thuận lợi. Bà con mong rằng Đồn tiếp tục quan tâm về mặt kỹ thuật cũng như hỗ trợ thêm cho các hộ khác để người dân cải thiện kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở trong thôn)

Cũng giống như gia đình bà Hồ Thị Lâng, gia đình anh Hồ Văn Van, thôn Ngược, xã Tà Long được tặng 50 con ngan giống. Anh Van tiếp thu kiến thức chăn nuôi từ những cán bộ Biên phòng để chăm bẵm đàn ngan theo từng giai đoạn sinh trưởng. Sau gần 4 tháng, đàn ngan của gia đình anh có con đã nặng tới hơn 3kg. Anh Van bán đợt đầu 15 con với giá 70.000 đồng/kg, tiếp theo, anh bán 15 con với tổng thu nhập cả 2 đợt là trên 6 triệu đồng. Số còn lại, anh nuôi ngan đẻ trứng vừa để bán, vừa để sử dụng trong gia đình và cho ngan ấp để tái đàn. Hiện nay, số ngan của gia đình anh vẫn giữ nguyên 50 con, mặc dù bà đã bán 30 con.

Anh Hồ Văn Van

Thôn Ngược, Tà Long, Đakrông, Quảng Trị

( Bộ đội Biên phòng đã tìm hiểu nhu cầu chăn nuôi của người dân, trong đó con ngan là phù hợp nhất. Bữa nay người dân được tuyên truyền về cách chăm sóc đàn vật nuôi, làm chuồng trại và vệ sinh sạch sẽ, vì vậy đàn ngan, gà, vịt lớn nhanh. Nuôi ngan đúng kỹ thuật, vừa nhanh lớn, lại không bị dịch bệnh nên cho thu nhập khá. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục chăn nuôi và tăng thêm số ngan giống để phát triển kinh tế gia đình)

Trước đây, các hộ gia đình trong xã chăn nuôi theo phương thức truyền thống, chăn nuôi thả rông, không có chuồng trại, nên vào mùa lạnh đàn vật nuôi rất dễ nhiễm bệnh, bị chết nhiều và phải dùng nhiều thuốc kháng sinh… Thực hiện mô hình nuôi ngan có chuồng trại, ao nuôi, khoanh vùng nuôi, phương thức nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp ngan khỏe mạnh, ít bị nhiễm bệnh, chất lượng thịt chắc, thơm, ngon. Triển vọng, phương thức chăn nuôi theo mô hình này sẽ giúp cho nghề chăn nuôi của xã phát triển hiệu quả và bền vững. Từ  năm 2022 đến nay, Đồn Biên phòng Ba Nang đã tặng cho 80 hộ gia đình trên địa bàn con giống vật nuôi, đặc biệt là đàn ngan. Bên cạnh đó, phối hợp với các thôn, tổ, đội công tác hướng dẫn bà con chăm sóc về kỹ thuật để đàn ngan cũng như đàn gia súc gia cầm phát triển. Đặc biệt, thực hiện chương trình kết nghĩa hai bên biên giới, Đồn đã vận động các tổ chức trao tặng cho 30 hộ gia đình của bản A Sóc, Lào...hiện nay chất lượng đàn ngan và đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt và hiệu quả, người dân mong muốn nhân rộng mô hình này để cùng nhân dân phát triển kinh tế.

Thượng tá Lê Hồng Sơn

Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Nang, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị

( Thời gian tới, với quyết tâm của Đảng ủy Đồn Biên phòng Ba Nang  chúng tôi sẽ chỉ đạo các bộ phận và tranh thủ ý kiến của các cấp và sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tiếp tục nhân rộng đàn ngan, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn để giúp đỡ nhân dân phát triển về kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương)

Chuyển đổi giống cây, giống con là nhiệm vụ rất quan trọng của địa phương, qua đó, giúp người dân tìm ra được phương thức sản xuất phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Thời gian tới, xã Ba Nang tiếp tục nhân rộng và xây dựng mới các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả giúp người dân tổ chức sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số  vùng núi cao.

Chào kết

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 02/06/2023 08:34 Lê Vĩnh Nhiên 07/06/2023 13:38
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà