Đất và Người Quảng Trị - Bài Thạch Hãn - máu và hoa
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : a

 

Đất và Người Quảng Trị

Như Hòa và …xin kính chào quý vị thính giả đang nghe Đài. Hiện nay, chuyên mục đang được phát sóng trên tần số FM 92,5mkz, mời quý vị thính giả chú ý lắng nghe. Trong chuyên mục ngày hôm nay, mời quý vị thính giả cùng nghe các bài viết sau: Thạch Hãn – niềm tự hào của máu và hoa của tác giả Bội Nhiên – Mỹ Nhị. Tiếp đó là bài viết “Phó Bí thư Chi đoàn thôn Vực Leng nặng lòng với nhạc cụ truyền thống” của Phóng viên Mỹ Nhị. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình…

Nhạc cắt

Bài 1: MC: Thạch Hãn- niềm tự hào của máu và hoa cũng chính là bài viết đầu tiên mà tác giả Bội Nhiên và Mỹ Nhị muốn gửi đến quý vị thính giả trong chương trình phát thanh ngày hôm nay.

 

Đại Nam nhất thống chí cũng ghi rõ, sông Thạch Hãn dài khoảng 170 dặm bao gồm cả đầu nguồn n ở phía tây nam của tỉnh Quảng Trị với lượng phù sa không nhiều, nước thường trong xanh nhìn thấy đáy, trừ những ngày lũ lụt. Tên gọi Thạch Hãn được lý giải do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, mạch đá đổ mồ hôi thành dòng chảy. Và chính những đặc điểm tự nhiên đó đã đưa sông Thạch Hãn trở thành biểu tượng của đạo lý trong sạch và danh thơm của đất và người Quảng Trị thể hiện qua câu ca “Không thơm cũng thể hương đàn/ Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”.

- Phỏng vấn ông Lê Ngọc Vũ - Trưởng phòng Văn hóa-thông tin thị xã Quảng Trị

Là dòng sông có hình thể uốn lượn uyển chuyển từ phía Đông và Đông Bắc, gặp sông Rào Quán lại chảy về hướng Đông rồi ngược lên phía Bắc, nhập với sông Cam Lộ (tức sông Hiếu đoạn chảy qua thành phố Đông Hà) tại ngã ba Dã Độ rồi lại quay về hướng Đông, đổ ra Cửa Việt cùng với nhiều phụ lưu là sông Vĩnh Định, sông Vĩnh Phước, sông Điếu Ngao thuộc các Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà, sông Thạch Hãn là tuyến giao thông đường thủy rất quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, là con hào thiên tạo ở phía Bắc Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn có vị trí chiến lược về quân sự trong chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà điển hình là 81 ngày đêm giữ vững Thành cổ trước cuộc phản kích tái chiếm tỉnh Quảng Trị của đế quốc Mỹ xâm lược và Quân lực Việt Nam Cộng hòa vào mùa Hè đỏ lửa năm 1972. Trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm oanh liệt từ ngày 28/6 đến ngày 15/9/1972, dòng Thạch Hãn đã đón nhận hàng vạn chiến sĩ Quân Giải phóng vượt sông dưới mưa bom bão đạn vào giữ Thành cổ Quảng Trị, làm nên trang sử vàng bất khuất vì hòa bình và thống nhất của đất nước, vì tự do của dân tộc Việt Nam viết nên khúc tráng ca về dòng Thạch Hãn và ngôi thành cổ vinh quang. Soi bóng dòng Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị chưa đầy 3 km2 đã hứng chịu một lượng bom đạn có sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Hirosima của Nhật Bản do Mỹ-ngụy trút xuống trong 81 ngày đêm trở thành một thành phố tuẫn đạo của thế giới. Ở đó, hàng vạn chiến sĩ giải phóng quân đã giữ vững Thành cổ Quảng Trị bằng chính lòng quả cảm, ý chí và nghị lực phi thường của những con người Việt Nam với truyền thống bốn ngàn năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại. Chiến công và vinh quang đó trên sông Thạch Hãn và bên dòng Thạch Hãn gắn với những con người đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh mà hôm nay thường ngân vang trong những câu ca về Dòng sông hoa đỏ: “Khi người lính lặng im tan vào đất, là cuộc đời chảy mãi những dòng sông, ôi dòng sông mang phù sa người lính, tươi mát bãi bồi xanh ngát nương dâu” và trong câu thơ tưởng nhớ đồng đội: “Đò lên Thạch Hãn… ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Cựu Chiến Binh Lê Bá Dương đọc lời 4 câu thơ mình đã viết và nói về nó:

Bên sông Thạch Hãn trong hơn hai trăm năm nay là vùng đất của những thế hệ người Việt trầm tĩnh, hiền hòa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thị xã Quảng Trị ở bờ Nam sông Thạch Hãn đã thuộc về châu Thuận và xứ Thuận Hóa sau cuộc hôn nhân có ý nghĩa mở mang bờ cõi quốc gia Đại Việt của Huyền Trân công chúa và quốc vương Chămpa Chế Mân. Trên vùng đất của nước nguồn Hàn chảy ra, đời sống ở các địa phương nổi tiếng với “chợ không nói thách, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, mọi người ra sức”. Ghi nhận vùng đất bên dòng Thạch Hãn là nơi đất lành chim đậu, tác giả của sách Ô châu cận lục ghi: Ngoài vườn Thạch Hãn chim về lũ lượt. Ở đó, thị xã Quảng Trị đã nhanh chóng trở nên sầm uất, trở thành trung tâm buôn bán tấp nập và hấp dẫn với nhiều sản vật quý, giao thương thuận lợi nhờ tiếp giáp Quốc lộ nối liền hai miền Nam-Bắc của đất nước, ở ven châu thổ sông Thạch Hãn chuyên chở phù sa từ thượng nguồn về trong dòng nước mà không thơm cũng thể hương đàn kết hợp con sông đào Vĩnh Định xuôi về Cửa Việt, ra Biển Đông, xuống Hội Yên của huyện Hải Lăng, ra thành phố Từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, thị xã Quảng Trị tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, mở ra các giai đoạn phát triển mới bên dòng Thạch Hãn mà cùng với việc giành được nhiều thắng lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh về tổng mức thương mại dịch vụ, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nông-lâm-thủy sản, kết quả giữ gìn và bồi đắp văn hóa, phát triển giáo dục và y tế… là xây dựng trung tâm tôn vinh-tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ và Bảo tàng Thành cổ, Đài Tưởng niệm chiến sĩ Thành cổ, Đài Chứng tích sinh viên-chiến sĩ Thành cổ, Tháp chuông Thành cổ, Quảng trường Giải phóng, nhà hành lễ và bến thả hoa ở hai bờ Nam - Bắc sông Thạch Hãn,…

- Phỏng vấn: Ông Lê Phương Bắc - Phó Chủ tịch phụ trách khối văn xã UBND thị xã Quảng Trị

Uốn lượn qua các lưu vực đồng bằng, các vựa lúa chính của tỉnh Quảng Trị như Triệu PhongHải Lăng, thị xã Quảng Trị và làm tuyến giao thông đường thủy rất thuận lợi, Thạch Hãn không ngừng bồi đắp cuộc sống ngày càng xanh tươi ở các địa phương này. Đồng thời, sông Thạch Hãn đã và đang tích cực đóng góp những phì nhiêu phong thổ, văn hóa, lịch sử đưa đơn vị hành chính gắn bó với sóng nước, phù sa, bờ bãi của mình là thị xã Quảng Trị bước vào đà phát triển trở thành trung tâm kinh tế-văn hóa-xã hội phía Nam của tỉnh Quảng Trị với niềm tự hào của máu và hoa: “Hễ có Việt Nam có cổ Thành/ Nối vòng hoa lửa với Khe Sanh/ Huân chương khó đủ từng viên gạch/ Tấc đất từng giây mỗi lá cành”.

Nhạc cắt

Bài 2: MC: Tiếp theo chuyên mục, mời quý vị thính giả cùng nghe bài viết ““Phó Bí thư Chi đoàn thôn Vực Leng nặng lòng với nhạc cụ truyền thống” của Phóng viên Mỹ Nhị”

Tiếng cồng chiêng có vị trí rất đặc biệt đối với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Nó gắn bó với cuộc đời mỗi người từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt từ giã cõi trần. Thời gian gần đây, trong khi nhiều thanh niên không còn mặn mà với tiếng cồng chiêng thì ở xã Tà Rụt, Phó Bí thư Chi đoàn thôn Vực Leng vẫn một lòng yêu loại nhạc cụ truyền thống này. Hơn hết, anh luôn mong muốn truyền lửa đam mê cho mọi người, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên.

Xét về lứa tuổi, anh Hồ Văn Lim được xếp vào diện “con cháu” so với các thành viên khác trong đội nghệ nhân thôn Vực Leng. Thế nhưng, anh lại chơi loại nhạc cụ thường chỉ dành cho những người luống tuổi, có bề dày kinh nghiệm. Để sử dụng loại nhạc cụ truyền thống này, anh phải miệt mài tự học. Anh Lim chia sẻ với chúng tôi:

Băng: “Từ nhỏ, mình đã mê cồng chiêng rồi. Mình chú ý lắng nghe nhịp điệu, theo dõi từng động tác của người sử dụng loại nhạc cụ truyền thống này. Thấy mình yêu thích, các nghệ nhân trong xã đã nhiệt tình chỉ dẫn. Năm 10 tuổi, mình bắt đầu đánh cồng chiêng”.

Theo luật tục của người Vân Kiều, Pa Kô, mỗi bối cảnh, sự kiện lại ứng với bài cồng chiêng riêng biệt. Các bản cồng chiêng được đánh theo tiết tấu, nhịp điệu khác nhau ngay trong một lễ hội. Bản thân cách di chuyển, cầm nhạc cụ cũng phải thay đổi linh hoạt. Xuất phát từ lý do ấy mà dân bản thường ví người chơi cồng chiêng là một nghệ sĩ, “linh hồn” của lễ hội, sự kiện. Có lẽ vì thế nên anh Hồ Văn Lim được mọi người rất kỳ vọng và quý mến. Nhiều bà con ở các thôn bản khác cũng tìm đến nhà, cậy nhờ anh đánh cồng chiêng trong những dịp quan trọng. Đến giờ, anh Lim không nhớ hết số lần mình cùng đội nghệ nhân của thôn, của xã tham gia các lễ hội, hội thi, hội diễn lớn trong cũng như ngoài tỉnh.

Là nghệ nhân trẻ, anh Hồ Văn Lim rất trăn trở khi thấy hiện nay nhiều thanh thiếu niên chẳng còn mặn mà với các loại nhạc cụ truyền thống, trong đó có cồng chiêng. Vì thế, họ ngại tiếp cận, học hỏi, trau dồi. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Lim vận động một số nghệ nhân trong xã cùng tổ chức những buổi trò chuyện chia sẻ về tầm quan trọng của việc gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Không những thế, anh và các nghệ nhân khác cũng nhiệt tình chỉ dẫn, truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ dân tộc, biểu diễn làn điệu dân ca, bài múa truyền thống… Điều khiến anh Lim vui mừng nhất là nhiều thanh thiếu niên, các đoàn viên Chi đoàn thôn Vực Leng đã thay đổi cách suy nghĩ cũng như hành động. Một số người tìm đến tận nhà nhờ anh bày vẽ kinh nghiệm đánh cồng chiêng. Sau đó, thông qua lời giới thiệu của anh Lim, họ tiếp tục gõ cửa, mở lời đề nghị các nghệ nhân khác trong xã truyền dạy những bài học quý.

Em Hồ Thị Vân – một em nhỏ từng được anh Hồ Văn Lim dạy chơi nhạc cụ chia sẻ rằng: Em được anh Kim dạy chơi đàn từ lâu và đến nay em chơi được các loại nhạc cụ như…

Không chỉ được biết đến với lòng say mê nhạc cụ truyền thống cùng khát khao gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, anh Hồ Văn Lim còn nổi tiếng là một PBT Đoàn gương mẫu, tận tâm. Thời gian qua, anh đã khởi xướng nhiều hoạt động, phong trào ở bản như: Đoàn viên, thanh niên giúp nhau làm kinh tế; đồng hành cùng hộ nghèo vượt khó; nói không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống... Hi vọng rằng, anh Lim sẽ dạy được cho nhiều người chưa biết các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình nhằm gìn giữ và phát triển loại hình âm nhạc này hơn nữa.

Chào cuối

 


File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trần Thị Mỹ Nhị 10/05/2018 06:54 Trần Thị Mỹ Nhị 10/05/2018 06:54
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà