Khoa học và đời sống ( phát thanh): Phụ nữ đổi mới sáng tạo trong ứng dụng khoa học và công nghệ
Danh mục
Khoa học và cuộc sống
NỘI DUNG

Chuyên mục khoa học và đời sống

MC1: Xin kính chào quý vị thính giả đã đến với chuyên mục khoa học và đời sống

Thưa quý vị thính giả! Đồng hành với phụ nữ trong việc khởi nghiệp để đổi mới sáng tạo là một trong những vấn đề quan tâm của toàn xã hội, trong đó có ngành khoa học và công nghệ.

MC2: Chính vì vậy, trong thời gian qua ngành khoa học và công nghệ tỉnh nhà cũng đã có những hỗ trợ để phụ nữ có cơ hội đổi mới sáng tạo trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng.

MC1: Vậy việc hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo được thực hiện như thế nào? Chúng tôi xin được đề cập rõ hơn trong chuyên mục tuần này. Mời quý vị thính giả cùng theo dõi.

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị thính giả: Hiện nay lực lượng phụ nữ trên địa bàn tỉnh tham gia vào kinh doanh chiếm khá đông. Điều này chứng tỏ, phụ nữ ngày càng năng động, sáng tạo ở trên tất cả các lĩnh vực.

MC2: Một trong những người phụ nữ mà chúng tôi muốn kể về họ đó là chị Trương Thị Kiều ở khóm 5, thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng. Thành công của chị ngày hôm nay chính là nhờ vào nghề làm tranh gạo.

MC1: Nằm ở góc nhỏ trên đường Trần Phú của thị trấn Hải Lăng, cơ sở tranh gạo Kiều  Trân đã được gây chú ý của nhiều người. Bởi vì tranh của chị Kiều chủ yếu làm bằng gạo rang lên.

MC2: Để làm được một bức tranh gạo đòi hỏi rất nhiều công phu. Chị Kiều phải mua gạo ở chợ, sau đó ủ phèn chua để xử lý ẩm mốc xong rồi mới đem lên rang. Rang xong mới đính gạo lên tranh theo hình đã được vẽ sẵn. Với sự sáng tạo và cộng thêm chút năng khiếu và thẩm mỹ nên tranh gạo của chị Trương Thị Kiều đã có được chỗ đứng ở thị trường.

MC1: Đặc biệt, được sự hỗ trợ từ phía ngành khoa học và công nghệ chị Trương Thị Kiều đã xây dựng được thương hiệu cho tranh gạo và quảng bá trang gạo đến với thị trường. Hiện nay, tranh gạo của chị Kiều không chỉ bán ở thị trường trong tỉnh mà còn đưa đi khắp cả nước.

MC2: Bắt đầu làm tranh gạo với niềm yêu thích, chị  Trương Thị Kiều cũng đã có những cố gắng để đổi mới và sáng tạo để tranh gạo của chị ngày mỗi đẹp và thu hút sự quan tâm của nhiều người.

MC1: Chứng kiến quá trình làm tranh gạo của chị cũng đã thấy rất kỳ công, và cuộc trò chuyện giữa PV chuyên mục và chị Trương Thị Kiều sau đây cũng giúp cho chúng tôi cũng như quý vị thính giả hiểu hơn về quá trình làm tranh gạo.

1.     Thưa chị, vì sao chị có ý tưởng làm trang gạo?

2.     Theo chị làm một bức tranh gạo có khó không?

3.     Chị đã xây dựng thương hiệu cho tranh gạo như thế nào?

4.     Hiện nay thị trường tranh gạo của chị là ở những đâu?

Vâng, xin cám ơn chị.

MC2: Có thể nói, với những chia sẽ của chị Trương Thị Kiều đã thể hiện lên sự trăn trở, tìm tòi, sáng tạo chủ cơ sở “Tranh gạo Kiều Trân” đã chế tác những hạt gạo sản phẩm nông sản của quê hương thành những bức tranh có giá trị. Giữa thị trường với nhiều loại hình tranh phong phú thì tranh gạo vẫn đứng được bởi lẽ tranh gạo giúp cho người ta trở về với những cái truyền thống, trở về với những cái xưa củ, trở về với những cái bình dị của đời thường. Và tranh gạo của chị Trương Thị Kiều cũng đã làm được điều đó.

Nhạc cắt

MC1: Thưa quý vị thính giả!  Những sáng tạo, tìm tòi từ chính thực tiễn sản xuất, người phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò của mình trong xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao năng suất chất lượng, giá trị kinh tế cho các đặc sản địa phương.

MC2: Với kinh nghiệm của hơn mười năm sản xuất, đối với cơ sở chế biến và kinh doanh nước mắm Huỳnh Kế ở thị trấn Cửa Tùng đã vận dụng phương pháp gia truyền kết hợp áp dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất nước mắm.

MC1: Chính sự kết hợp này đã mang lại sản phẩm có hương vị tự nhiên, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng các tiêu chí về sức khỏe cho người tiêu dùng. Từ đó, ngày càng khẳng định chỗ đứng của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

MC2: Với xuất phát điểm là chế biến nước mắm theo dạng thủ công truyền thống, cơ sở chế biến nước mắm Huỳnh Kế đã luôn lấy chất lượng làm uy tín. Để có nước một chai nước mắm ngon, cơ sở nước mắm Huỳnh Kế đã tìm tòi trong quá trình lựa chọn cá. Sau đó đến quy trình xử lý công đoạn để làm sao khi nước mắm ra đời có vị thơm và ngon.

MC1: Sau khi nước mắm đạt chất lượng cơ sở đã xây dựng thương hiệu để nước mắm Huỳnh Kế khẳng định giữa thị trường. Đặc biệt đến nay cơ sở cũng đã áp dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ trong quá trình chế biến nước mắm. Vì thế, quy trình sản xuất nước mắm nhanh hơn nhưng cũng đảm bảo được chất lượng. Chị Lê Thị Huỳnh-Cơ sở chế biến nươc mắm Huỳnh Kế, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh nói:

Băng: Nói về quá trình xây dựng thương hiệu nước mắm Huỳnh Kế.

 MC2: Xuất thân từ nghề biển, đối với chị Lê Thị Huỳnh việc chế biến nước mắm theo kinh nghiệm của bản thân đúc kết được. Sau này chị hỏi học thêm kinh nghiệm ở những nơi khác cộng với đó sự hỗ trợ về trang thiết bị để chị có thể áp dụng vào quá trình chế biến nước mắm để nước mắm ngon hơn.

MC1: Nhờ vậy, nước mắm Huỳnh Kế tiếp tục khẳng định thương hiệu của mình thông qua việc tích cực có mặt ở nhiều sự kiện trưng bày, quảng bá sản phẩm trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.

MC2: Điển hình, nước mắm Huỳnh Kế được tham gia trưng bày tại tỉnh Champasak (Lào) nhân dịp hội nghị giao thương Quảng Trị - Salavan 2017; là một trong 4 đơn vị được UBND tỉnh cử tham dự Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2017; tham dự chương trình kết nối cung cầu của hội chợ hàng Việt, “Hội chợ - triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2017” tại Hà Nội và nhiều nơi khác.

Nhạc cắt

 

MC1: Thưa quý vị thính giả! Phong trào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất đã được phụ nữ Quảng Trị quan tâm. Chính vì vậy, trên các lĩnh vực đều được chị em trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo từ đó ứng dụng vào thực tế một cách có hiệu quả. Điều đáng nói, những đề tài, sáng kiến của các chị em đã phục vụ rất thiết thực vào đời sống sản xuất.

MC2: Trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Luật Bình đẳng giới được thông qua và có hiệu lực đã có nhiều chính sách phù hợp với mục đích khuyến khích và tăng cường hơn nữa vai trò của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, bao gồm cả hoạt động nghiên cứu khoa học.

MC1: Việc thực hiện bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học ở Quảng Trị cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Ngày càng nhiều phụ nữ thành công trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

MC1: Nghiên cứu khoa học  là một công việc đầy gian khó đối với cả nam giới lẫn phụ nữ. Nhưng phụ nữ càng gặp nhiều khó khăn hơn khi bước chân vào nghiên cứu khoa học vì bên cạnh hoàn tất nhiệm vụ ở cơ quan, phụ nữ còn phải gánh vác công việc gia đình. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê công việc, ham muốn học hỏi để nâng cao và cập nhật kiến thức cho mình, cho đến nay, phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Quảng Trị nói riêng đã có đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa học và đã có nhiều đổi mới sáng tạo trong quá trình sản xuất. Ông Nguyễn Bình -PGĐ sở KH&CN cho biết:

Băng: đánh giá những hiệu quả trong quá trình đổi mới sáng tạo của chị em phụ nữ

MC2: Nhiều chị em với cương vị là lãnh đạo, quản lý đã tham gia nghiên cứu khoa học để có những phát minh, sáng kiến, cải tiến ứng dụng có kết quả trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thêm của cải cho xã hội và tạo dựng một hình ảnh về lực lượng phụ nữ lãnh đạo và tham gia nghiên cứu khoa học. Chính những đóng góp tích cực và cụ thể của phụ nữ vào thành quả của công cuộc đổi mới quê hương đã, đang làm thay đổi dần những định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội và xã hội đã thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia công việc, khả năng NCKH không thua kém nam giới.

MC1: Đặc biệt sau khi Luật Bình đẳng giới được thông qua và có hiệu lực, việc thực hiện bình đẳng giới trong nghiên cứu khoa học ở Quảng Trị luôn được các ban ngành, các cấp quan tâm. Tỉnh Quảng Trị cũng đã có nhiều chủ trương, nhiều chính sách ưu đãi dành cho nữ giới nhằm động viên và khuyến khích họ phát huy năng lực của mình trong việc tham gia nghiên cứu khoa học.

MC2: Có thể nói, để tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng quê hương và  khẳng định vị thế của mình trong xã hội người phụ nữ bên cạnh sự thông minh cần có ý chí, bởi mặc dù đã có nhiều chủ trương và chính sách ưu đãi nhưng công tác nghiên cứu khoa học của nữ giới vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

MC1: Tất cả phụ nữ đều có thể nghiên cứu khoa học, đối với phụ nữ trong các cơ quan nhà nước họ đã bắt tay vào để nghiên cứu khoa học và sau đó những đề tài của họ đã được ứng dụng vào thực tế.

MC2: Còn đối với phụ nữ vùng nông thôn, mặc dù không trực tiếp tham gia vào nghiên cứu khoa học nhưng họ cũng đã có những nghiên cứu, những sáng tạo trong quá trình tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Đây cũng là cách mà các địa phương nên khuyến khích những người phụ nữ ở nông thôn tiếp tục có những đổi mới sáng tạo trong quá trình tạo ra chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn PGĐ Sở KH&CN chia sẻ thêm:

Băng: Định hướng để chị em vùng nông thôn có những hỗ trợ trong phát triển sản xuất.

MC1: Và  để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học trước tiên, phụ nữ phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức, trí tuệ. Bên cạnh đó, việc đấu tranh tạo cơ hội học tập, làm việc và thăng tiến cho phụ nữ bình đẳng với nam giới là rất cần thiết hiện nay. Mặc dù sẽ gặp phải nhiều trở ngại, khó khăn nhưng nếu nhận được chia sẻ nhiều hơn từ phía gia đình và xã hội, phụ nữ có thể đạt được nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học, trong phát triển sản xuất.

Nhạc cắt

MC1: Qúy thính giả nghe đài thân mến! Với sự cần cù chịu thương chịu khó từ bao đời nay, những người phụ nữ luôn trăn trở tìm tòi để có những đổi mới sáng tạo trong sản xuất.

MC2: Và những sản phẩm của chị Trương Thị Kiều, hay chị Lê Thị Huỳnh ngày càng khẳng định thương hiệu chỗ đứng ở giữa thị trường. Bởi với các chị, sản phẩm của bản thân làm ra không chỉ là chất lượng mà còn phải đẹp về hình thức khi đó mới cạnh tranh được với những sản phẩm khác.

MC1: Để có được những sản phẩm như thế, ngoài việc tìm tòi sáng tạo thì việc đầu tư công nghệ, đổi mới công nghệ cũng là một điều hết sức cần thiết. Chính vì vậy những hỗ trợ từ ngành khoa học và công nghệ là rất quan trọng. Đối với phụ nữ trong các cơ quan nhà nước thì việc hỗ trợ để chị em có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học có chất lượng. Còn đối với phụ nữ vùng thôn quê thì việc hỗ trợ về công nghệ, giống, tập huấn sẽ là một điều kiện thuận lợi để chị em có thể tham gia phát triển sản xuất, đưa những sản phẩm có uy tín ra với thị trường.

MC2: Có thể nói, với những hỗ trợ như thế hy vọng rằng trong thời gian đến không chỉ có chị em ở vùng thành thị mà các chị em ở vùng nông thôn phát huy khả năng sáng tạo, tìm tòi đổi mới để tạo ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước.

MC1: Thời lượng dành cho chuyên mục tuần này đến đây xin được kết thúc, cám ơn quý thính giả đã quan tâm theo dõi. Những người thực hiện chương trình Ngọc Diệp, Như Hòa…..và KTV thu âm Vĩnh Lộc xin kính chào và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trương Thị Ngoc Diệp 21/05/2018 08:51 Trương Thị Ngoc Diệp 21/05/2018 08:51
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà