Phòng tránh các bệnh thường gặp vào mùa đông
Danh mục
Sức khỏe và đời sống
NỘI DUNG
Lời dẫn : Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Thưa quý vị và các bạn! Trong chương trình trước, chúng tôi đã giới thiệu đến quý vị và các bạn các bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa, thời tiết thay đổi như hiện nay rất dễ bị thêm các bệnh về tiêu chảy và đau mắt đỏ. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi giành phần lớn thời gian để giới thiệu cùng quý vị và các bạn cách phòng ngừa và điều trị một số bệnh thường gặp trong mùa đông, đặc biệt vào thời tiết rét đậm như hiện nay. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Chương trình Sức khỏe và đời sống ngày 06/01/2019

Phòng tránh các bệnh thường gặp vào mùa đông

Kính chào quý vị và các bạn! Rất vui khi được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình sức khỏe đời sống của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình đang được phát trên tần số 92,5Mhz trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

Thưa quý vị và các bạn! Trong chương trình trước, chúng tôi đã giới thiệu đến quý vị và các bạn các bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa, thời tiết thay đổi như hiện nay rất dễ bị thêm các bệnh về tiêu chảy và đau mắt đỏ. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi giành phần lớn thời gian để giới thiệu cùng quý vị và các bạn cách phòng ngừa và điều trị một số bệnh thường gặp trong mùa đông, đặc biệt vào thời tiết rét đậm như hiện nay. Mời quý vị và các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

Bài 1: Một số bệnh thường gặp vào mùa đông

Thưa quý vị và các bạn! Thời tiết lạnh vào mùa đông là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virut và ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Bên cạnh đó, cơ thể giảm sức đề kháng, dễ bị nhiễm phong hàn từ đó dẫn đến mắc phải một số bệnh liên quan đến đường hô hấp, xương khớp, đặc biệt các đối tượng người già và trẻ em rất dễ mắc phải. Vào mùa đông, nhiệt độ giảm đột ngột, thời tiết lúc nắng, lúc mưa, độ ẩm trong không khí cao… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cảm lạnh, cúm, viêm phế quản, viêm mũi, viêm xương khớp, viêm họng cấp, tiêu chảy, bệnh tim mạch… là những bệnh thường gặp trong mùa đông. Trong đó, cảm lạnh, viêm phế quản, hen suyễn, viêm mũi xoang, đau họng là những bệnh rất dễ gặp và khiến cho cơ thể khó chịu, mệt mỏi và ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc. Cách phòng tránh những bệnh này cũng không quá khó, cần phải giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang khi ra đường, giữ gìn vệ sinh, ăn uống đầy đủ sẽ hạn chế được nhiễm các bệnh nói trên.

Mùa đông thường khiến cho niêm mạc mũi khô và trở nên nhạy cảm hay dễ bị kích ứng với các tác nhân gây dị ứng như: không khí lạnh, khói bụi, hóa chất… gây ra hay mắc viêm mũi dị ứng. Triệu chứng của bệnh bao gồm: ngứa mũi, đôi khi kèm theo ngứa mắt, tai hay vòm họng. Chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi. Đau họng, khàn giọng. Mũi mất khả năng ngửi. Bệnh nhân thường phải thở bằng miệng, nhất là khi ngủ, nên ngáy ngủ. Tuy không nguy hiểm nhưng viêm mũi dị ứng khiến cho người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Nếu để lâu không điều trị, bệnh tiến triển đến viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm xoang…

Thời tiết mùa đông nhưng thường không ổn định, khi thời tiết thay đổi thường gây bệnh cảm lạnh, nhất là nhũng ngày mưa. Đây là căn bệnh rất phổ biến. Người bệnh có triệu chứng: Sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh nhiều, không mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, chảy mũi, đau họng, khó thở, ho, người đau ê ẩm… Cảm lạnh nếu không được chữa trị nhanh chóng, đúng cách sẽ khiến người bệnh mệt mỏi và dẫn đến những biến chứng nguy hại cho sức khỏe. Trong mùa đông bất cứ ai cũng có thể bị cảm lạnh, trong đó, người già và trẻ em là đối tượng dễ nhiễm cảm lạnh hơn cả.

Bên cạnh bệnh cảm lạnh thì bệnh cảm cúm vào thời tiết này rất dễ mắc phải. Mùa đông cũng là thời điểm bùng phát của bệnh cúm. Thời tiết mưa, nắng thất thường, độ ẩm không khí cao, nền nhiệt độ xuống thấp,… là môi trường lý tưởng cho các loại virus cúm sinh sôi, xâm nhập vào cơ thể con người và lây lan trong cộng đồng. Bệnh cúm đặc biệt nguy hại với phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, căn bệnh này dù không quá nguy hiểm nhưng lại khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mệt mỏi kéo dài, làm giảm năng suất lao động, hiệu quả học tập…Dấu hiệu giúp nhận biết bệnh cảm cúm là: Chảy nước mũi, nước mắt; ho, đau họng; hắt hơi nhiều và liên tục; nghẹt mũi, toàn thân đau mỏi, sốt… Cảm cúm nặng còn có thể gây nôn mửa, tiêu chảy, co cơ bụng, sốt cao gây co giật…

Viêm phế quản là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ trong mùa đông. Theo thống kê của ngành y tế, viêm phế quản, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong danh mục các bệnh lý về đường hô hấp. Không chỉ phổ biến ở trẻ nhỏ, viêm phế quản còn có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào. Các bác sĩ khuyến cáo, viêm phế quản cần được phát hiện và điều trị sớm. Nếu để quá muộn rồi mới điều trị, bệnh nhân có thể bị biến chứng bội nhiễm gây viêm phế quản phổi rất nguy hiểm thậm chí là tử vong. Dấu hiệu để nhận biết viêm phế quản là: Sốt cao 38-39 độ, rối loạn nhịp thở, lồng ngực co rút, cơ thể mệt mỏi, chán ăn… Trẻ em và người già khi bị viên phế quản phải được theo dõi và điều trị tại các cơ sở y tế.

Thời tiết mùa đông với những cơn mưa phùn làm cho độ ẩm không khí cao các vi sinh vật có cơ hội phát triển thuận lợi thì các bệnh về đường hô hấp cũng tăng cao. Người có tiền sử bị hen suyễn là đối tượng dễ tái phát bệnh. Phế quản của họ trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích gây bệnh như: bụi bặm, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa, lông chó mèo, lông sợi len… Để phòng tránh bệnh phải loại trừ được các yếu tố dị nguyên gây kích thích đồng thời cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính. Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ. Tác nhân gây bệnh là: Virus cúm, vi khuẩn Gram âm ái khí, các tụ cầu vàng,… Việc phòng viêm phổi trong mùa đông vì thế rất quan trọng. Ngoài giữ ấm, tránh lạnh, tránh gió… nếu thấy có các triệu chứng như: ho nhiều, sốt cao kéo dài, khó thở… bệnh nhân cần đến khám bác sỹ ngay để được điều trị kịp thời.

Những bệnh trên vào mùa lạnh rất dễ xảy ra đối với các trường hợp người già, trẻ em có sức đề kháng yếu. Anh Nguyễn Văn Bình, ở thành phố Đông Hà cho biết, nhà có con nhỏ nên khi trời lạnh, việc đầu tiên phải giữ ấm cho cháu, không để cháu tiếp xúc với gió lạnh, tránh phong hàn nhiễm vào cơ thể gây ra bệnh. Anh Nguyễn Văn Bình nói:

Trích băng:

Bên cạnh các bệnh liên quan đến đường hô hấp, vào mùa đông những bệnh ngoài da, xương khớp cũng dễ xuất hiện hoặc tái phát các cơn đau nhức. Nhóm bệnh lý về cơ xương khớp là bệnh rất hay gặp trong mùa đông. Thời tiết lạnh là nguyên nhân chính gây nên những cơn đau mỏi cơ xương khớp, co cứng vùng tai, gáy, thắt lưng… Với những người bị viêm khớp mỗi khi trời lạnh đều cảm thấy đau đớn hơn nhất là vào mùa đông. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này chưa được xác định rõ ràng. Chỉ có các triệu chứng đau và cứng khớp bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Không có bằng chứng nào cho thấy những thay đổi về thời tiết gây ra các tổn thương ở khớp. Bệnh cơ xương khớp trong mùa đông có thể bị ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở người già và những người lao động chân tay nặng nhọc.

Bệnh tiêu chảy, bệnh tim mạch… cũng là những bệnh khá phổ biến trong mùa đông. Việc ăn uống đúng cách, nghỉ ngơi điều độ, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ giúp cơ thể miễn dịch được với bệnh tật. Bên cạnh đó, mỗi người nên chủ động tìm kiếm cho bản thân và gia đình mình những địa chỉ khám chữa bệnh uy tín, chất lượng để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

Vào mùa đông, trời lạnh khiến da giảm tiết mồ hôi, và chất bã, không khí hanh khô làm da bị mất nước nhiều hơn. Da tay, chân có biểu hiện bị khô, nứt nẻ, bong vảy. Da bị nứt kèm theo triệu chứng ngứa từ lâm râm đến dữ dội, làm cho da bị trầy xước, chảy máu thậm chí có thể đóng vẩy sinh mủ. Để bảo vệ da khỏi những triệu chứng này, nên uống nhiều nước, tránh tắm nước quá nóng, và nên dùng các loại sữa tắm, kem dưỡng có độ ẩm cao. Hiện tượng chân tay lạnh cũng là một tình trạng khá phổ biến vào mùa đông khiến các bàn chân, ngón tay tê cứng và thay đổi màu sắc. Khi gặp thời tiết quá lạnh, cơ thể của chúng ta sẽ chuyển từ màu trắng, sau đó sang xanh, rồi đỏ và sưng tấy khiến cho tay chân tê và đau nhức.

Bên cạnh đó, vào lúc trời rét đậm, nguy cơ cao dẫn tới hạ thân nhiệt nếu không được giữ ấm. Những người dễ bị hạ thân nhiệt nhất là người già, trẻ nhỏ và những người có thói quen uống rượu. Khi bị hạ thân nhiệt, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đầu óc mơ hồ và xuất hiện những đợt rùng mình không kiểm soát. Tới khi không cảm thấy lạnh nữa, da của họ đã tái xanh, đồng tử giãn ra và không còn tỉnh táo.

Theo các chuyên gia, nên tìm các biện pháp can thiệp kịp thời trong giai đoạn đầu của hạ thân nhiệt, trước khi các triệu chứng trở nặng hơn. Cách tốt nhất để giúp những người bị hạ thân nhiệt là quấn chăn xung quanh người cho tới khi cơ thể họ ấm trở lại.

Theo các bác sĩ, vào mùa đông việc giữ ấm cho cơ thể là rất quan trọng nhằm hạn chế các bệnh mắc phải vào mùa này. Mọi người nên giữ ấm cho cơ thể bằng cách đi tất, mang bao tay, quàng khăn cổ. Nên tập thể dục và vận động các khớp vào buổi tối trước khi đi ngủ cũng như buổi sáng khi mới ngủ dậy.

Đối với các bệnh về hô hấp, viêm họng… ngoài việc giữ ấm thì cần súc miệng bằng nước muối ấm vào các buổi tối và buổi sáng. Vì nước muối có tính chống viêm cũng như có tác dụng làm dịu cổ họng đang đau rát hiệu quả. Bên cạnh đó bạn cũng cần chú trọng đến việc giữ ấm cơ thể, thường xuyên sử dụng các loại quả chứa nhiều vitamin C như cam, bưởi, chanh, ổi để tăng sức đề kháng. Luôn giữ vệ sinh nhà cửa thoáng mát, rửa tay thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn. Khi bị nhiễm các bệnh dễ lây lan và tình trạng bệnh nghiêm trọng, cần đến ngay các cơ sở y tế để điều trị.

Bác sĩ Phạm Hiền Lương, Phó trưởng Trạm Y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộ cho biết, tại các vùng miền núi, vùng cao nhiệt độ chênh lệch ban ngày và ban đêm lớn, trời rét đậm hơn so với vùng đồng bằng nên việc giữ ấm rất cần thiết và nhằm phòng tránh các bệnh vào mùa đông. Bác sĩ Phạm Hiền Lương thông tin:

Trích băng:

Thực tế cho thấy, vào mùa đông sức đề kháng của cơ thể giảm, đặc biệt ở người già và trẻ em nên dễ mắc các bệnh do virut, do nhiễm phong hàn… Do vậy cần phải giữ ấm cơ thể thường xuyên, có chế độ ăn uống đầy đủ, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể./.

Nhạc cắt

Giúp trẻ em, người già phòng tránh bệnh về mùa đông

Thưa quí vị và các bạn! Hệ miễn dịch của người già, trẻ em là rất kém, đặc biệt vào mùa đông, dẫn đến một số bệnh nguy hiểm. Cần có các biện pháp tích cực nằm bảo vệ sức khỏe người già khi ‘trái gió trở trời’. Thời tiết chuyển hướng sang gió lạnh, nhất là những ngày thời tiết chuyển sang rét đậm, rét hại như hiện nay, đây là điều kiện thuận lợi dễ mắc phải một số bệnh như các bệnh liên quan tới phổi và tim mạch hay viêm phế quản mãn tính, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, dị dứng … đây là nhứng bệnh người già mắc vào mùa đông. Vì vậy, cần chú ý giữ ấm cơ thể, phòng chống rét cho bản thân và gia đình nhất là người già và trẻ nhỏ. Trong chương trình này, chúng tôi xin chia sẻ một số bí quyết sẽ giúp cho quý vị và gia đình, đặc biệt là người già và trẻ em phòng tránh bệnh trong mùa đông rét mướt, lạnh giá này.

Vào mùa đông số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý về đường hô hấp có xu hướng gia tăng. Vì vậy chủ động phòng tránh có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ sức khỏe, nhất là người già, trẻ em và người có các bệnh mãn tính về đường hô hấp. Sự thay đổi của thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió (thay đổi vi khí hậu) đã tác động rất nhiều đến sức khỏe của mỗi người, làm suy giảm sức chống đỡ từ đó tạo cơ hội cho các bệnh, nhất là các bệnh hô hấp bùng phát. Người già, trẻ em, đặc biệt là những người có các bệnh lý hô hấp mãn tính như hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản… là những đối tượng hay bị tái phát dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp đe dọa đến tính mạng. Vào mùa đông, sức đề kháng của người già và trẻ nhỏ thường kém, vì vậy việc giữ ấm cho cơ thể chống lại giá rét là việc làm rất cần thiết. Đối với trẻ em, cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, tránh cho trẻ ra ngoài mà không đeo khẩu trang. Cha mẹ cần đặc biệt chú ý mặc ấm cho trẻ vì nếu mặc quá nhiều áo, trẻ bị toát mồ hôi có thể ngấm lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao. Ngoài trẻ em thì người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết thay đổi. Trời rét, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, cảm lạnh, cúm với bệnh cảnh tiến triển nặng rất dễ dẫn đến viêm phổi; trong khi đó các bệnh mạn tính như hen suyễn, thấp khớp, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp... cũng tiến triển nặng, đặc biệt tăng huyết áp dễ gây đột quỵ. Để phòng bệnh hiệu quả, người cao tuổi cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường. Ngoài ra , mặc dù trời rét nhưng người già vẫn cần chú ý uống đủ nước, nên dùng nước nấu chín, các loại nước ép trái cây tươi. Các cụ cao tuổi phải mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch... Đồng thời, người cao tuổi vẫn nên duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết giữ gìn sức khỏe; duy trì chế độ ăn uống điều độ, bảo đảm giữ ấm khi thời tiết giá lạnh ; tránh đi bộ ngoài trời mùa mưa, mùa đông vì rất dễ bị cảm lạnh. Bác sĩ Phạm Hiền Lương, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộ chia sẻ một số cách phòng tránh bệnh vào mùa đông:

Trích băng:

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, vào lúc sáng sớm, đặc biệt là nhiệt độ hạ xuống vào lúc thấp nhất lúc này, huyết áp của người cao tuổi cũng có những thay đổi bất thường. Do vậy, nếu để người già ra ngoài lúc này vô cùng nguy hiểm có thể dẫn đến những biến chứng như tai biến mạch máu não, nặng hơn nữa thì liệt nửa mặt, nửa người và dễ đến tử vong. Tốt nhất, nếu vẫn muốn vận động cho sức khỏe dẻo dai và lưu thông máu tốt, người cao tuổi nên ra ngoài muộn hơn một chút khi sương tan bớt và có chút ánh sáng mặt trời. Đối với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nên duy trì lịch uống theo đúng chỉ định của bác sỹ, khi ra ngoài cần mặc ấm, đội mũ và quàng khăn để tránh gió. Sau khi vận động, đi bộ nóng người có thể cởi bỏ bớt áo khoác và khăn bên ngoài không nên mặc phong phanh tránh hiện tượng bị trúng gió. 

Vào mùa đông, người già cũng dễ mắc bệnh về viêm khớp gối, đau nhức xương khớp. Đây là bệnh xuất hiện thường xuyên nhất. Lý do cơ bản là do thoái hóa xương, hình thành các mấu xương, gai xương trong khớp gối chèn ép vào màng khớp và gây viêm. Vào mùa lạnh, các mạch máu nuôi dưỡng trở nên kém tuần hoàn máu. Dấu hiệu nhận biết là đau khớp gối, sưng nề, vận động khớp gối khó khăn, nhất là các vận động gấp duỗi cẳng chân, bước cầu thang… Người bệnh nên vận động chân từ từ, sau một vài động tác sẽ giảm đau cho khớp. Có thể dùng một số loại rượu thuốc để xoa bóp nhằm làm tăng lượng máu lưu thông tại chỗ. Đây là tình trạng viêm vô khuẩn nên việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết. Bác sĩ Phạm Hiền Lương, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Cam Chính, huyện Cam Lộ cho biết thêm về phòng tránh bệnh xương khớp cho người cao tuổi vào mùa đông:

Trích băng:

 

Người già, trẻ em cần được chăm sóc đặc biệt vào mùa đông. Ăn đủ các chất đường, protein. Mùa lạnh nên ăn nhiều hơn do cơ thể phải tiêu tốn calorie để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường. Nên ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm…Hạn chế ra ngoài nhằm tránh những tai biến đột ngột có thể xảy ra dẫn đến hiện tượng co mach máu não. Cần thường xuyên luyện tập thể dục, lựa chọn mức độ vận động phù hợp với tuổi già như đi bộ, thái cực quyền, khí công… Cần phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như đau đầu, hay quên, rối loạn cảm xúc, rối loạn ngôn ngữ méo mồm, thậm chí tê liệt nửa người cần phải tới ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời./.

Nhạc cắt

Bài 2: Những điều cần biết về bệnh gout (gút) và cách điều trị

Thưa quý vị và các bạn! Vào mùa đông, một số bệnh nhân bị mắt bệnh gout (gút) sẽ có tình trạng bệnh nặng hơn khiến cơ thể luôn cảm thấy đau nhức, tê cứng, khó vận động. Trong những ngày trời lạnh, số lượng bệnh nhân bị gút nhập viện cũng gia tăng. Nguyên nhân là do khi trời rét khiến các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn, dẫn đến các khớp trở nên khô cứng, đau mỏi, khó cử động. Thêm vào đó là do sự lắng đọng của các axit uric vào các khớp đó gây sưng và đau. Tuy nhiên, khi trời lạnh, mọi người cũng ít vận động khiến các khớp càng xơ cứng hơn. Sau đây mời quý vị và các bạn lắng nghe bài viết chia sẻ về bệnh gút vào mùa đông, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị do PV Nguyên Bảo thực hiện.

Bệnh gút là một dạng viêm khớp do sự rối loạn chuyển hóa axit uric trong cơ thể gây ra. Bình thường axit uric được lọc và đào thải qua thận, khi axit uric tăng quá cao sẽ chuyển hóa thành các tinh thể tích tụ ở các vị trí trong cơ thể như: khớp bàn tay, ngón tay, đầu gối, bàn chân, mắt cá chân, ngón chân,…gây ra viêm khớp, sưng tấy đỏ tại chỗ, đau đớn khi chạm vào.

Hiện nay, tỉ lệ người mắc bệnh gút rất cao, đặc biệt ở nam giới do thói quen ăn uống kết hợp với bia rượu nhiều hơn nữ giới. Ở giai đoạn đầu, bênh nhân chưa có triệu chứng, biểu hiện gì. Triệu chứng chủ yếu của bệnh gút là những cơn đau dữ dội ở các khớp mắt cá chân, bàn chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay, có khi ở những khớp nhỏ có ở khắp nơi trên cơ thể. Nếu không chữa trị, trong giai đoạn sau, các cơn đau khớp cấp sẽ gây tổn thương nhiều khớp, làm tổn thương khớp, mất vận động, đau mãn tính và hình thành cục tophi do tinh thể Urat lắng đọng trong mô mềm của cơ thể. Một trong những nguyên nhân chính mắc bệnh gút hiện nay đó chính là thói quen ăn uống và sinh hoạt. Khi ăn nội tạng động vật, nấm, tôm, cua, thịt đỏ…quá nhiều, sẽ kích thích làm tăng acid uric quá nhiều dẫn đến bệnh gút. Chia sẻ thêm về điều này, bác sĩ Hoàng Thị Diệu Trinh, Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà cho biết:

Trích băng:

Theo các chuyên gia y tế, khi bị bệnh gút thì cần phải chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt. Nếu thấy có biểu hiện những cơn đau dữ dội ở các khớp mắt cá chân, bàn chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay, có khi ở những khớp nhỏ có ở khắp nơi trên cơ thể cần đến bệnh viện để được tư vấn và điều trị. Nếu không chữa trị, trong giai đoạn sau, các cơn đau khớp cấp sẽ gây tổn thương nhiều khớp, làm tổn thương khớp, mất vận động, đau mãn tính và hình thành cục tophi do tinh thể Urat lắng đọng trong mô mềm của cơ thể. Người bị gút cần bổ sung một số thực phẩm như rau cần tây, cải bẹ xanh, dứa, bí xanh và củ cải trắng. Nói thêm về việc điều trị bệnh gút bác sĩ Hoàng Thị Diệu Trinh, Trung tâm Y tế thành phố Đông Hà cho biết:

Trích băng:

Bên cạnh bổ sung thực phẩm giúp xóa tan những cơn đau đớn do gút gây ra, người bệnh cần phải lưu ý một số món ăn làm tăng lượng acid uric trong máu, làm bệnh càng thêm nặng. Trong đó, lưu ý không nên ăn hải sản. Vì trong hải sản như tôm, cua, ghẹ, mực có rất nhiều purine, nó chuyển thành acid uric rất nhanh, làm tăng triệu chứng bệnh dẫn đến mất khả năng vận động di chuyển. Đối với nội tạng động vật, thịt đỏ chứa nhiều purine, chất này chuyển hóa nhanh chóng thành acid uric, khiến tình trạng bệnh gút ngày càng nặng, dẫn đến khó chữa, bệnh nhân cũng nên tránh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng tuyệt đối không nên dùng đồ uống có ga và đồ uống có vị chua. Bởi những đồ uống có vị chua sẽ làm tăng lượng acid uric trong máu. Nhiều chuyên gia khuyên tuyệt đối không sử dụng những đồ uống này đối với người bệnh gút để đảm bảo sức khỏe./.

Thưa quý vị và các bạn! Đến đây 15 phút của chương trình sức khỏe và đời sống của Đài PTTH Quảng Trị xin được tạm dừng. Cảm ơn quý vị và các bạn đã chú ý lắng nghe. Chương trình do Nguyên Hương- BT và dàn dựng cùng với sự tham gia của DCT… và KTV… Xin kính chào và hẹn gặp lại.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Bảo 03/01/2019 09:08 Lê Vĩnh Nhiên 03/01/2019 15:18
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà