CT QUẢNG TRỊ DU KÝ SỐ 12-9
Danh mục
Ký sự - Tài liệu
NỘI DUNG

 

QUẢNG TRỊ DU KÝ SỐ

Phát sóng ngày thứ 5 12/9/2019

Thời lượng: 15’

Kịch bản: Thái Hiền

Thể hiện: Thái Hiền – NQ

Nhạc hiệu: Quảng Trị du ký

Hiền: QTDK xin kính chào quý vị! Như thường lệ, thứ 5 hàng tuần Thái Hiền và NQ lại được gặp quý vị trong những hành trình ngắn khám phá cảnh đẹp, ẩm thực, văn hóa của quê hương chúng ta. 

Q: Thưa quý vị và các bạn! Một nguồn nước sẽ được hình thành bởi những làn mưa mỏng ban đầu và những màn sương ngọt ngào từ trong sâu thẳm của thời gian, thấm đẫm dần thành những mạch nguồn âm thầm rả rích, rồi chung sức chảy thành một nguồn nước. Mỗi nguồn nước là những con suối nhỏ, qua tháng năm âm thầm đằng đẵng, chúng hợp lưu hình thành một dòng sông vươn dài ra biển cả.Và hành trình ngày hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu từ một con sông mang nhiều ân tình của người Quảng Trị - sông Thạch Hãn nhân sự kiện kỷ niệm 210 lỵ sở Quảng Trị

Nhạc cắt tiểu mục: Qua những miền quê

Thạch Hãn – Con sông ân tình

Hiền: Như chúng ta cũng đã biết thì Sông Thạch Hãn là con sông lớn nhất của tỉnh ta, có chiều dài 155km, có 37 phụ lưu với lưu vực rộng lớn tới 2.600km2, chiếm tới hơn 50% diện tích của tỉnh Quảng Trị. Sông Thạch Hãn vốn có tên dân gian là Nguồn Hàn. Sách “Phủ biên tạp lục” gọi nguồn này là nguồn Viên Kiều, nguồn sông Hiếu là nguồn Cảo Cảo. Sông Thạch Hãn được hợp lưu bởi hai nguồn Viên Kiều và Cảo Cảo. Trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Qúy Đôn viết: “Huyện Võ Xương có Cửa Việt, sông từ hai nguồn Viên Kiều và Cảo Cảo đổ về”.  Nơi đây chứa đựng những giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử của cư dân hai miền xuôi - ngược trong lưu vực hàng bao đời nay.

Q: Lịch sử của Quảng Trị gắn liền với lịch sử của dòng Thạch Hãn. Vùng đất hẹp, ít đồng bằng màu mỡ đã là cái nôi của các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây cũng là nơi sinh ra nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng kiệt xuất. Hôm nay chúng ta sẽ tì hiểu về Thạch Hãn từ đầu nguồn quý vị nhé! Sông Thạch Hãn cũng là sự nối dài của sông Đakrông, hay nói chính xác hơn là bắt nguồn từ sông Đakrông. Dòng dài lưu vực cũng chính là long mạch của Thạch Hãn đi qua về cơ bản nằm trong địa hạt và không gian văn hoá của người Việt từ vùng Ba Lòng phía thượng nguồn về đến Cửa Việt phía hạ nguồn để đổ vào biển Đông.  Sông Ðakrông bắt nguồn từ vùng động A Pong, Côcava thuộc vùng thượng La Bút ở phía đông Trường Sơn gần biên giới Việt - Lào, dài 85km. Trên con đường đổ về đồng bằng, sông chảy theo hướng đông nam - tây bắc len lỏi uốn mình giữa các sườn núi cao, nhận thêm nhiều khe suối đổ đến và khi tới gần Khe Sanh thì tiếp nhận một phụ lưu từ phía bắc chảy xuống, đó là sông Rào Quán, phát xuất từ động Sá Mùi. Tới đây, do đụng phải chân đèo Ai Lao (còn gọi là đèo Lao Bảo) nên dòng sông chuyển hướng chảy về phía đông, mở rộng dòng chảy thành con sông lớn, chạy song song với Quốc lộ 9, dài chừng 10km cho đến Ca Lu, sau khi tiếp nhận nguồn Khe Soi ở phía tả ngạn. Nơi hợp lưu là thung lũng phường Mai Lĩnh. Tại đây, sông đụng phải đèo Sên (col des Sangsues) nên phải đổi hướng đông nam và chính thức mang tên sông Thạch Hãn.  Trên thực tế từ xưa nay, phía thượng nguồn, trong khu vực cư trú của đồng bào các tộc người Vân Kiều, Pa Cô sông mang tên là Ðakrông; từ vùng thung lũng Ba Lòng xuôi về biển, sông mang tên là Thạch Hãn. Ông Hồ Đình Tào – CT UBND xã Hướng Sơn cho biết thêm:

PV: Ông HỒ ĐÌNH TÀO                                    

Hiền: Cũng nhờ sông, nhờ phù sa, con nước mà người Vân Kiều mới biết làm lúa nước, thoát đói, thoát nghèo, có cái ăn cái mặc. Từ nguồn nước dồi dào, từ những lũng hẹp xen kề bên những quả núi đứng theo hình bát úp, cũng như những người anh em miền xuôi, người Vân Kiều đã sớm biết làm ruộng nước. Người dân Hướng Sơn ở thôn Hồ, thôn Mới bao đời nay vẫn sống kề con nước Rào Quán- Đăk Rông của mình. Họ trung thành với cuộc sống ven bờ sông suối ngàn đời không di dịch, lay chuyển.Chị Hồ Thị Hiệp và anh Hồ Văn ở Hướng Sơn, Hướng Hóa chia sẻ:

PV: Chị HỒ THỊ HIỆP

PV: Anh HỒ VĂN

Q: Vì lượng phù sa không nhiều, lại chảy quanh co mãi giữa núi rừng Trường Sơn, qua lắm ghềnh thác đá, dòng nước dần dần lắng lại, trong vắt. Mỗi mùa mai vàng nở trên núi Mai Lĩnh, nước Thạch Hãn trong ngần lại như đọng thêm một mùi hương thầm kín, ngọt ngào. Bởi thế người Quảng Trị ta ngày trước đã ghép tên dòng sông và ngọn núi tiêu biểu ấy để gọi quê hương mình một cách thân thương và người các nơi cũng gọi miền đất chúng ta một cách thanh nhã là "nước non Mai Hãn" hay non Mai sông Hãn(Mai Sơn Hãn Thủy).

Hiền: Nước Thạch Hãn trong xanh và thơm ngọt đến độ những người biên tập sách Đại Nam nhất thống chí đã phải dành riêng cho dòng sông một câu nhận xét: "Sông nguồn rất xa, nước rất trong và ngọt" (Uyên nguyên thậm viễn, thùy cực thanh cam). Ngạn ngữ có câu rằng: Bất vi xạ não, diệc thị trầm đàn; bất vi quỳnh hương, diệc thị cam lễ. (Nghĩa là: Chẳng phải xạ hương, long não thì cũng trầm hương, đàn hương; chẳng phải quỳnh tương thì cũng cam lễ). Câu ấy cực tả phẩm chất của nước”.

Hay hai câu ca đã được đi vào bài hát nằm lòng của người Quảng Trị:  

 “Chẳng thơm cũng thể hương đàn

Không trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”.

(lồng nhạc bài hát QT yêu thương – Vân Khánh hát)

Nhạc cắt: Quảng Trị những điểm đến

Món ngon từ sông Thạch Hãn

Q: Quý vị thân mến! Dòng sông Thạch Hãn nổi tiếng đi vào trong thơ ca Việt Nam với biết bao câu chuyện lịch sử, và đặc sản của sông Thạch Hãn cũng chính là món ngon yêu thích của nhiều người. Chị Thái Hiền có đoán ra là Q đang nói đến món ngon nào không?

Hiền: Chịu thôi. Vì Hiền nghĩ sông Thạch hãn vô cùng rộng lớn và cư ngụ dọc dòng sông ấy có rất nhiều đặc sản tươi ngon, đó có thể là cá, tôm, ốc, hến....

Q: Chị Hiền đoán gần đúng rồi. Đặc sản của sông Thạch Hãn mà Q muốn giới thiệu hôm nay chính là chắt chắt. Chắt chắt có họ hàng với ngao, hến. Nhiều người vẫn hay nhầm giữa con hến với chắt chắt, nhưng thực ra đây là 2 con khác nhau tuy cùng sống trong một môi trường nước lợ. Nhìn bề ngoài có thể nhận biết sự khác nhau, chắt chắt nhỏ hơn hến và có sắc màu đen sậm vì chúng thường phải nấp dưới cát để trốn kẻ thù và tìm kiếm thức ăn. Chắt chắt sống chủ yếu ở vùng nước lợ, rất giàu chất đạm, bỗ dưỡng và là một thực phẩm sạch bởi được bắt lên từ lòng sông Thạch Hãn,đoạn chảy qua  làng Mai Xá, huyện Gio Linh.

Hiền: Chắt chắt thường đi kiếm ăn vào buổi sáng nên muốn bắt được chắt chắt người dân ven dòng sông Thạch Hãn cũng phải dậy từ rất sớm, dùng những vợt lưới được chế biến thành dụng cụ chuyên chỉ để cào chắt chắt. Hôm nào trời nắng chắt chắt lên bờ ăn nhiều thì chỉ cần lội sông nước chưa qua đầu gối là có thể cào chắt chắt, phải hôm nào trời trở mưa thì người ta phải lặn xuống đáy mới bắt được. Hãy cùng nghe chị Trương Thị Hằng, môt người dân sống gần sông Thạch Hãn đoạn qua làng Mai Xá, Gio Linh nói về các công đoạn làm chắt chắt

PV: Hằng

Q: Quý vị biết không? Chắt chắt mang về ngâm nước gạo khoảng một ngày để nhả hết cát, cho vào rổ rồi chà mạnh tay cho lớp bùn còn bám lại ngoài phần vỏ tróc đi xả nước thật sạch. Trút chắt chắt vào nồi luộc chín, khi luộc nhớ dùng đũa đảo mạnh tay để chắt chắt mở hết vỏ mỏng ra, lộ phần thịt (ruột) ra ngoài. Vớt chắt chắt ra một rổ thưa cho vào trong chậu nước đãi lấy thịt, để riêng. Nước luộc chắt chắt lắng cho trong dùng để nấu canh rất ngọt và mát. Nước luộc này nấu với bất cứ loại rau nào cũng ngon. Người dân ven sông Thạch Hãn có món canh rau muống nấu với chắt chắt trộn gừng ngon khôn tả được, và đây cũng chính là món mà gia đình Hiền rất hay ăn vào mùa hè.

H: Ngoài món canh chắt chắt rau muống trứ danh ấy ra thì thịt chắt chắt xào xúc bánh tráng là món ăn dân dã, rẻ tiền nhưng được rất nhiều người ưa thích, đây cũng là món ăn đặc sản của người làng Mai Xá, Gio Linh đã lọt top 100 món ăn đặc sắc tiêu biểu của Việt Nam. Món này chế biến chẳng mấy cầu kì, chỉ cần phi thơm hành cho chắt chắt vào xào săn, dọn ra dĩa rồi dùng bánh tráng xúc ăn. Bẻ miếng bánh tráng xúc một ít thịt chắt chắt đưa vào miệng, vị ngọt của chắt chắt, giòn giòn của bánh tráng, thơm thơm của hành phi quyện lại nơi đầu lưỡi, một hương vị thật khó quên, không thể lẫn vào đâu được. Và An tin là những ai đã từng thưởng thức món chắt chắt xúc bánh tráng của người dân ven dòng sông nổi tiếng Thạch Hãn chắc chắn sẽ không quên được hương vị ngọt ngào của món ăn dân dã này. Tuy nhiên, khuyến cáo với quý vị là nếu thười điểm này có thèm chắt chắt thì cũng đành chịu nhé vì phải đợi ra tết thì mới đến mùa của đặc sản sông Thạch Hãn.

Nhạc cắt: Quảng Trị trong tôi

Bến Thạch Hãn – bến sông nghĩa tình

Hiền: Quý vị thân mến! Nhắc đến sông Thạch Hãn không thể không nói đến bến sông Thạch Hãn. Bến sông TH nguyên là một bến sông của những chuyến đò ngang qua lại trên sông Thạch Hãn nối Thị xã Quảng Trị với xóm làng vùng Triệu Thượng, Triệu Phong ở bến bờ Bắc. Đây là tuyến giao thông đường thủy có ý nghĩa quan trọng trong sự giao lưu kinh tế, văn hóa của cư dân hai bên bờ từ rất lâu đời. Bến sông Thạch Hãn với công việc thầm lặng của mình đã góp phần quan trọng cho sự đứng vững của bộ đội ta ở Thành cổ trong suốt 81 ngày đêm oanh liệt. Dòng sông Thạch hãn trong cuộc chiến  đấu ác liệt ấy đã nhuốm máu các anh hùng xã thân vì nền độc lập dân tộc, đã có không biết bao nhiêu người trong số đó đã vĩnh viễn hoá thân cùng sông nước, cỏ cây.

Q: Để tưởng nhớ đến hàng nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn, vào các dịp lễ, tết tại Nhà hành lễ - Bến thả hoa hai bờ Nam - Bắc  sông Thạch Hãn, nhân dân thường thả hoa, đèn để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Lễ hội “Đêm hoa đăng” được tổ chức vào ngày 14 âm lịch hàng tháng đã thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa nhằm tôn vinh và ghi nhớ công ơn của biết bao thế hệ cha, anh đi trước đã anh dũng hy sinh bảo vệ đất nước.

Hiền: Từ những ngày đầu tháng 7 và đặc biệt là vào ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, lượng du khách về đây rất đông; các chiến sỹ, cựu chiến binh Thành cổ cùng nhân dân trên khắp mọi miền Tổ quốc về thăm chiến trường xưa, họ mang theo những bó hoa tươi thắm, hoa đăng thả xuống dòng Thạch Hãn.  Nhà hành lễ - Bến thả hoa hai bờ Nam - Bắc trở thành nơi hội tụ của con em mọi miền đất nước về tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh và là một công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa về chính trị, xã hội, mang đậm tính nhân văn.

Q: (lồng nhạc bài Dòng sông hoa đỏ) Giờ đây, nhà hành lễ - Bến thả hoa ở hai bờ Nam - Bắc sông Thạch Hãn cùng với Tháp chuông Thành cổ, Quảng trường Giải phóng sẽ tạo nên một quần thể di tích tưởng niệm đầy ý nghĩa ở đôi bờ sông Thạch Hãn lịch sử, nơi ghi dấu những chiến công một thời đánh giặc giữ nước của dân tộc mà đỉnh cao là chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Đồng thời, sẽ là nơi về nguồn của đồng bào, chiến sĩ cả nước về đây hành lễ, dâng hương, thả hoa đăng thể hiện tấm lòng tri ân, tình cảm sâu nặng của đồng bào, đồng chí trong cả nước về đây tưởng nhớ các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nằm lại trên mảnh đất này vì sự nghiệp độc lập, thống nhất đất nước./.

Hiền: Quý vị thân mến! Như vậy là hành trình xuôi dòng Thạch Hãn của QTDK với những địa danh, tên làng, tên núi, đặc sản của dòng sông cũng đã đến lúc phải nói lời chào tạm biệt.

Q: Hẹn gặp lại quý vị vào thứ 5 tuần sau cũng khung giờ này.

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Nguyễn Thị Thái Hiền 09/09/2019 09:13 Lê Vĩnh Nhiên 17/09/2019 07:03
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà