trang nông nghiệp
Danh mục
Trang nông nghiệp
NỘI DUNG

TRANG NÔNG NGHIỆP NGÀY  24-9- 2019

PTV: Kính chào bà con và các bạn!

Trang NN tuần này, chúng tôi sẽ giới thiệu cùng bà con Biện pháp phòng trừ một số sâu bệnh gây hại trên cây cao su đầu mùa mưa. Tiếp đó là LỢI ÍCH TỪ MÔ HÌNH NUÔI XEN GHÉP CÁ DÌA, TÔM, CUA. Con bây giờ, mở đầu chương trình, mời bà con cùng theo dõi phần thông tin NN.

I.                  THÔNG TIN NÔNG NGHIỆP

1.       HỘI NGHỊ ĐẦU BỜ MÔ HÌNH NUÔI VỊT BIỂN AN TOÀN SINH HỌC

Với mục tiêu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về chăn nuôi vịt thịt giống mới. Vừa qua, Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã tiến hành hội nghị đầu bờ mô hình “Nuôi vịt biển theo hướng an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường”.

Tham gia mô hình có 11 hộ trên địa bàn 3 xã, xã Triệu Độ, Triệu An, và Triệu Lăng, huyện Triệu Phong. Triển khai mô hình Trung tâm Khuyến nông đã cấp 3.300 con vịt giống, đây là giống vịt biển 15- Đại Xuyên. Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm hỗ trợ 70% con giống và thức ăn hỗn hợp. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông còn chuyển giao tập huấn kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trong suốt quá trình nuôi.

Qua quá trình triển khai mô hình cho thấy, khả năng thích nghi của vịt biển tốt, dễ nuôi và có thể nuôi với nhiều phương thức khác nhau, có thể sử dụng nước biển làm nước uống. Trọng lượng của vịt lúc 01 ngày tuổi đưa vào nuôi bình quân 50 gam/con. Vịt có hệ số chuyển hóa thức ăn tốt, tiêu tốn thức ăn 2,7 kg thức ăn/1kg tăng trọng. Sau 2 tháng nuôi tỷ lệ sống đạt 96,36%, trọng lượng cơ thể đạt 2,749 kg/con; tỷ lệ thân thịt cao 80,32%. Lợi nhuận bình quân của một hộ nuôi đạt 3.680.000đ/MH 300 con, tương đương với 12.700 đồng/con. Từ kết quả nuôi cho thấy, vịt Biển 15 – Đại Xuyên nuôi thịt trong điều kiện nông hộ tại tỉnh Quảng Trị có khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, tìm kiếm và thu nhận thức ăn tốt, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Thông qua mô hình đã giải quyết một phần nhu cầu việc làm, tạo sinh kế ổn định cho bà con nông dân sống ven biển. Trên cơ sở thành công của mô hình, trong thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nhằm khai thác tốt tiềm năng sẵn có tại địa phương, nâng cao tỷ trọng, giá trị chăn nuôi, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả.

2. HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CHUYỂN HÓA RỪNG TRỒNG GỖ NHỎ SANG GỖ LỚN

Vừa qua Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành hướng dẫn kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đối với loài cây keo lai và keo tai tượng cho các hộ dân thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh cây keo lai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng gỗ.

Việc hướng dẫn kỷ thuật chuyển hóa từ rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng sản xuất gỗ lớn sẽ làm cơ sở để xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và lập kế hoạch cụ thể đối với rừng trồng chuyển hóa thành rừng trồng sản xuất gỗ lớn, cũng là cơ sở để quản lý đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh rừng trồng.

Rừng trồng có kế hoạch chuyển hóa phải từ 5 năm tuổi trở lên, chu kỳ kinh doanh 10 năm tuổi trở lên. Với mục tiêu kinh doanh ban đầu là trồng sản xuất với mục đích gỗ nhỏ, mật độ của các lô rừng trồng thường là 1.600 cây/ha đến 2000 cây/ha; Khi có kế hoạch chuyển hóa từ rừng trồng sản xuất với mục đích gỗ nhỏ thành rừng trồng sản xuất gỗ lớn cần tiến hành đánh giá chất lượng cây và chất lượng lâm phần để tìm ra lâm phần có chất lượng tốt. Đây là lâm phần có trên 50% cây có hình thái tốt, phân bố tương đối đồng đều trong lô, cây trung bình nhiều hơn cây xấu và đang có tiềm năng phát triển tốt để đưa vào kế hoạch chuyển hóa. Biện pháp kỹ thuật được lựa chọn là tỉa thưa rừng trồng để tận dụng sản phẩm gỗ khi tỉa thưa nhằm lấy ngắn nuôi dài.

II.KHUYẾN NÔNG KHUYẾN NGƯ

PTV: Thưa bà con và các bạn! Hiện nay tỉnh ta sắp bước vào mùa mưa,  là điều kiện thuận lợi cho một số sâu bệnh phát sinh và gây hại trên cây cao su. Nhằm chủ động các biện pháp phòng trừ, giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra, trang nông nghiệp tuần này chúng tôi xin hướng dẫn cho bà con Biện pháp phòng trừ một số sâu bệnh gây hại trên cây cao su đầu mùa mưa.

III.SỔ TAY NHÀ NÔNG

PTV: Bà con và các bạn thân mến! Phần cuối chương trình sẽ là những công việc nhà nông cần làm trong tháng 10.

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM TRONG THÁNG 10

1- Công việc đồng áng:

- Tranh thủ ngày nắng ráo thu hoạch nhanh lúa vụ 10.

- Tiếp tục trồng rau màu ở vùng cao không bị lụt, chăm sóc khoai lang, ngô và rau màu vụ Đông. 

 - Trồng sắn các vùng ngập úng cuối vụ trồng tháng 10 - 11/2019;

- Tiếp tục bón phân, chăm sóc trồng cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả.

- Cày vỡ đất để trừ cỏ dại và lúa chét.

- Chuẩn bị nguồn giống cây trồng các loại đặc biệt là giống lúa cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020.

- Bón phân, chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây công nghiệp dài ngày.

2- Chăn nuôi

- Quản lý đàn gia súc gia cầm.

- Chuẩn bị dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trước khi vào vụ rét.

- Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại.

- Phòng chống các bệnh của vật nuôi.

- Chú ý phòng trị bệnh cúm A H5N1 ở gia cầm và LMLM ở gia súc; dịch tả lợn châu phi ở lợn.

3- Thuỷ sản:

- Tiến hành chuẩn bị ao và thả cá vào vùng hồ cao không bị ngập lụt.

- Vỗ béo cá thịt để thu hoạch cuối năm.

- Thu hoạch nhanh các hồ nuôi tôm vụ muộn.

- Tiến hành thả tôm thẻ chân trắng vụ 2 vùng bãi ngang; chăm sóc và phòng bệnh cho tôm chân trắng.

4- Lâm nghiệp:

- Triển khai trồng cây vùng gò đồi sau các đợt mưa.

- Trồng  cây cao su.

- Chăm sóc vườn ươm và rừng trồng.

5- Thuỷ lợi:

- Tổ chức thực hiện công tác PCLB, trực theo dõi tình hình lụt bão.

- Thường xuyên kiểm tra an toàn hồ đập, mực nước và dung tích các hồ.

IV.MÔ HÌNH KINH NGHIỆM

LỢI ÍCH TỪ MÔ HÌNH NUÔI XEN GHÉP CÁ DÌA, TÔM, CUA

Với mục tiêu, đa dạng hóa đối tượng nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; chuyển đổi đối tượng nuôi tại những vùng nuôi tôm kém hiệu quả hay bị dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế và hướng tới nghề nuôi ổn định, bền vững. Năm 2019 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ, cá dìa và cua trong ao. Qua thời gian triển khai cho thấy đây là mô hình nuôi hiêu quả.

Mô hình nuôi xem ghép tôm thẻ, cá dìa và cua trong ao được Trung tâm Khuyến nông triển khai tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh với quy mô 0,4 ha, mật độ thả nuôi đối với tôm thẻ là 10 con/m2, với cá dìa là 1 con/m2 và cua là 0,5 con/m2. Hình thức nuôi thủy sản kết hợp cá dìa, tôm thẻ và cua trong cùng một ao đã đem lại “lợi ích kép” cho người dân, vừa có thể mang lại giá trị kinh tế, vừa tác động rất tích cực đến môi trường ao nuôi. Với hình thức nuôi này đã nâng cao hiệu quả của việc sử dụng đất, duy trì tính ổn định của vùng nuôi; môi trường nuôi thuận lợi nên đã hạn chế những rủi ro vì dịch bệnh. Trong quá trình triễn khai mô hình luôn có sự hướng dân trực tiếp của cán bộ kỹ thuật.

P/v Kỹ sư: Phan Thị Mỹ Nhung – Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị

Được biết, điểm thực hiện mô hình là ao nuôi tôm kém hiệu quả, thường xuyên bị dịch bệnh. Việc triển khai mô hình nuôi xem ghép cho thấy các đối tượng nuôi không ảnh hưởng nhau mà còn tương trợ và bổ sung cho nhau, giúp hạn chế được chi phí cho người nuôi. Tôm nuôi với mật độ thấp, phần thức ăn dư thừa và phân của tôm đã có cá dìa và cua ăn hết nên giảm nguy cơ gây ô nhiễm và nguồn bệnh. Ngoài ra, sự hoạt động của cá dìa cũng giúp thay đổi sự lưu chuyển nước ở tầng đáy. Các đối tượng nuôi đều có tốc sinh trưởng phát triển nhanh, môi trường nuôi ổn định không bị biến động mặc dù thời tiết diễn biến phức tạp. Kết quả sau 3 tháng triển khai, trọng lượng bình quân của tôm đạt 55 con/kg; cá đạt 5con/kg; cua đạt 6 con/kg. Ước tính sau khi trừ chi phí mang lại lợi nhuận trên 50 triệu đồng.

p/v chị Hoàng Thị Trang Trang – Khuyến nông viên xã Gio Mai, huyện Gio Linh

Việc triển khai mô hình nuôi ghép này sẽ thay đổi cách nhìn của người dân trong quá trình lựa chọn hình thức và đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện địa phương, nhằm khôi phục lại một số diện tích nuôi tôm kém hiệu quả. Đây là mô hình nuôi rất phù hợp với những vùng nuôi thấp triều thường xuyên xảy ra dich bệnh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế, hướng tới nghề nuôi ổn định và bền vững, bảo vệ môi trường, không làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 20/09/2019 08:29 Lê Vĩnh Nhiên 04/10/2019 09:23

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà