Tạp chí dân tộc miền núi
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí dân tộc 1-12

Kính chào đồng bào và các bạn! Đồng bào và các bạn đang theo dõi tạp chí dân tộc của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình hôm nay chúng tôi xin gửi đến đồng bào và các bạn phóng sự: Hướng Hóa tìm giải pháp cho người trồng cà phê khi giá cà phê giảm. Tiếp đó là một số ghi nhận về hiệu quả từ mô hình nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản của phụ nữ. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình, mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi.

Nhạc cắt

Hướng Hóa tìm giải pháp cho người trồng cà phê

Thưa đồng bào và các bạn! Huyện Hướng Hóa là một trong hai vùng chuyên canh cây cà phê của khu vực miền trung Tây Nguyên. Những năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Hướng Hóa, nhiều người dân trồng cà phê không còn mặn mà với cây cà phê. Một phần là do liên tục nhiều năm liền cà phê mất giá, bên cạnh đó là biến đổi khí hậu làm cho cây cà phê cũng liên tục mất mùa. Trước thực trạng trên, huyện Hướng Hóa đã phối hợp với các chương trình dự án, xây dựng mô hình trồng cà phê theo nhóm hộ đồng thời hỗ trợ cho người trồng cà phê ở trên địa bàn.

Toàn huyện Hướng Hóa hiện có hơn 5.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân và rải rác ở một số xã khá‌c. Nếu như trước đây cây cà phê đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Vì cà phê là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh gây hại, chỉ cần giá khoảng dao động từ 40.000- 50.000 đồng/ký là nông dân có thu nhập ổn định để gắn bó với cây cà phê. Tuy nhiên, hiện nay giá cả bấp bênh nên nhiều nông dân không dám đầu tư vì sợ cảnh thu lỗ, việc chăm sóc cầm chừng làm cho nhiều vườn không đạt năng suất, cây bị sâu bệnh tấn công. Việc giá cà phê liên tục giảm mạnh trong khi đó giá thuê nhân công ở mức cao, nhiều gia đình không dám thuê nên đành tự bỏ công hái hoặc bỏ không thu hoạch.

Phỏng vấn

Chị HỒ THỊ ĐÔNG

Thôn Trằm – Hướng Tân – Hướng Hóa – Quảng Trị

( Gia đình tôi trước đây có trồng một rẩy cà phê nhưng 2 năm nay gia đình bỏ vườn không đầu tư thu hoạch, không trồng nữa vì giá cà phê thấp quá. Bây giờ tôi chỉ đi hái cà phê thuê cho người ta thôi. Nhiều gia đình trong thôn cũng vậy, vì giá cà phê thấp mà công chăm sóc và thuê nhân công khá cao nên không đủ để chi trả, đành bỏ vườn thôi. Tiếc thì cũng tiếc nhưng không biết làm sao.)

Chị HỒ THỊ IN

Thôn Trằm – Hướng Tân – Hướng Hóa – Quảng Trị

( Giá cà phê thấp quá, tiền bán không đủ để trả tiền phân bón và thuê nhân công nên gia đình tôi bỏ không trồng cà phê mấy năm rồi. Bây giờ đi hái cà phê thuê mỗi ngày cũng kiếm được 100.000 đồng đến 200.000 ngàn đồng. Chúng tôi mong sao cà phê được giá như mọi năm, khi đó gia đình sẽ khôi phục lại vườn cà phê, vì những năm trước nhờ cà phê mà đời sống gia đình khấm khá hơn. Mấy năm nay thì buồn quá... )

Giá cà phê xuống thấp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người trồng trong vụ mùa này mà còn ảnh hưởng tới cả quyết định đầu tư cho vụ tiếp theo, bởi khác với nhiều loại cây trồng khác, cà phê là loại cây công nghiệp đòi hỏi đầu tư rất nhiều từ phân bón, công chăm sóc, tưới nước, thu hái, phơi phóng… Theo một số nông dân, nếu tình trạng giá cà phê xuống thấp tiếp tục kéo dài buộc họ sẽ phải chuyển hướng sang trồng các loại cây khác chứ không trồng cà phê.

Phỏng vấn

Anh TRẦN HỮU NAM

Xã Hướng Tân – Hướng Hóa – Quảng Trị

(Gia đình tôi trồng cà phê từ năm 1994 và đến năm 1995 thì chuyển sang trồng cà phê đại trà, tính đến bây giờ thì cũng đã 2 – 3 lần thực hiện tái canh cây cà phê. Cũng như nhiều bà con khác ở địa phương, nếu như cây cà phê cho hiệu quả cao, năng suất, chất lượng tốt, giá cả ổn định thì sẽ tiếp tục trồng. Còn hiện nay cà phê không đạt năng suất, giá cả bấp bênh thì gia đình cũng có chủ trương chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi, không đạt năng suất để sang trồng một số loại cây khác như trồng hoa, trồng màu... )

Vì cây cà phê vẫn là một cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa nên trước thực trạng nói trên, thời gian qua huyện Hướng Hóa cũng đã triển khai thực hiện các chính sách phát triển cây cà phê như: chương trình tái canh cà phê theo hình thức đốn đau, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của các địa phương… và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần cải thiện đời sống cho bà con. Tuy nhiên, để giúp người trồng cà phê vượt qua giai đoạn khó khăn này, trước mắt, chính quyền và doanh nghiệp cần có ngay giải pháp hỗ trợ nông dân về vốn, đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, khuyến cáo bà con bình tĩnh, không nên vội vã chặt bỏ vườn cây hoặc chán nản, bỏ bê làm ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cà phê của vụ sau.

Phỏng vấn

Ông HỒ QUỐC TRUNG

Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa – Quảng Trị

( Đối với cây cà phê hiện nay, thực hiện theo Quyết định của UBND tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh về các cây chủ lực thì ở huyện Hướng Hóa cây cà phê vẫn là cây trồng chủ lực. Chính vì thế, huyện Hướng Hóa đã tập trung vào các giải pháp như vẫn duy trì diện tích cây cà phê, tái canh cây cà phê bằng phương pháp đốn đau. Để nâng cao sản phẩm đầu ra chúng tôi cũng tiến hành một số phương pháp như nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, xây dựng thương hiệu cà phê, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm để tạo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cà phê. Khi thu nhập của bà con tăng thì bà con sẽ duy trì diện tích cà phê trên địa bàn.)

Để giải quyết thực trạng khó khăn cho người trồng cà phê ở Hướng Hóa, duy trì diện tích, tiếp tục triển khai phương án tái canh cho những diện tích cây đã già cỗi bên cạnh những giải pháp của các cấp chính quyền thì việc nâng cao chất lượng cà phê bằng cách thu hoạch cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín theo tiêu chuẩn, sản xuất theo phương thức an toàn được xem là một trong những giải pháp giúp tăng giá thành sản phẩm trong thời điểm cà phê đang rớt giá hiện nay.

Nhạc cắt

Hiệu quả từ mô hình nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản

Thưa đồng bào và các bạn! 10 năm nay, nhờ vào mô hình nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản mà nhiều phụ nữ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa, đã xây dựng được thói quen tiết kiệm, tính toán và quản lý chi tiêu trong gia đình. Từ đó, đã giúp cho chị em phụ nữ vùng cao phát huy hiệu quả trong việc tạo nguồn vốn để phát triển sản xuất, cùng nhau xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

          Từ năm 2009 đến nay, Hội liên hiệp phụ nữ xã A Túc, huyện Hướng Hóa đã thành lập được 21 nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản với sự tham gia của hơn 500 hội viên. Cứ mỗi tháng mỗi nhóm sẽ tổ chức sinh hoạt 2 lần, tại đây các hội viên đã thống nhất đóng từ 1 - 5 con dấu, giá trị mỗi con dấu tiết kiệm từ 20.000 đồng đến 100.000 đồng. Từ nguồn vốn trên, các hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay từ 1 triệu đến 3 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm và mua giống cây hoặc dùng để đóng tiền học phí cho con. Thời hạn vay tối đa là 3 hoặc 6 tháng, phải hoàn trả lại tiền gốc đã vay cùng với lãi suất 0,5% /tháng. Qua đó, đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

          Phỏng vấn

Bà HỒ THỊ KHUN

Thôn Tăng Cô – A Túc – Hướng Hóa – Quảng Trị

( Trước đây, gia đình tôi cực khổ. Từ khi được vay vốn làm ăn từ nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản thì gia đình tôi đã thoát nghèo. Từ đó, gia đình tôi  quyết tâm phát triển kinh tế vững chắc hơn để cải thiện cuộc sống ngày càng tốt hơn. )

Chị HỒ THỊ LỘC

 Thôn Tăng Cô - A Túc – Hướng Hóa – Quảng trị

( Khó khăn khi thành lập nhóm tiết kiệm là kinh tế chị em phụ nữ ở đây còn khó khăn nên khi triển khai hoạt động nhóm nhiều chị em còn e ngại khi tham gia vì sợ không có đủ tiền để đóng. Nhưng với vai trò là nhóm trưởng, bản thân tôi đã thường xuyên động viên nên các chị em ở thôn đến hiện nay đều đã tích cực tham gia vào nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản.)

          Hiện nay, ở huyện Hướng Hóa, mô hình nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản  đã được triển khai tại 8 xã vùng Lìa gồm Ba Tầng, A Dơi, A Túc, A Xing, xã Xy,Thanh, Hướng Lộc, Thuận và xã Húc cùng với các thôn, bản tại 5 xã dọc đường chín như Lao Bảo, Tân Thành, Tân Long, Tân Lập, Khe Sanh với sự tham gia của gần 6.000 hội viên. Từ đó, đã thành lập được 262 nhóm tiết kiệm với  tổng số tiền tiết kiệm hơn 42 tỷ đồng, trong đó đã cho hơn 12.000 thành viên vay trên 41 tỷ đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó nhóm cũng đã xây dựng được quỹ xã hội trên 700 triệu đồng. Nhờ đồng vốn tiết kiệm, nhiều hội viên phụ nữ, đặc biệt là hội viên đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên thoát nghèo và giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.

Chị HỒ THỊ THANH THỦY

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa – Quảng Trị

( Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình này ra toàn huyện. Tiếp theo nữa, sẽ tổ chức các lớp tập huấn để cung cấp, nâng cao kỷ năng sử dụng nguồn tiết kiệm vốn vay thôn bản có hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, Hội sẽ mở thêm các hội thảo để chia sẽ kinh nghiệm, nâng cao kiến thức về quản lý tài chính hộ gia đình, tạo thói quen tiết kiệm, đồng thời giúp cho phụ nữ nghèo vùng dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế nhằm cải thiện đời sống gia đình. )

Tiết kiệm và vốn vay thôn bản là một phương thức phát triển dựa vào cộng đồng. Qua 10 năm triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình, đến nay mô hình tiết kiệm vốn vay thôn bản trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã trở nên gắn bó và hữu ích đối với các hội viên phụ nữ. Cái được lớn nhất khi tham gia hoạt động vào nhóm là đã hình thành cho hội viên, đặc biệt là phụ nữ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thói quen tiết kiệm, tính toán chi tiêu để phát triển kinh tế nhằm xây dựng nguồn tài chính bền vững.   

          Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 26/11/2019 09:01 Nguyễn Việt Hà 09/12/2019 07:52
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà