Đất và người QT pt 7/1
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 7/1 -Qúy vị và các bạn thân mến! Mở đầu ct, với mong muốn nhìn lại lịch sử một phần máu thịt của quê hương Quảng Trị, An Thái có bút ký " Có một vùng quê như thế ". Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi. -Tiếp nối ct, khi ghi nhận những đổi thay tích cực của một ngôi làng ở vùng cao quê hương, Hiếu Giang có bài viết "Sức xuân một ngôi làng", chúng ta cùng nghe. -Phần cuối ct trong cảm hứng mùa xuân rạo rực, Tam Nguyên có tùy bút "Quê hương với mùa xuân lịch sử". Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đất và người QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

  ĐỔI THAY Ở MỘT LÀNG KINH TẾ MỚI.

                                                                     (Xuân Dũng)

  Ở vùng quê Cam Lộ có một một ngôi làng khá đặc biệt được hình thành sau ngày nước nhà thống nhất, trải qua muôn vàn gian khó mới định hình, tạo lập được hình hài, vóc dáng như hôm nay, để có thể kể lại cho hôm nay và hậu thế một địa chỉ tốt lành, nơi bà con an cư lạc nghiệp.

   Một sớm cuối tháng 5, chúng tôi gặp những người cao niên, trung niên của làng quê Tân Xuân thuộc xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị trong hội trường thôn. Câu chuyện Tân Xuân được bắt đầu như thế. Đó là câu chuyện về hai vạn chài thuộc hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, đó là Tân Xuân và Trọng Đức từng phiêu bạt nhiều nơi và nhiều năm trước 1975. Những người dân vốn quen nghề sông nước, nhà của họ thường được nói đùa chỉ là một cột, nói một cách hình tượng dựa vào mái chèo mà sống từ đời này qua đời khác. Nhưng rồi đã có một sự đột biến khác thường và may mắn khiến họ không còn bấp bênh như trước mà đã có thể định cư trên đất lập làng, lập xóm, kiếm kế sinh nhai, trụ lại nơi vùng đất mới để khẳng định ước mơ và ý chí của mình như tên gọi của làng mang bao hy vọng: Tân Xuân. Một ngôi làng  gần 130 hộ dân với gần 540 khẩu. Ông Nguyễn Triều, một người cao tuổi kể lại quá trình lập làng trải bao gian lao, nguy hiểm nhưng những người kiên cường nhất đã không chịu bỏ cuộc nửa chừng. Ý kiến này được bà con như các ông Phạm Văn Thọ, Đào Xuân Duy đồng tình tán thưởng.

   Nhà nước đã tạo điều kiện cho dân sông nước thôi nay đây mai đó, có đất lập làng và canh tác làm ăn là một chuyện vui lớn, có ý nghĩa đổi đời khi thực hiện chủ trương kinh tế mới. Tuy nhiên con đường đi đến ấm no, hạnh phúc khi nước nhà vừa mới thống nhất còn lắm cam go của thời hậu chiến. Bà con Tân Xuân phải vượt qua nhiều, rất nhiều kho khăn, gian khổ để thể hiện quyết tâm sắt đá bằng bàn tay và khối óc của các thế hệ nối tiếp nhau, xây dựng làng quê từ một vùng gò đồi heo hút, đầy lau lách và bom đạn chiến tranh để lại. Họ, bằng ý chí mãnh liệt quyết không chịu đầu hàng hoàn cảnh, kiên gan bền chí theo đuổi đến cùng mục tiêu vì đời mình và tương lai con cháu đời sau mà bám trụ cho đến hôm nay, khẳng định sức sống không có gì lay chuyển của đất và người Tân Xuân.

   Hôm nay đi giữa làng quê Tân Xuân, ai nấy sẽ thấy yên lòng hơn trên những con đường vững chải hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Hệ thống giao thông của Tân Xuân, mặc dù xa trung tâm so với những làng quê khác nhưng phải nói là lý tưởng với một địa bàn kinh tế mới với trục đường nhựa chính, đường bê tông ngang dọc. Có đi qua những vùng khó khăn về giao thông mới thấy hết ý nghĩa của những con đường đi lại làm việc, học hành và mua bán nông sản. Với sự đầu tư của nhà nước và phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, hệ thống cơ sở hạ tầng của Tân Xuân đã hoàn chỉnh  và đạt chất lượng cao, phục vụ đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương. Nhiều mô hình sản xuất đã và đang phát huy tác dụng như trồng rừng, cây công nghiệp dài ngày dù giá cả có những biến động không thuận lợi thì vẫn không đến mức nông dân khó sống, chưa kể đến lợi thế chăn nuôi gia súc, đại gia súc cũng là một trong những con đường xóa đói giảm nghèo. Việc cải tạo vườn tạp, thâm canh tăng năng suất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đầu tư phân bón và kỹ thuật nông nghiệp, đặc biệt là tinh thần chịu thương chịu khó của bà con Tân Xuân đã tạo nên quang cảnh ấm no, thanh bình và xinh đẹp như cảnh tượng hôm nay, kể cả những thiết chế kinh tế, văn hóa hay địa chỉ tâm linh. Đó chính là những thành tựu có thể nhìn thấy khi ghi nhận quá trình phấn đấu không mệt mỏi của con người Tân Xuân khi gặp được và tận dụng tối đa vận hội mới là có đất để sinh sống và lập nghiệp dài lâu. Thành quả của hơn 40 năm qua là mồ hôi và cả máu, là những sự trăn trở hết lòng với mảnh đất này của những con người luôn khát khao ấm no, hạnh phúc và muôn sự vững bền, là ước mong cuộc đời dù qua rất nhiều vất vả, nhọc nhằn nhưng nhất định phải làm cho cuộc đời sinh sôi nảy nở, ra hoa kết trái. Hình ảnh Tân Xuân hôm nay chính là những sự đền bồi, tưởng thưởng xứng đáng cho những người luôn yêu quý đất đai, luôn lạc quan muốn biến cải cuộc đời theo hướng tích cực, muốn ngày mai phải khác hơn, tốt hơn ngày hôm nay và ngày qua.

   Những đổi thay mọi mặt của làng quê Tân Xuân có tâm lực của bà con tại chỗ và cả những người con xa xứ nhưng luôn hướng về nguồn cội. Nhân tố này đã góp phần tạo nên nguồn lực để Tân Xuân vững vàng hơn trên con đường tiến lên xây dựng nông thôn mới, thay đổi tận gốc rễ bộ mặt tinh thần và vật chất của làng quê. Ông Đào Xuân Cẩn, Trưởng thôn Tân Xuân phấn khởi cho biết đời sống của bà con ngày càng ổn định và ấm no, hạnh phúc (băng).

   Dù mùa xuân đã qua nhưng những gì bà con Tân Xuân dày công phấn đấu kiến thiết vùng quê mới an cư lạc nghiệp dài lâu là hình ảnh của một Quảng Trị thu nhỏ, luôn ngoan cường trên hành trình đi đến tương lai, tạo nên mùa xuân của chính mình, của những con người không bao giờ khuất phục trước gian nan.

  

  

 

                   CÂU CHUYỆN VÙNG CAO

                                                                                  (Xuân Dũng)

  Nếu có ai lên vùng cao Hướng Hóa để cảm nhận hơn sợ đổi mới của miền tây Quảng Trị thì xin hãy đến mọt lần với quê hương Đại Thủy..

 Lịch sử của Đại Thủy là lịch sử của của một làng quê sinh sau đẻ muộn, mới bắt đầu hình thành từ năm 1986. Lúc đầu với năm gia đình tiên phong từ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vào Hướng Hóa (Quảng Trị) tiếp đó là một số gia đình của xã Triệu Đại thuộc huyện Triệu Phong cũng lên đây những mong lập nghiệp lâu dài. Tên gọi Đại Thủy được cắt ghép từ hai địa danh  Triệu Đại và Lệ Thủy làm nên tên gọi của một vùng quê kinh tế mới tự túc mưu sinh. Rồi người hai tỉnh Quảng Tri, Quảng Bình  coi nhau như ruột thịt, tối lửa tắt đèn sống với nhau như bát nước đầy đặng  vượt qua muôn vàn gian khó. Ôn cố tri tân vốn là đạo lý của người Việt dù sống bất cứ nơi đâu, huống chi họ đã có chừng 1/3 thế kỷ chung lưng đấu cật với nhau từ những ngày đầu tiên đi mở đất.

   Nhìn Đại Thủy no ấm hôm nay chắc khó lòng hình dung được những năm đầu khai hoang lập làng. Để có thể mường tượng đôi chút chuyện của thì quá khứ thì có thể nói đây là vùng đất núi đồi, gập ghềnh chứ không hề bằng phẵng lại bị chia cắt giao thông bởi hệ thống khe suối vốn là đặc trưng của địa bàn miền núi nên gian lao, khổ cực vây bủa ngày đầu cũng là điều dễ hiểu. Khó khăn đến nỗi có những người không hề lười nhác, không đến nỗi yếu bóng vía nhưng rồi trước vất vả, cơ hàn kéo dài đã không thể bám trụ nên phải hồi hương hoặc vào Nam kiếm sống. Chỉ có những người kiên gan bậc nhất mới bám trụ cho đến hôm nay, để khẳng định quyết tâm và lựa chọn của mình là hợp lý và phải được thực tế kiềm nghiệm. Bởi không có thành công nào dành cho sự dễ dãi, cũng như không có kết quả chân chính nào lại không đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu để có được thành công sau cuối. Người Đại Thủy như những chiến sĩ kinh tế thời bình, họ đã tự cứu mình trước khi trời cứu như  một ngạn ngữ phương Tây. Nhập đề về làng quê này là thông điệp đầu tiên như thế.

   Tự sự đầu năm của Đại Thủy sớm muộn cũng là quay lại hoài niệm:  ăn cơm mới nói chuyện cũ.  Từ một vùng lau lách râm, rạp hoang vu, suối khe ngăn cách, đi lại hết sức khó khăn, cơm muối qua ngày, chặt củi rừng đổi gạo, nếp nhà sơ sài, tạm bợ, thiếu thốn đủ bề nhưng bà con Đại Thủy đã kiên cường vượt qua rất nhiều thử thách như đói, rét, bệnh tật, chưa kể nỗi buồn xa quê cha đất tổ, xa họ mạc, xóm làng ở phía cội nguồn. Họ đã khai canh lập nghiệp hầu như từ hai bàn tay trắng, buổi đầu vất vả tự lực cánh sinh và đùm bọc nhau hôm sớm với quyết tâm sẽ có một ngày no ấm. Và ngày đó đã đến, đền bồi cho những công khó nhọc nhằn qua rất nhiều năm tháng. Họ bám trụ với vùng cao Hướng Hóa, với những loại cây công nghiệp dài ngày như hồ tiêu, cà phê và trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, triệt để khai thác thế mạnh của đất ba zan và khí hậu để trồng trọt, chăn nuôi lo toan cơm áo, biến ước mơ chinh phục đói nghèo thành hiện thực lâu dài. Quang cảnh Đại Thủy bây giờ là gương mặt của một làng quê có thể nói là no ấm dù vẫn còn những trở ngại về mùa mang và giá cả. Những khu vườn quy hoạch khá bài bản, lại có cả hoa và cây cảnh đã cho thấy một khi cuộc sống khấm khá hơn thì bên cạnh việc bảo đảm những nhu cầu vật chất, người Đại Thủy đã biết chăm sóc đời sống tinh thần, thẩm mỹ, kể cả những thú chơi đòi hỏi sự đầu tư không chỉ là thời gian và công sức. Và những mái nhà vững chải, xinh đẹp đang hiện hữu ở Đại Thủy cũng minh chứng cụ thể cho khát vọng vươn lên và đi tới của người dân nơi đây. Những mái nhà, khu vườn và cảnh quan như thế cách đây chưa lâu vẫn có thể chỉ là mơ ước với rất nhiều người. Bà con Đại Thủy đã dũng cảm, bền bỉ tạo nên cơ nghiệp cho mình, tạo nên diện mạo và sinh khí mới thanh tân cho làng quê non trẻ. Bí quyết thành công của bà con Đại Thủy là chịu thương chịu khó, là đồng lòng đồng sức, dựa vào chính mình và dựa vào nhau mà sống, lấy tình thương làm gốc rễ lâu bền mà ăn ở với nhau. Những thành quả từ nhỏ đến lớn, từ mỗi người, từ mỗi gia đình cho đến xóm thôn thật đáng tự hào và trân trọng. Nó chính thức mở ra trang mới cho sự đi lên từ bao nỗi niềm của những người đang sống và cả những người thiên cổ, những tấm lòng đã quyết chí chọn đất này làm quê hương thứ hai, sống ở nơi đây và thác cũng ở nơi đây. Tự sự Đại Thủy, vì vậy đã có một ý nghĩa sâu xa khi vượt thoát những cơ cực, đói nghèo.

 

 

  

 

 

 

Tùy bút:

  QUẢNG TRỊ: KHÁT VỌNG HÒA BÌNH TỪ MÙA XUÂN LỊCH SỬ.

                                                                                     ( Phạm Xuân Dũng)

Đầu những năm Đổi Mới, bộ trưởng Bộ Giáo dục, bà Nguyễn Thị Bình lại về thăm quê hương Quảng Trị. Trong chuyến công tác này, khi trò chuyện với thầy trò Trường cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm, hôm ấy, bà đã căn dặn mọi người  phải cố gắng xứng đáng với truyền thống  quê hương.

Vị nữ chính khách đứng đầu Bộ Học từng là Ngoại trưởng trong Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngay sau khi ký kết hiệp định Paris năm 1973 đã hình thành trụ sở Chính phủ tại vùng quê Cam Lộ (Quảng Trị) . Bà Nguyễn Thị Bình cùng với Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã tiếp kiến nhiều đại sứ các quốc gia và các tổ chức trên thế giới đến chào và trình quốc thư  khi  mặt đất xung quanh còn loang lổ đạn bom, khét bồng thuốc súng. Trụ sở này đã thành di tích quan trọng của dân tộc Việt Nam mà người dân địa phương đến hôm nay vẫn quen gọi nôm na, ngắn gọn địa danh ấy là “Khu Chính Phủ”. Mới đây tuy tuổi đã cao, có dịp bà Nguyễn Thị Bình vẫn tìm về Quảng Trị, lên với Cam Lộ như một cuộc hành hương đến với thánh địa hòa bình, bởi cuộc đời bà có quá nhiều kỷ niệm đáng nhớ với mảnh đất này. Nếu khát vọng hòa bình đồng nghĩa với nữ tính thì tà áo dài Việt Nam bà đã mặc gây chấn động dư luận thế giới từ Paris cho đến Quảng Trị-Việt Nam.

Thiết tưởng cũng cần nhắc lại quá khứ bi tráng của một quê hương từng dằng dặc gánh hai đầu chia cắt. Nếu chiều dài chiếc cầu được đo bằng đại lượng thời gian thì cầu Hiền Lương thuộc loại dài nhất nhì thế giới, nó xuyên suốt đằng đẵng qua hai mươi năm mới được  chạm tay vào Hòa Bình- Thống Nhất, mới bắt đầu cho một cuộc Đại Đoàn Viên.

Dường như những tác phẩm văn chương nghệ thuật đặc sắc đều có khả năng chạm vào thẳm sâu gan ruột nhiều người, làm nên nhật ký tâm hồn của một thời, của cả dân tộc. Ấy là khi nói đến những bài hát như “Câu hò bên bến Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp hay những câu thơ như đốt cháy lòng người. Thanh Hải từng diễn tả một nghịch lý : “Cách nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây” hay câu hỏi của Tế Hanh đau như đụng phải vết dao :”Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu”. Cũng như sau này nhà thơ Cảnh Trà viết bài thơ “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” hoan ca cảnh tượng thái hòa giản dị: một đám cưới đưa dâu qua cầu Hiền Lương. Một chuyện quá đỗi bình thường nếu không có chiến tranh và chia cắt, vậy mà chỉ thành hiện thực khi hiệp định Paris ký kết. Và nói như  dự cảm lớn lao cuả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ấy Nam-Bắc một nhà, “Nối vòng tay lớn”.

Có một người con Quảng Trị đã gần như đi hết chiều dài lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX, đó là Lê Duẩn. Ông là người từng chứng kiến những hạnh phúc vỡ òa của dân tộc và cũng như những nỗi đau tột cùng mà Việt Nam phải gánh chịu, từ Gèneve cho đến Paris và tất nhiên cho đến 1975, cả sau này nữa. Trong chuyến tàu cuối cùng tập kết ra Bắc ngày 7/2/ 1955 đồng chí Lê Duẩn có mặt công khai để rồi  ngay sau đó bí mật trở lại Cà Mau hoạt động cách mạng. Từ lúc ấy Anh Ba Lê Duẩn đã biết dân tộc Việt Nam còn qua lắm đoạn trường dài lâu mới bình yên qua lại cầu Hiền Lương bắc ngang qua Quảng Trị, bắc ngang qua chiều dài lịch sử ngót nghét hai mươi năm có lẻ. Chính ông ngay hòa bình lập lại đã cử ngay những cán bộ tâm huyết và có năng lực về Quảng Trị với lời căn dặn chí tình. TBT Lê Duẩn nói với ông Lê Mậu Lộ, sau này là giám đốc đầu tiên của Nông trường Tân Lâm (Cam Thành, Cam Lộ) : “Về miền Nam xây dựng cho được một nông trường tuy nhỏ mà tốt là quý lắm”. Nông trường Tân Lâm, sau đó là trường cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm đã ra đời từ những năm tháng hòa bình đầu tiên trên quê hương Quảng Trị. Bây giờ dẫu nhiều chuyện đã khác trước nhưng không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của mô hình kinh tế quốc doanh một thời của Nông trường Tân Lâm. Và có những điều trường tồn cùng năm tháng. Những thế hệ gia đình công nhân từ nhiều miền quê khác nhau của Bình Trị Thiên khói lửa và cả những quê khác nữa đã chọn nơi này làm quê hương, để lập nên một làng mới trù phú có tên là Tân Phú. Cũng nói thêm rằng làng quê này nằm ngay dưới chân cao điểm 241, ngày trước là một mắt xích phòng thủ quan trọng của lực lượng quân sự đối phương. Chính tại đây vào mùa hè đỏ lửa 1972, hai vị chỉ huy trung đoàn 56 bộ binh của quân đội Sài Gòn là trung tá Phạm Văn Đính và trung tá Vĩnh Phong sau nhiều suy nghĩ, cân nhắc đã quyết định dẫn cả trung đoàn về với cách mạng và nhân dân, tránh được một cuộc binh đao nồi da xáo thịt của đồng bào nước Việt. Tinh thần vị tha, hòa hợp hòa giải dân tộc vẫn phải được nhắc lại và đem lại sự gắn kết nhiều hơn nữa.  Mới đây, đầu năm 2018 vừa qua, khi  đón tiếp và tâm sự với kiều bào nước ta, trong đó có những người quê  Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã khẩn thiết kêu gọi đồng bào xa xứ hãy cố gắng vượt qua những khác biệt để chung tay góp sức vì một Mẹ hiền Tổ quốc Việt Nam. Bởi kinh nghiệm lịch sử cho hay nhất thống giang sơn là đại nghiệp vô cùng hệ trọng nhưng nó thực sự có ý nghĩa và phát huy tác dụng khi và chỉ khi thống nhất được lòng người.

Còn nhớ chỉ sau một ngày ký kết hiệp định Paris, ngày 28/1/1973, nhà thơ lớn Tố Hữu đã cảm khái viết rằng :

Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ

Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ

Một trời êm ả, xanh không tưởng

Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ.

Đây cuộc hồi sinh, buổi hóa thân

Mùa đông thế kỷ chuyển sang xuân

Ôi Việt Nam ! Từ trong biển máu

Người vươn lên, như một thiên thần.

Ta lại về ta, những đứa con 
Máu hoà trong máu, đỏ như son 
Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi 
Tái hợp, huy hoàng, cả Nước non!

                                  (Việt Nam máu và hoa)

Những câu thơ như nói hộ lòng người !

Những ai trải qua nỗi đau của chiến tranh mới thấu hiểu được ý nghĩa của hòa bình, đặng hết lòng vun đắp cho chính cuộc đời mỗi người và  mọi người, cho chính những ngày mình đang sống hôm nay.

Quảng Trị, từ ác mộng chiến tranh, chia cắt đến khát vọng hòa bình, kiến tạo. Một giấc mơ chờ đợi từ lâu, đã lên mầm từ mùa xuân năm ấy, khởi đầu từ ngày 27/1/1973.

  

 

 

 

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 31/01/2020 09:02 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà