Tạp chí VNCN
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí văn nghệ chủ nhật ngày 9-2

Nét đẹp tết nguyên tiêu

          MC1: Kính chào QV thính giả đang nghe đài! Bây giờ là 30 phút dành cho tạp chí văn nghệ chủ nhật của Đài PTTH Quảng Trị.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Ngày 15 tháng giêng âm lịch hàng năm tức là ngày rằm đầu tiên trong năm được gọi là tết nguyên tiêu hay là tết thượng nguyên. Và vào ngày này, lễ hội đêm Trăng Rằm được tổ chức ở nhiều nơi như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam. Riêng ở Việt Nam có nhiều hoạt động, khôi phục truyền thống văn hóa cổ, tổ chức đêm Nguyên tiêu của Ngày thơ Việt Nam, hiện nay đã thành nếp thường xuyên ở nhiều địa phương.

MC1:  Cùng với đó, người dân Việt Nam còn có thói quen đi chùa, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, quốc thái dân an đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt. Chính vì thế trong tạp chí văn nghệ chủ nhật tuần này, mời QV & CB cùng tìm hiểu về nét đẹp văn hóa trong ngày tết nguyên tiêu, mời QV & CB cùng theo dõi.

Nhạc cắt

Nguồn gốc tết nguyên tiêu

MC2: QV & CB thân mến! Người xưa có câu: "Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" đã nói lên tầm quan trọng của lễ hội Rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt. Vậy nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu như thế nào? Sau đây là một vài tổng hợp của chúng tôi.

MC1: Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích.

Truyền thuyết về Tết Nguyên tiêu thứ nhất kể rằng, ngày xưa có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới đã bị một người thợ săn bắn chết.

Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng đã sai một đội quân thiên đình đúng ngày 15/1 xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới.

Rất may cho loài người là có một số vị thần trên thiên đình không đồng ý với quyết định có phần hơi nặng tay của Ngọc Hoàng. Họ đã liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh.

Thế là, nhà nhà treo đèn lồng và bắn pháo hoa để trên thiên đình tưởng rằng nhà cửa của họ đã bị phóng hoả. Nhờ đó mà loài người mới thoát khỏi cảnh diệt vong.

MC2: Tích khác lại cho rằng thời Tây Hán ở Trung Quốc, từ dịp Tết Nguyên đán đến Tết Nguyên tiêu, các cung nữ đều nhớ và muốn được đoàn viên cùng gia đình. Tuy nhiên, cung cấm canh phòng khắt khe nên các cung nữ không thể nào ra ngoài được.

Trong số đó, cung nữ tên Nguyên Tiêu vì buồn rầu nên đã nhảy xuống giếng để kết liễu cuộc đời, nhưng Nguyên Tiêu được Đông Phương Sóc - viên thần thân cận của vua Hán Vũ Đế cứu sống.

Sau khi nghe tâm sự của Nguyên Tiêu, Đông Phương Sóc nghĩ kế để giúp cô thỏa lòng thương nhớ cha mẹ. Ông nghĩ ra một kế là bày ra một bàn quẻ bói, ai đến bói cũng nhận được quẻ mang ý nghĩa 16 tháng Giêng bị lửa thiêu.

Đồng thời, ông giải thích với mọi người rằng sẽ có người của triều đình xuống giáng hỏa, mọi người hãy tâu vua để tìm cách thoát nạn.

Nhà vua nghe dân tình xôn xao thì hốt hoảng nên vội triệu Đông Phương Sóc đến để bàn cách đối phó.

Gặp vua, Đông Phương Sóc vờ nói: "Thần lửa rất thích ăn bánh, trong cung lại có Nguyên Tiêu khéo tay, có thể làm được bánh vừa đẹp vừa ngon nên hãy giao cho cô làm bánh''.

Đồng thời ra lệnh cho người dân trong thành treo trước cửa nhà đèn lồng đỏ để Ngọc Hoàng tưởng rằng thành đang bị cháy.

Để thưởng công làm bánh dụ thần lửa, nhà vua cho Nguyên Tiêu về đoàn tụ gia đình, đặt tên cho món bánh mà cô làm là bánh trôi và gọi ngày Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên Tiêu.

MC1: Vâng, Có lẽ do vậy nên một bộ phận người Trung Quốc đến ngày này vẫn có thói quen ăn bánh trôi và treo lồng đèn. Còn với các nhà nghiên cứu văn hóa thì tết nguyên tiêu cũng như những tập tục của người dân trong ngày tết nguyên tiêu còn mang một màu sắc khác. Liên quan đến vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng:

Băng ghi âm

MC2: Vâng, đó là một vài lý giải về nguồn gốc ngày tết nguyên tiêu. Và với người Việt Nam chúng ta thì tết nguyên tiêu mang những sắc màu văn hóa gì? Mời QV & CB cùng chúng tôi tìm hiểu trong phần tiếp theo của chương trình.

Nhạc cắt

MC1: Quý vị và các bạn thân mến! Do rằm tháng Giêng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên tiêu trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Tại Việt Nam, theo quan niệm của người Việt thì “đầu xuôi đuôi lọt”. Thời khắc đầu tiên trong năm là rất quan trọng.  Chính vì vậy tết nguyên tiêu từ một ngày lễ hội xa lạ có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp.

MC2: Rằm tháng Giêng là 1 trong 4 ngày rằm lớn trong năm mà người Việt đặc biệt là Phật tử thường viếng chùa lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. 

Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội Rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.

Đối với hầu hết các chùa Việt, trọng tâm của hội Rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội Rằm tháng Giêng là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”. Chị Phạm Ngọc Nga, Phường 2, TP Đông Hà chia sẻ:

Băng ghi âm

MC1: Ngày này, nhiều vùng miền trên cả nước, đặc biệt là miền Bắc và miền Trung thường tổ chức lễ hội lớn, các Chùa thì tổ chức lễ cầu an …. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là xuất phát từ nhu cầu tìm về những giá trị tâm linh đạo đức truyền thống và mong cầu sự phát triển bền vững trên nền tảng đạo đức và tuệ giác Phật giáo của người dân. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, cách đón ngày rằm của người dân cũng ít nhiều thay đổi. Bên cạnh việc đi lễ chùa, các gia đình sắm sửa lễ cúng rằm tháng Giêng tại gia đình. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài... Tuy nhiên, trong ngày rằm tháng Giêng nhà nào cũng phải có lễ cúng gia tiên để bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ chia sẻ thêm về vấn đề này:

Băng ghi âm

MC1: Tết Nguyên Tiêu ngoài việc cầu quốc thái dân an, gia đình an lành, đây còn đêm trăng sáng đầu tiên của một chu kỳ xuân mới, ánh trăng chiếu rạng khắp miền hạ giới sau một mùa đông dài tối tăm, lạnh lẽo. Trăng Nguyên tiêu thanh bình, không gian lãng đãng làm cho tâm hồn thi nhân thêm phấn chấn trước những thay đổi của cảnh sắc mây trời, hương thơm của cỏ cây hoa trái lan tảo khắp chốn nhân gian. Tết Nguyên Tiêu là men tố, là thời khắc gây nguồn cảm hứng thi ca bất tận. Chính vì vậy mà xưa kia, vào dịp này, vua chúa có lệ ban lấy ngày Nguyên Tiêu là dịp để triệu tập các Trạng nguyên và những người đỗ đạt cao trong nước về kinh hội họp, đãi yến tiệc trong vườn Thượng Uyển. Tại đây, các ông Trạng cùng nhau xem hoa thưởng nguyệt, làm thơ xướng họa, ứng đáp câu đối, thổi sáo chơi đàn, ca ngợi tạo hóa và triều đại, bởi vậy nên về sau người ta gọi là Tết Trạng nguyên; một ngày tết dành riêng để tôn vinh việc học hành. Nước ta vào thời Lý - Trần, triều đình có tổ chức Tết Trạng nguyên; đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông, Tết Trạng nguyên được tổ chức một cách trọng thể ở kinh thành Thăng Long, khắp cả trong cung ngoài phố múa hát đàn ca tưng bừng, cờ hoa trang hoàng rực rỡ.

MC2: Còn tại các nhà thờ họ, trưởng họ, trưởng tộc thường triệu tập những thanh niên học cao, hiểu rộng, có tài và đức lên đọc bản báo cáo thành tích một năm hoạt động với tổ tiên. Qua đó để thấy được sự hưng vượng của dòng họ và giáo dục các thế hệ con cháu một cách tốt nhất. Sau đó, các bô lão tổ chức ngắm trăng, thi đọc thơ hoặc chơi tổ tôm, tam cúc. Sau ngày này, họ thường cất hoặc đốt những bộ trò chơi này đi để thúc giục con cháu khởi động một năm mới làm việc chăm chỉ, thi cử đỗ đạt. Chung quy lại Tết nguyên tiêu dù được tổ chức dưới hình thức nào cũng mang một ý nghĩa hết sức tốt đẹp, thể hiện khát vọng, ước mơ vào những điều tốt đẹp của người dân.

Nhạc cắt

Nét đẹp đêm thơ Nguyên Tiêu

MC1: Quý vị và các bạn thân mến! Như chúng ta đã thấy, cùng với các tín ngưỡng dân gian, ngày tết nguyên tiêu của người dân Việt Nam còn mang những bản sắc văn hóa đẹp đẽ, trong đó việc tổ chức các đêm thơ Nguyên tiêu đã trở thành một nét đẹp không thể thiếu vào dịp này. Từ xưa, đã có rất nhiều văn nhân thi sĩ yêu trăng như Mãn Giác Thiền Sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… làm nhiều bài thơ hay về Nguyên tiêu. Ở thời cận đại, xuân Mậu Tý, năm 1948, tại núi rừng chiến khu Việt Bắc, nhà thơ Hồ Chí Minh, mặc dù rất bận việc quân, việc nước, nhưng trước xuân trăng dạt dào thi hứng, dẫn mạch như sóng trào, Người đã viết bài thơ Nguyên tiêu bằng chữ Hán:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Trích đoạn ngâm bài thơ Nguyên Tiêu

MC2: Bài thơ Nguyên Tiêu của Bác Hồ miêu tả cảnh đêm trăng, và buổi họp bàn việc quân của Bác bí mật trên sông nước ở chiến khu Việt Bắc, khởi đầu kế hoạch cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lúc đó đang bước sang năm thứ ba. Bài thơ "Rằm tháng Giêng" còn là một bài thơ tả cảnh để tả tình- bài thơ của một bậc thi nhân- bài thơ của một chiến sĩ cách mạng lỗi lạc. Cảnh mùa xuân của Bác trong bài thơ "Rằm tháng Giêng" là một bức tranh, sao vô cùng khoáng đạt:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

        Chỉ trong hai câu thơ tả cảnh đó, Bác dùng tới ba từ xuân liên tiếp một cách ngẫu nhiên mà rất có dụng ý nghệ thuật. Mỗi từ xuân để tả một hình ảnh: Trăng- Sông- Bầu trời. Miêu tả ba hình ảnh đó, Bác dùng từ "lồng lộng" và "lẫn" chính xác và khéo léo thuần thục trong ngôn từ như một hoạ sĩ danh tiếng có tài pha màu, phác thảo cảnh vật... vẽ nên một bức tranh xuân hài hoà và trải rộng khắp mênh mông.

        Mùa xuân đến không chỉ trên những chồi non lá biếc, mà tất cả vầng trăng đến dòng sông, bầu trời trong thơ Bác lúc này đều đầy sức sống của mùa xuân: "Rằm xuân lồng lộng trăng soi".

        Rằm xuân cũng là ngày Rằm tháng Giêng- một đêm trăng rằm tuyệt đẹp- một vẻ đẹp đến ngỡ ngàng. Cô giáo Lê Kim Lương – đến từ trường THPT Đông Hà chia sẻ:

          Băng ghi âm:

          Còn em Lê Yên Thường ở TP Đông Hà lại có cảm nhận như sau:

          Băng ghi âm

        MC1: Trăng trở thành trung tâm kỳ vĩ của vũ trụ trong đêm rằm xuân- trăng trải rộng trên dòng sông- đem mùa xuân kỳ diệu đến cho dòng sông. Mùa xuân có chiều cao và chiều sâu tận cùng trong ánh trăng soi. Một mùa xuân bát ngát trong tầm mắt của Bác. Vượt ra khỏi khung cảnh Việt Bắc trở thành hình tượng đẹp đẽ của bầu trời tự do, của mùa xuân đất nước mà Bác cảm nhận thấy từ ánh trăng rằm trong những tháng ngày còn gian khổ. Có nghĩ đến điều ấy, ta mới càng thấy được phong thái ung dung và lạc quan cao đẹp của Bác. ẩn sau cảnh trăng xuân đó là hình ảnh của ngày mai tươi sáng đang đến gần. Ngày mai đó được bắt đầu bằng những kế hoạch và công việc rất cụ thể, rất thực tế của Ðảng ta và của Bác:

Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

        MC2: Ðêm trăng rằm vắng lặng, êm dịu như bức tranh thuỷ mặc, trở nên sống động và thơ mộng bởi có sự góp mặt của những con người bất tử, đang chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn. ở đó, có Chủ tịch Hồ Chí Minh- nhà thơ và người chiến sĩ cách mạng kiên cường đang "bàn bạc việc quân". Bài thơ kết lại bằng một câu ngân vang cao vút và đầy thi vị: "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền". Ðêm khuya không hề có bóng tối, ánh trăng toả sáng khắp cả không gian. Hình ảnh con thuyền trở thành một hình ảnh liên tưởng và lãng mạn tuyệt đẹp- con thuyền như chở đầy ánh trăng. Ðó là hình ảnh của con thuyền cách mạng đang chở đầy chiến thắng, chở đầy niềm tin, đang đi tới tương lai rực rỡ huy hoàng.

        Dường như bài thơ nào của Bác cũng kết thúc bằng những câu thơ bất ngờ và tuyệt đẹp như thế. Từ vẻ đẹp của nghệ thuật, vẻ đẹp của thiên nhiên đã toát lên sức mạnh tinh thần mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng. Bài thơ đã gợi lên trong lòng bao thế hệ người dân Việt Nam những cảm xúc hết sức đặc biệt. Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Trung Hữu ở TP Đông Hà chia sẻ cảm nhận của mình.

Băng ghi âm

MC2: Vâng, có thể nói, đây là một trong những bài thơ hay nhất của thi ca Việt Nam viết về trăng xuân. Từ cảm xúc sâu sắc qua bài thơ Nguyên tiêu của nhà thơ Hồ Chí Minh đã khơi dậy những cảm xúc thi ca giàu triết lý nhân văn của một đất nước ngàn năm văn hiến “lắm anh hùng, nhiều nghệ sĩ”. Và từ năm 2003, rằm tháng Giêng còn là Ngày Thơ Việt Nam. Ngày thơ Việt Nam mang ý nghĩa thiêng liêng, đó là tôn vinh nền thơ ca Việt Nam, tôn vinh những người đã cống hiến bằng thơ ca trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Những án thơ văn đi vào lòng người, góp phần quan trọng vào giáo dục thế hệ trẻ, đồng thời truyền những thông điệp, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần tạo nên sự gắn kết tình cảm của mọi người để cùng nhau xây dựng và bảo vệ quê hương.

Nhạc cắt

Những vần thơ dâng Đảng

MC1: Từ xuân Canh Ngọ (1930) đến xuân Canh Tý (2020) Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 90 tuổi. Đó là chặng đường đầy chông gai gian khổ, lên thác xuống ghềnh, bao máu xương đã đổ. Nhưng, với bản lĩnh giai cấp và dân tộc vững vàng, với đường lối cách mạng kiên định- “Ngọn cờ đỏ vẫn ngời phía trước/ Đảng ta đưa dân nước ta đi”. Từ đánh Pháp, đuổi Nhật, đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước , đến việc xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Đảng đưa nước ta vào con đường hội nhập, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, văn minh”, và Tổng Bí thư Trường Chinh nhận định: “Đảng ta là cách mạng và ở đâu có cách mạng là ở đấy có thơ”. Với 90 năm phấn đấu và trưởng thành, Đảng trở thành hình tượng cảm xúc trữ tình, hình tượng thơ. Phần cuối tạp chí văn nghệ chủ nhật tuần này, mời QV & Cb cùng nghe bài viết: Những vần thơ dâng Đảng của nhà báo Võ Thế Hùng.

MC2: Từ thuở nước mất nhà tan, dân ta là vong quốc nô, Đảng ta phải ra đời ở xứ người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng uy tín và tài đức của người cách mạng có lòng yêu nước sâu sắc để thống nhất các tổ chức cộng sản và yêu nước , thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) ở Hương Cảng, Trung Quốc. Đó là “Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/ Không quê hương, sương gió tơi bời/ Đảng ta sinh ở trên đời/ Một hòn máu đỏ nên người hôm nay”. Và “Từ ấy”, hình tượng của Đảng là hình tượng của những cảm xúc chân thành, mãnh liệt, trong sáng và tin yêu từ trái tim của những người cầm bút. Bởi vì quyền lợi và mục tiêu phấn đấu của Đảng là “ngoài lợi ích của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không còn lợi ích nào khác”. Không một nhà thơ nào không có một áng thơ hay về Đảng, vì “Tôi viết theo chỉ thị của trái tim và trái tim tôi thuộc về Đảng”. Từ đó những vần thơ đầy tin yêu cất lên: “Ơn người như mẹ như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con”, “Những khi tắt lửa tối trời/ Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta”. Với dân, với Đảng là niềm tin, Đảng còn là niềm vui: “Giặc lùng giặc quét giặc vây/ Có dân có Đảng đêm ngày vẫn vui” (Tố Hữu)- Lý tưởng của Đảng đã làm cho nhà thơ sáng mắt sáng lòng. Nhà thơ Aragon viết: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng/ Đảng của ta ơi, cám ơn Người dạy dỗ/ Từ đây lòng tôi sướng vui, đau khổ, tình yêu và căm giận hóa lời ca”. Có Đảng, niềm tin và sức mạnh được nhân lên, không gì khuất phục nổi. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết: “Súng đạn chúng bay không bắn được/ Trười đầy chim và đất đầy hoa/ Xiềng xích chúng bay không khóa được/ Lòng dân ta yêu nước thương nòi”.

MC1: Những nhà thơ lãng mạn thời tiền chiến, vốn “Đẻ tâm hồn treo ngược trên cành cây”, khi lý tưởng của Đảng như “Mặt trời chân lý chói qua tim” đã nhập cuộc, dấn thân. Họ đã góp tiếng thơ hào hùng, hướng ngòi bút ca ngượi Đảng và các cuộc kháng chiến vĩ đại. Họ đã làm cho nghệ thuật cách mạng thành vũ khí chiến đấu, phục vụ lý tưởng Đảng. Các bài thơ “Ngọn quốc kỳ” và “Hội nghị non sông” của Xuân Diệu là những khúc tráng ca đầy sảng khoái hào khí dân tộc mà trái tim nhà thơ rung lên “Những cung đàn mới”. Nhà thơ ca ngợi Đảng: “Có một người chất vạn gánh trên vai/ Người gánh gánh của chúng tôi là Đảng”. Và thể hiện lòng yêu Đảng: “Ôi yêu Người, yêu hơn cả ái tình”. Từ đó nhà thơ tự nguyện hy sinh vì lí tưởng Đảng: “Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi dòng sông/ Đến lúc tột cùng là dòng huyết chảy”.

Chế Lan Viên, nhà thơ từ ‘Điêu tàn”, khi gặp Đảng đã cất lên những lời thơ chân thành và hào sảng: “Ngày vòa Đảng đất trời như đổi khác/ Những vô tư cũng làm rưng nước mắt”. Ròi nhừ thơ tự nguyện: “Ấy là khi ta có thể nhảy vào đàn mà không sợ lửa/ Ăn một miếng khoai bùi ta cảm thấy là ngon/ Khi riêng tư ta thấy mình xấu hổ/ Khi nhìn đời, mỗi lá mỗi tơ non”. Đảng là sự hồi sinh cho cả thế hệ các nhà thơ cũng như hồi sinh cho đất nước, cho mùa xuân: “Có phải mẹ giới thiệu con vào Đảng/ Ngỡ như vừa sinh lại lần đầu!”

Huy Cận trong bài “Thơ tặng Đảng” đã đặt thơ mình, đời mình dưới ánh sáng của Đảng: “Như mùa xuân mở quạt nắng làm ngày/ Chúng tôi tỏa bốn phương trười theo Đảng”.

MC2: Kế tiếp thế hệ đàn anh, thế hệ các nhà thơ thời chống Mỹ và xây dựng đất nước, ai cũng có những áng thơ đẹp về Đảng, về Bác Hồ. Hình ảnh Bác Hồ là biểu tượng cao quý về người cách mạng- nhà thơ có sức lan tỏa và lôi cuốn mọi cảm hứng thi ca: “Người làm cách mạng và người làm thơ/ Không hám lợi danh, không sợ cường quyền bạo lực/ Trái tim lớn đập trên đầu ngọn bút/ Dân tộc ngàn năm còn sáng tình Người”.

Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng, Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị cho biết công tác quảng bá những tác phẩm viết về Đảng, Bác Hồ mà các văn nghệ sĩ Quảng Trị đã sáng tác trong thời gian qua như sau:

PV: Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng

Mùa xuân mới lại về. Mùa xuân đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Đây cũng là mùa xuân của thi ca nhạc họa, mùa xuân của cảm hứng tự hào bắt nguồn từ tình yêu nước, yêu Đảng: “Đảng cho ta trái tim giàu/ Thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà bay”.

                                                                                               Thế Hùng

 

          MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Những lời cảm nhận về những vần thơ viết về Đảng của nhà báo Võ Thế Hùng cũng đã khép lại tạp chí văn nghệ chủ nhật tuần này của chúng tôi.

          MC1: Chương trình do Phạm Quỳnh biên tập cùng với sự tham gia thực hiện của.... xin cảm ơn QV & CB đã luôn đồng hành cùng chương trình, chúc QV & CB có một ngày cuối tuần nhiều niềm vui, xin chào và hẹn gặp lại.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 04/02/2020 10:43 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà