Đất và người QT (pt) 21/2
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đât pt 21/2 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, với tâm cảm hoài niệm về một vùng quê, An Thái có bút ký "Ở phố nhớ làng". Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Tiếp nối ct, khi tìm tòi, nghiên cứu về một tác gia lớn với Quảng Trị, Hiếu Giang có bài viết "Quảng Trị-tâm tình qua trang viết".Chúng ta cùng theo dõi. -Phần cuối ct, khi tìm hiểu một làng quê nổi danh ở Quảng Trị, Tam Nguyên có tùy bút "Chiếc nôi của nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi". Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa nghe ct: đất và người QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký:

          Ở PHỐ NHỚ LÀNG.

                                                                  (Xuân Dũng)

  Nói đến Đông Hà, thành phố tỉnh lỵ, nhiều người cứ nhắc đến phố xá, chợ búa trung tâm. Nhưng còn một Đông Hà nữa, có vẻ ít ồn ào hơn nằm ở phía tây thành phố cũng đã và đang tạo nên những điểm nhấn của một thành phố trẻ.

   Nếu làng Tây Trì thuộc phường 1, làng Điếu Ngao thuộc phường 2 được coi là làng cổ giờ thành trung tâm của Đông Hà thì phường 3 cũng lại có một trí đặc biệt trong sự ra đời và phát triển của thành phố tỉnh lỵ. Bởi phường 3 mà hạt nhân là làng cổ Đông Hà đã có quá trình hình thành hàng mấy trăm năm từ thưở đất này mới khai thiên lập địa. Hơn nữa danh xưng làng Đông Hà đã thành tên gọi của thành phố trẻ hôm nay, một vinh dự không phải làng quê nào trên mảnh đất Việt Nam cũng có được, nếu không nói là một vinh dự hiếm hoi.

   Làng Đông Hà xưa tọa lạc ven sông Hiếu, lấy nghề nông làm chính. Làng nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, vừa gần sông lại vừa không xa con đường thiên lý Bắc -Nam cũng như con đường thượng đạo xuyên sơn từ Quảng Trị qua lào, tiền thân của con đường 9, con đường xuyên Á ngày nay. Ngay tên gọi Đông Hà đã gợi nhắc đến phía đông của con sông, cụ thể tức là sông Hiếu nối Cam Lộ với Đông Hà. Theo thư tịch cổ như Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn viết vào năm 1776 thì làng Đông Hà xưa thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong. Danh xưng này tồn tại cho đến thời Pháp thuộc. Làng Đông Hà từng có nghề rèn truyền thống bên cạnh nghề làm ruộng là chủ yếu của cư dân nơi đây. Trải qua bao biến động của thời cuộc, làng Đông Hà bây giờ thuộc phường 3, tp Đông Hà.  Làng Đông Hà cũng đã có nhiều đổi thay cùng với những làng quê khác trong quá trình đổi thay của quê hương đất nước, làm nên những đường nét, diện mạo vừa lạ lại vừa quen ở một thành phố tỉnh lỵ của vùng quê Quảng Trị. Đây cũng là những nội dung mà những ai quan tâm đến đô thi này đều muốn nhìn nhận, khảo sát để có một cái nhìn đầy đủ, một ý tưởng nào đó đóng góp chân thành cho một thành phố trẻ vẫn đang trong quá trình khai phá, định hình và phát triển.

   Phía tây thành phố trong quá trình đô thị hóa từ làng lên phố, phố ở trong làng, làng ở trong phố vẫn còn giữ nguyên nhiều dáng vẻ của làng quê Quảng Trị, tạo nên dáng vẻ của làng Đông Hà, thành phố Đông Hà xưa và nay. Đây có thể nói là một đặc điểm thú vị và hữu ích cần giữ gìn trong quá trinh đô thị hóa, để tránh những khối bê tông khổng lồ lấn át diện mạo làng quê, lấn át một không gian sinh thái với ruộng đồng cây cỏ, hòa mình trong thiên nhiên.

   Đông Hà hướng lên phía tây thì làng Đông Hà cũng dọc theo con sông Hiếu, một trục đường thủy quan trọng  nhất trong lịch sử phát triển của Đông Hà từ làng lên phố. Điều này càng trở nên thiết yếu khi muốn mở rộng thành phố tỉnh lỵ ra phía bắc và lên phía tây. Khai mở hướng này vừa qua sông phía phường Đông Thanh lại vừa theo dọc sông tiến lên phía tây thuộc địa phận phường 3 hôm nay.  Cho nên quang cảnh của phường 3 hôm nay trước hết là những thay đổi hàng ngày theo dọc con sông Hiếu. Và có thể nói đó là xu thế đô thị hóa phù hợp với một thành phố như Đông Hà. Đó là hướng mở cho một đô thị trẻ trong quá trình sót vỡ da để lớn lên cùng quê hương Quảng Trị, trở thành một thành phố năng động trên con đường thiên lý Bắc-Nam. Phía tây Đông Hà là phường 3 còn là phố xá, làng quê dọc theo QL.9-con đường xuyên Á đã và đang mở ra triển vọng nhiều hứa hẹn cho sự phất triển của thành phố trên hành lang kinh tế Đông-Tây. Có thể nói những ưu điểm bằng vàng: thiên thời-địa lợi- nhân hòa nếu biết tận dụng thời cơ và huy động lòng dân thì đó sẽ là những động lực quý vô vàn trong việc khai thác thế mạnh để mở mang Đông Hà thực sự trở nên giàu mạnh, thu hút đầu tư trước mắt cũng như lâu dài, phát triển ổn định và bền vững, tăng trưởng nhanh những vẫn giữ được phong độ, dáng vẻ hài hòa.

   Dọc lên phía tây theo dòng sông Hiếu còn có một di tích lịch sử đã được xếp hạng, đó là Cầu Tàu phường 3, nối phường này với phường Đông Thanh. Trước kia có chiếc cầu này, qua lại sông Hiếu bằng đò.  Chiếc cầu này đã ghi dấu chiến công của quân dân Đông Hà trong kháng chiến chống Pháp, bây giờ lại trở nên thân thuộc với những chuyến tàu Thống Nhất Bắc-Nam trong thời kỳ hòa bình-đổi mới. Ông Nguyễn Văn Đoái ở phường 3, Đông Hà, nói (băng)

   Phía tây Đông Hà, đương nhiên vẫn thuộc phường 3 còn nhiều điểm nhấn, mà đáng kể nhất chính là hồ Khe Mây, một báu vật thiên nhiên giữa lòng đô thị. Cần nói thêm rằng đó chính thực là cỗ máy điều hòa không khí thiên nhiên mà đất trời ban tặng. Cùng với một số hồ nhỏ khác như hồ Trung Chỉ, hồ Đại An thì hồ Khe Mây có một vai trò lớn lao không có gì thay thế được cần được giữ gìn cẩn trọng khi mà nhiều đô thị lớn đã lấp hồ, lấn hồ để xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng rồi lợi bất cập hại, sửa sai không kịp hoặc chỉ được một phần, bài học này cần được hết sức quan tâm khi muốn xây dựng tp Đông Hà thành một đô thi phát triển đúng hướng, năng động và tôn trọng, thân thiện với thiên nhiên.

   Mười năm cho một thành phố trẻ như Đông Hà là một khoảng thời gian hãy còn quá ít. Nhưng cũng đủ tượng hình cho một đô thị trẻ ba mươi năm kể từ khi tỉnh nhà lập lại. Một đô thị trẻ có nhiều hứa hẹn về triển vọng lâu dài nếu biết cách quy hoạch và phát triển đúng hướng, biết bảo tồn thiên nhiên, ruộng đồng bên cạnh với việc phát triển phố xá, nhà cao tầng, biết kết hợp giữa văn minh, hiện đại với dân tộc, cổ truyền như người ta vẫn nói, biết pha trộn khéo léo giữa cái cũ và cái mới. Quan trọng nhất, là phát triển mà không phá vỡ truyền thống, không xâm hại đến thiên nhiên, đến môi trường sống, vẫn có màu xanh cây cỏ, vẫn có mặt nước trong lành, vẫn có cánh đồng như là cổ tích của ấu thơ. Và trong sự đi lên chung của toàn thành phố, có sự đóng góp không nhỏ của phía tây Đông Hà.

   Thành phố trẻ và thơ nếu chúng ta biết trân trọng những gì như nụ ười, ánh mắt trẻ thơ, biết nâng niu những gì làm được, biết gìn giữ cho mai sau, cho sự phát triển lâu bền, biết đầu tư cho từng bước đi phù hợp và chắc chắn. Những ai yêu mến và gắn bó với Đông Hà chắc chắn, mỗi người một việc, mỗi người mỗi tay sẽ hết lòng với một thành phố trung tâm của miền quê Quảng Trị.

 

 

                        QUẢNG TRỊ-TÂM TÌNH QUA TRANG VIẾT

                                                                                     (Xuân Dũng)

  Sau Hà Nội và Tây Bắc thì Quảng Trị là vùng đất thu hút nhiều tâm can và bút lực của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông có đến mười bài ký về Quảng Trị, trong đó có nhiều trang đau đáu về cầu Hiền Lương và sông Bến Hải trong thời gian nước non chia cắt.

Trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn thèm đi như thèm sống này đã xê dịch trong Nam ngoài Bắc và mặc dù chỉ đi qua nhưng cầu Hiền Lương, Quảng Trị vẫn gieo vào lòng ông những ấn tượng khó quên: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng bào tôi, tôi có cái vinh dự được qua cầu Hiền Lương... Tôi đi bằng tàu hỏa, tôi đi bằng tàu biển, tôi đi bằng ôtô hàng...”.

Nhưng khi hòa bình lập lại thì bước chân nhà văn đã khựng lại trước chiếc cầu giới tuyến. Ông quặn thắt ruột gan khi không vào được miền Nam, được thăm lại non sông liền một dải.

Ông uất nghẹn nỗi đau chia cắt nên thốt lên rằng cầu Hiền Lương là “cầu ma”. Vì sao thế? Bởi vì cầu sinh ra là để giao thương, để mọi người qua lại nhưng lúc ấy cầu Hiền Lương lại phải đặt trên vai mình gánh nặng lịch sử, lại bị xô đẩy làm giới tuyến phân đôi không thể qua về.

Và một chiếc cầu mà không thể đi lại, qua về một cách bình thường như ngàn vạn chiếc cầu khác thì chỉ thể gọi là “cầu ma“ mà thôi. Trong bài ký này, ông đã gọi lên không chỉ một lần về “cầu ma”, “cầu giả vờ”, “tuyệt không có bóng bộ hành qua lại”.

Ngay cả màu sơn của cầu cũng bị chia làm hai màu ngăn cách khiến nhà văn cảm thán “trông cũng đã khỉ lắm rồi!”.

Cũng thật thú vị và hi hữu khi các tài liệu lịch sử viết về cầu Hiền Lương đều có tham khảo ký Nguyễn Tuân, nhất là đoạn nói về những tấm ván trên cầu. Nhà văn kỹ tính và kỳ khu đã tỉ mẩn đếm từng tấm ván lót cầu Hiền Lương để rồi mô tả: “Cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89 m, sơn hai màu khác nhau. Bờ Bắc gồm 450 tấm ván mặt cầu, bờ Nam 444 tấm...” (Cầu ma).

Trong bài ký Cắm cột mốc giới tuyến, Nguyễn Tuân đã xót xa trước số phận oan ức, đau buồn của dòng sông Bến Hải và chiếc cầu Hiền Lương.

Ông gọi đó là “dòng sông không có đủ hai bờ”, là “sông tuyến” khi oằn mình gánh những oan khiên lịch sử.

Để rồi khi có hiệp định Paris năm 1973, ông mới vào phía nam sông Bến Hải chứng kiến cảnh hoang tàn của một chiến địa trên quê hương “Bà mẹ Gio Linh”. Trước mặt ông hiện ra cảnh “Quán Ngang chiến sự và vụn gãy chiến cụ nóng bỏng, thấy cả một vùng đất ruộng Gio Linh nhất đẳng điền này đã trở nên những trảng cỏ tranh cỏ lác điểm điểm đều đều những giếng ao bom”.

Và đó là quang cảnh hòa bình khi chiến tranh mới vừa ngưng tiếng súng mở ra một chân trời mới trên quê hương Quảng Trị.

 

 

 

Tùy bút :

        CHIẾC NÔI CỦA CÁC VĂN NGHỆ SĨ TÊN TUỔI.

                                                                                      (Xuân Dũng)

   Trong lịch sử âm nhạc hiện đại Việt Nam, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh năm 1929 mất năm 2001 là một chân dung nổi tiếng được hàng triệu khán giả hâm mộ nhớ đến bởi những bài hát mang âm hưởng dân gian, chất chứa tình quê, hồn quê lai láng như: “Đường xưa lối cũ”, “Trăng rụng xuống cầu”, “Rước tình về với quê hương”, “Duyên quê”, “Túp lều lý tưởng”… những ca khúc trở thành tiếng lòng người Việt qua mấy thế hệ.

   Khi về ngôi nhà thơ ấu kỷ niệm nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sẽ thấu hiểu hơn về nơi chôn nhau cắt rốn của một tài năng âm nhạc. Ngôi nhà hương hỏa tọa lạc ở làng hòa mình giữa thiên nhiên thôn dã chốn quê đã nuôi dưỡng tâm hồn người nghệ sĩ. Này đây trong khu vườn với hoa trái chân quê ở miệt làng đồng bằng trù phú, với cảnh vật an lành như muốn níu chân người thăm viếng. Một mái nhà tranh đơn sơ với những đồ vật lấm láp chân quê của người nông phu thức khuya dậy sớm bạn cùng đồng ruộng quây quần bên nhau trong một không gian đầy ắp quê hương. Chính nơi chốn này đã sinh hạ và dưỡng dục một nghệ sĩ đồng quê đích thực của dân tộc Việt Nam. Những bài hát của ông vẫn vang lên sau lũy tre làng, bên những hàng cau cho dù người sáng tác đã từ lâu đi vào miền thương nhớ. Họ, sau những bận rộn bên cánh đồng làng vào mùa thu hoạch lại gặp nhau trong những ngôi nhà của làng mạc Việt Nam mà hát cho nhau nghe những điều máu thịt mà người nhạc sĩ đã từng gởi gắm. Đó chính là hạnh phúc giản dị mà lớn lao của một đời nghệ sĩ. Ông Nguyễn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Trị đã khẳng định rằng Hoàng Thi Thơ là một nhạc sĩ đa tài, riêng với những đóng góp trong lĩnh vực ca khúc được phát triển từ chất liệu dân ca. Nhạc của ông luôn tràn ngập hình ảnh quê hương như gạo trắng, nước trong, trăng thanh, gió mát... thể hiện một tình yêu làng quê sâu nặng và da diết. Điều đó đã khiến ông trở thành một tên tuổi sáng chói trong lịch sử âm nhạc thế kỷ XX.

Có một trí thức văn nghệ, một nhà văn hóa hiện đại gốc rễ làng Bích Khê thành danh trong cả nước, đó chính là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 nay đã vào tuổi tám mươi. Ông bằng tài, tâm và tình của mình đã viết nên những tác phẩm xứng đáng để đời. Những bài thơ của ông thường bảng lảng khói sương u hoài và chất chứa tâm sự mang đến cho đời một ám ảnh phù dung. Chính ông, bằng văn chương đã chạm khắc nỗi buồn không phải như một thú tiêu khiển mà như sứ mệnh cao cả của nhà văn. Nỗi buồn chân thực của con người trong kiếp nhân sinh qua trang viết của ông đã có một vị trí xứng đáng như nó cần phải thế. Với thể ký, ông xứng đáng kế tục nhà văn lớn Nguyễn Tuân. Ký của ông uyên bác và tài hoa, cảm xúc tự đáy lòng tuôn trào từ một tâm hồn cả nghĩ. Ký của ông viết về nhiều miền quê, trong đó có Quảng Trị đã dành nhiều tâm huyết của người sáng tác. Hoàng Phủ Ngọc Tường và tác phẩm của mình chắc sẽ được nhớ đến dài lâu giữa cuộc đời vốn thường đa đoan, trắc trở. Ông là tấm gương chống đỡ bạo bệnh, vẫn sáng tác ngay cả khi bị liệt nửa người được đồng nghiệp và bạn đọc cả nước khâm phục nghị lực làm việc của nhà văn.

Một trong những bút ký vào hàng tuyệt phẩm của ông được đưa vào giảng dạy cho học trò cả nước, đó là tác phẩm nổi tiếng: “Ai đã đặt tên cho dòng sông” viết về sông Hương xứ Huế. Đây là một áng văn thể hiện rõ nét sự đa cảm, uyên bác, tài hoa của nhà văn. Bằng tình yêu quê hương đất nước, tác giả đã truyền cảm xúc của mình đến với nhiều độc giả, đến nhiều lớp học trò qua năm tháng học đường. Chắc chắn trong hành trang tâm hồn mai này của các em sẽ còn đọng lại những tác phẩm như “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Để từ đó bồi đắp tình yêu Tổ quốc Việt Nam trong mỗi con người. Văn chương như thế đâu phải để thù tạc, tiêu dao mà gánh vác tâm hồn của nhiều thế hệ. Đó là văn chương chuyên chú vào đất nước, vào con người luôn rung động trong huyết quản của những ai đã từng đọc một lần. Cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Thu Hà, Trường THPT Lê Lợi, TP. Đông Hà xúc động nói rằng mình đã đọc, đã dạy thiên bút ký này rất nhiều lần, nhưng vẫn luôn có cảm xúc sâu xa với vẻ đẹp văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường. Và cô đã truyền ngọn lửa tình yêu văn chương của mình đến với học sinh bằng tất cả sự ngưỡng mộ đối với một văn tài đất Việt.

Qua gần năm trăm năm, làng Bích Khê dường như vẫn thế dù cho biết bao biến thiên vật đổi sao dời. Người quê vẫn sống nhân hậu, vẫn tìm đến nhau trong tình cảm tối lửa tắt đèn. Qua bao nhiêu gian khó, bà con lại được sống trong cảnh thanh bình, no ấm, yên vui từng mơ ước. Một làng quê tưởng rất đỗi bình thường, giản dị mà chứa đựng biết bao điều cần ghi tạc, sinh thành giáo hóa nên những người con làm rạng danh quê hương xứ sở. Nhưng dù cho làm gì, đi đâu, về đâu người Bích Khê vẫn luôn hướng về cội nguồn để nhắc nhau không quên, không bao giờ được quên cội nguồn, vẫn nhớ mãi đường xưa lối cũ.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 19/02/2020 16:05 Phạm Xuân Dũng 19/02/2020 16:05

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà