Đất và người QT pt 28/2
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 28/2 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu chương trình, trong cảm xúc năm mới An Thái có bút ký "Nơi mùa xuân ở lại". Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Tiếp nối ct, với mong muốn bước tìm tòi, nghiên cứu về Phật giáo Quảng Trị từ khi nước ta mỡ cõi, Hiếu Giang có bài viết sau, chúng ta cùng theo dõi. -Phần cuối ct, sau khi đi và trải nghiệm trên quê hương Quảng Trị của một người làm báo, Tam Nguyên có tùy bút "Lắng đọng một dòng sông". Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đất và người QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của ...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký:

                        NƠI MÙA XUÂN Ở LẠI.

                                                                                (Xuân Dũng)

   Mùa xuân lại về trên những làng quê, góc phố.

   Làng quê An Hưng thuộc thị trấn huyện lỵ  theo đơn vị hành chính còn được gọi là khu phố 8, thị trấn Cam Lộ nhưng người dân ở đây vẫn thích gọi tên gốc của quê cha đất tổ. Làng An Hưng được xem là một trong những làng lớn ở vùng quê Cam Lộ. Làng có đến 275 hộ với hơn 1000 khẩu. Mấy thế kỷ qua con dân An Hưng dù đi đâu về đâu cũng luôn hướng về nguồn cội, để xứng đáng là những người luôn coi trọng truyền thống: "Cây có cội, nước có nguồn",  "Chim có tổ, người có tông".  Trải qua nhiều đời và các cuộc chiến tranh ác liệt bậc nhất thế kỷ XX, những cây cổ thụ bên cạnh đình làng vẫn sừng sững hiên ngang như là minh chứng của sức sống quê hương An Hưng trường tồn và bất diệt. Đầu xuân, bà con dân làng hội ngộ ở đình với tâm nguyện hướng đến tiền khai khẩn, hậu khai canh, có công với làng với nước. Câu chuyện về An Hưng cũng như bao làng quê khác luôn hướng tới những bậc tiền nhân, những kẻ khuất mặt khuất mày không nơi nương tựa khói hương được thờ phụng ở miếu Âm Hồn. Đời sống văn hóa tâm linh đâm chồi bén rễ để hướng đến  cuộc đời bình an và no ấm. Tên gọi An Hưng đã gởi gắm ước nguyện từ ngày xưa cho đến bây giờ đã thành mỹ tự của làng được trao truyền từ đời này sang đời khác như là một bảo vật vô giá của hương thôn. Ông Nguyễn Văn Thuận, trưởng làng An Hưng phấn khởi khi nói về truyền thống lịch sử và văn hóa tâm linh của mảnh đất này.

   Trong không khí mùa xuân hãy còn rạo rực đất trời và lòng người, nghệ sĩ chân quê ông Hoàng Hữu Phúc, cũng cao hứng xuất khẩu thành thi gởi tặng mọi người những câu thơ mộc mạc nói về sự thay đổi đáng mừng của làng quê.

   Nếu tìm hiểu kỹ về vùng đất An Hưng thì sẽ thấy đây là mảnh đất hội tụ anh hùng hào kiệt ngày xưa như danh nhân Khóa Bảo Nguyễn Hữu Đồng, tiếp đó là nhà cách mạng Hồ Chơn Nhơn. Hiện tại làng quê này vẫn còn lưu giữ một ngôi nhà tưởng niệm danh nhân Khóa Bảo và cũng là từ đường của ông được cháu con và dân làng luôn thành kính khói hương ngưỡng vọng. Danh nhân Khóa Bảo là một trong những niềm tự hào của phong trào Cần Vương trên đất Quảng Trị, một người văn võ song toàn. Khi không thể cầm kiếm giết giặc, ông về An Hưng-Cam Lộ  mở trường dạy học và quyết tâm chống xâm lược đến cùng. Tấm gương này còn mãi với muôn sau.

Ông Phan Sĩ Lộc, hậu duệ danh nhân Khóa Bảo chỉ cho chúng tôi hai câu đối trong bàn thờ tiên tổ :"Tướng lĩnh Cần Vương ngời nhân ảnh/ Danh nhân Quảng Trị sáng anh hùng".

   Với những người lần đầu đến An Hưng sự bất ngờ không chỉ dừng tại đó. Bởi trên mảnh đất này còn có ngôi nhà lưu niệm và thờ phụng nhà thơ lớn Chế Lan Viên do gia đình tạo dựng bên cạnh nhà lưu niệm do nhà nước kiến tạo ở Cam An gần Ngã Tư Sòng. Ngôi nhà lưu niệm nhà thơ nổi tiếng dựa lưng vào sông Hiếu quay mặt hướng Nam, hòa mình trong thiên nhiên cây cỏ ở An Hưng như phảng phất hồn vía đâu đây của một người con quê hương Cam Lộ.

   Qúa trình An Hưng từ làng lên phố là một chặng đường khá dài và đó điều tất yếu ở những địa bàn nhất thiết phải đô thị hóa cho phù hợp với điều kiện cụ thể và xu hướng phát triển của địa phương. Điều đáng nói là dù văn minh, tiến bộ đến đâu thì những điều hay lẽ phải của dân gian, những đạo lý truyền thống tốt đẹp của cha ông cần được gìn giữ, tô bồi. Mỹ tục phải giữ lấy, hủ tục phải phê phán xóa bỏ. Từ đó mới có thể phát triển bền vững về kinh tế xã hội nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của riêng mình.

Trong niềm xuân hứng khởi, vùng quê An Hưng dù trong quá trình đô thị hóa vẫn giữ được nét quê gốc rễ, tạo nên gương mặt văn minh và xinh tươi nửa phố nửa làng rất cuốn hút những ai ghé lại qua đây dù chỉ một lần. Những con đường ngang dọc tạo nên điểm nhấn giao thông, những ngôi nhà ẩn mình sau cây cối yên bình đến lạ. Hoa lá mùa xuân cũng như trở mình cho kịp  tiết thanh minh. Vạn vật dù có thể vôn ngôn nhưng chứa đựng một sức sống thanh tân làm say đắm lòng người. Ông Bùi Văn Duyên, bí thư chi bộ khu phố 8 tức làng An Hưng khẳng định bà con trên dưới một lòng, kề vai sát cánh xây dựng các công trình công cộng, tạo dựng đình làng, vun đắp những nẻo đường hoa tươi thắm (băng).

   Tháng giêng ở An Hưng đất đã nghỉ ngơi sau những vụ mùa hối hả của nhà nông, còn ra năm dài tháng rộng thì rồi mỗi người một việc. Nhưng quang cảnh đất trời, phố phường và làng quê thì như muốn níu niềm xuân ở lại. Những gì tạo hóa ban tặng cho con người sẽ được bà con nơi đây rút ruột mình ra mà cống hiến cho đời, đặng làm nên những mùa xuân trên quê hương Cam Lộ, những mùa xuân không chỉ đến từ đất trời mà còn đến từ chính mỗi con người nơi đây, để xây đắp một An Hưng đúng nghĩa  an bình và hưng thịnh.

 

 

   PHẬT GIÁO QUẢNG TRỊ TRONG QUÁ TRÌNH MỠ CÕI .

                                                                                        (Xuân Dũng)

 Cách đây chưa lâu tại chùa Sắc Tứ (Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang) thuộc thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị  đã có một cuộc toạ đàm khoa học do Trung tâm văn hoá  Phật giáo Liễu Quán Huế  phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức với chủ đề : “Bước đầu tiếp cận di sản Phật giáo Quảng Trị”. Thành phần tham dự ngoài đại diện của Hội khoa học lịch sử tỉnh Quảng Trị,   đáng chú ý còn có các nhà khoa học trong và ngoài nước như ts sử học Nguyễn Hữu Thông, ts văn hoá Trần Đình Hằng-Phân viện trưởng phân viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam tại Huế, nhà giáo Phan Đăng, nguyên trưởng khoa Ngữ văn-Đại học tổng hợp Huế; gs.ts, cư sĩ  Lê Mạnh Thát, ts triết học Thái Kim Lan, Việt kiều từ Đức…

460 năm Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mở cõi (1558-2018), nhìn lại đại nghiệp của tiền nhân thật lớn lao, không chỉ là võ trị, văn công mà còn là tôn giáo và văn hoá. Cư sĩ  Lê Mạnh Thát (quê gốc Quảng Trị) đặt vấn đề cần lưu ý  rằng bởi chính Nguyễn Hoàng là một Phật tử, được lớn lên trong một gia đình Phật tử trụ cột của miền Bắc cho nên chuyện Phật giáo được chăm lo từ ngay buổi đầu nhà Nguyễn khởi nghiệp xứ Đàng Trong cũng là có căn duyên. Không thể không nhắc đến vai trò cá nhân buổi đầu dựng nghiệp rất quan trọng của Nguyễn Hoàng trong việc  đặt nền móng cho sự phát triển  Phật giáo xứ Đàng Trong. Ông cũng cho rằng từ việc sưu tầm đươc được một tư liệu quý về tấm bia của tiến sĩ Hoàng Bính người làng Bích Khê (Triệu Long, Triệu Phong) mà một số nhà khoa học ở Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) cung cấp có thể vỡ vạc một số điều thú vị về xung quanh một số ngôi chùa ở Quảng Trị, đặc biệt là chùa Sắc Tứ, gợi mở thêm về thời gian ra đời của ngôi cổ tự này cũng như câu chuyện về các vị sư trụ trì. Theo ông : “Vấn đề truyền thừa của Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, do thế cần được nghiên cứu thêm để làm rõ vị thế của ngôi Tổ đình này  trong lịch sử Phật giáo Nam Hà nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung, vào thời kỳ mở rộng biên cương Tổ quốc về phía Nam của dân tộc ta”.

Thạc sĩ sử học Yến Thọ (Lê Đức Thọ) dưới góc nhìn thiên về  khảo cổ  đã tiếp cận Phật giáo qua nhiều ngôi cổ tự như ở Quảng Trị  như chùa Trung Đơn (Hải Thành, Hải Lăng), chùa Hoan Sơn, chùa Thôn Đông (Hải Thiện, Hải Lăng), chùa Linh Quang (Triệu Giang, Triệu Phong), Chùa Long Phúc (Gio An, Gio Linh), chùa Cổ Trai (Vĩnh Giang, Vĩnh Linh)…Diễn giả tha thiết : “Thời gian dâu bể, lịch sử thăng trầm và bến thiên thời cuộc đã làm thay đổi, biến dạng, mất mát  rất nhiều chùa chiền trên vùng đất Quảng Trị. Tuy nhiên với người dân Quảng Trị xưa nay, hình ảnh ngôi chùa không chỉ là những không gian thiêng liêng, hướng thiện của dân làng, mà trong tâm thức của họ , “mái chùa” còn là nơi “che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tiên”…

Còn ts Nguyễn Hữu Thông thì lại tâm đắc với chuyện dấu tích Chăm qua những ngôi chùa cổ ở Quảng Trị. Ông cho rằng qua nghiên cứu thực tế  đã cho thấy có một sự dung hợp, kế thừa rất tế nhị và khoan hoà khi người Việt nối tiếp người Chăm vào sinh sống trên mảnh đất Quảng Trị. Như vậy có thể hiểu rằng là có sự tiếp biến  rất tự nhiên trong tôn giáo và văn hoá giữa dân tộc Việt và dân tộc Chăm khi khảo sát những ngôi chùa cổ, những di tích như chùa Bình Trung (Bão Đông) ở (Gio Châu, Gio Linh), chùa bụt Moọc ở Liêm Công Đông (Vĩnh Thành, Vĩnh Linh) hay Nghè Phương Sơn còn gọi là Miếu Bà (Triệu Sơn, Triệu Phong), miếu Bà Yang/  Dang còn gọi là Miếu Bà ở Trà Lộc (Hải Xuân, Hải Lăng) khi mà chùa Việt mọc lên  trên nền tháp cổ người Chăm…Diễn giả có một nhận định học thuật khá quan trọng : “Trong suốt lịch sử vương quốc Chăm-pa, chưa có lúc nào mà Phật giáo lại được xiển dương rực rỡ và được giới quyền lực tín mộ như triều đại Indapura. Và khi đến triều đại này, thì không thể không nhắc đến địa bàn Quảng Trị, nơi minh chứng sống động cho hiện tượng đó”.

Nhà giáo Phan Đăng (quê gốc Quảng Trị) tìm hiểu cụ thể chùa và đình làng Hà Trung (Gio Châu, Gio Linh) qua bia ký Trùng tu Thần Phật từ vũ bi. Ông cho hay: “Tư liệu về đình và chùa làng Hà Trung từ đoàn khảo sát của Trung tâm Phật giáo Liễu Quán gần đây cho thấy, ngôi làng này được hình thành rất sớm, có thể từ nửa cuối thế kỷ XV. Nét đặc biệt của làng Hà Trung là chùa và đình  được lập cùng một nơi theo quan điểm “Tiền Thần hậu Phật”( đình ở phía trước, chùa nằm phía sau)”.

Qua toạ đàm, chùa làng Quảng Trị cũng phát lộ nhiều điều thú vị và bổ ích, đó cũng là một nét tôn giáo và văn hoá có thể coi là đặc hữu của vùng quê Quảng Trị cần được tiếp tục được tìm hiểu và khám phá, điều đó không chỉ có ích cho hôm qua mà còn có ý nghĩa cho cả hôm nay.

Phật giáo dù là xưa hay nay thì vẫn luôn hướng thượng và hướng thiện, luôn yêu thương và giúp đỡ con người, với ước nguyện muôn đời: thế giới hoà bình, nước nhà an lạc!

 

 

 

 

Tùy bút:

                      LẮNG LẠI MỘT ĐỜI SÔNG.

                                                                         (Xuân Dũng)

Sông Cánh Hòm cũng chảy dọc qua ruộng đồng, làng xóm Xuân Long cũng làm nên một nét quê ở một nơi nằm giữa hai con sông đáng nhớ. Nhà cửa, ruộng vườn, đường sá Xuân Long hôm nay. Nhưng nếu nhắc lại sau lưng làng quê này là dòng sông Hiền Lương và trước mặt là dòng sông Cánh Hòm thì lịch sử sẽ là cuốn phim quay chậm khi ngược lại thời gian về những tháng năm chinh chiến trường kỳ vừa qua để thống nhất non sôn. Chính những người dân ở đây đã tiếp lương, tải đạn, chở thương binh theo dòng sông Cánh Hòm từ Vĩnh Linh, Gio Linh vào với chiến trường ác liệt, trong đó có Thành Cổ Quảng Trị. Câu chuyện từ khoảng nửa thế kỷ trước lại kết nối với hôm nay ngay giữa làng quê duyên nợ với dòng sông Cánh Hòm từ hàng trăm năm trước. Bà Hoàng Thị Chẩm, cựu nữ du kích năm xưa vui vẻ kể lại chuyện mình chèo đò theo con sông Cánh Hòm phục vụ kháng chiến chống Mỹ vào những ngày ác liệt nhất, với mong muốn nước nhà mau thống nhất.

   Vùng quê này vẫn nuôi dưỡng nhiều ước mơ như phù sa con nước dâng hiến cho ruộng đồng, thôn xóm thắp lên nhiều hy vọng xanh tươi của những con người hiền lành như đất, luôn khao khát đắp xây để cuộc đời ngày một sáng tươi trong vận hội mới của quê nhà. Ông Hoàng Xuân Lương, một người cao tuổi kể cho chúng tôi nghe nhiều về lai lịch con sông Cánh Hòm mà ông và dân làng Xuân Long gắn bó cả cuộc đời.

   Ở địa bàn xã Trung Hải còn giữ nguyên vẹn một làng chài có tên là Bách Lộc, nằm bên cạnh sông Cánh Hòm từ nhiều đời nay. Bách Lộc còn có tên trước kia là Bạch Lộc, tên chính thức bây giờ được khai sinh từ năm 1910, nghĩa là cách đây hơn một thế kỷ. Một làng quê sông nước đã từng tồn tại và nương tựa dòng sông trải qua những vật đổi sao dời nhưng vẫn gần như vẹn nguyên cho đến hôm nay. Những người dân ở đây vẫn thủy chung với nghề chài lưới, với những con thuyền nhỏ bé nhưng bền bỉ theo thời gian như những vật gia truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi lần họ ra sông với con thuyền là mỗi lần họ được tắm mình trong không gian thoáng đãng, là mỗi lần họ được quyền gieo hy vọng trên những vật dụng đánh bắt cá tôm cho cuộc mưu sinh của những cư dân vạn chài chân chất như chính đất và nước của quê nhà.

   Theo chân người dân Bách Lộc trên những con thuyền, bạn sẽ thấy cuộc đời vừa quen vừa lạ và nhiều điều thú vị của sông nước Cánh Hòm mở ra trước mắt, giúp cho những trải nghiệm có vẻ bình thường nhưng ẩn chứa báo điều sâu sắc, có giá trị như nhưng bài học nhân sinh mà không có sách vở nào nói hết được. Ông thầy thiên nhiên dân dã vẫn là vị sư phụ đạt đạo nhưng rất ít lời, thậm chí vô ngôn. Theo con thuyền Bách Lộc, bạn sẽ ra đến ngã ba sông Cánh Hòm gặp sông Hiền Lương, để Gio Linh chạm được Vĩnh Linh giữa trời nước mênh mang, mở ra những tầm nhìn để xóa đi những hữu hạn thường ràng buộc nhân sinh như những niêm luật sống hàng ngày. Thì ra sông gặp được sông cứ như người gặp được người, bạn bè thâm giao lại có dịp cầm tay tri kỷ. Thiên nhiên cũng có những mối tình bền chặt, không ồn ào nhưng chính nó đã tạo đà cho mỗi con người, cho nhiều con người được có dịp khám phá chính mình và người khác, được sống và cảm nhận đầy đủ hơn hạnh phúc và cả những khổ đau của mỗi phận người, nhìn thấy những góc khuất và cả những điều mới lạ từ bà mẹ tạo hóa vĩ đại mà khiêm nhường vô tận.

   Rời xã Trung Hải, chúng tôi đi vòng ra huyện Vĩnh Linh để có thể quan sát đoạn cuối của dòng sông Cánh Hòm gặp sông Hiền Lương từ một hướng khác. Vì như vậy sẽ có cái nhìn đa diện, đa chiều về hành trình của một dòng sông có số phận khá lạ kỳ trên vùng quê Quảng Trị. Từ phía bắc con sông Hiền Lương nổi tiếng cả thế giới có thể nhìn thấy ngã ba, nơi mà con sông Cánh Hòm gặp con sông Hiền Lương, để rồi hòa chung dòng nước chạy ra biển Cửa Tùng, gặp Biển Đông mênh mông. Cả một vùng trời nước, đất đai trải dài trong tầm mắt con người như thể muốn gởi một thông điệp thiên nhiên đến với con người. Rằng hãy yêu quý, giữ gìn những dòng sông như bảo vật truyền đời vô giá để có thể chung sống hòa thuận với thiên nhiên. Đó cũng là đạo lý trên thuận lẽ trời, dưới hợp lòng người mà cuộc sống hối hả hôm nay, nhiều khi nhân danh văn minh mà con người lãng quên ngoại vật quanh mình. Bài học từ câu chuyện dòng sông Cánh Hòm chắc chắn còn nhiều trang chưa viết hết lên trên mặt đất quê nhà nhưng chắc chắn sẽ vô cùng hữu  ích nếu chúng ta biết cách lắng nghe và cảm nhận.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 26/02/2020 15:17 Phạm Xuân Dũng 26/02/2020 15:17

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà