Đất pt 6/3
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 6/3 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, nhân dịp mùa xuân lên với miền tây Quảng Trị, An Thái có bút ký sau, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy vị và các bạn thân mến! Tiếp nối ct, khi đi vào phía nam của tỉnh Quảng Trị, chúng ta có dịp hiểu rõ hơn văn hóa tâm linh của một vùng quê, bài của Hiếu Giang, mời quý vị cùng theo dõi. -Phần cuối ct, trong cảm hứng trải nghiệm và khám phá, Tam Nguyên có tùy bút "Lần theo con nước quê nhà". Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy thính giả vừa theo dõi ct: đất và người QT, ct này do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký :

                                      MÙA XUÂN PHÍA NÚI.

                                                                                    (Xuân Dũng)

   Đã qua tháng 2 âm lịch rồi mà sơn cước phía tây Quảng Trị buổi sáng lên, nơi đây như vừa qua giấc ngủ sâu và lành, còn vương vấn với mùa xuân đang như muốn dùng dằng với mảnh đất này.

                                                      

   Thôn Ra Lu thuộc xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông của tỉnh Quảng Trị nằm dọc theo quốc lộ 9 là chủ yếu, với đa phần là đồng bào dân tộc Vân Kiều, chủ nhân bao đời nay của mảnh đất này. Tên gọi Ra Lu theo nghĩa tiếng Vân Kiều có thể hiểu là nghỉ ngơi nơi bóng mát vì ngày xưa đây nhiều cây to, bà con đi làm qua về thường hay ngồi giải lao sau những lúc làm lụng vất vả, nhọc nhằn. Tìm hiểu kỹ thì thấy thôn Ra Lu cũng có xuất phát từ bản Ruộng, ngày nay còn gọi theo cách hành chính là thôn Ruộng. Câu chuyện gốc rễ núi rừng muốn tỏ tường phải hỏi những bậc già làng trưởng bản là cây cao bóng cả chốn đại ngàn miền tây Quảng Trị.

   Thôn Ra Lu nằm ngay trung tâm xã Hướng Hiệp là thôn lớn nhất của xã với khoảng hơn 280 hộ dân và cũng gần cả ngàn nhân khẩu. Trước đây đời sống bà con, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều gặp rất nhiều khó khăn vì phương thức canh tác lạc hậu, nhận thức chưa được nâng cao, nhà nước chưa có điều kiện để đầu tư nhiều cho miền núi nên kinh tế xã hội nhìn chung chậm phát triển, tốc độ tăng trưởng không đáng kể. Những năm trở lại đây, thôn Ra Lu cũng đã vươn mình vượt qua khó khăn, tận dụng thế mạnh về giao thông, thế mạnh trồng rừng, trồng cây lương thực và chăn nuôi đại gia súc để cải thiện đời sống của mình, làm thay đổi quang cảnh bản làng. Đời sống của người dân địa bàn miền núi đã có những chuyển biến theo thời gian. Bà con, nhất là người Vân Kiều đã biết sản xuất những cây, con thương phẩm mà thị trường đang cần, để có thể tăng thu nhập, thay vì một nền kinh tế tự phát tự cấp tự túc như ngày trước. Những chuyển biến từ nhận thức đã làm thay đổi nếp nghĩ truyền thống quen thuộc, dẫn đến hành động đúng hướng và tích cực, để mục đích cuối cùng cũng là thay đổi dần cuộc sống của mình theo chiều hướng tốt đẹp.

   Nhờ nhận thức thay đổi nên ngay cả những khi nông nhàn như đầu xuân này thì nhiều người vẫn tự kiếm việc cho mình làm, vừa có ích cho chính bản thân mình vừa tránh được những tệ nạn xã hội khi nếp nghĩ lạc hậu: tháng giêng là tháng ăn chơi và rảnh rỗi sinh nông nổi như cách nói thời nay dễ lôi kéo con người vào những chuyện lẽ ra nên tránh.

   Thôn Ra Lu bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp dựa vào thế mạnh phổ biên là trồng rừng và trồng sắn còn tận dụng địa hình cụ thể của đất từng nơi mà cải tạo vườn tạp, trồng rau màu, trồng lúa nước và đào ao thả cá. Chính cách làm năng động và hợp lý đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, thay đổi cách nghĩ làm lụng rồi hết thảy nhờ trời mà thiếu đi vai trò chủ động của con người. Đó quả thực là những bước tiến khá dài trên hành trình đổi mới của vùng cao Quảng Trị, đem lại một cuộc sống dần dà ổn định của bà con nơi đây.

   Cùng với sản xuất nông nghiệp, bà con ở gần đường cũng tận dụng lợi thế mặt tiền để buôn bán, làm ngành nghề, dịch vụ, thoát khỏi tình trạng thuần nông thường vẫn trói buộc nhiều nơi, đa dạng hóa kế sách mưu sinh, khiến cho chuyện xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới càng thêm sinh động và thú vị. Nhờ vậy bộ mặt của Ra Lu ngày càng khang trang, đổi thay sắc diện trên con đường đi tới tương lai. Anh Hồ Văn Miên, trưởng thôn Ra Lu, nói

  Một năm mới đang về với mảnh đất Ra Lu, một năm có thể nhiều điều không suôn sẻ nhưng một khi bà con quyết chí đồng lòng, được nhà nước quan tâm đúng mức thì cuộc sống sẽ tiếp tục có những trang mới mẻ và đáng tự hào trong nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở vùng cao ở một địa bàn được chọn làm điểm như xã Hướng Hiệp. Chúng ta cùng đợi chờ và hy vọng nhiều ở mảnh đất này, như một câu hát nhắc nhở con người: ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Và đó là hiệu lệnh càng thêm giục giã mỗi khi mùa xuân đến.

  

 

          VĂN HÓA TÂM LINH Ở MỘT QUÊ.

  Nếu đi vào phía nam của tỉnh Quảng Trị, hẳn nhiều người có chung nhận xét rằng văn hóa tâm linh ở đây còn giữ được nhiều nét truyền thống ngày xưa.

 Chúng ta cùng đến thăm chùa Diên Bình, một ngôi chùa được ra đời sau  này do nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của bà con nơi đây. Chùa tọa lạc bên cạnh con đường lớn, thuận tiện cho bà con phật tử đi lễ hoặc vãn cảnh chùa. Người dân đến với chùa như đến ngôi nhà tinh thần thứ hai của mình, đặng tu tâm dưỡng tính, hướng thiện và hướng thượng. Sinh hoạt Phật giáo đã trở nên một nét riêng biệt, an hòa trong đời sống của người dân quê sau những lo toan  trong cuộc sống hàng ngày. Cách đó không xa là chùa Diên Phước hay còn có tên gọi là chùa Chính Phước. Đây cũng là một ngôi chùa cổ có tuổi đời hàng thế  kỷ, xuất xứ từ một niệm phật đường xưa kia. Vị trí này vốn dĩ là vùng đất trũng nằm giữa vùng ruộng nước, sau được đắp bồi dần, được xây cất và tu bổ ngày càng tử tế và thành hình như hôm nay. Ngôi chùa sau rất nhiều biến động thế sự vẫn bằng an, thanh tịnh trong đời sống tâm linh trong câu chuyện của những người quan tâm đến đời sống tín ngưỡng của bà con ở xứ Kẻ Diên.  Ngôi chùa này cũng như bao ngôi chùa khác, gần gũi với chúng sinh, tạo một mối giao hòa gữa đời và đạo, được nhiều người tìm đến để chia sẻ tâm tình. Người ta đến với nhau bằng tình người, bằng những sẻ chia chuyện đời, chuyện đạo để làm cho cuộc sống thêm tươi vui, thái hòa, xua đi những bận bịu đời thường. Âu đó cũng là nét đẹp cần được duy trì trong sinh hoạt phật giáo hiện nay. Cũng như mỗi khi nghe tiếng chuông chùa, kinh kệ thì tâm hồn lắng lại, để cảm nhận sâu hơn cuộc sống con người, để có thể bình tâm tránh những cám dỗ tham, sân, si –Những tinh hoa của tinh thần Phật giáo cho lòng thêm được đôi phần nhân ái, từ tâm.

     Nói đến văn hoá tâm linh Hải Lăng không thể không thể không nhắc đến hệ thống đình chùa miếu vũ ở đây. Các công trình này vừa nhiều vừa tập trung với mật độ khá dày đặc ở làng quê Hải Lăng. Có thể nhắc đến chùa Diên Thọ, chùa Diên Bình, chùa Diên Phước ở xã Hải Thọ như một dẫn chứng. Chùa Diên Thọ có một lịch sử hàng mấy trăm năm, là một trong những di tích tiêu biểu cho tín ngưỡng Phật giáo ở vùng đất Kẻ Diên. Chùa được xây dựng trên một ngọn đồi khi ngày trước ở đây cây cối um tùm, đường sá khó đi. Qua bao phen chiến tranh ly tán, chùa Diên Thọ đã được xây dựng lại và có được diện mạo như hôm nay. Chùa Diên Thọ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Theo giới chuyên môn thì chùa được xây dựng trên một đồi cát, với trước là trằm nước nổi nối với Bàu Chùa làng Câu Hoan. Chùa được xây dựng vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) và được hoàn thành vào năm 1759. Chùa được tu bổ nhiều lần nhưng cơ bản vẫn giữ được kiến trúc nguyên bản xưa kia. Chính điện là một ngôi nhà ba gian hai chái nhưng nhờ nghệ thuật sử dụng chái kép nên không gian mặt bằng được nâng lên theo chiều dọc. Kết cấu theo kiểu cột chống, cột mốc. Chính điện thờ bộ tượng tam thế,  kế tiếp là thượng Thích Ca tọa thiền, thấp hơn nữa là tượng Thích Ca sơ sinh. Gian bên tả thờ tượng Quan Thế Âm, phía sau thờ vọng thủy tổ 12 dòng họ vô tự.  Hai bên tả hữu cạnh khảm thờ các vị thủy tổ còn có bàn thờ thờ chư vị phật tử ký tự. Hậu liêu thờ Bồ Đề Đạt Ma. Thượng tọa Thích Tín Thuận, Trưởng ban nghi lễ GHPGVN tỉnh Quảng Trị kể chuyện lịch sử của một số ngôi chùa ở xứ Kẻ Diên. Nhà sư xác tín về văn hóa Phật giáo đã thấm đẫm từ lâu trên đất Quảng Trị, ngay từ lúc đồng bào vào đây theo chúa Nguyễn Hoàng lập làng mở cõi.

 

   

Tùy bút:

                                   LẦN THEO CON NƯỚC QUÊ NHÀ.

                                                                                           (Xuân Dũng)

   Lần theo con nước quê nhà, đi và trải nghiệm, vừa đi vừa khám phá thêm những điều có ích cho chính bản thân mình.

  Xã Trung Hải nằm ở đông bắc huyện Gio Linh cũng là địa bàn nông nghiệp chủ yếu với văn minh lúa nước. Dấu vết con sông Cánh Hòm ở nhiều đoạn vòng vèo là những con nước quen thuộc gắn bó với người dân quê từ bao đời nay chảy quanh co theo những cánh đồng chân quê lấm láp. Trong 6 xã phái đông huyện Gio Linh nằm dọc hành lang con sông Cánh Hòm là Gio Mai, Gio Thành, Gio Mỹ, Gio Phong, Trung Giang và Trung Hải thì Trung Hải là xã cuối cùng và có một vị trí địa lý đặc biệt bởi nằm giữa hai con sông Cánh Hòm và Hiền Lương. Trong dải đồng bằng ven biển phía đông huyện Gio Linh, Trung Hải cũng là một vùng quê lâu đời, với một truyền thống lịch sử-văn hóa đáng kể mà các sinh hoạt tín ngưỡng và đời thường phần lớn dựa vào hai dòng sông đã nói ở trên. Trước khi người Việt đến định cư thì đây là vùng đất thuộc vương quốc Chăm Pa, chứa đựng nhiều trầm tích lịch sử-văn hóa cần được nhận diện một cách đầy đủ trong quá trình khảo sát và phục hiện quá khứ, trong đó có cách lấy nước từ các giếng cổ cũng như cách sống hòa hợp bên các dòng sông của chủ nhân vùng đất này xa xưa. Người Việt đến đây theo những cuộc di dân dưới thời phong kiến đã tiếp thu và dung hợp văn hóa của Chăm Pa để tạo nên bản sắc mới ở một vùng đất cổ, hình thành nên những cộng đồng dân cư thích nghi với lối sống linh hoạt của đồng bằng gần sông và gần biển trên dải đất Gio Linh trong suốt nhiều thế kỷ. Điều này đã được chứng thực khi người dân đã biết dựa vào và tận dụng con sông Cánh Hòm, một con sông bán tự nhiên, nói nôm na là nửa trời sinh, nửa người đào trong hàng trăm năm qua. Một con sông có vai trò quan trọng khi làm trung gian đường thủy nối liền hai con sông lớn của Quảng Trị là sông Thạch Hãn ở phía nam và sông Hiền Lương ở phía bắc. Sự hình thành và phát triển những làng xóm lâu đời ở Trung Hải, đoạn cuối sông Cánh Hòm đã minh định cho lối sống thông minh và uyển chuyển của cha ông trên dải đất này từ ngày xưa cho đến hôm nay, tạo nên những bản sắc làng quê in dấu từ đầu cho đến cuối dòng sông này. Có thể nói đây là một trong những thành tựu mà tiền nhân để lại và đang được hôm nay tiếp sức tô bồi bằng đạo lý phải biết hòa thuận với thiên nhiên, trong đó có các dòng sông để tồn tại lâu dài và hợp lý.

   Trung tâm xã Trung Hải nằm ở thôn Hải Chữ, ở đây cũng có một chiếc cầu bắc ngang dòng sông Cánh Hòm cắt địa hình Trung Hải theo hướng bắc –nam băng qua những cánh đồng, làng xóm của tận cùng huyện Gio Linh ở phía bắc.

    Thôn Hải Chữ và nhiều làng xóm nơi đây đích thực là làng cổ, điều này không chỉ dựa vào các hương ước hay câu chuyện truyền khẩu mà còn căn cứ vào sử sách. Theo thư tịch cổ để lại thì những xã này, theo cách gọi của người xưa ra đời cách đây gần cả ngàn năm, xuất hiện sau cuộc nam tiến của người Việt vào năm 1075 khi nhà Lý phạt Chiêm lần thứ nhất. Trong danh sách các xã sau này gọi là làng có tên Hải Chữ như sách “Ô Châu cận lục” của tác giả Dương Văn An. Chỉ tính riêng huyện Gio Linh sau này đã có gần 40 xã như thế. Hải Chữ có nghĩa là cồn biển nhưng tên cũ trước nữa lại là Thủy Chữ lại có nghĩa là cồn sông.

   Ngay cạnh thôn Hải Chữ là thôn Xuân Long. Theo Đồng Khánh dư địa chí vào thế kỷ 19, đơn vị hành chính của một tổng thuộc huyện Gio Linh bây giờ gồm có như sau. Tổng Xuân Hòa có 14 xã, thôn, phường: An Xuân (phường), Bảo Lộc (phường), Cát Sơn (phường), Cẩm Phổ, Cao Xá, Cương Gián, Hải Chữ, Kênh Môn, Thủy Bạn, Thủy Khê, Vũ Xá, Xuân Hòa, Xuân Mỵ, Xuân Long. Làng quê nơi đây gắn bó với dòng sông Cánh Hòm và dòng chảy của con nước đã tạo nên một điểm nhấn dọc con đường thủy trước khi con sông này gặp sông Hiền Lương rồi cùng nhau ra biển lớn. Toàn cảnh sông nước vùng này cho thấy sự đan xen giữa xóm thôn với ruộng đồng, gắn bó với thủy văn xung quanh. Nhất là từ khi hình thành con đập ngăn mặn giữ ngọt thì vị trí này càng trở nên đáng chú ý trong đoạn cuối cuộc hành  trình của một dòng sông.

  Những người dân làng và cả quanh vùng từ huyện Vĩnh Linh cũng vào đây câu cá, đánh bắt thủy sản, coi đó vừa là thú vui truyền thống dân dã vốn quen thuộc ở những địa bàn sông nước lại góp phần cải thiện bữa ăn hay thu nhập gia đình. Có thể nói đây là hình ảnh đặc trưng của những cư dân sống gần gũi với dòng sông đầy ắp kỷ niệm trong mỗi đời người hôm sớm, để lại vô vàn những cảm xúc vui buồn qua thời gian năm tháng như con nước vơi đầy của tận cùng Gio Linh-Quảng Trị mà thấy như có bóng dáng của kênh rạch, sông nước phương Nam. Câu chuyện có thể không đầu không cuối nhưng bao giờ cũng rất đáng nhớ và sinh động bởi nó luôn cựa quậy trong đời sống thường nhật, kể cả với những người tuổi tác đã gần đất xa trời. Chúng tôi ngồi nghe ông Hoàng Xuân Lương, một bậc cao niên làng Xuân Long vừa câu cá vừa thong thả kể chuyện dâu bể Cánh Hòm.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 04/03/2020 05:30 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà