Đất pt 20/3
Danh mục
Đất và người Quảng Trị
NỘI DUNG
Lời dẫn : Đất pt 20/3 -Thưa quý vị và các bạn! Mở đầu ct, với mong muốn trải nghiệm và khám phá về một địa bàn miền núi, An Thái có bút ký "Miền cổ tích". Mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Qúy vị và các bạn thân mến! Tiếp nối ct, khi tìm hiểu về tiềm năng du lịch từ các địa chỉ tâm linh, Hiếu Giang có bài viết sau, chúng ta cùng theo dõi. -Phần cuối ct, khi cảm nhận sự đổi thay theo hướng bình yên và no ấm ở một vùng quê Quảng Trị, Tam Nguyên có tùy bút sau, chúng ta cùng theo dõi. -Qúy vị và các bạn vừa theo dõi ct: đất và người QT, ct do Xuân Dũng thực hiện với sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Bút ký :

 

                        MIỀN  CỔ TÍCH.

                                                                      (Xuân Dũng)

   Qua khỏi đèo Cùa chúng ta sẽ gặp một bình nguyên đất đỏ với những tên đất tên làng nghe thân thương, đặc biệt là có quan hệ mật thiết với miền xuôi phía dưới của tỉnh Quảng Trị. Chẳng hạn như tên gọi của làng Cam Lộ Phường được sinh thành từ vùng quê có mẫu số chung là địa danh Cam Lộ. Đây cũng là cửa ngỏ xứ Cùa thuộc xã Cam Nghĩa về phía tây nam nếu từ phía dưới xuôi lên theo con đường thượng đạo xuyên sơn rồi rẽ trái đoạn quá chợ phiên Cam Lộ. Câu chuyện với người cao niên về quê hương nguồn cội xứ Cùa vẫn còn gắn bó với những vật dụng tưởng như xưa cũ của cây tre Quảng Trị-Việt Nam.

   Không chỉ có Cam Lộ Phường, nhiêu làng quê khác có quan hệ mật thiết với miền xuôi như Mai Đàn, Mai Lộc, Thượng Nghĩa, Quật Xá, Đồng Lai và nhiều nơi khác nữa ở Cùa. Những xóm làng trập trùng, quanh co lúc ẩn, lúc hiện dưới màu nắng chói chang và cả khói sương mùa xuân vẫn dùng dằng ở lại với xứ Cùa. Núi đồi nhấp nhô xen lẫn với suối khe mải miết chảy đêm ngày là những chấm phá của bức tranh thủy mặc của một vùng quê khá đặc biệt này.  Tiếng là miền núi nhưng xứ Cùa vẫn có những cánh đồng lúa khá rộng và diện tích lúa nước đáng kể, ngày xưa có thể tự túc về lương thực và tích lũy nên chuyện thuê người dưới đồng bằng đã đi vào văn học dân gian Quảng Trị như đã nhắc ở đoạn trước. Cùa không có sông nhưng bù lại có nhiều khe suối và hồ nước, một trong những yêu tố thủy văn cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày và sản xuất nông nghiệp của cư dân ở đây từ bao đời nay. Những hồ nước này đã góp phần làm dịu mát đất đai con người vào mùa hè và phân lũ khi mùa mưa dầm dài lê thê có khi tưởng chừng như không dứt.

   Đến Cùa mà không đến chợ Cùa sẽ là một thiếu sót. Qua khỏi đèo Cùa đi thẳng sẽ đến ngôi chợ tồn tại đã mấy trăm năm tạo nên một điểm nhấn trong bức tranh non nước xứ này. Nếu chợ là chiếc gương soi kinh tế xã hội và cả văn hóa của một vùng quê thì chợ Cùa còn hơn thế nữa. Bởi vì Cùa xưa kia là vùng đất khá cách biệt với thế giới bên ngoài vì những trở ngại về giao thông như đã nói nên đời sống nặng về tự lập nên chợ càng trở nên quan trọng. Chợ hôm nay hàng hóa đương nhiên phong phú hơn ngày xưa, ngoài những nông sản quen thuộc thì cũng có thể nói thượng vàng hạ cám cho nhu cầu của người dân quê đều có cả. Chợ Cùa đã điểm trang cho làng quê Đốc Kỉnh và xung quanh tạo nên hình hài, dáng vẻ của một thị tứ vùng cao đang tuổi xuân thì khi cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ.

   Nếu Cam Lộ Phường của xã Cam Nghĩa có nguồn cội từ vùng quê Cam Lộ, Gio Linh thì Mai Lộc, Mai Đàn lại có gốc tích từ vựa lúa Hải Lăng. Nhờ có những cuộc di dân lên đây mà xứ Cùa có thêm nhân tài vật lực, nối tiếp nhau khai sơn phá thạch, đất đai rộng mở, Và chuyện xưa lại được hồi cố qua giọng kể của người đương thời vào một trưa hè như trong ca dao.

*Ông Phan Văn Bảo, thôn Mai Lộc 2, xã Cam Chính, nói 

   Gần cuối thế kỷ XX, có một con đường lớn phá thế gần như độc đạo của đèo Cùa, đó là con đường gần km 25 của QL.9, đi theo hướng Đông Hà-Lao Bảo rồi rẽ trái lên cao điểm 241, đổ xuống xứ Cùa. Chính con đường này càng khai thông huyệt đạo đi lại, nối xứ Cùa với hai điểm trên Ql.9 rộng lối giao thương với con đường xuyên Á.

   Một xứ Cùa băng qua ngút ngàn núi rừng, lau lách, suối khe, ruộng vườn, nhà cửa vừa dễ hiểu đến thân thương lại vừa có điều gì bí ẩn cần giải mã, kích thích người ta tìm tòi, khám phá. Vùng đất này cũng trải qua vô vàn gian nan, thử thách mới có được như ngày hôm nay. Một vùng quê đã kinh qua lam sơn chướng khí, đã  vượt lên gió núi mưa ngàn, đã nếm trải tận cùng đói khổ, đạn bom, chết chóc để giữ vững tư  thế làm người, quyết không chịu khuất phục gian lao để đổi đời cho bằng được thì tất phải có một mai hậu vuông tròn, dù có thể chưa là trọn vẹn nhưng sinh khí hôm nay đã no ấm đủ đầy. Khí chất Cùa mạnh mẽ, bao dung, tính cách Cùa thật thà, cứng cỏi lại năng động đã làm nên bản sắc Cùa khó lòng trộn lẫn dù ở quê nhà hay đi bất cứ nơi đâu.

   Gương mặt xứ Cùa bảng lảng, nhẹ nhàng mỗi buổi mai lên, mỗi lúc chiều về hay nồng nàn trong nắng chói chang đúng vào giờ ngọ như một bức tranh nhiều màu nhiều vẻ về một vùng quê dẫu có đi nhiều, viết nhiều vẫn thấy mình chưa nói hết. Đi để nhìn thấy và càng mến yêu hơn quê hương đất nước, đi để trải nghiệm và tìm hiểu nhiều ngọn ngành, gốc rễ của mỗi làng quê và cũng tự khám phá chính mình. Có những điều phải thật lòng nếm trải và lắng nghe, tìm hiểu mới có thể biết được đôi điều và nhiều bí ẩn vẫn còn ở phía trước. Bởi để hiểu cho được ít nhiều sau gương mặt xóm làng, lòng đất và lòng người là cả một câu chuyện dài có khi chẳng bao giờ kết thúc. Phải biết học cách trải lòng mình ra mới hiểu được lòng người, hiểu cả những điều vô ngôn chưa hoặc không cất thành tiếng nói, hiểu cả những điều không phải ai cũng muốn thổ lộ. Xứ Cùa bình dị nhưng không giản đơn, cất chứa nhiều điều  trong lòng không ít những câu chuyện của hôm qua và cả hôm nay. Chúng tôi mong mỏi sẽ nói được một vài trong tất cả, sẽ chấm phá đôi nét bức tranh xứ Cùa trong những ngày lăn lộn và tái hiện mảnh đất này từ góc nhìn báo chí, để không đến nỗi mang tiếng là cưỡi ngựa xem hoa. May ra có duyên mới cảm nhận được vài phần.  Đó cũng là những thu hoạch mà khó lòng có gì thay thế nổi.

  

  

Tùy bút:

                               YÊN LÀNH VÀ NO ẤM.

                                                                              (Xuân Dũng)

   Môi trường đang là câu chuyện của cả trái đất nhưng lại đang nhắc nhở  từng làng quê góc phố, thậm chí gõ cửa mỗi mái nhà.                          

   Hiệu ứng nhà kính từ sản xuất công nghiệp gia tăng, nạn chặt phá rừng bừa bãi, sự nóng lên của trái đất xoay quanh việc biến đổi khí hậu cùng với sự tác động của thiên tai đã gây ra vô vàn khó khăn cho cuộc sống con người. Bão lụt, hạn hán,sóng thần, động đất và nhiều biểu hiện khí hậu cực đoan khác đã khiến cho nhân loại loay hoay chống đỡ.

   Riêng ở Quảng Trị mỗi năm thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng do biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra. Ngoài ra ảnh hưởng đến sinh kế người dân, đến an sinh xã hội, đến an cư lạc nghiệp. Biến đổi khí hậu và tác động của môi trường đã ảnh hưởng sát sườn đến cuộc sống người dân. Sự cố môi trường biển doanh nghiệp Fomarsa gây nên trong năm 2016 từ Hà Tĩnh là một lời cảnh báo kinh hoàng. Điều này cho thấy cần phải thực sự quan tâm và hành động cụ thể vì môi trường sống của chính con người.

Trước mắt chúng tôi là đoạn cuối dòng sông Thạch Hãn chảy quanh co về với cù lao Bắc Phước thuộc xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trước khi đổ ra biển Cửa Việt hòa vào Biển Đông mênh mông bát ngát. Ngày trước khi chưa có dự án trồng cây ngập mặn của Sở NN&PTNT Quảng Trị thì sóng gió, mưa bão mặc sức tung hoành, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, từ sinh hoạt cho đến làm ăn.

Nhìn cơ ngơi vợ chồng anh Nguyễn Hữu Ba nuôi trồng thủy sản như tôm cá ở cù lao Bắc Phước cũng đủ thây họ vui vẻ an cư lạc nghiệp. Được vậy là nhờ môi trường được cải tạo, tôm cá theo nương tựa theo cây bần giữa rừng cây ngập mặn mà sinh sống, còn con người nhờ vậy mà nương tựa theo để có được sinh kế, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần xây dựng quê hương.

   Khi người dân có được nguồn lợi từ rừng cây ngập mặn thì họ gắn bó nhiều hơn với đồng đất quê hương, coi đất đai chính là nồi cơm của mình, luôn thành tâm bằng tất cả tấm lòng.

   Nhiều người hẳn còn nhớ có một sự kiện ở vùng quê Bắc Phước diễn ra không lâu. Đó là lễ khởi công dự án trồng rừng ngập mặn vào đúng ngày chủ nhật do Chi cục biển, hải đảo và khí tượng thủy văn thuộc Sở TN&MT Quảng Trị  làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Dữ liệu Hàn Quốc tài trợ. Tất cả mọi người từ lãnh đạo tỉnh cho đến ngành chức năng, các đoàn viên thanh niên thuộc Đoàn cơ sở Sở TN&MT Quảng Trị cùng các tình nguyện viên Hàn Quốc đã hào hứng lội bùn trồng cây ngập mặn nhằm cải tạo môi trường sau lễ khởi công, ứng phó với biến đổi khí hậu, với thiên tai ở một nơi sát biển vào trưa nắng.

   Dự án tuy không lớn song thiết thực và có ý nghĩa với cộng đồng. Bởi mỗi năm Quảng Trị thất thoát hàng ngàn tỷ đồng do biến đổi khí hậu, do môi trường bị xâm hại. Bởi vậy những việc làm dù lớn hay nhỏ tham gia bảo vệ môi trường đều đáng trân trọng và cần được nhân rộng. Bởi vì bảo vệ môi trường chính là bảo vệ ngôi nhà của chúng ta trước mắt cũng như lâu dài, bảo vệ nồi cơm của chính đồng bào, bảo vệ bầu không khí trong lành từ những lá phổi xanh. Chính vì ý thức rõ điều này mà các bạn nước ngoài đã không quản ngại xa xôi, đến với chúng ta, chung tay góp sức vì một hành tinh xanh.

 Hôm ấy, Ông Yoon Joo Pill, Chủ tịch LĐLĐ Công ty TNHH Dữ liệu doanh nghiệp Hàn Quốc, đơn vị tham gia bảo vệ môi trường ở Quảng Trị nói rằng:  Việc trồng rừng ngập mặn ở khu vực này rất cần thiết trong việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khi hậu với địa bàn gần biển Quảng Trị. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm đến môi trường hướng đến đất nước các bạn, trong đó có Quảng Trị với những hoạt động cụ thể nhằm tác động để môi trường ngày càng được cải thiện tốt hơn.

   Người xưa có nói : vì lợi ích mười năm nên trồng cây, thậm chí là vì lợi ích hàng trăm năm, lợi ích lâu dài và bền vững mà trồng cây, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống. Những việc làm như thế không chỉ là ngày một ngày hai.

   Nhìn những cây bần mới trồng hôm nay và cả rừng bần bao quanh cù lao Bắc Phước như thành lũy bảo vệ ruộng đồng thôn xóm nơi đây. Mong rằng chuyện trồng rừng ngập mặn nói riêng cũng như bảo vệ môi trường sống nói chung sẽ ngày càng được nhiều người, nhiều ngành,  nhiều cấp chính quyền quan tâm và hưởng ứng. Tất cả vì sự yên lành và no ấm, vì sự phát triển của quê hương đất nước.

   Cũng chính nhờ những việc làm lớn nhỏ thân thiện với môi trường, hòa thuận với thiên nhiên ở Triệu Phước và nhiều nơi khác mà chúng ta có được những cảnh quan xanh, schj, đẹp, có được những xóm làng yên vui, thanh bình, một điều không dễ có trong cuộc sống hôm nay. Bởi vì con người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ phát triển công nghiệp ồ ạt không đi liền với bảo vệ môi trường, đối mặt với nạn phá rừng, nạn khai thác cát sạn bừa bãi. Bởi vậy mỗi hành động bảo vệ môi trường hôm nay có ý nghĩa biết bao trong hành trình xây dựng quê hương đất nước. Phát triển kinh tế nhất thiết phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

 

 

 

 

 

 

                                                               

 

 

         TIỀM NĂNG DU LỊCH TỪ CÁC ĐỊA DANH TÂM LINH.

                                                                                      (Xuân Dũng)

Du lịch tâm linh là một trong những xu thế cần quan tâm của du lịch hôm nay.

Quảng Trị có một sự kiện tôn giáo quan trọng, đó chính là lễ rước kiệu La Vang của đồng bào theo đạo Thiên Chúa Giáo. Đây là dịp nhiều bà con có đạo hành hương về đây đặng thỏa nguyện tín ngưỡng của mình. Tâm Linh và cơ hội cho ngành du lịch có song hành với sự kiện tôn giáo hay không, đó là câu chuyện chúng ta rất cần xem xét.

Về văn hóa tâm linh theo niềm tin của giáo dân kể cả trong và ngoài nước thì đây là thánh địa, nơi Đức Mẹ hiện hình, là một trong hai địa danh được tôn vinh là Vương cung thánh đường ở Việt Nam. La Vang có một ý nghĩa lớn lao đối với đồng bào theo đạo Công giáo. Nếu ai đã từng chứng kiến cảnh hành hương của những con chiên gần xa, thậm chí ở cả nước ngoài mỗi dịp kiệu La Vang sẽ thấy sự thành tâm của những người sống có đức tin. Luật pháp nước ta bảo hộ cho những người tín ngưỡng và không tín ngưỡng nên với đồng bào theo đạo, trong đó có giáo dân Thiên Chúa Giáo luôn được tôn trọng và phải tạo điều kiện cho bà con có điều kiện sống tốt đời đẹp đạo. Hơn nữa cần thấy rằng tôn giáo là một hiện tượng phổ biến trong  lịch sử nhân loại thì càng phải nỗ lực hỗ trợ đồng bào trong tinh thần hướng thiện, thân ái để giáo dân sống phúc âm trong lòng dân tộc được trở thành hiện thực. Hơn nữa trong đời sống hiện đại rất phức tạp, có nhiều điều tác động đến con người thì để xây dựng cộng đồng, phát triển xã hội bên cạnh luật pháp, chính sách cũng vẫn cần đến niềm tin của công dân, đức tin của những người theo đạo, trong đó có đồng bào Công giáo kính Chúa và yêu nước. Bởi lẽ một khi xã hội thiếu vắng niềm tin, trong đó có đức tin thì sớm muộn sẽ rơi vào thảm họa. Với cách nhìn thân thiện và thông thoáng như vậy, chính quyền  các cấp ở địa phương, các ngành chức năng tiếp tục đồng hành một cách thực sự với đồng bào có đạo. Trước hết cần xem xét để nâng cấp hạ tầng thị xã Quảng Trị, các con đường  và cơ sở lưu trú xung quanh nhà thờ La Vang tạo điều kiện cho giáo dân hành hương và du khách viếng thăm Quảng Trị. Điều này sẽ góp phần đáng kể vào phát triển du lịch tâm linh ở địa phương. Và như thế là không bỏ lỡ những cơ hội vàng cho du lịch Quảng Trị khi biết kết hợp giữa du lịch với sự kiện tôn giáo quan trọng. Lợi thế nếu không biết tranh thủ và tận dụng khai thác đúng hướng thì thật uổng phí, thậm chí còn tạo nên vật cản trên hành trình phát triển. Một khi phát triển được văn hóa tâm linh, du lịch tâm linh thì đồng bào có đạo và các chức sắc tôn giáo càng gắn bó với cộng đồng, tin tưởng nhiều hơn nữa vào nhà nước. Mọi chuyện dù có khó khăn, vướng mắc cũng dễ giải quyết khi các bên có được cái nhìn chung, những sự tương đồng cần thiết. Quan trọng là phải thành tâm và tin cậy lẫn nhau, điều đó lại phải thể hiện bằng hành động.

Nhìn lại tỉnh Quảng Trị trong nhiều năm qua, phát triển du lịch còn nhỏ lẻ, chủ yếu là trung gian cho các công ty lữ hành, các tour du lịch đến với vùng quê đầy gió Lào cát trắng. Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch, tăng trưởng kinh tế còn thấp thì việc khai thác lợi thế từ văn hóa tâm linh, nhất là các sự kiện tôn giáo, chắc chắn sẽ tạo nên những đột phá đáng kể. Nếu làm tốt thì sẽ có những bước tiến ngoạn mục của công nghiệp không khói, đóng góp nhiều cho sự phát triển của quê hương đất nước.

Vẫn còn không ít “địa chỉ đỏ” đã và đang bị lãng quên trên bản đồ du lịch, trong đó có cá loại hình du lịch tâm linh, du lịch hoài niệm, du lịch văn hóa. Chẳng hạn tại sao không tổ chức một tour du lịch tham quan ngôi nhà hương hỏa của danh họa Lê Bá Đảng ở Bích La Đông (Triệu Đông), một nhân vật văn hóa của thế kỷ XX, và gần đó là đến làng Bích Khê (Triệu Long) để thăm Hoàng tộc Bích Khê, với những con người đỗ đạt khoa cử như Hoàng Hữu Xứng  lại yêu nước thương nòi, rồi ghé lên Nghĩa Trũng Đàn, một nghĩa trang ra đời vì lòng nhân ái cao cả ở thị xã Quảng Trị, nhớ đến nhạc sĩ tài danh Hoàng Thi Thơ trước khi đến với Thành Cổ Quảng Trị, La Vang, Sắc Tứ…Một chuyến đi như vậy quá hay và quá xứng đáng để du khách gần xa lựa chọn. Bởi biết khai thác các địa chỉ văn hóa, địa chỉ tôn giáo, nhân vật lịch sử và văn hóa là hướng về nguồn rất cần thiết mà chính quyền địa phương và ngành văn hóa, du lịch cần chú trọng đầu tư một cách bài bản.

Tiềm năng đã có, đã gợi mở nhiều ý tưởng phát triển văn hóa và du lịch như đã nêu. Vấn đề còn lại là làm thế nào để tổ chức thành công các tuyến tham quan du lịch để vừa bảo tồn được văn hóa vừa phát triển được kinh tế. Trong lúc tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực tìm hướng đi hiệu quả cho du lịch. Hy vọng rằng những ý kiến phân tích và phản biện dưới góc nhìn truyền thông sẽ có ích cho lộ trình phát triển văn hóa và du lịch. Trước hết cần thay đổi nhận thức trước khi nói đến hành động của toàn bộ guồng máy điều hành hữu quan.

Kết thúc bài viết này xin nhắc lại rằng đừng để lãng phí những tài nguyên văn hóa, du lịch quý giá như Lễ hội La Vang, làng Bích La Đông với danh họa Lê Bá Đảng, làng Bích Khê với Hoàng tộc quê nhà. Bởi phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa vẫn là cách làm thông minh, nếu không nói là thông minh nhất và cũng đầy ý nghĩa nhân văn.

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 18/03/2020 09:48 Phạm Xuân Dũng 18/03/2020 09:48

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà