Phóng sự tết: Chùa Diên Thọ và những sắc phong xưa
Danh mục
Phóng sự Tết
NỘI DUNG

 Phóng sự tết:

 

Thưa quý vị và các bạn!Ai đó đã từng ví von, một trong những báu vật quý giá nhất của làng, xã chính là các đạo sắc phong xưa. Bởi chúng không chỉ đơn thuần là bằng khen tấm huân chương của làng của xã, hay cá nhân của dòng họ, mà sâu xa hơn là mỗi tấm sắc phong được bảo tồn, lưu giữ nâng niu, trân trọng qua từng thế hệ, chính bởi phần giá trị truyền thống, hồn cốt tinh thần vẹn nguyên, qua những biến động của thời gian. 5 đạo sắc phong và bức hoành phi ở chùa Diên Thọ là những di sản vô cùng quý giá mà cho đến hôm nay vẫn còn được lưu giữ.

 

CHÙA DIÊN THỌ VÀ NHỮNG SẮC PHONG XƯA

 

Diên thọ tự-ngôi chùa cổ của làng Diên Sanh, thuộc xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng. Đây còn là một di tích lịch sử văn hóa của tỉnh Quảng Trị.

 Không biết ngôi chùa này có từ khi nào, nhưng theo những bậc cao niên của làng trong quá trình lập làng thì đã có chùa. Trãi qua những biến thiên thăng trầm của lịch sử, qua những lần trùng tu và sửa chữa, chùa vẫn còn lưu giữ nhiều di sản quý giá như bộ tượng tam thế, tượng hộ pháp. Đặc biệt là bức hoành phi và 5 đạo sắc phong.

 

PV Ông Nguyễn Tín Thừa-làng Diên Sanh-Hải Thọ-Hải Lăng

 

Chùa Diên Thọ được thiết kế theo lối kiến trúc của nhà rường của người miền Trung ba gian 2 chái. Chính vì vậy khi đi vào chùa, ngay ở giữa tiền đường được treo bức hoành phi. Bức hoành phi được làm bằng gỗ mít. Khung gỗ xung quanh có hai đường viền và hình rồng chầu nguyệt được chạm khắc nổi nằm giữa hai đường viền ấy được sơn thếp màu vàng. Mặt hoành phi sơn màu đỏ với ba chữ Diên thọ tự khắc chìm sơn màu vàng và hai dòng lạc khoản.

Chùa Diên Thọ cũng như bao chùa làng khác là nơi thờ chư phật, thờ chư Bồ Tát và thờ vọng các vị khai canh, khai khẩn và các vị thần có công khai phá lập nên làng xã. Có lẽ do tiếp thu cách thờ tự từ các chùa làng ở Huế, nên chùa Diên Thọ đã thờ Quan Thánh đế quân trong chùa- người thường cứu độ cho người dân nên được nhân dân sùng kín tôn thờ. Cho đến thế kỷ XIX, các vua triều Nguyễn mới chính thức hóa việc thờ Quan thánh đế quân ở làng xã bằng các sắc phong. Và 5 sắc phong ở chùa Diên Thọ đó là: Sắc phong quan thánh đế quân hộ quốc tý dân hiển hữu công đức của vua Tự Đức năm thứ 7, sắc phong quan thánh đế quân bảo an chính trực hựu thiện đôn ngưng thành hoàng chi thần năm Tự Đức thứ 33, sắc phong quan thánh đế quân hộ quốc tý dân hiển hữu công đức tặng dực bảo trung hưng đế quân năm Đồng Khánh thứ 2, sắc phong quan thánh đế quân bảo an chính trực hựu thiện đôn ngưng dực bảo trung hưng thành hoàng chi thần năm Duy Tân thứ 3 và sắc phong cuối cùng tặng Dực bảo trung hưng quan thánh đế quân hộ quốc tý dân hiển hữu công đức năm Khải Định thứ 9.

Với sự hình thành khá lâu, nhưng những báu vật như bức hoành phi và sắc phong vẫn được chùa Diên Thọ bảo tồn và lưu giữ.

 

PV Đại đức Thích Từ Nguyện-trụ trì chùa Diện Thọ, Hải Thọ, Hải Lăng

 

Hầu hết các sắc phong đều được viết trên mặt của một tờ giấy lụa dày, màu vàng nhạt, dai và bền, kích thước khoảng 1,2m-0,5 m. Hình nền của sắc phong là họa tiết rồng ẩn trong mây. Năm chữ Thọ hình vuông bố trí bốn góc và chính giữa sắc phong. Nội dung của bản sắc phong được ghi ở phần đuôi rồng, còn niên hiệu hoàng đế ngày tháng năm cấp sắc phong tặng và ấn “Sắc mệnh chi bảo” nằm ở vị trí đầu rồng.

Trong những sắc phong này, có một sắc phong của triều vua Tự Đức đã ghi rõ: “ Sắc chỉ Thừa Thiên phủ, Quảng Trị đạo, Hải lăng huyện, Diên Sanh xã tùng tiền phụng sự Quan Thánh Đế Quân hộ quốc tý dân hiển hữu công đức, tứ kim phi ưng tiền du, đặc chuẩn y cựu phụng sự dụng đáp thần hưu. Khâm tai.”. Sắc phong này được dịch là:  Sắc chỉ cho xã Diên Sanh, huyện Hải Lăng, đạo Quảng Trị theo trước mà phụng thờ quan thánh đế quân, giúp nước, giúp dân  có công đức rõ rệt. Cho nên, nay ta tuân khuôn phép trước, đặc chuẩn cho phụng thờ như cũ, để đáp lại ơn che chở của thần.

 

PV Ông Phạm Đình Huyên-Hội chủ làng Diên sanh, Hải Thọ, Hải Lăng

 

Có thể nói, các sắc phong của vua triều Nguyễn là những di sản quý giá. Chúng minh chứng cho bề dày trầm tích lịch sử, văn hóa giàu truyền thống của vùng đất nắng cháy miền Trung này. Sắc phong còn cung cấp những thông tin quý giá, bổ sung thêm lịch sử và là một nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu các tín ngưỡng văn hóa dân gian. Bởi thế những sắc phong quý giá tiếp tục được bảo tồn qua các dòng họ, làng, xã, nơi chúng được sinh ra.

 

PV Ông Phạm Đình Huyên-Hội chủ làng Diên sanh, Hải Thọ, Hải Lăng

 

Đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến, xuân về. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam. Có lẽ vậy mà trong những ngày đầu xuân mới này, người dân Hải Thọ đến lễ chùa để cầu cho một năm mới tốt lành và hơn thế nữa họ lại có dịp thấy được bức hoành phi hay là đạo sắc phong - những di sản quý giá của làng. Điều này như nhắc nhở con cháu của làng rằng cho dù qua bao nhiêu thời gian thì những giá trị văn hóa truyền thống, những hồn cốt của dân tộc vẫn luôn được bảo tồn mãi mãi.

Góp ý thêm: Về phần 5 sắc phong đã nói nội dung nhưng chưa thật rõ. Cần đi sâu hơn một tí nửa về nội dung các sắc phong này vì người nghe, người xem rất muốn biết người xưa nói gì.

 

Chú thích duyệt

Chuyên mục đã được phòng CMCĐ duyệt, nội dung đảm bảo. Đề nghị lãnh đạo xem và cho thực hiện.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Trương Thị Ngoc Diệp 13/01/2017 09:10 Lê Vĩnh Nhiên 13/01/2017 09:56
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà