tạp chí Tuổi hoa-Truyền hình: Em yêu dân ca 22.5
Danh mục
Tạp chí tuổi hoa
NỘI DUNG

Tạp chí Tuổi hoa 22.5.2021

PTV: Xin chào những khán giả thân quen của Tạp chí Tuổi hoa tuần này.

Các bạn và các em thân mến! Hiện nay dịch bệnh COV 19 có những diễn biến phức tạp nên các bạn học sinh đã được nghỉ học ở nhà. Trong khoảng thời gian này, các bạn nhỏ hãy tuân thủ nghiệm ngặt các quy định về phòng chống dịch bệnh COV 19 để sớm góp phần cùng chính quyền và nhân dân đẩy lùi dịch bệnh. Hy vọng các bạn và các em sẽ luôn là những khán giả quen thuộc đồng hành cùng Tạp chí Tuổi hoa vào mỗi ngày cuối tuần. Còn bây giờ chúng ta hãy đến với nội dung của chương trình hôm nay.

Nhạc cắt

I.Phóng sự

PTV: Các bạn và các em thân mến!

Dân ca là loại hình âm nhạc dân gian có mặt từ lâu đời của nhân dân lao động ngày trước. Đối với vùng đất Quảng Trị, dân ca vốn phong phú với nhiều làn điệu, mang nhiều ý nghĩa giáo dục sâu sắc và trở thành loại hình văn nghệ dân gian độc đáo của cha ông ta ngày trước. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, dân ca vẫn có sức sống bền chặt trong lòng mỗi người dân Việt Nam, là nhịp cầu thời gian để mỗi người dân đất Việt trở về với cội nguồn của ông cha. Chính vì vậy, đưa âm nhạc dân ca vào học đường là một trong những biện pháp quan trọng để truyền bá và giáo dục lòng yêu mến và tự hào với những di sản âm nhạc dân gian nói riêng, văn hóa dân gian nói chung.

Em học hát dân ca

Trích tiếng động cô và trò hát dân ca tại lớp: 15s

Đây là một buổi học hát dân ca của cô và trò trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP Đông Hà. Từ năm học 2020-2021; thông qua những tiết học âm nhạc tự chọn, nhà trường đã đưa tiết học dân ca đến với các bạn học sinh, giúp các em hiểu và yêu hơn những câu hát dân ca quê mình. Dưới sự chỉ dạy của cô giáo Trần Thị Diễm Lệ, những bạn học trò nhỏ chăm chú lắng nghe rồi hào hứng hát theo…

trích

Thay vì dạy học sinh hát những bài hát được in trong phần phụ lục của sách giáo khoa, cô giáo Diễm Lệ luôn tìm tòi các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên ngọt ngào, gần gũi với đời sống của nhân dân lao động. Và bằng phương pháp dạy âm nhạc của mình, cô đã vận dụng vào trong mỗi tiết học để các em dễ nhớ và dễ thuộc.

P/V: Cô giáo Trần Thị Diễm Lệ- Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành- TP Đông Hà, Quảng Trị (câu 1)

Còn đối với các em học sinh, từ trước đến nay chỉ biết đến những câu hát dân ca qua các phương tiện thông tin đại chúng, nay được làm quen và học hát dân ca ngay tại trường học của mình là điều vô cùng mới lạ và thú vị.

P/v: Bạn Nguyễn Khánh Trinh- Lớp 5B, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP Đông Hà, Quảng Trị

Có thể nói rằng dân ca là một di sản văn hóa quý báu của dân tộc,được kết thành qua quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt của người dân lao động qua bao thế hệ. Đặc biệt đối với trẻ em, dân ca với những xúc cảm đặc biệt sẽ mang lại cho thế giới trẻ thơ nhiều điều thú vị và bổ ích, đồng thời thể hiện được nhu cầu giải trí, vui chơi, được chia sẻ niềm vui chơi của các em với bạn bè, với những người xung quanh và cộng đồng.

P/v: Bạn Lê Hoàng Gia Hưng- Lớp 2D, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP Đông Hà, Quảng Trị

(Trả lời và trích hát 1đoạn cuối)

Đối với trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, thưc hiện chủ trương đưa âm nhạc dân gian vào trường học của ngành giáo dục, nhà trường đã lên kế hoạch giảng dạy cho các em học sinh. Thông qua những giờ học hát, những câu chuyện trong các bài hát dân ca….đã  góp phần bồi dưỡng cho các em phong cách ứng xử, đức tính siêng năng, cần cù của cha ông ta ngày trước. Từ đó, giúp các em phát triển nhân cách, thêm yêu quê hương, đất nước. Đến nay, sau 1 năm năm triển khai, chương trình học mang lại nhiều hứng thú cho học sinh.

Cô giáo Trần Thị Diễm Lệ- Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành- TP Đông Hà, Quảng Trị (nói về phương pháp)

Dân ca là một trong những loại hình âm nhạc truyền thống trong kho tàng văn hóa Việt Nam.  Sức sống mãnh liệt của dân ca đã góp phần quan trọng tạo nên nét độc đáo riêng cho nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Thế nên dạy hát dân ca trong trường học là một việc làm cần thiết, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc của cha ông ta đã có từ ngàn xưa.

Trích cả lớp hát: 10s

Nhạc cắt

II. Giới thiệu sách

PTV: Các em thân mến!

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được đông đảo bạn đọc biết đến qua các tác phẩm quen thuộc như Thằng quỷ nhỏ, Trại hoa vàng, Bong bóng lên trời, Cô gái đến từ hôm qua… và hai bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa và Chuyện xứ Lang Biang. Với truyện ngắn “Tôi là Bêtô”- đây là lần đầu tiên ông viết một tác phẩm qua lời kể của một chú cún. Trong thiên truyện này, thế giới được nhìn một cách trong trẻo nhưng lồng trong đó không thiếu những ý tứ thâm sâu, khiến người đọc phải ngẫm nghĩ. Vậy cuốn sách này có điều gì hấp dẫn đến vậy, chúng ta hãy đến với truyện ngắn “Tôi là Bêtô” để cảm nhận ý nghĩa câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm đến bạn đọc các em nhé.

Đến với cuốn sách “Tôi là Bêtô”

Chó được đánh giá là một trong những người bạn tốt nhất của con người. Sự đáng yêu, thông minh và lòng trung thành của chúng đã khiến chúng nhận được sự yêu thương từ những người chủ, và trở thành người bạn đồng hành trong cuộc sống của họ. Đọc “Tôi là Bêtô” người đọc sẽ ngay lập tức yêu quý và có thiện cảm với nhân vật chính, bởi đó là một chú chó dễ thương và lanh lợi.

Tác phẩm gồm những câu truyện ngắn về cuộc đời của chú cho Bêtô. Bêtô là cún cưng của chị Ni - được đặt theo tên một cầu thủ Brazil, đội bóng mà Ni yêu thích. Một chú cún có bộ lông đen tuyền sống cùng người bạn thân là nhà hiền triết Bi nô với bộ lông trắng như một cục bông. Những câu chuyện của Bêtô thường ngắn gọn, đơn giản, từ chuyện sở thích cá nhân như nhai giày dép, quần áo đến chuyện gia đình chị Ni, chuyện những con chó khác. Nhưng trong mỗi câu chuyện bình thường hàng ngày ấy, Bêtô lại luôn đưa ra những nhận xét đánh giá thật sắc sảo và đúng đắn. Thậm chí khiến người đọc phải lặng mất vài giây để suy ngẫm. “Càng lớn tuổi, con người ta càng nói ít đi, nghĩ nhiều hơn.” hay “Ý nghĩa của ước mơ không phải ở chỗ nó có phù hợp với khả năng thực tế hay không. Điều quan trọng là nó cho phép bạn sống thêm một cuộc đời nữa với cảm xúc riêng của bạn.”

Nguyễn Nhật Ánh đã chứng minh khả năng sáng tạo không giới hạn của ông, khi ông để nhân vật dẫn truyện là một chú chó tự kể về cuộc đời của mình. Người đọc được chứng kiến những trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày qua lăng kính của một chú chó, với sự ngộ nghĩnh và đáng yêu. Không quá ồn ào, dồn dập, không có những tình tiết gay cấn, chỉ đơn giản là từng mẩu truyện nhỏ được kể bằng ngôn ngữ của loài vật mà cuốn hút từ đầu tới cuối. Cái tài của Nguyễn Nhật Anh là ông có thể kể những chuyện của đời thường không những không tẻ nhạt mà còn lồng trong đó những ý tưởng mới lạ và những thông điệp cao đẹp.

Nếu không đọc tác phẩm này, ít ai có thể ngờ rằng cuộc sống thường nhật của những chú cún lại có vô vàn điều lý thú đến vậy. Từ việc cắn xé quần áo, tập leo cầu thang đến việc kết thân với nhau. Người đọc bất ngờ trước sự am hiểu một cách sâu sắc về động vật của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Chọn nhân vật chính là một chú cún – động vật gần gũi, quen thuộc và thông minh nhất của con người, đương nhiên tác giả rất thuộc tính cách, sinh hoạt, và cả… ngôn ngữ của cún; đồng thời trong vai cún để nhìn đời, tác giả cũng rất thuộc tâm, sinh lý lứa tuổi mới lớn, qua đó cho thấy người lớn cần phải ứng xử như thế nào đối với trẻ, trong bước ngoặt từ bé con sang người lớn, cái bước ngoặt quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất, trong đường đời một con người.

III.Góc khéo tay

PTV: Các bạn và các em thân mến! Ống hút nhựa là một vật dụng quen thuộc và phổ biến mà hẳn ai cũng biết. Sau khi sử dụng xong, chúng ta có thể tận dụng để biến nó thành những bông hoa xinh xắn. Hoa ống hút  dùng để trang trí cho góc học tập hay làm quà tặng bạn bè.  Và đặc biệt trong những ngày nghỉ hè phòng tránh COV 19 này, mời các bạn nhỏ hãy cùng Tạp chí Tuổi hoa tham khảo cách làm hoa từ thứ ống hút tái chế các em nhé.

Cô giáo: Lê Thị Hà Phương- Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP Đông Hà, Quảng Trị

IV. Bài hát

PTV: Các bạn và các em thân mến! Với mỗi chúng ta, ngôi nhà luôn là nơi cất giấu những kỷ niệm thiêng liêng và ấm áp nhât trong cuộc đời.Với những người phải sống xa nhà, cảm giác nhớ nhà lại  trở nên cồn cào hơn bao giờ hết khi mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây lại luôn nhung nhớ và khát khao được trở về nhà tận hưởng khoảnh khắc an yên, được làm một đứa trẻ trong vòng tay bố mẹ.. Đó cũng là nội dung mà nhạc ỹ Hứa Kim Tuyền gửi gắm trong bài hát; “Đi về nhà”.  Ca khúc  khiến người nghe nhận ra đôi khi hạnh phúc chính là thưởng thức bữa cơm gia đình, cùng hồi tưởng lại những trải nghiệm tuổi thơ từ tấm bé. Phần cuối chương trình hôm nay, chúng ta hãy thưởng thức thức ca khúc : “Đi về nhà” qua giọng ca của bạn Công Đức- lớp 6A Trường Trưng Vương TP Đông Hà.

Trích MV

PTV: Các bạn và các em thân mến!

Chương trình Tạp chí Tuổi hoa tuần này đến đây đã khép lại.Chúc các bạn và các em có những ngày nghỉ hè lý thú và đừng quên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COV 19 theo đúng quy định. Xin chào và hẹn gặp lại trong những chương trình tuần sau.

Thực hiện: Ánh Tuyết; Lê Tú

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 18/05/2021 10:43 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:41

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà