CM Phụ nữ và cuộc sống
Danh mục
Phụ nữ và cuộc sống
NỘI DUNG

Chương trình Phụ nữ và cuộc sống 19/6

DẠY CON BIẾT CHIA SẺ

MC1: PTV…. Và ……. Rất vui khi được đồng hành cùng QV & chị em trong 10 phút của chương trình phụ nữ và cuộc sống.

MC2: Quý vị và chị em thân mến! Chia sẻ là một trong những kỹ năng sống cần thiết cha mẹ cần trang bị cho trẻ từ sớm. Trẻ biết chia sẻ sẽ học được về quy tắc thỏa hiệp, chia lượt, đàm phán, cách thể hiện cảm xúc và dễ cảm nhận được niềm vui.

MC1: Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cần được học cách chia sẻ để kết bạn và duy trì mối quan hệ với mọi người. Khi chia sẻ điều gì đó với ai nghĩa là trẻ đã biết cách nghĩ về nhu cầu của người khác. Về lâu dài, việc này sẽ giúp trẻ đồng cảm, thấu hiểu, nhân ái, rộng lượng trong ứng xử, được yêu mến cũng như cảm nhận được niềm vui khi chia sẻ cái gì với ai đó.

MC2: Vậy làm thế nào để dạy con biết chia sẻ? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong chương trình phụ nữ và cuộc sống hôm nay.

Nhạc cắt

Đừng vô tình dạy trẻ ích kỷ

MC1: Quý vị và các bạn thân mến! Trong cuộc sống gia đình, nhiều khi người lớn vô tình dạy cho trẻ thói ích kỉ mà không hề biết. Những đứa trẻ vô tình mắc tính ích kỷ, dần dần sẽ mất đi sự vô tư chỉ biết có mình và không biết chia sẻ, nhường nhịn, hoặc quan tâm đến bạn bè xung quanh. Vô tình dạy trẻ ích kỷ là một điều rất nguy hại cho sự phát triển của trẻ. Sau đây là một số ghi nhận của PV Phạm Quỳnh về vấn đề này.

MC2: Nhà anh chị Hồng, Mai phải mất mười năm chạy chữa hiếm muộn mới sinh được bé Bông. Thế nên bé Bông được chiều chuộng lắm. Bé như công chúa, muốn gì được nấy. Bé Bông lên 5 tuổi, từ nhỏ đã tỏ ra ích kỷ. Hôm vừa rồi, khi mẹ con nhà em Tít hàng xóm sang nhà Bống chơi, trong tay bé có đồ ăn mà đang chơi cùng các bạn, chị Mai nói rằng: “Con có thể chia cho bạn một ít được không, bạn ấy nhỏ hơn con mà”. Nói cả buổi mà bé Bông vẫn chẳng có chút động tĩnh gì. Chị Mai bèn dỗ dành: “Thế con cho mẹ một ít nhé!”. Lúc ấy, bé Bông mới đưa cho mẹ một chút. Chị Mai liền cho bạn của bé Bông. Chẳng ngờ, bé Bông giận dỗi, gào khóc ầm ĩ. Chị Mai vừa bực, vừa cảm thấy mất mặt với mẹ của bé Tít vì sự ích kỷ của con gái mình.

Chị Ngọc Mai ở TP Đông Hà tâm sự:

Tôi rất phiền lòng khi thấy bé nhà tôi có tính ích kỷ và không quan tâm đến bạn bè, người thân xung quanh mình. Mỗi khi có gì mà cháu tích cháu thường dành về phía mình  mà ít quan tâm tới phản ứng của mọi người xung quanh. Chơi với các bạn trong xóm, cháu thường tìm cách lấn lướt để giành phần thắng về mình. Đồ chơi của bạn cháu tìm mọi cách để mượn bằng được, nhưng mỗi khi các bạn tỏ ý muốn được chơi chung thì cháu lại tìm mọi lý do để trì hoãn. … Mặc dù vợ chồng tôi đã khuyên răn nhưng dường như cu cậu không thay đổi là mấy. Tôi rất lo nếu cháu không thay đổi tính nết thì khó có thể được bạn bè quý mến.

 

MC1: Như vậy có thể thấy, những em bé được chiều chuộng, cung phụng quá mức sẽ chỉ biết đến bản thân và coi tất cả mọi điều mình được hưởng là đương nhiên, không quan tâm đến người khác. Trẻ từ 4 tuổi trở lên bắt đầu trong giai đoạn hình thành và phát triển tính cách rõ rệt nhất. Ở lứa tuổi này các bé bắt đầu có nhận thức về quyền sở hữu và các lợi ích cá nhân của riêng mình. Nếu không được rèn tập cho biết những giới hạn, trẻ có thể trở thành ích kỷ, chỉ biết đến những điều tốt, điều lợi cho bản thân mà không nghĩ đến những người xung quanh. Trẻ vô tư không quan tâm đến mọi người, nếu không được cha mẹ hướng dẫn, sự vô tư đó sẽ trở thành tính vô tâm khi lớn lên. Điều nguy hiểm là đôi khi chính phụ huynh cũng có thái độ ích kỷ trong cuộc sống, và cho đó là sự “khôn ngoan”, tập cho trẻ thói quen biết và thích lợi dụng người khác, luôn tìm cách chơi “trên cơ”, chỉ biết bảo vệ quyền lợi bản thân và gia đình mình, bất chấp điều đó có thể gây thiệt hại cho người khác. 

 

MC2: Ích kỷ còn là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ hay cáu gắt và không biết kiểm soát cơn giận dữ của mình. Sự ích kỷ này sẽ khiến cho mối quan hệ giữa trẻ với cha mẹ, anh chị em, bạn bè, mối quan hệ cộng đồng của trẻ trở nên căng thẳng. Thói ích kỷ, do đó, sẽ làm cho đứa trẻ bị coi thường và bị tập thể bạn bè xa lánh. Đó là một nguy cơ lớn có thể dẫn đến những tổn thương về tâm lý cho trẻ.  Các chuyên gia về gia đình cũng khuyến cáo: Cha mẹ nên dành nhiều thời gian và tạo cơ hội để trẻ học, làm quen với việc chia sẻ. Cha mẹ nên khen ngợi để khuyến khích khi thấy trẻ chia sẻ những điều tốt hoặc tự mình làm gương vì trẻ học rất nhanh bằng cách bắt chước cha mẹ.

Nhạc cắt

Bí quyết của mẹ để dạy con tính chia sẻ

MC2: Quý vị và chị em thân mến! Trẻ nhỏ đều có xu hướng muốn được trở thành trung tâm của sự ưu tiên trong gia đình, như việc muốn được cha mẹ luôn tay vỗ về, ôm ấp. Trẻ lớn hơn chút nữa có nhu cầu sở hữu những đồ vật riêng và không muốn người khác đụng đến. Đặc biệt nhóm trẻ quen được nuông chiều sẽ có thói quen vòi vĩnh, mè nheo, ăn vạ khi không được đáp ứng nhu cầu ngay lập tức. Song trẻ sẽ học những giá trị đạo đức qua việc quan sát hành động của những người lớn.

MC1: Là một người thầy hướng dẫn và là tấm gương đạo đức tốt cho con cái đồng nghĩa với chúng ta cũng phải thực hành đức tính trung thực, công bằng, quan tâm đến mọi người quanh mình. Cho nên cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ.Để rèn luyện cho trẻ đức tính sống không ích kỉ và biết chia sẻ, cha mẹ nên dạy bé ngay từ nhỏ bằng cách khuyến khích con biểu lộ sự quan tâm, chia sẻ với người khác, cho trẻ thấy việc chia sẻ mang lại niềm vui như thế nào. Sau đây là một số ghi nhận của PV Phạm Quỳnh về bí quyết của các mẹ trong việc dạy con tính chia sẻ.

MC2: Cha mẹ hãy bắt đầu dạy cho trẻ biết quan tâm chia sẻ với mọi người trong các việc nhỏ hàng ngày từ việc dạy trẻ chuẩn bị đũa bát cho cha mẹ, anh chị trong bữa ăn, lấy đồ ăn cho mọi người. Khuyến khích con tham gia các trò chơi có tính tập thể, cần sự kết hợp của các bạn, để trẻ thấy việc chơi cùng các bạn rất vui. Cha mẹ dành thời gian cùng trẻ làm một số việc đơn giản như cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, vo gạo, nhặt rau, đi chợ mua đồ cho mọi người. Cha mẹ có thể tổ chức mời bạn bè nhỏ của con đến chơi cùng con, để bé có cơ hội chia sẻ đồ chơi với các bạn.

MC1: Nếu thấy biểu hiện ích kỉ của con, cha mẹ đừng vội nóng giận mắng mỏ trẻ. Việc trẻ muốn giữ riêng một vài đồ chơi cho riêng mình là hành động bình thường. Trong trường hợp trẻ khư khư không chịu chia sẻ bất kì thứ gì với bạn bè, lúc đó cha mẹ nên chọn cách giải thích cho trẻ biết bạn của bé đang cảm thấy thế nào. Đây là một bí quyết mà chị Lê Trang ở TP Đông Hà đã áp dụng thành công. Chị Trang chia sẻ thêm:

Băng ghi âm: “ Bé nhà tôi cũng giống như nhiều bạn nhỏ khác, thường không muốn chia sẻ đồ chơi của mình với các bạn. Tôi nghĩ rằng để dạy con là một quá trình dài và mình phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Việc con không biết chia sẻ đồ chơi sẽ dần dần hình thành nên thói quen và tính cách không biết chia sẻ ở con. Chính vì thế, khi con có biểu hiện này tôi đã hỏi con rằng: con không cho các bạn chơi đồ chơi cùng vậy khi chơi một mình con có thấy vui không? Con nhìn xem, các bạn đang chơi đồ chơi cùng nhau rất vui kìa… Và tôi đã giải thích nhiều hơn với bé. Dần dần bé nhà tôi đã biết chia sẻ với bạn từ đồ chơi đến các thứ khác, bé rất khi vẻ…”

MC2: Trẻ được dạy dỗ từ sớm sẽ dễ tiếp nhận và hình thành được thói quen chia sẻ. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng những lời động viên, khích lệ hoặc gợi ý điều trẻ đã/nên làm như: “Con rất ngoan khi rủ bạn chơi búp bê cùng” khi con đã chơi búp bê được một thời gian và thấy một người bạn nhỏ khác cũng đang muốn được chơi món đồ chơi ấy. Nếu con vẫn muốn chơi búp bê vào thời điểm đó thì không sao cả, đừng bắt ép con phải cho các bạn khác chơi cùng mà việc cha mẹ cần làm là để cho con thấy: Con sẽ được khen thưởng nếu chia sẻ.

Đồng thời, phụ huynh hãy giúp con xây dựng khái niệm “chia sẻ” bằng cách dùng từ này để mô tả các hành động đó và tạo cơ hội để trẻ có thể thực hành. Ví dụ, mẹ có thể hỏi con: “Con có muốn mẹ chia cho con bánh quy của mẹ không? Mẹ rất thích chia sẻ những chiếc bánh này với con” hoặc “Sao con không chia sẻ đồ chơi của mình với em?”...

MC1: Trong những trò chơi mang tính hợp tác, đồng đội cùng trẻ như chơi xếp hình, xây tháp, đá bóng, cầu lông, chơi cờ... cha mẹ có thể sử dụng những từ có ý “chia sẻ” như “mẹ một lượt, con một lượt”, “đến lượt mẹ, đến lượt con”... để hướng dẫn và giúp trẻ thực hiện hành động chia sẻ. Đôi khi, trẻ không muốn chia sẻ vì không hiểu được phạm vi, ý nghĩa của từ đó và sợ rằng sẽ mất đồ chơi hoặc vật yêu thích của mình.

Cha mẹ đừng quên khen ngợi sự nỗ lực của con khi con tỏ ra đang cố gắng chia sẻ những gì mình có. Dần dần con sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi lặp lại những hành động đó. Không bao lâu nữa, con sẽ bắt đầu chia sẻ một cách tự nhiên mà không cần cha mẹ gợi ý.

MC2: Có thể cha mẹ sẽ bị lúng túng khi con giật lấy đồ chơi của bạn hoặc ném đồ chơi lung tung vì cáu giận, không muốn cho bạn chơi cùng hay không hiểu được tại sao phải chờ đến lượt mới được chơi. Khi gặp phải tình huống này, nhiều cha mẹ thường mắng con, điều đó có thể khiến con tổn thương vì chưa nhận thức được vì sao mình cần chia sẻ với bạn. Có những ông bố, bà mẹ nóng tính đã mắng con là “ích kỷ”, “tham lam” hoặc ép buộc con phải nộp lại đồ chơi. Vô tình, những hành động này sẽ tạo nên một thông điệp tiêu cực về “chia sẻ” và có thể khiến trẻ không muốn làm theo vì thấy không công bằng.

MC1: Trẻ vẫn còn quá nhỏ để suy nghĩ cẩn thận mà không tỏ ra ương ngạnh do không muốn chia sẻ đồ vật nào đó với người khác. Nếu trẻ không chịu tiếp nhận lời giải thích đơn giản rằng chia sẻ đồ chơi cho bạn là hành động bình thường để cùng chơi, cùng vui với bạn thì cha mẹ cần đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ để giúp trẻ bình tĩnh hơn, thoát khỏi “vùng xung đột”. Chị Lê Trang chia sẻ thêm về cách để dạy con tính chia sẻ:

Băng ghi âm: “ Có những lúc con cũng phản ứng lại với việc phải chia sẻ đồ chơi hay một số thứ khác với bạn bè hay em nhỏ trong nhà, có khi còn cáu giận nữa, khi bực mình tôi trách mắng con nhưng như vậy con càng phản ứng lại mạnh hơn và rất buồn. Sau đó tôi đã có cách ứng xử khác, khi con đã không muốn tôi không ép bé nữa, cứ để bé chơi một mình, và im lặng quan sát trẻ. Chỉ một lúc thôi khi con bình tỉnh lại con đã chủ động đến tìm cách để nói chuyện với tôi cũng như tìm cách để hòa nhập với các bạn hay cho em  nhỏ của mình chơi cùng…”

MC2: Cha mẹ đừng giới hạn việc “chia sẻ” ở mỗi đồ ăn, đồ chơi... ở những thứ đồ vật có thể cầm nắm được. Cảm xúc cũng là điều trẻ cần học cách “chia sẻ”, nghĩa là cách thể hiện tình cảm, cảm xúc của mình với mọi người. Ví dụ khi trẻ không thích điều gì, cha mẹ cần khuyến khích trẻ nói ra thay vì bộc lộ qua những hành động giận dỗi, cáu gắt. Trẻ mẫu giáo khó tránh khỏi việc cãi cọ, giành đồ chơi với nhau. Để tránh cuộc tranh cãi có thể biến thành một vụ ẩu đả, làm mất “hòa khí” của bọn nhỏ, cha mẹ có thể thử nói với con về cảm giác của bạn kia khi không được chia sẻ món đồ chơi đó.

MC1: Để trẻ vượt qua nỗi buồn khi không muốn rời xa đồ chơi yêu thích của mình dù chỉ trong giây lát, cha mẹ hãy trấn an và thể hiện cho trẻ biết bạn hiểu cảm giác của chúng. Ví dụ: “Nghe con nói thì có vẻ con đang buồn” hoặc “Nhìn con có một chút thất vọng”. Đồng thời, cha mẹ hãy nhắn nhủ trẻ rằng chia sẻ không giống như cho đi và nếu chúng chia sẻ với bạn bè, chúng cũng có thể được bạn bè chia sẻ lại. Khi con lớn lên một chút, hãy dạy con cách suy xét mọi việc từ góc độ của người khác, đó cũng là cách giúp con kiềm chế, kiểm soát và thể hiện tình cảm đúng mực hơn.

MC2: Cách tốt nhất để con học được sự bao dung, nhân ái là bắt chước những hành động chia sẻ của cha mẹ mỗi ngày. Chỉ những động tác nhỏ thường ngày như chia cho con que kem, cái bánh, chia cho con đôi găng tay khi trời lạnh (dù trước đó bạn ép thế nào con cũng không chịu mang theo đồ của mình)... sẽ giúp trẻ nhận ra được giá trị và ý nghĩa của việc chia sẻ.

Chào cuối

Quý vị và các bạn thân mến! Chương trình phụ nữ và cuộc sống tuần này xin được khép lại tại đây, chương trình do… thực hiện, cảm ơn QV & các bạn đã quan tâm lắng nghe, xin chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

 Đón nghe: Chia sẻ là một trong những kỹ năng sống cần thiết cha mẹ cần trang bị cho trẻ từ sớm. Khi chia sẻ điều gì đó với ai nghĩa là trẻ đã biết cách nghĩ về nhu cầu của người khác. Về lâu dài, việc này sẽ giúp trẻ đồng cảm, thấu hiểu, nhân ái, rộng lượng trong ứng xử, được yêu mến cũng như cảm nhận được niềm vui khi chia sẻ cái gì với ai đó. Vậy làm thế nào để dạy con biết chia sẻ? Mời Qv & các bạn đón nghe trong chương trình phụ nữ và cuộc sống được phát sóng vào 11h thứ 7 ngày 19/6 trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị.

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 10/06/2021 10:26 Lê Vĩnh Nhiên 26/07/2022 14:40
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà