Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 20.6
Danh mục
Tạp chí văn nghệ chủ nhật
NỘI DUNG

Tạp chí Văn nghệ chủ nhật 20.6.2021

Trích bài hát: Sóng Vỗ Cửa Tùng

PTV: Kính thưa Quý vị! Mở đầu chương trình hôm nay, chúng tôi đang gửi tới Quý thính giả nhạc phẩm Sóng Vỗ Cửa Tùng của nhạc sỹ Võ Thế Hùng. Vâng! Đối với giới văn nghệ sỹ Quảng Trị, Võ Thế Hùng là một nhạc sỹ nổi tiếng và đi vào long người với những nhạc phẩm khó quên. Anh sinh sinh năm 1961 tại Đông Hà và mảnh đất này cũng gắn bó với anh trong suốt cả cuộc đời. Thuở nhỏ, Võ Thế Hùng  là một cậu bé thích ca hát với  giọng hát cao vút, để lại nhiều dấu ấn với bạn bè đồng trang lứa ở Trường Tiểu học cộng đồng Đông Hà.

PTV:  Anh không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Võ Thế Hùng cho biết: minhg đã hát lên những giai điệu đầu tiên vào năm 1980, lúc đang học lớp 12 tại Trường Cấp 3 Đông Hà, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Võ Thế Hùng yêu âm nhạc nhưng không hề có ước muốn trở thành nhạc sĩ. Ba năm sau anh thi vào khoa Thanh nhạc, Trường Quốc gia Âm nhạc Huế (sau này là Đại học Nghệ thuật, Học viện Âm nhạc Huế) song hết năm thứ hai thì chuyển qua chuyên ngành Sáng tác, bởi lý do “mất giọng” và đó cũng như là một cái duyên giúp Thế Hùng trở thành một nhạc sỹ với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng sau này.

Trích

PTV: Thưa Quý vị và các bạn! Đến với nghề báo từ một sự lựa chọn, nhà báo, nhạc sĩ VÕ THẾ HÙNG, từng công tác tại Đài PTTH Quảng Trị đã miệt mài sáng tạo, cống hiến và gặt hái nhiều thành công.

Trích bài hát: Ước nguyện của Người

PTV: Quý thính giả vừa nghe bài hát: Ước nguyện của Người- Thơ; Nguyễn Văn ùng do nhạc sỹ VTH phổ nhạc. Đây là một trong những  bài hát mới nhất  của anh  và với ca khúc “Ước nguyện của Người”, nhạc sỹ Võ Thế Hùng đã vinh dự đoạt giải C Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020.

Chia sẽ về Bài hát “Ước nguyện của Người”  nhạc sỹ Võ Thế Hùng cho biết: ca khúc này được anh phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Văn Dùng.  Nội dung bài thơ là câu chuyện Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh vào ngày 16/6/1957. Thế nhưng, tình hình không cho phép nên Bác dừng lại bên dòng sông Nhật Lệ, Quảng Bình. Ước nguyện của Người có một lần vào thăm đất lửa Vĩnh Linh vẫn dang dở. Ước nguyện của người dân Vĩnh Linh được đón Bác vào thăm cũng dang dở và trở thành nỗi niềm khắc khoải khôn nguôi. Võ Thế Hùng đã nương theo nỗi niềm đó mà hát lên bằng âm hưởng dân ca Quảng Trị trộn lẫn với dân ca xứ Nghệ.

Nhạc sỹ Võ Thế Hùng cho biết:

Bài hát man mác một hoài niệm, một nỗi niềm “chưa một lần được đón Bác vào thăm” của người dân Vĩnh Linh, Quảng Trị.

nhà thơ Nguyễn Văn Dùng cho biết thêm

Trích băng

Năm 28 tuổi, võ Thế Hùng vừa tốt nghiệp Trường Âm nhạc Huế. "Khúc ru Trường Sơn" được coi là nốt nhạc khởi nguồn cho những giai điệu mang âm hưởng hoài niệm, tri ân mà sau hai mươi năm duyên nghiệp nơi đất thiêng Quảng Trị đã kịp định hình ở Võ Thế Hùng một phong cách sáng tác. Theo mạch ấy, nhiều ca khúc của Võ Thế Hùng lần lượt ra đời rồi đằm thắm neo lại trong lòng người yêu nhạc ở Quảng Trị, như "Khát vọng Trường Sơn", "Trăng rằm Khe Sanh", "Sóng vỗ Cửa Tùng", "Làng hầm Vĩnh Linh", "Dòng sông hoa đỏ", v.v. Người ta bảo tuổi trẻ thì nồng nhiệt và hồn nhiên, nhưng ca khúc của VTH lại đượm màu suy tư và luôn khiến người nghe phải lắng lòng cảm xúc về những mất mát, hy sinh của một thế hệ Việt Nam trong cuộc trường chinh cứu nước.

Làng hầm Vĩnh Linh

Nhạc của Võ Thế Hùng bài nào cũng thấm đẫm chất dân ca Quảng Trị, nhưng tuyệt nhiên không hề trùng lặp. Mỗi bài có một nét rất riêng, khiến người ta phải nhớ. Những tưởng "Khúc ru Trường Sơn" (1989) về các liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn đã là một chấm son đầy ấn tượng trong mạch sáng tác của anh, vậy mà với "Dòng sông hoa đỏ" (2007) về những liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị, Võ Thế Hùng đã thực sự khiến giới yêu nhạc bất ngờ. Cũng là chất liệu dân ca Quảng Trị và chủ đề hoài niệm, tri ân, nhưng lần này Hùng đã rất thành công. "Dòng sông hoa đỏ" thực sự là một lời ru của người mẹ Việt Nam bên vành nôi con thơ, và cũng là tiếng khóc của những người mẹ Việt Nam gần 40 năm ròng trông ngóng mà chưa thấy bóng con về. Vì thế, khi nghe "Dòng sông hoa đỏ" người ta cảm giác trong bài hát có nước mắt, có tiếng khóc, nhưng tuyệt nhiên không hề lệ lụy mà bi hùng và lãng mạn như một khúc tráng ca:

"Khi người lính lặng im tan vào đất

Là cuộc đời chảy mãi những dòng sông.

Ôi dòng sông mang phù sa người lính

Tắm mát bãi bồi, xanh mướt nương dâu..."

Trích "Dòng sông hoa đỏ"

Là một nhạc sỹ và là một nhà báo, nhạc sỹ Võ Thế Hùng cho biết: Một điểm chung nhất của nhạc sĩ và nhà báo là phải đi thực tế vì chỉ có thực tế cuộc sống mới tạo nên hơi thở của tác phẩm. Nhà báo thì phải phản ảnh trung thực cuộc sống còn người nhạc sĩ từ hiện thực ấy sẽ dự cảm những điều tốt đẹp hơn. Nói một cách khác, nhà báo nhìn cuộc đời bằng con mắt hiện thực và người nhạc sĩ nhìn bằng con mắt hiện thực lãng mạn. Nhiều năm gắn bó với nghề báo và miệt mài sáng tác âm nhạc, điều ý nghĩa nhất mà hai công việc này mang đến cho nhạc sỹ VTH chính là cuộc sống và sáng tạo.

Trích bài hát: Miền sương ngọt

Hơn hai mươi năm theo duyên nghiệp ca hát trên đất thiêng Quảng Trị, nhạc sĩ trẻ Võ Thế Hùng đã cho ra đời hơn 50 ca khúc đậm chất dân gian, trong đó phần lớn là những ca khúc cách mạng mang chủ đề hoài niệm, tri ân. Võ Thế Hùng đã nhận được bảy giải thưởng quốc gia về ca khúc do Bộ VH - TT và DL, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng.

Trích bài hát: Trăng rằm Khe Sanh

PTV:  Thưa Quý vị và các bạn!

Trên mảnh đất không được nhiều ưu đãi từ thiên nhiên, thì lao động luôn đòi hỏi sự sáng tạo. Hay nói cách khác, sự sáng tạo phải là yếu tố quan trọng đầu tiên để vượt qua gian nan thử thách. Quảng Trị, vùng đất khó khăn với đk tự nhiên khắc nghiệt và đi qua chiến tranh với biết bao tang thương mất mát. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, mảnh đất ấy vẫn tiềm tàng một sức sáng tạo mãnh liệt.

PTV: Chỉ riêng lĩnh vực nghệ thuật, những nghệ sĩ trên quê hương Quảng Trị đã nối tiếp nhau, tạo nên một sự kế thừa trên hành trình sáng tạo, mang đến cho đời những giá trị tinh thần cao đẹp. Trong số những văn nghệ sỹ tỉnh nhà: Diệu Ái- một nhà báo, nhà văn trẻ hiện đang công tác tại Tạp Chí Cửa Việt là một trong những tác giả trẻ hiện nay của Quảng Trị, đang nỗ lực không ngừng để dần khẳng định tên tuổi của mình trong lòng bạn đọc yêu văn chương. Sau Mưa từ cõi tạm (truyện ngắn) và Bởi cuộc đời không có những giá như (tản văn),  gần đây nhất Diệu Ái đã cho ra mắt tập truyện ngắn thứ hai Những mùa gió rát (và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành).

PTV: Với 15 truyện ngắn, tác giả Diệu Ái đã khắc họa lên những thân phận con người đặt trong không gian bối cảnh vùng đất Quảng Trị, bằng giọng văn tinh tế và giàu cảm xúc.

Những mùa gió rát - Thổi qua những phận người

Diệu Ái sinh ra lớn lên ở Quảng Trị, đi học rồi lại về quê làm việc. Dễ hiểu sự trở về ấy của cô gái sinh năm 1987 nếu ai đã từng đọc văn Diệu Ái trên các báo chí và đặc biệt qua hai tập truyện ngắn do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phối hợp Công ty sách Phương Nam ấn hành: Mưa từ cõi tạm, Những mùa gió rát. Bởi Diệu Ái hầu như chỉ viết chuyện quê nhà, những câu chuyện mộc mạc mà đầy trắc ẩn. Để viết được những truyện ngắn như vậy, đòi hỏi một đôi mắt quan sát và một trái tim thực sự rung động trước cuộc sống. Nhà văn Trẻ Diệu Ái chia sẽ:

Trích băng

Như một ám ảnh về vùng đất khắc nghiệt bởi thiên tai và chiến tranh, các nhân vật trong truyện ngắn của Diệu Ái cũng chất chứa rất nhiều nỗi buồn đau cùng những tiếng thở dài não nùng. Lửng lơ dưới tán bông gòn là câu chuyện về cái chết của người cha, để lại lớp mây mù cùng nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với những người ở lại. Người chị trong Ngã ba nhà ngoại cũng mang trong mình không chỉ là ám ảnh mà còn là dằn vặt về cái chết của cậu em trai. Lại có những truyện, nhân vật ôm nỗi thương tổn, mất mát không từ cái chết, mà đôi khi là sự bơ vơ, quay quắt trong hành trình truy vấn về mình (Cháy từ đám cháy), hay nỗi đau hậu chiến vẫn còn dai dẳng trong lòng (Những mùa gió rát).

Những mùa gió rát viết về những mất mát, những buồn đau của quá khứ lẫn hiện tại nhưng không nhuốm màu bi ai, mà đằng sau mỗi truyện ngắn lại lấp lánh sự thương cảm, sự chia sẻ và thấu hiểu. Đó giống như một mong muốn mà tác giả gửi gắm tới độc giả: “Cảm thông người đời dành cho nhau coi vậy chứ hiếm hoi lắm, càng thân thiết ruột rà lại càng khó trao đi. Nhiều người dễ tha thứ tội lỗi cho người xa lạ, còn người quen biết thiết thân bên mình thì ghim vào bụng, đôi bữa lấy ra nhắc lại để khuấy đục lòng nhau”(Lửng lơ dưới tán bông gòn). Nhà văn trẻ Diệu Ái cho biết thêm;

Với Những mùa gió rát, dù vô tình hay hữu ý, sẽ có người cảm thấy đâu đó chút dư vị từ văn chương Nguyễn Ngọc Tư. Tuy nhiên, văn chương là thân phận về con người, đôi khi có những mối tương đồng giữa người này với người kia, cũng không phải là điều gây khó chịu. Chưa kể, Diệu Ái cũng đã có những nỗ lực đáng kể để tạo nên phong vị văn chương riêng khi mang vào trang sách những phương ngữ, thổ âm của vùng đất Quảng Trị.

Văn hào Lev Tolstoy đã viết: “Những gia đình hạnh phúc đều giống nhau, còn gia đình bất hạnh thì mỗi nhà mỗi khác”. Ở tập truyện ngắn này, Diệu Áiđ ã viết về sự khác biệt của những gia đình bất hạnh. Nhưng tác giả không bi quan mà luôn lạc quan tin rằng: “Mỗi người một số phận. Không gập ghềnh khấp khểnh ở đoạn này thì chênh chao ở đoạn khác, chỉ cần mình gắng qua khúc đó coi như sẽ bình an”.

Trích bài hát: Em có về Quảng Trị với anh ko?

PTV: Quý vị và các bạn thân mến! Vốn là một người tinh tế và nhạy , các sáng tác của Diệu Ái đều lấy chất liệu từ hiện thực của cuộc sống hằng ngày..Là những câu chuyện vô cùng gầng gũi và bình dị nhưng để lại trong long người đọc nhiều xúc cảm và suy nghĩ.  Phần cuối của chương trình, xin giới thiệu cùng Quý thính giả tản văn: Những thanh âm buổi sớm của nhà văn trẻ Diệu Ái.

 Không biết thanh âm đầu tiên của buổi sớm trong ngày, bạn nghe được là gì?

Là thanh âm của tiếng còi xe khi bạn thức dậy giữa phố phường nhộn nhịp. Tiếng sắp xếp bàn ghế từ ngôi quán nhỏ bên vỉa hè làm nên rôm rả, tất bật. Hồi ở phố, bao giờ mình cũng thức giấc bởi tiếng chuyện trò của đôi vợ chồng bán mì quảng đầu ngõ. Thể nào chú cũng hỏi cô, tối qua má bây ngủ được không, nằm mơ gì mà nói mớ thấy ớn. Nằm trong chăn, nghe cuộc chuyện trò nhỏ dần, mình hình dung những buổi sớm của vợ chồng họ bao năm qua đều êm đềm vậy.

Chuyển trọ đôi lần, nhiều sớm ở phố đã dậy bởi tiếng ì xèo quanh xóm lao động. Ai nấy tất bật tới lui, chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Lúc ấy còn đi học, đã chẳng ngờ mai mốt đi làm, mình đâu có cơ hội nằm nín lặng vài phút giây để yên ả nghe đời lăn nhịp. Sự lấn bấn của người trưởng thành và kẻ non nớt trong vài ba buổi sớm chần chừ thức giấc hóa ra khác nhau từ trách nhiệm.

Bồi hồi khi nhớ những sớm hồi con nít đã thức giấc ở quê bởi tiếng người í ới gọi nhau ra đồng. Mình nằm im để nghe thêm vài ba tiếng gà gáy lanh lảnh sau vườn và âm thanh xào xạc của đám cây lá cọ vào nhau, hạt sương chậm rãi rớt rơi lộp bộp. Nghe tiếng chim líu ríu chuyền cành, bầy gà thong thả nhặt cơm nguội, tiếng cơm sôi và lửa reo lách tách từ căn bếp của nội. Nhớ nhất là tiếng dép lẹt xẹt khi nội quét sân rồi nhổ phẹc bã trầu xuống đất. Tất cả thanh âm có nội đều nằm trong ký ức nên sau này có về quê, những sớm thức dậy bao giờ cũng thiếu vắng quá nhiều.

Ám ảnh nhất là vài lần tỉnh giấc ở bệnh viện. Bạn phải nghe tiếng người ta đau đớn la hét, tiếng người nhà khóc than khi một ca bệnh nào đó không thể cứu vãn. Chứng kiến cảnh đó chẳng ai mong chờ nên đôi lần loay hoay giữa bao mong cầu của cuộc sống, phân vân giữa ranh giới bình yên hay bon chen như người ta, mình đã luôn mong đánh đổi tất thảy lấy bình an hiện diện. An từ giấc ngủ tròn trịa của cha mẹ và các em để sớm ra nghe người nhà mình hồ hởi bắt đầu ngày mới ngay tại nhà mình.

Những người trẻ thỉnh thoảng vẫn thèm “thức dậy ở một nơi xa” - cụm từ vẫn thường được dùng mỗi khi bạn chụp ảnh sáng sớm ở đâu đó khác nơi hằng sống. Thói quen khi mệt mỏi, bạn xách đồ lên và đi an trú nơi lạ xa vài ngày, hít thở không khí và ngắm nhìn cảnh sắc, rời xa chốn quen thuộc để tâm mình tĩnh tại. Thức giấc ở nơi lạ, cảnh bình minh bên ngoài sẽ khác và hẳn nhiên âm thanh cũng khác. Bạn chùng lòng nghĩ suy điều khiến mình trăn trở bấy lâu, cố gác lại những nỗi lòng không đáng có. Đôi người đi rồi về lại càng buồn và hẫng hụt hơn bởi bản thân chưa thoát được nỗi buồn hiện tại. Thế nên, dù thức giấc ở đâu, mình cố đừng đeo mang nỗi buồn hôm qua để trút thảy vào hôm nay.

Trong những chuyến đi và bao buổi thức dậy của mình, cảm giác thức giấc ở phố núi mộng mơ, khi nhìn ra cửa sổ thấy sương mờ đặc, tiếng bồ câu rúc rích bên chuồng, mình đã nghĩ đó là những sớm bình yên quý giá. Cho đến buổi về nhà, sớm đầu tiên thức dậy bởi tiếng gọi của mẹ, bật cười nhận ra, đây mới là sớm bình yên và thanh âm bình yên nhất.

Ở mỗi thời điểm trong đời, hẳn nhiên, bạn sẽ thức dậy ở vài nơi khác nhau để nghe vô vàn thanh âm tiếng lạ. Thật khó để chọn lựa đong đếm xem thử giây phút nào mình thức giấc bởi thanh âm đáng nhớ nhất. Cho đến bữa bạn trở giấc bởi tiếng kèn đám ma tiễn đưa một người trong xóm vừa xong nhiệm vụ nhân gian để rời đi sớm, bạn mới thấy trân quý những buổi sáng rất đỗi bình thường khác.

Nên chi, chỉ mong mỗi chúng ta, sớm thức giấc sẽ nghe thật nhiều âm thanh bình thường, không hằn học, cãi cọ, không đớn đau, buồn bã, không mất mát, bi thương. Những buổi sớm sẽ trong veo bởi mưa nắng thường nhật quanh mình cùng vài tiếng nói lạ quen hay tiếng người thương vẫn còn say ngủ. Dù náo động hay yên ả, đó là những thanh âm bình yên đáng giá bởi chúng mình đã được sống, được hiện diện và yêu thương đủ đầy...

Trích bài hát: Chào ngày mới

PTV: Chào cuối

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Cao Thị Ánh Tuyết 17/06/2021 15:54 Cao Thị Ánh Tuyết 17/06/2021 15:54

Các sản phẩm khác

Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà