DT&MN Phát huy sức trẻ vùng miền núi Vĩnh Linh
Danh mục
Tạp chí Dân tộc và miền núi
NỘI DUNG

Tạp chí DT&MN ( CN, 4/7/2021)

Dẫn 1: Kính chào đồng bào và các bạn! Đồng bào và các bạn đang theo dõi tạp chí dân tộc của Đài PTTH Quảng Trị. Chương trình hôm nay, chúng tôi xin gửi đến đồng bào và các bạn phóng sự: Đồng hành cùng thanh niên Vĩnh Linh trong phát triển kinh tế, tiếp đó là phóng sự Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 giúp dân phát triển sản xuất và mô hình mái ấm biên cương thắm tình quân dân trên tuyến biên giới Việt Lào. Cuối chương trình là ghi nhận về lớp học bơi miễn phí cho học sinh ở xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh. Bây giờ là nội dung chi tiết của chương trình, mời đồng bào và các bạn cùng theo dõi.

 

PS1: Đồng hành cùng thanh niên Vĩnh Linh phát triển kinh tế

Dẫn 2:Những năm trở lại đây, phong trào “thanh niên lập thân, lập nghiệp”, gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh hưởng ứng tích cực. Bằng ý chí và nghị lực, nhiều thanh niên người đồng bào Pa Cô, Vân Kiều đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao, góp phần vào hành trình giảm nghèo cũng như xây dựng bộ mặt nông thôn miền núi ở Vĩnh Linh

Tận dụng quỹ đất vùng gò đồi của gia đình và thuê thêm diện tích mặt nước của xã, đầu năm 2020, anh Hồ Văn Thân ở thôn Xung Phong, xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh đã xây dựng mô hình gia trại của mình với chăn nuôi dê, nuôi gà, vịt và thả cá. Là một người trẻ, năng động nên anh Thân đã không ngừng học tập, tìm tòi thêm nhiều thông tin trong việc chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh để đàn vật nuôi của gia đình phát triển hiệu quả. Đến nay, gia đình anh có hơn 10 con dê, diện tích mặt hồ nuôi cá trắm, cá chép, cá rô phi…cuối năm cũng mang lại nguồn thu đáng kể. Khó khăn đặt ra đối với những đoàn viên thanh niên trẻ như anh Thân là thiếu nguồn vốn để đầu tư và mở rộng quy mô kinh tế của gia đình.

Anh Hồ Văn Thân

Thôn Xung Phong, Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Bây giờ mô hình kinh tế của tôi cũng đã bắt đầu ổn định, tôi rất mong được tiếp cận về nguồn vốn ưu đãi qua các kênh để mở rộng sản xuất, mua thêm con giống như bò, lợn để phát triển hơn nữa mô hình kinh tế của mình. Bên cạnh đó tôi cũng mong muốn tiếp tục tham gia các lớp tập huấn về kỉ thuật để chăm sóc cây trồng, vật nuôi của gia đình mình tốt hơn)

Là một trong những hộ nghèo của xã, những năm trước đây, đời sống của gia đình anh Hồ Văn Linh ở xã Vĩnh Ô luôn thiếu trước, hụt sau trong bữa cơm hàng ngày cũng như trong việc học hành của con cái. Thấy được thực tế này, Đoàn thanh niên xã đã vận động, giúp đỡ anh Hồ Văn Linh tham gia vào các hoạt động của đoàn, hỗ trợ về kỉ thuật và tiếp cận nguồn vốn vay để anh Linh đầu tư nuôi dê, bò. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đàn vật nuôi của gia đình anh ngày một tăng lên. Bên cạnh đó, anh còn thuê đất để phát triển thêm cao su và trồng tràm, hàng năm, sau khi trang trải các chi phí, mô hình của anh cho thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng. Đây thực sự là đòn bẩy để đoàn viên thanh niên tự tin, thực hiện khát vọng làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình.

Anh Hồ Văn Linh

Xã Vĩnh Ô, Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đoàn thanh niên nên tôi đã mạnh dạn hơn trong phát triển các mô hình kinh tế để cải thiện đời sống của mình. Ở đây chăn nuôi dê, bò khá thuận lợi, mình chỉ cần chú ý đến vấn đề phòng dịch cho vật nuôi tốt thôi. Bây giờ kinh tế của gia đình tôi đã khá lên nhiều, mỗi ngày bán mủ cao su được 250 ngàn đồng, có việc gì cần thiết tôi có thể bán một con dê hay một con bò để trang trải)

Anh Hồ Văn Ngãi

Bí thư Xã đoàn Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị

(Đoàn thanh niên xã Vĩnh Khê sẽ tiếp tục tuyên truyền đoàn viên thanh niên chú trọng vào phong trào lập thân, lập nghiệp. Trong các hội nghị đoàn cũng lồng chép các lớp tập huấn như chăn nuôi gà, nuôi lợn để cho thanh niên trên địa bàn có thêm kiến thức, quản lý tốt đàn vật nuôi, để có  nguồn thu nhập ổn định, phát triển cho bản thân và gia đình mình)

Xác định lập thân, lập nghiệp luôn là nhiệm vụ quan trọng của thanh niên, tuy nhiên, với một địa phương còn nhiều khó khăn như Vĩnh Khê, đây là một thử thách lớn đối với nhiều đoàn viên. Tháo gỡ nút thắt này, nhiều năm qua, các hoạt động đồng hành cùng đoàn viên thanh niên trong phát triển kinh tế luôn được đoàn thanh niên xã xem trọng. Xã đoàn đã tìm kiếm, kết nối những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vốn giúp thanh niên phát triển kinh tế, từ đó đoàn viên, thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp.

Chị Hồ Thị Được là một trong những bí thư chi đoàn thôn năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế, được mọi người yêu mến và học tập. Với phương châm, lấy kết quả từ việc mình làm để thuyết phục mọi người, mình phải làm thật tốt để đoàn viên thanh niên noi theo, nên sau khi vay nguồn vốn từ ngân hàng chính sách, chị Được đã đầu tư để phát triển chăn nuôi lợn, cây cao su và trồng rừng. Sau hơn 5 năm triển khai, mô hình chị Được đã mang lại thu nhập khá, trở thành mô hình điểm để các đoàn viên, thanh niên học tập.

Chị Hồ Thị Được

Xã Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Để mọi người nghe theo mình thì trước hết mình phải làm tốt, mọi người nhìn vào kết quả của mình rồi làm theo. Bên cạnh đó, nếu anh chị em nào chưa hiểu, hoặc mới lập nghiệp thì mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, để cho đoàn viên thanh niên phát huy tốt vai trò xung kích của mình, trở thành trụ cột kinh tế của gia đình, chăm lo cho đời sống của mình tốt hơn)

Chị Hồ Thị Dần

Xã Vĩnh Khê, Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Từ mô hình của chị Được, đoàn viên thanh niên trong thôn mạnh dạn học hỏi để phát triển các trang trại, gia trại của mình. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của các mô hình chúng tôi mong muốn được tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận về khoa học kỉ thuật để về áp dụng vào mô hình của gia đình mình, để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa)

Những năm trở lại đây, phong trào “thanh niên lập thân, lập nghiệp”, gắn với xây dựng nông thôn mới được các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện Vĩnh Linh hưởng ứng tích cực. Bằng ý chí và nghị lực, nhiều thanh niên đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao, góp phần vào hành trình giảm nghèo cũng như xây dựng bộ mặt nông thôn miền núi ở Vĩnh Linh.

Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đông đảo thanh niên, huyện đoàn Vĩnh Linh đã tiến hành khảo sát thực trạng nhu cầu của thanh niên tại địa phương và đứng ra ủy thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế. Các cơ sở Đoàn phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương xã, thôn, bản, hướng dẫn các hộ thanh niên lập hồ sơ vay vốn, bình chọn những hộ thanh niên có các điều kiện để sử dụng và quản lý tốt nguồn vốn; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho thanh niên, hướng dẫn xây dựng đề án cụ thể, phù hợp từng địa phương để các hộ thanh niên căn cứ lập kế hoạch xây dựng trang trại, phát triển kinh tế. Đến nay, Đoàn Thanh niên huyện quản lý 1.825 hộ vay, thông qua 53 tổ tiết kiệm vay vốn tại 22 xã thị trấn, với tổng nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội trên 75 tỷ đồng. Phối hợp hỗ trợ giải ngân 10 mô hình kinh tế cho thanh niên khởi nghiệp, trị giá 500 triệu đồng trong tháng thanh niên.

Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê là một trong những xã khó khăn của huyện Vĩnh Linh, trong đó, số con em đồng bào dân tộc thiểu số (Vân Kiều, Pa Cô) chiếm tỉ lệ cao. Về cơ bản, thanh niên có ý thức vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo. Thời gian qua, với chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sự khích lệ của nhân dân, tuổi trẻ Quảng Trị nói chung và đoàn viên, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang lao động sản xuất, biến những dự định, hoài bão thành hiện thực phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng cuộc sống ấm no.

Chị Trần Thị Thu

Bí thư huyện đoàn Vĩnh Linh, Quảng Trị

( Thời gian tới, huyện đoàn Vĩnh Linh sẽ phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là với ngân hang chính sách huyện để hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi giúp đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế, đồng thời chúng tôi cũng tích cực thông qua các kênh như nguồn vốn vay khuyến nông để hỗ trợ thanh niên trong việc thực hiện các mô hình kinh tế. Hy vọng rằng, sau một thời gian triển khai thì đối với thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có những mô hình, những cách làm hay, xuất hiện nhiều thanh niên điển hình trong việc phát triển kinh tế, giúp cho các bạn trẻ có điều kiện để lập nghiệp tốt trên quê hương Vĩnh Linh)

Không ai có thể thay thế mỗi thanh niên trong việc làm chủ bản thân, vươn lên lập thân, lập nghiệp, nhưng trong quá trình này, cùng với chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đã ban hành đối với thanh niên, rất cần có sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng và các đoàn thể để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách vào cuộc sống. Theo đó, bằng các chương trình, các hoạt động cụ thể nâng cao nhận thức, năng lực để tuổi trẻ khởi nghiệp; huy động nguồn lực xã hội để tổ chức hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho tuổi trẻ... Làm sao để cả xã hội và gia đình cùng chung sức tạo hành lang, làm “bà đỡ” giúp tuổi trẻ sống đẹp, cống hiến cho cộng đồng và gia đình, xã hội.

 

Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 giúp dân phát triển kinh tế

Dẫn 3:Thưa đồng bào và các bạn! Đợt mưa lũ cuối năm 2020 khiến cho hệ thống kênh mương dẫn nước trên địa bàn xã Hướng Sơn, Hướng Phùng… huyện Hướng Hóa bị hư hỏng nặng, làm ảnh hưởng đến việc triển khai sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Để khắc phục tình trạng này, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã huy động gần 500 ngày công để giúp người dân các xã Hướng Phùng và Hướng Sơn nạo vét kênh mương, dẫn nước phục vụ sản xuất.

Do tình trạng khô hạn kéo dài và hệ thống kênh mương bị hư hỏng nặng chưa khắc phục được nên hơn 2 sào ruộng nước của gia đình chị Hồ Thị Din ở xã Hướng Sơn đứng trước nguy cơ phải bỏ vụ, không làm vụ hè thu đồng nghĩa với việc gia đình chị Din sẽ thiếu cái ăn và không có tiền để trang trải cho những việc khác. Rất may, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã nắm bắt tình hình của người dân, chủ động giúp dân khắc phục đất ruộng bị vùi lấp, để người dân tiếp tục sản xuất, đảm bảo cho đời sống của gia đình.

Chị Hồ Thị Din

Thôn Pin, Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị

(Cảm ơn bộ đội Đoàn Kinh tế 337 đã về thôn Pin giúp bà con nông dân làm ruộng và làm đường, bà con cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng, biết ơn cán bộ chiến sỹ đoàn kinh tế quốc phòng 337 đã giúp đỡ người dân rất nhiều)

Ông Lê Trọng Tường.

Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị

( Đối với Đoàn kinh tế quốc phòng 337, đơn vị của quân khu IV, đóng chân trên địa bàn của 5 xã, thời gian qua Đoàn kinh tế quốc phòng 337 đã đầu tư, hỗ trợ cho bà con nhân dân trên địa bàn xã Hướng Sơn rất nhiều công trình như thủy lợi, đường giao thông cũng như một số mô hình sản xuất kinh tế, phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong đợt mưa lũ năm 2020, trên địa bàn xã Hướng Sơn bị thiệt hại rất lớn về giao thông, thủy lợi và một diện tích lúa nước bị cuốn trôi và vùi lấp, rất khó phục hóa. Thấy được khó khăn này Đoàn kinh tế quốc phòng 337 đã khai hoang, hỗ trợ cho bà con nhân dân xã Hướng Sơn một diện tích khá lớn, góp phần giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống)

Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, một số diện tích đất ruộng của người dân không canh tác được, phải bỏ hoang. Để ổn định sản xuất, đảm bảo đời sống cho người dân, UBND các xã đã có kế hoạch chuyển đổi diện tích cây trồng thường niên sang trồng một số cây chịu hạn như sắn, ngô, đậu… tuy nhiên, thiếu nguồn nước tưới dài ngày khiến cho hơn 30 ha diện tích sản xuất hè thu ở xã Hướng Việt có nguy cơ bị mất trắng, ảnh hướng rất lớn đến đời sống của bà con.

Tại xã Hướng Sơn, đất đá cũng vùi lấp nhiều diện tích cây màu và cây lương thực của bà con. Tuy nhiên, với sự giúp sức, hỗ trợ từ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 nên khó khăn của bà con nơi đây từng bước được khắc phục. Với sự nỗ lực cao, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã cùng với người dân làm đất, đắp bờ, dẫn nước tưới về cho hơn 3,9 ha ruộng lúa của người dân thôn Nguồn Rào Pin. Tại thôn Xa Ry, cán bộ, chiến sĩ đã tổ chức làm cỏ, vun gốc cho hơn 10,5 ha cây dong riềng. Bên cạnh các hoạt động kể trên, cán bộ, chiến sĩ đoàn còn hướng dẫn người dân cách gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa nước và cây dong riềng.

Đồng chí Thượng tá Kiều Thanh Hải

Phó đoàn trưởng Đoàn 337 - Quân Khu 4

(Trong nhiều năm qua, Đoàn kinh tế quốc phòng 337 đã giúp dân trên 5 xã vùng dự án thực hiện nhiều chương trình, nhiều mô hình để phát triển kinh tế xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo, đặc biệt sau đợt lũ lụt năm 2020, diện tích lúa nước của các xã như Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập đã bị lũ cuốn trôi. Trước tình hình như vậy, chúng tôi đã cùng với nhân dân, chính quyền các cấp tập trung khai hoang các ruộng lúa để đảm bảo đất canh tác cho nhân dân, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã huy động gần 500 ngày công để giúp người dân các xã Hướng Phùng và Hướng Sơn. Qua đó hỗ trợ người dân trên địa bàn mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, góp phần làm bền chặt hơn nghĩa tình quân dân ở khu vực biên giới.

*****

 Mái ấm biên cương - thắm tình quân dân

Dẫn 4: Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đặc biệt, bằng nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ và vận động quyên góp từ bên ngoài, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây tặng nhiều công trình “Mái ấm biên cương” cho hộ nghèo và gia đình chính sách trên tuyến biên giới Việt – Lào.

Đây là gia đình anh Hồ Văn Phim, ở thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông. Năm 2015, vợ chồng anh Phim vay ngân hàng chính sách xã hội 45 triệu đồng để chăn nuôi, nhưng do dịch bệnh nên 9 con lợn và 2 con bò bị chết, gia đình rơi vào tình trạng nợ nần. Thời điểm đó, vợ anh Phim lại đau ốm thường xuyên, 3 đứa con thì còn nhỏ, cả gia đình sống chủ yếu nhờ vào 0,5ha sắn và ngô. Được sự quan tâm hỗ trợ của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế  La Lay đã xây tặng gia đình anh ngôi nhà với kinh phí 100 triệu đồng. Trong đó, 60 triệu động trích từ nguồn quỹ “Mái ấm biên cương” do Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ, còn lại do cán bộ chiến sĩ Đồn đóng góp. Gia đình neo người, vợ con lại hay đau ốm, nên việc xây dựng nhà chỉ một mình anh Phim gánh vác. Thấy vậy, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay thay phiên nhau đến hỗ trợ ngày công giúp gia đình anh Phim sớm hoàn thành ngôi nhà.

Anh Hồ Văn Phim, thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông

( Được sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng làm cho một căn nhà để ở, sau này đỡ mưa, đỡ nắng nên tôi rất vui mừng, cám ơn các anh nhiều)

Thiếu tá Lê Xuân Trường, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng CKQT La Lay

( Từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể cũng như các nhà hảo tâm, đã xây dựng được 22 nhà mái ấm biên cương trên địa bàn 2 xã A Ngo và A Bung. Năm 2020, chúng tôi làm 2 nhà mái ấm biên cương có nguồn từ Bộ chỉ huy Biên phòng kết hợp với nhóm thiện nguyện chia sẻ thực hiện)

    Còn đây là căn nhà của bà Hồ Thị Mun, ở thôn Ba Nang, xã Ba Nang, huyện Đakrông. Là hộ già cả, neo đơn, không có điều kiện làm nhà ở. Thông qua chương trình “Mái ấm biên cương”, Đồn Biên phòng Ba Nang đã vận động quyên góp xây tặng cho bà Mun căn nhà trị giá hơn 60 triệu đồng. Diện tích không lớn nhưng căn nhà rất chắc chắn và khá khang trang. Đối với bà Mun, căn nhà mới là cả niềm mơ ước suốt mấy chục năm nay.

Chương trình “Mái ấm biên cương” được BĐBP tỉnh Quảng Trị triển khai từ năm 2009. Hơn 10 năm qua, đã xây dựng được 175 ngôi nhà cùng 50 công trình dân sinh với trị giá hơn 12 tỉ đồng. Chỉ tính riêng năm 2021, được sự ủng hộ của nhóm thiện nguyện “Chia sẻ - Sharing” xây dựng 24 căn nhà “Mái ấm biên cương” và 1 công trình dân sinh với tổng giá trị 1,65 tỉ đồng. Cùng với đó, những năm qua, BĐBP tỉnh luôn nỗ lực đồng hành với người dân tuyến biên giới ổn định đời sống, phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo.

Đại tá Ngô Xuân Thường, Phó Chính ủy BĐBP Quảng Trị

( Ngoài việc huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị, Bộ đội Biên phòng bằng sự tiết kiệm của các đơn vị, của các cán bộ chiến sỹ đóng góp thêm cho các gia đình, đặc biệt chúng tôi luôn động viên các chiến sỹ tranh thủ thời gian và điều kiện của mình để hỗ trợ thêm ngày công, hỗ trợ thêm vật chất, những cái mà những đơn vị có thể khắc phục được để nâng cao chất lượng ngôi nhà) 

Hiện tại, nhu cầu nhà ở đối với gia đình chính sách, người nghèo trên tuyến biên giới Việt-Lào còn tương đối nhiều. Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động xã hội nói chung hướng về những khu vực khó khăn này, BĐBP Quảng Trị đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực trong công tác vận động, hỗ trợ xây dựng các công trình “Mái ấm biên cương” để giúp đồng bào nơi đây có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mỗi một “mái ấm” mà lực lượng BĐBP Quảng Trị dựng nên là một “viên gạch” xây mối tình quân dân bền chặt nơi biên cương. Việc làm nhân văn của họ đã tô thắm thêm hình ảnh trân quý của “Bộ đội cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

 

******

Dẫn 5: Thưa đồng bào và các bạn! Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, tại tỉnh Quảng Trị đã xảy ra 4 vụ tai nạn đuối nước để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình, nạn nhân đa phần là học sinh tiểu học. Một trong những nguyên nhân gây ra đuối nước là do trẻ không được trang bị các kỉ năng cần thiết để bảo vệ bản thân, sự chủ quan của các bậc phụ huynh trong việc quản lí, giáo dục con em mình; đặc biệt do điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều khu vực không đáp ứng đủ yêu cầu để các em có thể học bơi an toàn, nhất là ở khu vực miền núi. Khắc phục điều này, đoàn thanh niên xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh đã nảy ra ý tưởng tận dụng những con suối tự nhiên ở địa phương để thiết kế lại thành khu vực dạy bơi miễn phí cho các em học sinh.

Tận dụng con suối trên địa bàn, các đoàn viên thanh niên xã Vĩnh Hà đã thiết kế thành bể bơi tự nhiên. Bể bơi khá đơn giản, được tạo thành từ những vật liệu sẵn có và dễ kiếm như tre, luồng, can nhựa to và xốp. Để an toàn cho các em nhỏ khi học bơi, bể bơi được chia thành 4 ô, mỗi ô dài 15 m để dạy bơi theo từng độ tuổi, tùy theo độ nong, sâu của dòng suối. Các em sẽ được các thầy giáo có chuyên môn hướng dẫn kiến thức về bơi lội, kỹ thuật bơi cơ bản để phòng ngừa đuối nước, cách nhận biết vùng nước nguy hiểm, cách cứu người đuối nước, các kỹ năng sơ cứu đuối nước. Hiện tại, xã đoàn đã triển khai được 2 lớp bơi miễn phí với trên 50 em đăng ký theo học.

Em Nguyễn Thảo My

Trường THCS&THPT Bến Quan, Vĩnh Linh, Quảng TRị

(Quê hương cháu có nhiều sông suối, năm vừa rồi có lũ lụt nên có một số bạn không may bị thương tích. Năm nay được thầy giáo và các anh chị đoàn viên, thanh niên tổ chức lớp học bơi miễn phí nên cháu cũng muốn tham gia để có thêm những kỉ năng về bơi lội, tránh các tai nạn thương tích)

Bà Nguyễn Thị Thanh

Xã Vĩnh Hà, Vĩnh Linh, Quảng Trị

(Chúng tôi rất vui mừng khi các đoàn viên thanh niên tổ chức dạy bơi miễn phí cho các cháu, để hỗ trợ cho các cháu có kỉ năng sống và tự bảo vệ bản thân)

Thiếu sân chơi trong dịp hè nên trẻ em ở các xã miền núi như Vĩnh Hà, Vĩnh Khê rất rất thiệt thòi, các em không có các điểm vui chơi nên thường đi lêu lõng, nhiều học sinh lựa chọn cho mình những trò chơi nguy hiểm quanh sông, suối, ao hồ, nương rẫy…tiềm ẩn nguy cơ đuối nước và tai nạn thương tích rất cao, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh covid 19 có những diễn biên phức tạp như hiện nay, khiên các bậc phụ huynh lo lắng. Vì vậy khi được học bơi, được tìm hiểu thêm về các tình huống để tránh tai nạn thương tích, phụ huynh và học sinh ở đây rất mừng. Sau gần một tháng triển khai, đến nay các em đã biết bơi, có thêm kỉ năng phòng tránh đuối nước, tai nạn thương tích và cứu người khi cần thiết.

Anh Đỗ Văn Chiến

Bí thư Xã Đoàn Vĩnh Hà, Vĩnh Linh, Quảng Trị

(Ban thường vụ Đoàn xã đã làm kế hoạch triển khai mở lớp dạy bơi, qua đó nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về kinh phí cũng như sự hỗ trợ của huyện đoàn Vĩnh Linh về hỗ trợ áo phao để tổ chức lớp học trong dịp hè cho các em. Ngoài hoạt động dạy bơi miễn phí cho các em trên địa bàn xã, Ban thường vụ Đoàn xã cũng đang phối hợp với trường tiểu học Vĩnh Hà tổ chức các lớp dạy thêm vào cuối tuần hoặc buổi tối, giúp cho các em có được hành trang tốt nhất khi bước vào năm học mới ở cấp tiểu học)

Chị Võ Thị Hằng

Phó Bí thư huyện đoàn Vĩnh Linh, Quảng Trị

(Chúng tôi mong muốn vào dịp hè này thì các em sẽ phát huy được cái sở trường, năng khiếu của mình, được trang bị thêm nhiểu kỉ năng sống, nhất là phòng tránh tai nạn thương tích, phòng tránh đuối nước để các em tự bảo vệ bản thân, qua đó tạo nên những sân chơi lành mạnh, giúp các em có được một mùa hè an toàn, bổ ích, trong dịp hè phòng chống dịch bệnh covid)

Thực tế cho thấy, mặc dù các nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền và tổ chức dạy bơi cho học sinh, tuy nhiên con số học sinh bị đuối nước vẫn tiếp tục gia tăng. Tại Quảng Trị, ngành giáo dục cũng đã phối hợp với sở VHTT&DL, swim Việt Nam tổ chức chương trình bơi an toàn, phóng chống đối nước đối với trẻ  em. Sau 4 năm thực hiện, đã có được 17 trường xây dựng được bể bơi, gần 500.000 lượt học sinh tham gia học bơi, tỷ lệ học sinh biết bơi ở bậc tiểu học đạt gần 70%, THCS  hơn 56%, THPT gần 85%. Hơn 100.000 lượt học sinh được học kiến thức, kỉ năng phòng, chống tai nạn đuối nước. Tuy nhiên để hạn chế tình trạng đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em trong dịp hè, cần có sự quan tâm, phối hợp thường xuyên giữa phụ huynh và nhà trường để quản lý con em mình, trách xãy ra những hậu quả đáng tiếc.

Chào kết.

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Đỗ Hoài Đức 02/07/2021 07:47 Đỗ Hoài Đức 02/07/2021 07:47
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà