Phụ nữ và cuộc sống
Danh mục
Phụ nữ và cuộc sống
NỘI DUNG

Chuyên mục phụ nữ và cuộc sống 11/9

MC1: Kính chào QV & các bạn thính giả đang nghe chương trình phụ nữ và cuộc sống của Đài PTTH Quảng Trị.

MC2: Quý vị và các bạn thân mến! Dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện của con người, giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao thể trạng và đẩy lùi bệnh tật. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực là rất cần thiết để tăng sức đề kháng với mỗi người.

MC1: Và người phụ nữ luôn đảm nhận việc quán xuyến, chăm lo từng bữa cơm, sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Trong tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, chị em phụ nữ lại càng phải quan tâm và chú trọng hơn đến việc chăm lo sức khỏe cho cả gia đình. Đây cũng sẽ là nội dung chính của chuyên mục phụ nữ và cuộc sống ngày hôm nay, mời QV & các bạn cùng nghe.

Nhạc cắt

MC2: Thưa Qv & các bạn! Đợt dịch thứ 4 là đợt dịch dài nhất từ trước đến nay trên cả nước. Và tỉnh Quảng Trị chúng ta trong thời gian qua cũng đã xuất hiện 1 số ca mắc Covid 19 ở trong cộng đồng, một số địa điểm đang phong tỏa tạm thời, toàn tỉnh thực hiện chỉ thị 15, người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Khi thời gian dịch bệnh càng kéo dài thì các vấn đề về sức khỏe và tâm lý của người dân khi ở nhà càng đáng báo động. 

MC1: Nếu như trước đây chị em phụ nữ có thể đi chợ hàng ngày, mua những thực phẩm tươi ngon nhất để lo cho cả gia đình thì bây giờ mọi hoạt động đều đã thay đổi. Đa phần chị em phụ nữ đều mua và tích trữ thực phẩm để dùng dần thay vì đi chợ hàng ngày, đặc biệt để nâng cao sức đề kháng cho cả gia đình trước dịch bệnh thì lại càng được chị em phụ nữ quan tâm. Chị Hoàng Hoa chia sẻ:

Băng ghi âm: Trước đây tôi rất thích đi chợ hàng ngày để mua được thực phẩm tươi ngon cho gia đình mình. Bây giờ phải tích trữ thực phẩm dùng cho nhiều ngày thực sự là cũng bất tiện, nhưng vì tình hình chung nên cả gia đình đều chấp hành tốt các quy định, hạn chế tụ tập và đến những nơi đông người. Cũng vì bản tính lo xa, nên tôi cũng mua thêm được cam, chanh, vitamin C để bổ sung thêm cho cả gia đình, mong rằng cả nhà và tất cả mọi người sẽ an toàn đi qua dịch bệnh.

MC2: Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh việc tiêm vắc xin thì thực hiện ăn uống, nghỉ ngơi đúng cách cũng vô cùng quan trọng trong việc tạo một hệ miễn dịch vững chắc. Trước đại dịch, người dân vẫn thường xuyên ra đường để làm việc, cơ thể luôn vận động, cần cung cấp nhiều năng lượng từ nhóm chất protein là chủ yếu. Nhưng hiện nay phần lớn người dân làm việc tại nhà, kể cả trẻ nhỏ và người già cũng hạn chế hoạt động. Đặc biệt trước tình hình diễn biến phức tạp, tại các gia đình có con nhỏ thì các mẹ càng cần phải lưu ý đến các biện pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em một cách hiệu quả ngay tại nhà.

MC1: Để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm Corona (COVID-19), chăm sóc trẻ em tốt hơn, ba mẹ cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh. Nơi sinh hoạt của các bé phải được tiệt trùng, lau chùi thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều mẹ cũng chú trọng hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc bề mặt bằng cách vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của bé, những vị trí nhiều người chạm vào như tay nắm cửa, nên dùng chất cồn hoặc dung dịch kháng khuẩn để loại bỏ tối đa các loại virus, vi khuẩn bám vào. Đồng thời, giữ vệ sinh cá nhân cũng là một biện pháp quan trọng để chăm sóc trẻ em hiệu quả. Đối với những trẻ lớn hơn, ba mẹ cần làm gương và xây dựng cho bé thói quen rửa tay sau khi ra ngoài chơi hoặc đi từ ngoài về, trước và sau khi ăn. Có thể cho bé súc miệng bằng nước muối hoặc các loại nước súc miệng chuyên dùng để làm sạch cổ họng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý giữ ấm cho trẻ. Mỗi khi thời tiết chuyển lạnh, ba mẹ chú ý luôn để bé ăn mặc đủ ấm, đi tất, gang tay, quàng khăn và đặc biệt là đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài. Chị Ngọc Nga ở TP Đông Hà chia sẻ thêm:

Băng ghi âm: Khi bắt đầu xuất hiện dịch tôi đã hướng dẫn các con cách rửa tay theo hướng dẫn của y tế, trước đây các cháu đi ra đường đều không thích đeo khẩu trang nhất là cháu nhỏ nhưng tôi đã giải thích, cho các con xem những clip minh họa để các con hiểu hơn về việc phải tự bảo vệ bản thân, bây giờ cả gia đình đã hình thành nên một nếp sinh hoạt mới: Mang khẩu trang khi đi ra ngoài, rửa tay thường xuyên và đúng cách, súc họng nước muối đều đặn hàng ngày… có lẽ sau khi hết dịch thì những thói quen này vẫn được duy trì vì chúng tôi nhận ra các thói quen này rất tốt cho sức khỏe.

MC2: Trong mùa dịch, các mầm bệnh có thể xuất hiện ở mọi nơi kể cả bề mặt thực phẩm, vì thế chúng ta nên ăn chín uống sôi, cần thiết hãy tráng nước sôi đồ dùng trước khi ăn uống. Hạn chế tối đa các món chiên, nướng vì những loại thực phẩm này có thể gây suy yếu hệ thống miễn dịch và tích tụ các mầm bệnh. Đặc biệt, cần hạn chế áp dụng các phương pháp giảm cân, detox thanh lọc cơ thể, khiến cơ thể thiếu hụt dưỡng chất. Khi không ăn uống đầy đủ và đúng cách, hệ miễn dịch cơ thể rất dễ bị phá vỡ khiến cho mầm bệnh dễ xâm nhập. Tìm các hình thức vận động thay thế khi không thể đến các phòng tập hay chạy bộ ngoài trời mùa dịch. Yoga hay thiền là các thể loại tập luyện nhẹ nhàng phù hợp ở nhà được khuyến cáo giúp cơ thể giảm căng thẳng và tập trung hơn trong công việc.

Nhạc cắt

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho gia đình có người cách ly y tế tại nhà

          MC1: Thưa QV & các bạn! Hiện nay số lượng gia đình có người cách ly y tế tại nhà trên địa bàn tỉnh Quảng Trị khá nhiều, và với những gia đình có người thân là f2,f3 thì đây là giai đoạn cần bổ sung dinh dưỡng và tăng cường sức khỏe nhất. Sau đây chúng tôi xin cung cấp đến Qv & các bạn các thực đơn được bộ y tế và chuyên gia dinh dưỡng đưa ra để giúp người dân có thêm kinh nghiệm để chăm sóc bản thân và gia đình.

MC2: Chị Thảo Nguyên, thành viên trong gia đình có tới 3/4 người là F2, Vì được cách ly tại nhà nên gia đình chị có thể chủ động trong vấn đề dinh dưỡng, sinh hoạt và rèn luyện thể thao phù hợp với nhu cầu nhất. Cả gia đình chị đều nhắc nhau cố ăn và tập luyện để có năng lượng chống chọi với COVID-19. Chị Thảo Nguyên chia sẻ:

Băng ghi âm: Khi biết thông tin gia đình mình có tiếp xúc với F1 và phải cách ly y tế tại nhà, tôi đã nhờ người thân mua các thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết nhất. Trong đó chú ý đến rau xanh, quả chín, cam, chanh… Tôi cũng mua thêm sả, gừng để xông. Gia đình đã cùng nhau vệ sinh nhà cửa, mở cửa đón nắng và chú ý ăn uống điều độ, tăng cường uống nước chanh và gừng ấm, tập thể dục tại nhà bằng cách nhảy dây, yoga… Giờ đây cả nhà tôi đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng gia đình vẫn duy chế độ sinh dưỡng và sinh hoạt như vậy.

MC1: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh COVID-19 hoặc có tình trạng viêm nhiễm khác đều có nhu cầu dinh dưỡng tăng do tiêu hao nhiều năng lượng, dễ diễn tiến thành suy dinh dưỡng nếu không được chăm sóc dinh dưỡng kịp thời.

Với trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo nếu trẻ đang bú mẹ nên duy trì cho trẻ bú hoặc vắt sữa cho trẻ uống bằng thìa, cho trẻ ăn thường xuyên và mỗi lần một chút nếu trẻ ăn kém. Cho trẻ ăn những món trẻ thích để tránh gây nôn và làm trẻ buồn nôn. Bộ Y tế cho biết dù chưa có nhiều số liệu, nhưng biểu hiện bệnh qua những ca đã gặp cho thấy bệnh ở trẻ em nhẹ hơn so với người lớn.  Với người lớn nếu chưa có biến chứng, không nhất thiết cần chế độ ăn riêng, nhưng quan trọng phải cung cấp đủ năng lượng bởi chế độ ăn liên quan nhiều đến sức khỏe chung của cơ thể và chức năng của hệ miễn dịch.

MC2: TS Vũ Thị Thanh, trưởng phòng dinh dưỡng điều trị Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo nếu bệnh nhân mắc COVID-19 sử dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đúng, hệ miễn dịch của cơ thể đã sản sinh ra đủ kháng thể góp thêm phần tiêu diệt virus.

Nguyên tắc 1 và 2: Gạo, bánh mì, khoai. Tinh bột là nền tảng cung cấp đủ năng lượng cho tế bào của hệ thống miễn dịch. Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng có thể chia làm ba bữa chính như người bình thường. Trung bình bệnh nhân sẽ ăn khoảng 200 - 250gr gạo trong một ngày tùy thể trạng. Ngoài các món chế biến từ gạo như cơm, phở, bún, có thể thay đổi các bữa ăn khoai, bánh mì, miến để đảm bảo ngon miệng.

MC1: Nguyên tắc 3: Ăn nhiều rau. Cần lưu ý ăn các loại rau theo mùa và thường xuyên thay đổi cho đa dạng các loại vitamin. Lượng tiêu thụ thực phẩm này trong ngày khoảng 300 - 350gr, chia ra làm ba bữa. Rau mặc dù không sinh năng lượng nhưng tốt cho quá trình chuyển hóa tạo năng lượng cho tế bào.

Nguyên tắc 4: Là Chế độ ăn của bệnh nhân cần có thêm quả chín sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút hoặc trong các bữa phụ. Với những loại quả có độ ngọt trung bình như dưa hấu có thể ăn khoảng 300 gr/ngày, loại quả ít ngọt hơn như dưa lê, dưa chuột có thể dùng số lượng nhiều hơn, loại quả có hàm lượng đường cao chỉ nên sử dụng khoảng 100 - 120gr như sầu riêng, chuối tiêu...

 Nguyên tắc 5: Chất đạm

Protein có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nên cấu trúc tế bào, một bữa ăn sẽ là không đầy đủ nếu thiếu thành phần này. Protein thực vật có trong cơm, rau, đậu phụ... Protein động vật có trong các loại thịt như thịt bò, thịt heo với định lượng 50 gr/ngày, hải sản hoặc cá khoảng 80 gr/ngày, chia làm ba bữa.

MC2:  Nguyên tắc 6: Chất béo

Để đảm bảo màng tế bào được khỏe mạnh không thể thiếu thành phần này trong bữa ăn. Nếu ăn đồ luộc thì nên bổ sung thêm các loại ngũ cốc như vừng, lạc. Tuy nhiên với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, chuyên gia khuyên sử dụng dầu ăn tốt hơn vì trong dầu ăn có chứa axit béo không no, có tác dụng giảm viêm làm giảm sốt ở bệnh nhân.

 Nguyên tắc 7: Hạn chế đường

Trong chế độ ăn của bệnh nhân mắc COVID-19 cần được bổ sung thêm các loại quả xay và nước ép, có thể cho thêm đường nhưng lượng chỉ ba thìa cà phê (dưới 15 gr/ngày). Nếu không sử dụng đường có thể đổi sang quả ngọt hoặc mật ong.

 Nguyên tắc 8: Hạn chế muối

Muối là thành phần cần phải chú ý không dùng quá liều lượng để không làm tăng gánh nặng tuần hoàn đối với những bệnh nhân có triệu chứng có thể gây ra phù phổi. Lượng muối khuyến cáo trong ngày là dưới 6gr. Bên cạnh muối, người bệnh có thể dùng nước mắm.

Mỗi bữa ăn của bệnh nhân chỉ nên dùng khoảng gần 2gr muối hoặc gần 10ml nước mắm.

MC1:  Nguyên tắc 9: Nước theo khuyến cáo

Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng tiêu chảy, dưới 55 tuổi, lượng nước được khuyến cáo là 40ml/kg cân nặng, còn trên 55 tuổi là 35ml/kg cân nặng. Với những người bệnh có kèm triệu chứng tiêu chảy, ngoài lượng nước khuyến cáo cần phải bù thêm nước.

 Nguyên tắc 10: Sữa cung cấp canxi. Bổ sung sữa vào chế độ ăn hằng ngày giúp người bệnh có đủ canxi và các nguyên tố vi lượng cần thiết hằng ngày. Lượng sữa nên được nạp vào cơ thể khoảng 400ml/ngày.

MC2: Ngoài 10 nguyên tắc thiết yếu, chúng ta cũng cần ăn thêm các loại gia vị: gừng, tỏi, hạt tiêu, nghệ, lá chanh, đinh lăng, tía tô, kinh giới, húng làm gia vị cho bữa ăn và uống thêm trà xanh. Đây là những thực phẩm có các chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng tốt đối với tế bào hệ miễn dịch.

MC1: Quý vị và các bạn thân mến! Chuyên mục phụ nữ và cuộc sống tuần này xin được khép lại tại đây, cảm ơn QV & các bạn đã quan tâm lắng nghe, xin kính chào tạm biệt hà hẹn gặp lại.

Đón nghe:

Dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện của con người, giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao thể trạng và đẩy lùi bệnh tật. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực là rất cần thiết để tăng sức đề kháng với mỗi người. Đây sẽ là nội dung chính của chuyên mục phụ nữ và cuộc sống được phát sóng vào 11h thứ 7 ngày 11/9 trên sóng phát thanh của Đài PTTH Quảng Trị. Mời QV & các bạn đón nghe.

 

 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Như Quỳnh 07/09/2021 10:52 Lê Vĩnh Nhiên 07/09/2021 15:26
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà