Dọc đường VN 8/10
Danh mục
Dọc đường văn nghệ
NỘI DUNG
Lời dẫn : Dọc đường VN 8/10 -Dọc đường văn nghệ (pt): đón nghe ptv nhớ đọc Mời quý thính giả đón nghe ct văn nghệ pt có tên "Dọc đường văn nghệ". Trong ct sắp tới, có nội dung chính là bài viết về tác phẩm văn nghệ về quê hương Quảng Trị mang tên "Nhạc sĩ Phạm Duy tròn 100 năm tuổi" vào ngày 8/10 vào lúc 9h30, được phát lại vào thứ ba 12/10 lúc 9g, ct do pv Xuân Dũng phụ trách, Việt Thanh biên tập và dàn dựng, mời quý vị và các bạn đón nghe. -Thưa quý vị và các bạn ! Mở đầu ct này, chúng ta cùng đến với những trang văn hay về cố đô Huế, bài của Xuân Dũng, mời quý vị và các bạn cùng nghe. -Phần cuối ct, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Phạm Duy, chúng ta cùng đến với bài viết sau của Xuân Nguyên, mời mọi người cùng theo dõi. -(Sau khi đọc xong bài viết, ptv gt: mời quý vị thưởng thức một đoạn bài hát kháng chiến nổi tiếng của Phạm Duy mang tên "Bà mẹ Gio Linh" (cho bài hát) -Qúy thính giả vừa theo dõi ct : dọc đường VN, ct này do Việt Thanh biên tập và dàn dựng, có sự tham gia của...thân ái chào tạm biệt.

Dọc đường VN 8/10

Bài 1:

 

    NHỮNG ÁNG VĂN HAY VỀ CỐ ĐÔ HUẾ.

                                                                                        (Xuân Dũng)

 

   Cũng bằng nỗi niềm văn-triết-sử bất phân, nhà văn-nghệ sĩ Hoàng Phủ Ngọc Tường

 đã nâng niu xứ Huế, quê hương thứ hai của ông bằng bút ký “Sử thi buồn”, đó như một bài thơ văn xuôi nghe gần gụi với một “thánh ca” của người bạn tâm giao Trịnh Công  : “Phúc âm buồn”.

  Tiếp nối tuyệt bút “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, giai phẩm “Sử thi buồn” là một chương thật  quan trọng trong tổng phổ Sông Hương. Bắt đầu bằng một giả định địa chất chất khiến ai nấy rụng rời : "giả sử một ngày nào đó xứ Huế không còn Hương Giang thì mọi sự ra sao", để rồi câu chuyện dẫn dắt người đọc đến những mệnh đề hệ trọng của nhân sinh-văn nghệ. Văn nhân quả thực có con mắt xanh tinh tế trước dòng sông kỳ lạ này : “Sông Hương rất nhạy cảm với ánh sáng, nó thay đổi nhiều lần trong một ngày như hoa phù dung và đôi khi màu nước không biết từ đâu mà có, không giống với màu trời. Đó là một nét động trong cái tĩnh của thành phố, khiến cho dòng sông gây ấn tượng mạnh với những ai từng đánh bạn với nó, giống như màu áo của người bạn gái yêu mến của mình. Sông vẫn thường xanh, nhưng chính màu xanh trở mình sau lũ mới lạ lùng, nắng vàng lạnh, và dòng sông vừa xanh trở  lại hôm qua, màu lục non trẻ trung đến chạnh lòng, như một tình cảm nào thiết tha khôn nguôi trong đời. Cuối hè, Huế thường có những buổi chiều tím, tím cầu, tím áo, cả ly rượu đang uống trên môi mình cũng chuyển sang màu tím; và sông Hương trở thành dòng sông tím sẫm hoang đường như trong tranh siêu thực...”

    Từ chuyện dòng-sông-nghệ-sĩ ngòi bút chấm phá những con- người- nghệ- sĩ. Những áng văn dù ngắn dài khác nhau về chí sĩ Phan Bội Châu, nhà thơ Trần Dần, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nhà văn Phùng Quán hay nhạc sĩ Văn Cao từng duyên nợ với dòng Hương đều khiến người đọc thấm thía cái mỹ vị của ngôn từ và cả những thâm sâu trí tuệ ẩn hiện đằng sau câu chữ.

    Đó là “Ông già Bến Ngự” : “Suốt một đời chọc trời khuấy nước, trở về làm Tô Đông Pha đánh bạn với dòng sông sương mù, Phan Bội Châu tìm thấy ở sông Hương một tâm hồn bè bạn vừa sáng suốt vừa tinh nghịch để chia sẻ với ông những kinh nghiệm lịch sử làm cho triết nhân nheo mắt cười...”, hay nhà thơ Trần Dần đã khái quát màu tím sông Hương thành “nhân loại tím”; và thi sĩ Đoàn Phú Tứ nổi tiếng “màu thời gian tím ngát” như thể viết riêng cho dòng Hương đã hiện lên trong hồi ức của người thơ Hoàng Phủ : “ Qủa thực tôi đang đối diện với một đời nghệ sĩ tài hoa, đến bây giờ cốt cách vẫn chưa phai mờ. Tưởng lại gương mặt sầu buồn trải mấy mươi năm giữa xóm đê ven sông này, tôi kinh hãi nhận ra từ đáy ký ức vui buồn của ông, mải miết trôi đi một dòng sông tím ngát”. Lại thêm một quan sát và phát hiện của tác giả khi nói về chuyện uống rượu của chàng nghệ sĩ  cốt cách hào hoa- Tư Mã (Tương Như) thời nay-nhạc sĩ Văn Cao, trong một đêm trên phá Tam Giang : “Anh Văn Cao rất lạ, anh có thể uống rượu với mọi người bằng một tâm cảm bè bạn như nhau, nhưng sẽ nhất định từ khước và bỏ đi khỏi cuộc nếu buộc phải nâng chén   với một vài người nào đó mà anh nghi ngờ về nhân cách”. Đó không phải là thù tạc thông thường, không phải là đối ẩm giao bôi mà là chuyện đối nhân xử thế, cũng như dòng Hương không phải là vật thể thiên nhiên vô tri vô giác mà qua tâm sự của nghệ sĩ ngôn từ đã hiển hiện như một sông-người, một “nhân giang” trong cách nhìn Hoàng Phủ, và  đương nhiên cần phải được đối xử như với một con người.

   Nhà giáo ưu tú, nhà thơ Võ Văn Hoa đã cảm nhận đôi điều tác phẩm của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (băng)

   Đó là những áng văn hay về cố đô Huế.  

 

    NHỚ NHẠC SĨ PHẠM DUY ĐÃ 100 NĂM TUỔI

                                                                                       (Xuân Dũng)

   Nhạc sĩ Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921, nay nếu còn sống ông đã tròn 100 tuổi.

  Gần 20 năm trước  tôi vào Huế gặp nhạc sĩ sau khi ông về làng Mai Xá (Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị) nơi hơn nửa thế kỷ trước ông đã sáng tác bài hát nổi tiếng “Bà mẹ Gio Linh”. Tôi được ông tiếp chuyện tại tư gia nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Tôi hỏi chuyện ông về một số bài hát hát mà tôi quan tâm, về quan niệm sáng tác của nhạc sĩ. Đó là quả là một một lần chuyện trò khá thú vị. Khi chia tay, ông  ông ký tặng tôi bài hát  “Bà mẹ Gio Linh”.

   Những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, lúc tôi chừng hơn 10 tuổi. Hồi ấy cả nước còn nghèo khó, lạc hậu. Khi hòa bình mới lập lại sau ngày 30/4/1975 thì gian nan, thiếu thốn trăm bề. Đói cơm, đói cả các món ăn văn hóa tinh thần. Giữa vùng quê Quảng Trị còn ngổn ngang bom đạn thời hậu chiến, những đứa trẻ như tôi thường nghe người lớn hát lại những bài ca kháng chiến thời chống Pháp. Nhiều bài lắm nhưng thường là không biết tên tác phẩm mà chỉ nghe ca từ, giai điệu (có khi không thật chính xác). Sau này khi lớn lên, anh em chúng tôi tìm hiểu mới biết đó là những ca khúc như: Xa chiến khu của Đỗ Nhuận, Đường rừng của Trần Hoàn hay Bà mẹ Gio Linh của Phạm Duy... Còn nhiều bài hát nữa đến nay vẫn còn là ẩn số khi đi tìm nguyên bản, tên tác giả, tác phẩm.
   Trong số những bài hát kháng chiến chống Pháp có một bản hùng ca, giai điệu hùng tráng mà pha chút gì lãng mạn:

Bông Lau!Bông Lau! Rừng xanh pha máu
Biên cương lưu danh ngàn đời về sau
Khi quân ta tiến ra, vung gươm lên chói lòa
Là quân Pháp một đi không còn về.
   Đọc hồi ký Phạm Duy và qua sách báo, tôi biết được Bông Lau là một địa danh, một con đèo hiểm trở nằm trên vòng cung Đông Bắc của đường số 4 thuộc tỉnh Lạng Sơn giáp với tỉnh Cao Bằng. Nơi đây vào ngày 30/10/1947, bộ đội ta đã phục kích và tiêu diệt hàng trăm tên lính Pháp. Nhạc sĩ nhớ lại: “Cũng ở vùng Lạng Sơn này và cũng trong chiến dịch biên giới năm 1947, tôi soạn một hành khúc mang tên một địa chiến là: BÔNG LAU. Tôi cũng quên hết lời ca và nhạc điệu rồi, chỉ còn nhớ vài câu.  Ông còn nói thêm rằng, chính một đồng nghiệp một thời kháng chiến của ông là nhạc sĩ Ngọc Bích (vừa qua đời mấy năm) đã có lần nhắc ông nhớ lại tác phẩm này và hát lại bài hát: Bông Lau rừng xanh pha máu.
   Trong hồi ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp (một người yêu nhạc và chơi dương cầm khá hay) có kể lại rằng hai bài hát thời đầu kháng chiến chống Pháp được ông yêu thích nhất và thường nhắc đến, đó là trường ca Sông Lô của Văn Cao và Bông Lau rừng xanh pha máu của Phạm Duy

  Một  bài hát mà tuổi đời đã đến hơn 70, tuổi người sáng tác nếu còn sống cũng đã tròn một thế kỷ  và tuổi của vị danh tướng cũng đã  ngoài trăm năm. Nhưng bất chấp mọi sự biến cải của nhân thế, bài hát vẫn còn lưu truyền âm ỉ trong dân gian như một hòn than nóng làm ấm lại ký ức những người gần đất xa trời và truyền lại cho đời sau một tinh thần yêu nước, gìn gữ non sông.

  




 

 

 

File đính kèm:
File Video :
Người tạo Ngày tạo Người duyệt Ngày duyệt
Phạm Xuân Dũng 04/10/2021 17:07 Lê Vĩnh Nhiên 05/10/2021 14:18
Đài phát thanh - Truyền hình Quảng Trị
Địa chỉ: 105/2 Nguyễn Trãi, Phường 1, Thành phố Đông Hà